Chuyện vị tướng cận vệ của Bác Hồ

Thiếu tướng Trần Kinh Chi vừa từ trần hồi 5 giờ 53 phút ngày 25/12/2018, hưởng thọ 92 tuổi. Ông tham gia kháng chiến từ năm 16 tuổi. Sau thời gian công tác ở Cục Bảo vệ An ninh Quân đội trực thuộc Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) với vai trò Cục trưởng, ông được Bộ Chính trị bổ nhiệm là Tư lệnh đầu tiên của Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông là Ủy viên thường trực Ủy ban Điều tra tội ác chiến tranh và công tác ở đây đến khi nghỉ hưu (năm 1992). Báo Lao động và Xã hội xin giới thiệu đôi nét về cuộc đời của ông - vị tướng đặc biệt, cận vệ của Bác Hồ.

Thiếu tướng Trần Kinh Chi lúc sinh thời

Thiếu tướng Trần Kinh Chi lúc sinh thời

Thiếu tướng Trần Kinh Chi, đến với cách mạng từ năm 16 tuổi, và gắn bó cuộc đời của mình với lý tưởng cách mạng. Vì Tổ quốc, vì nhân dân, trong cuộc đời của mình, ông vinh dự có thời gian được phân công làm cận vệ của Bác Hồ trong nhiều chuyến công tác của Người. Niềm vinh dự này cùng với cuộc đời hoạt động cách mạng đã được Thiếu tướng Trần Kinh Chi chia sẻ một cách chân thực và sinh động. Có thể nói, những tư liệu, góc nhìn về những sự kiện lịch sử của đất nước qua lăng kính của một người trong cuộc được Thiếu tướng Trần Kinh Chi tái hiện sống động trong cuốn hồi ký “Trần Kinh Chi - Chuyện vị tướng cận vệ của Bác Hồ”. Hơn thế nữa, những dòng hồi ức của ông còn là tư liệu rất quý cho các nhà nghiên cứu lịch sử Đảng, những người sáng tác văn học - nghệ thuật.

Thiếu tướng Trần Kinh Chi cho biết, ông đã gắn bó cuộc đời mình với cách mạng. Ông đã kể lại chuyện đời mình một cách cụ thể, tỉ mỉ, chính xác hết sức có thể dựa theo những gì ký ức còn lưu giữ với thái độ trung thực, khách quan nhất với kỳ vọng thế hệ trẻ nói chung có thể tiếp thu được những bài học giá trị để thêm chủ động, tự tin khi lựa chọn thái độ sống, làm việc và cống hiến cho đời. Qua chuyện kể, ông có một tuổi thơ vất vả, lận đận đường học hành. Nếu không sớm giác ngộ cách mạng, cuộc đời ông không biết đi về đâu. Ông đến với cách mạng khi là một chàng thanh niên yêu nước dòng giống con cháu Lạc Hồng, giác ngộ ra “sứ mạng của Việt Minh là đánh Tây đuổi Nhật, đem lại cuộc sống tự do, bình yên cho đồng bào”. Ông may là sớm được gần gũi với nhiều cán bộ lãnh đạo của Đảng ta hồi ấy, trong đó có các đồng chí: Xuân Thủy, Lê Quang Hòa, Bùi Quang Tạo… và sau này là Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Dương Quốc Chính… Ông sớm được huấn luyện những bài học chính trị, quân sự… - cái vốn ban đầu rất quan trọng để ông tích cực hoạt động, vận động quần chúng tham gia Việt Minh.

Kỷ niệm của tướng Trần Kinh Chi với thế hệ cán bộ cuối cùng Ủy ban Điều tra tội ác chiến tranh

Bước ngoặt cuộc đời là vào năm 16 tuổi, ông được gặp gỡ cách mạng sau những năm tháng ấu thơ “phần khổ nhiều hơn phần sung sướng, phần u buồn nhiều hơn phần vui tươi”. Ông tâm sự: “Khoảng tháng 6/1943, khi tôi ở tuổi 16, tôi chính thức đặt chân đến với cách mạng, khiến cả chặng đời sau của tôi hoàn toàn đổi thay theo chiều hướng không bao giờ ngờ đến”. Thiếu tường Trần Kinh Chi cho biết, khi đến với cách mạng, dù phải trải qua cuộc sống kham khổ, thiếu ăn, “có thể bị bỏ tù, tra tấn, xử tử bất cứ lúc nào” nhưng ông và các đồng chí không mảy may nghĩ đến những điều ấy mà chỉ dồn hết trí lực vào hoạt động. “Chúng tôi không hề nghĩ đến việc nếu bị bắt thì ứng phó ra sao, khai báo thế nào, thái độ đối với chính quyền ra sao, các phương án trốn tù… Tôi cũng chẳng còn nghĩ ngợi gì đến chuyện yêu đương, ăn diện, hưởng thụ, ngay cả những người ruột thịt tôi cũng không quan tâm được nhiều. Tôi chỉ tập trung dấn thân vào hoạt động cách mạng cho thỏa chí làm trai thời loạn lạc và thực hiện lý tưởng cách mạng”.

Giai đoạn 1945 - 1950 đánh dấu những bước thăng trầm trong sự nghiệp hoạt động cách mạng của Thiếu tướng Trần Kinh Chi. Khi mới 18 tuổi, ông đã trở thành Bí thư huyện Tùng Thiện (Tây Sơn), đồng thời chỉ đạo phong trào cách mạng ở thị xã Sơn Tây và huyện Phúc Thọ. Mặc dù chưa chạm ngõ 20 tuổi nhưng Trần Kinh Chi đã có tiếng trong tỉnh Sơn Tây. Đầu năm 1946, khi cả nước diễn ra bầu cử Quốc hội và bầu cử HĐND, ông đã tham gia và trúng cử. Lúc ấy, tờ báo Tiếng Xứ Đoài đã đăng một bài viết về ông và gọi ông là “một thanh niên anh hùng của tỉnh nhà”. Năm 1950, thời kỳ cả nước dồn sức cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, từ Nha Công an Trung ương, Trần Kinh Chi được biệt phái sang Bộ Quốc phòng để tăng cường cho quân đội. Cũng từ đây, ông bắt đầu khoác áo lính, bắt đầu một hành trình sự nghiệp mới vô cùng sôi động và có nhiều sự kiện đáng nhớ gắn với những trang sử chói lọi của dân tộc cũng như vị lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại mà ông kính yêu như người Cha. Đây cũng chính là giai đoạn quan trọng nhất trong sự nghiệp của Tướng Trần Kinh Chi.

Trần Kinh Chi từng kinh qua các chức vụ Cục trưởng Cục Bảo vệ quân đội, Tư lệnh - Trưởng ban phụ trách Quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình. Đặc biệt, Thiếu tướng Trần Kinh Chi đã kể lại rất nhiều ký ức của ông về Bác Hồ. Tháng 1/1951, ông được nhận nhiệm vụ bí mật và quan trọng đi bảo vệ trong thời gian Bác đi làm việc với các đơn vị bộ đội. Chuyến công tác Việt Bắc 6 ngày bảo vệ Bác đã trở thành “ký ức vô cùng đẹp đẽ, đặc biệt” trong lòng Trần Kinh Chi. Bởi từ chuyến công tác này, ông đã học được ở Bác những bài học về lối sống, lý tưởng cách mạng, đạo đức của người chiến sĩ một cách sinh động.Có nhiều thời gian ở bên Bác, Trần Kinh Chi đã có dịp chứng kiến cả những giây phút đời thường của bậc vĩ nhân mà không phải ai cũng biết. Đặc biệt cảm động là có lần chính Bác Hồ lại… trông cho người cận vệ của mình ngủ. “Có lần, vì quá mệt mỏi bởi đi đường xa, lại không được nghỉ ngơi đầy đủ, Bác thiếp đi trên xe. Tôi nhẹ nhàng vòng tay cho Người tựa vào, lòng những mong Bác thật ngon giấc. Ấy vậy mà chỉ một lúc sau, mí mắt tôi ríu lại. Một lúc sau, lơ mơ tỉnh giấc, tôi thấy mình đang… tựa hẳn trong lòng Bác, còn Bác thức giấc tự khi nào. Thấy thái độ rụt rè, ngại ngần của tôi, Người ân cần hỏi: “Chú ngủ có thích không? Đi thế này mệt thật!”. Nhớ lại, ông bồi hồi cho biết lúc ấy “những ký ức ấu thơ được bao bọc trong tình yêu thương của cha mẹ như dòng nước ấm chảy về trong tâm hồn tôi”. Thiếu tướng Trần Kinh Chi cũng là người chứng kiến và làm nhiệm vụ trong lại những giây phút cuối cùng của Bác Hồ trước khi mất: “Đúng 9 giờ 47 phút (ngày 2/9/1969), tim Bác ngừng đập. Chiếc quạt lá cọ rời tay đồng chí Vũ Kỳ, anh gục khóc nức nở. Các bác sĩ tích cực xoa bóp, hô hấp nhân tạo cho Bác nhưng vô vọng. Bên giường Bác, lúc 10 giờ 47 phút, tức sau 1 giờ tim Bác ngừng đập, đồng chí Phạm Văn Đồng sau khi trao đổi với các bác sĩ làm công tác cấp cứu đã ra lệnh: “Thôi, các đồng chí để yên cho Bác nghỉ”. Những người ở bên giường Bác òa lên khóc nức nở... Như nhiều đồng chí khác, tôi trải qua cú sốc mất đi người Cha kính yêu. Những kỷ niệm ấm áp bên Bác ùa về trong lòng tôi như dòng suối ấm vỗ về trái tim đang trải qua cơn xúc động mạnh. Ngày 2/9/1969 vĩnh viễn lưu dấu trong lòng tôi bởi sự ra đi của người Cha, người thầy cách mạng tôi trọn lòng thương mến”.

Không chỉ bảo vệ khi Bác còn sống, Trần Kinh Chi còn được giao nhiệm vụ là người bảo vệ cho Bác yên giấc ngàn thu. Nhận nhiệm vụ thiêng liêng này, ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, chỉ đạo, triển khai 2 công trình mật danh 75A, 75B về giữ gìn, quàn và bảo quản thi hài Bác, đặc biệt là bảo vệ thi hài bác trong lúc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ đang trong giai đoạn ác liệt nhất. Ông đã dành nhiều thời gian, tâm sức chỉ huy cuộc hành quân di chuyển, bảo vệ thi hài Bác mà theo ông là đầy vất vả và cảm động…

Trong gia đình, ông là một người đồng chí, một người chồng thương yêu vợ con hết lòng, thủy chung son sắt. Bà Ngân Bình, vợ ông cũng là tấm gương điển hình của một cán bộ phụ nữ vừa tần tảo, vừa nuôi con, nuôi mẹ, vừa tham gia hoạt động, trở thành hậu phương ấm áp cho người chồng thường xuyên xa nhà. Ở cương vị nào, ông cũng làm tròn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và chú trọng đào tạo cán bộ trẻ, nhiều lớp cán bộ kế cận được ông đào tạo nay đã trưởng thành. Cũng như vị Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp, ông đúng là “Bộ đội Cụ Hồ”, “dĩ công vi thượng”, xứng đáng với trọng trách “vị tướng cận vệ của Bác Hồ”.Ngày 23/11/2017, tại nhà riêng khu tập thể 16A Lý Nam Đế, như linh cảm điều gì, ông cho gọi chúng tôi (thế hệ cán bộ cuối cùng của Ủy ban Điều tra tội ác chiến tranh) đến cùng tâm sự, chia sẻ nhiều điều. Trong câu chuyện của mình, ông còn vương vấn nhiều ước vọng, khát khao mãnh liệt, ông nhắc: “… Cả cuộc đời tớ theo cách mạng, theo Bác Hồ. Tớ luôn rèn luyện, học hỏi và hoàn thành mọi nhiệm vụ. Trong khó khăn, tớ càng chăm chỉ, không bỏ cuộc, luôn biết vượt qua nghịch cảnh. Tớ tự hào đã rèn luyện, đào tạo và giới thiệu cho Đảng, Nhà nước nhiều cán bộ có bản lĩnh vững vàng, luôn nghiêm khắc với bản thân, vì dân vì công việc…”. Tặng sách, ông nói: “Tất cả tâm sự của tớ là ở trong này và nhắc chúng tôi phải luôn cố gắng thể hiện bản lĩnh, xác định rõ thái độ cần có để nâng cao giá trị bản thân”.

Vâng, những tâm sự, ước vọng của người lính cận vệ già Trần Kinh Chi sẽ còn mãi và nâng bước chúng tôi.

Thiếu tướng Trần Kinh Chi, tức Nguyễn Văn Hợp, sinh ngày 20 tháng 5 năm 1927, nguyên quán xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội; trú tại khu tập thể 16A Lý Nam Đế, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội. Tham gia hoạt động cách mạng từ tháng 3/1943; Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 8/1945; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng; nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Trưởng Ban phụ trách quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trực thuộc Chính phủ; Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, Ủy viên thường trực Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; nghỉ hưu 01/6/1992. Ông đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng:

- Huân chương Quân công Hạng Hai.

- Huân chương Chiến công Hạng Hai.

- Huy chương Chiến thắng Hạng Hai.

- 02 Huân chương Kháng chiến Hạng Ba.

- Huân chương Chiến sĩ vẻ vang Hạng Nhất, Nhì, Ba.

- Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất.

- Huy chương Quân kỳ Quyết thắng.

- Huân chương Độc lập Hạng Nhất (năm 2009).

- Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

NGUYỄN TRUNG CHÍNH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/chuyen-vi-tuong-can-ve-cua-bac-ho-d88011.html