Chuyện vị Chính ủy 'cãi' lệnh của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

'Trong công việc thỉnh thoảng tôi có ý kiến khác với chỉ đạo của Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên. Anh em trong đơn vị nói vui là tôi hay cãi. Có lần tôi buộc phải chấp hành mệnh lệnh của ông, nhưng khi tổng kết tôi đã thẳng thắn phê bình và ông cũng thẳng thắn nhận lỗi', Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam kể với PV Dân Việt.

Đồ họa Việt Anh.

Đồ họa Việt Anh.

“Sao anh cãi tôi, cứ làm theo lệnh”

Dù đã bước sang tuổi 91, nhưng tướng Võ Sở, nguyên Phó Tư lệnh, Chính ủy Binh đoàn Trường Sơn (Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam) vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Ông cho biết, đã có thời gian dài làm việc trực tiếp với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn (giai đoạn 1967 -1975) trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại và có những kỷ niệm không bao giờ quên.

Tướng Võ Sở kể: Vào tháng 6.1970, các trục vận chuyển do Binh trạm 42 (lúc này tôi là Chính ủy Binh chạm 42) đảm nhiệm lầy lội và ngập nước do những trận mưa chiều liên tục trút xuống rừng Lào và tây Trị -Thiên. Ở những quãng đường thấp đã chớm thành “túi nước”. Toàn Binh trạm bắt đầu triển khai kế hoạch mùa mưa.

Đột xuất vào một buổi sáng, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên điện thoại lệnh cho Binh trạm 42 dùng 20 xe ô tô vận tải khẩn cấp chở hàng giao cho Quân khu 5. Ban chỉ huy Binh trạm hội ý chớp nhoáng. Tôi nói luôn, không thể vận chuyển bằng xe tải lúc này, vì “túi nước” tại A Lưới khá sâu và dài tới vài km, xe tải khó có thể vượt được. Nếu như địch phát hiện và tập trung đánh chặn thì xe cháy, hàng cháy là điều không tránh khỏi.

Thiếu tướng Võ Sở (ảnh hoitruongson).

Tôi đề xuất phương án, chúng ta sẽ tăng cường lực lượng công binh hộ tống cho xe con chuyển hàng theo đường thường sử dụng loại xe này, kết hợp với gùi thồ để chi viện cho Quân khu 5.

Tôi cầm điện thoại báo cáo với Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên phương án trên, ông yêu cầu chúng tôi nghiên cứu, bàn bạc kỹ lại. Chiều hôm đó tôi gọi điện báo cáo Tư lệnh rằng vẫn giữ chủ trương như đã trình bày ban sáng. Nghe thế ông ngắt lời tôi, giọng rất gay gắt: Sao anh cãi tôi, cứ làm theo lệnh.

Tôi giải thích lại với Tư lệnh, phương án của chúng tôi là căn cứ vào tình hình thực tế của công binh vừa báo cáo. Không thể sử dụng xe vận tải chạy qua “túi nước” A Lưới. Trước đó đã có bài học từ thử nghiệm xe tải cơ giới không thành trong mùa mưa năm 1968.

Tuy nhiên Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên không thay đổi quyết định, còn chúng tôi buộc phải chấp hành. Kết cục đúng như chúng tôi đã lường trước, khi đoàn xe 20 chiếc qua “túi nước” A Lưới, có mốt số xe bị bắn cháy, một số xe hỏng nặng. Chúng tôi tổ chức kéo xe vào hai bên đường, còn số hàng không cháy được tổ chức gùi thồ giao cho Trị -Thiên.

Tướng Đồng Sỹ Nguyên (người mũ vải) tại đường Trường Sơn (ảnh TL).

Sự cố A Lưới của Binh trạm 42 được nêu ra tại Hội nghị tổng kết mùa khô. Tôi đã thẳng thắn phê bình Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên. Ông cũng rất thẳng thắn tự phê bình và xin lỗi. Ông xin rút kinh nghiêm vì khi ra mệnh lệnh đã không nắm vững tình hình, không nghiên cứu kỹ đề xuất của cấp dưới. Ông còn dùng một câu ngạn ngữ đặc trưng của miền Trung “dùi đánh đục, đục đánh khăng”- nghĩa là do cấp trên thúc mạnh nên ông buộc phải thúc cấp dưới.

Bên lề hội nghị, Thư ký của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên cho tôi biết: Nhiều người ở cơ quan Bộ Tư lệnh biết chuyện ông Võ Sở khăng khăng không đồng ý cho 20 xe vận tải qua “túi nước” A Lưới đã ví: Ông Sở giống ông đồ “gàn” xứ Nghệ Nguyễn Văn Lạn (Binh trạm 31) dám cự lại Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên phản đối quyết định thử nghiệm vận tải mùa mưa năm 1967.

Sự nghiệp của Tướng Đồng Sỹ Nguyên gắn với đường Trường Sơn huyền thoại (ảnh TL).

“Ông có nhược điểm đáng quý”

Một kỷ niệm nữa đáng nhớ nữa của tôi với Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên. Vào tháng 12.1972, Quân khu 5 và Mặt trận Tây Nguyên giải phóng phần lớn tỉnh Kom Tum. Nhiệm vụ cấp bách đặt ra với Quân khu 5 là cung cấp ngay một lượng lớn lương thực cứu đói cho nhân dân vùng giải phóng. Ông Trần Kiên (tức Nguyễn Tấn Tài), Ủy viên Thường vụ Khu ủy Khu 5, phụ trách tỉnh Kom Tum tức tốc gặp chúng tôi yêu cầu chi viện cho Kom Tum 300 tấn gạo.

Vì yêu cầu trên ngoài kế hoạch nên tôi gọi điện báo cáo Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên. Ở đầu dây điện thoại bên kia, Tư lệnh cứ khụt khịt liên tục (thường khi xúc động hoặc có biểu bực bội là ông Nguyên lại có cử chỉ đó). Rồi ông ra chỉ thị: Anh Trần Kiên đã nói thế thì tình thế căng lắm. Không chỉ 300 tấn mà Sư đoàn 471 chuyển giao cho Kom Tum 500 tấn gạo và thực phẩm, nhớ chuyển thẳng, không qua Sư đoàn 470 và Mặt trận Tây Nguyên.

Qua việc này tôi càng hiểu thêm tính cách của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên. Ông là vị chỉ huy không chỉ nắm vững, vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương mà còn nhạy cảm chính xác với những quyết định chiến lược. Ông luôn tìm cái mới, chú trọng bám sát thực tế. Ông cũng là người coi trọng tổng kết kinh nghiệm qua mỗi giai đoạn.

Trong sử dụng cán bộ, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên là người biết động viện cao độ nhiệt tình cũng như năng lực của anh em, khoan dung với những khuyết điểm anh em phạm phải…Tuy nhiên ông cũng có vài nhược điểm mà anh em chúng tôi nói vui “nhược điểm đáng quý”. Do quá tin tưởng cán bộ nên có trường hợp cán bộ cấp dưới đã lợi dụng báo cáo thêm thành tích.

Cá nhân tôi được ông tin giao nhiều nhiệm vụ, thường là khó khăn, tôi đã học hỏi ở ông được nhiều điều, đặc biệt là sự quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tác phong thực sự thực tế, giống như ông đã tổng kết “ba bám, bốn nhanh, năm trực tiếp”. Trong suốt thời gian làm Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn đặt nhiệm vụ chi viện, đảm bảo cho chiến trường lên hàng đầu, kể cả chiến trường Nam, Trung, Hạ Lào và Campuchia. Ông không để hụt một kg hàng nào so với kế hoạch chi viện, nếu điều kiện cho phép.

Lương Kết (ghi thời lời kể của Tướng Võ Sở)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/chuyen-vi-chinh-uy-cai-lenh-cua-trung-tuong-dong-sy-nguyen-969373.html