Chuyện về 'tác thật' – nhạc sĩ Quách Mộng Lân

Nhạc sĩ Quách Mộng Lân, sinh năm 1939, hiện đang nghỉ hưu tại phường Bắc Lý, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Cuộc đời ông có nhiều kỷ niệm khó quên, nhưng có một kỷ niệm đỏ thiêng liêng nhất trong đời là được Bác Hồ gọi tới để phát phần thưởng, đó là một điếu thuốc trong bao thuốc lá đang hút dở của Người.

Khi thuật lại chuyện này với tôi, nhạc sĩ Quách Mộng Lân nét mặt rạng rỡ, giọng nói hưng phấn lạ thường. Ấy là, sau những ngày giao lưu biểu diễn ở một số tỉnh phía Bắc, Đoàn văn công Quảng Bình trở về Hà Nội, dự kiến sẽ biểu diễn cho cán bộ và nhân dân đất Hà Thành xem tại Hội trường câu lạc bộ Thống Nhất, vào tối ngày 1-5-1966.

5 giờ chiều, hai xe ca đến đón 20 người trong đoàn, cùng hành lý, nhạc cụ, đạo cụ biểu diễn. Nhưng, xe không chạy về hướng câu lạc bộ Thống Nhất Hà Nội mà lại chạy vào Phủ Chủ tịch. Lúc bấy giờ, mọi người mới biết, tối nay, mình sẽ được biểu diễn cho các đồng chí lãnh đạo Trung ương Đảng và Chính phủ xem.

Quả thật vậy, khi giờ biểu diễn sắp bắt đầu, thì từ đâu, Bác Hồ nhẹ nhàng bước vào khu hậu trường. "Bác Hồ! Bác Hồ!"! "Bác Hồ muôn năm! Muôn năm!". Mọi người trong đoàn tưởng như mơ, nhưng đang là thực, vì Bác Hồ đang hiển diện trước mặt. Vỡ òa niềm vui đột ngột, mọi người đã hô vang như thế đến líu môi, líu lưỡi. Sung sướng và xúc động quá, mấy cô văn công Quảng Bình bật òa khóc, nước mắt giàn giụa. Bác nhẹ nhàng nói: "Thôi, các cháu khẩn trương lên, các đại biểu đã đến đủ cả rồi đấy!".

Bác Hồ chụp ảnh kỷ niệm với Đoàn Văn công Quảng Bình tối 1/5/1966.

Bác Hồ chụp ảnh kỷ niệm với Đoàn Văn công Quảng Bình tối 1/5/1966.

Biết cô Nam Kỷ, diễn viên trong đoàn đau bụng đột ngột, trước đó Bác Hồ đã cho người mang thuốc đến chữa trị. Lúc này, Người không quên hỏi lại: "Cái cháu lúc nãy đau bụng, uống thuốc đã đỡ chưa?". Cô Nam Kỷ bước đến, cảm động nói: "Thưa bác, con đỡ rồi ạ!".

Giờ diễn bắt đầu, cả đoàn kéo ra sân khấu để chào khách. Sau lời chúc mừng các vị khách của đồng chí Trưởng đoàn, Bác Hồ bước lên, cầm micrô làm MC, vui vẻ: "Thưa các cô, các chú trong Bộ Chính trị và Chính phủ. Từ Quảng Bình xa xôi, Bác cháu chúng tôi ra đây, gồm 7 gái, 13 trai để phục vụ nhân dân và cán bộ. Mong các cô, các chú nhiệt tình cổ vũ, có gì góp ý xây dựng cho những tiết mục cây nhà lá vườn của chúng tôi. Chúng tôi vô cùng cám ơn!". Bác Hồ nói xong, cả khán phòng vang lên tiếng vỗ tay. Rồi với tác phong như một MC thành thạo, Bác giới thiệu tiết mục đầu tiên do tốp ca nữ trình bày tổ khúc dân ca Bình Trị Thiên mừng Đảng, Bác quang vinh...

Một chi tiết vô cùng lý thú là khi diễn viên Kim Oánh lên ngâm vè bài thơ "Mẹ Suốt" theo thể ca vè Bình Trị Thiên. Kim Oánh ngâm xong, Bác bước lên, hỏi: "Bài này cháu biết ai viết không?". Diễn viên Kim Oánh trả lời: "Dạ thưa Bác, nhà thơ Tố Hữu ạ".

Bác lại hỏi: "Thế cháu đã biết nhà thơ Tố Hữu chưa?". Kim Oánh lại thưa: "Dạ chưa ạ!". Bác Hồ liền quay xuống khán phòng và nói: "Mời nhà thơ Tố Hữu lên sân khấu cho diễn viên gặp mặt". Nhà thơ Tố Hữu chậm rãi bước lên, với một cành hoa trong tay. Tặng hoa cho Kim Oánh xong, nhà thơ Tố Hữu liền nói: "Chừ o đã chộ tui chưa?". Cả khán phòng vỡ òa ngả nghiêng trong tiếng cười và tiếng vỗ tay.

Nhạc sĩ Quách Mộng Lân trong lần biểu diễn này phụ trách một nhạc cụ chủ công của đoàn, đó là kéo Áccoócđêon. Nhờ tiếng đàn ấy mà mọi tiết mục đơn ca, tốp ca, hợp ca của anh em trong đoàn biểu diễn thêm sinh động, rộn ràng.

Một vinh dự là lúc đó, anh đệm đàn cho tốp ca nam của đoàn hát bài "Chuyến phà đêm" do chính anh sáng tác. Bài "Chuyến phà đêm" có giai điệu trầm hùng, nhộn nhịp, náo nức, diễn tả những chuyến phà vượt sông, chở xe, vũ khí và người ra tiền tuyến. Ý thức được tầm chiến lược của hiện thực mà đề tài bài hát đề cập đến, khi giặc Mỹ đang phát động cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc, Bác Hồ và các vị đại biểu của Trung ương Đảng và Chính phủ có mặt lúc đó vỗ tay nhiệt liệt.

Cuối buổi biểu diễn, trước khi chụp ảnh kỷ niệm chung với toàn đoàn, Bác Hồ bước lên sân khấu và nói: "Chú kéo cò ke" (ý nói kéo Áccoócđêon - TG) đâu rồi? đến đây Bác tặng thuốc lá cho!". Nhạc sĩ Quách Mộng Lân bước tới lễ phép: "Thưa Bác, dạ cháu đây ạ!". Có gì tặng nấy, cho kịp thời, đó là cách ứng xử chân tình và hợp lý của những vĩ nhân. Bác Hồ là con người như thế nên đã rút bao thuốc lá đang hút dở của mình rút một điếu tặng cho nhạc sĩ Quách Mộng Lân. Anh đưa hai tay ra nhận và còn tranh thủ vuốt tay mình tận khuỷu tay của Bác để tận hưởng sự mềm mại, mát mẻ từ da thịt của Người truyền sang.

Thấy thế, các diễn viên khác cũng đua nhau vui vẻ ngã tay xin Bác tặng quà. Bác chỉ phát thuốc cho những diễn viên nam, quay lại chuẩn bị phát kẹo cho các diễn viên nữ. Đồng chí Tố Hữu đứng bên thưa lại: "Thưa Bác, phụ nữ Quảng Bình hút thuốc cũng hung (nhiều) lắm đấy ạ!".

Bác cười: "Phụ nữ thì nên ăn kẹo thôi!". Đồng chí trưởng đoàn nói thêm với Bác: "Thưa Bác, chú kéo "cò ke" là tác giả của bài "Chuyến phà đêm" lúc nãy được trình diễn đấy ạ". Bác Hồ tươi cười: "Không, Bác cần tác "thật", chứ không cần tác "giả". Cách chơi chữ tinh tế pha chút hài hước của Bác là sự nhắc nhở nhạc sĩ Quách Mộng Lân, hay bất cứ ai lúc sáng tác phải là tác "thật" chứ đừng tác "giả".

Nhạc sĩ Quách Mộng Lân.

Điếu thuốc Bác Hồ tặng, nhạc sĩ Quách Mộng Lân mang về quê, trân trọng thuồn vào một ống nghiệm, nút kín, ngoài có dán nhãn đề: "Quà Bác Hồ tặng tác "thật" Quách Mộng Lân". Vật kỷ niệm vô giá đó cùng tấm ảnh chụp chung toàn đoàn với Bác, cùng một số đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước lúc bấy giờ, qua bao ngày tháng chiến tranh, ông vẫn cất giữ. Đó là những báu vật thiêng liêng. Tấm ảnh thì còn, nhưng điếu thuốc lá quá tuổi thọ đã tự nó phân hủy trong ống nghiệm. Tuy nhiên, cho đến bây giờ, cái ống nghiệm đựng tàn thuốc rã do Bác Hồ tặng nhạc sĩ Quách Mộng Lân vẫn giữ mãi bên mình.

Là con của một liệt sĩ, nguyên là Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Quảng Bình, hy sinh trong kháng chiến chống Pháp và cháu họ của anh hùng liệt sĩ Quách Xuân Kỳ, người đã lấy máu viết nên cuốn nhật ký bất hủ trong những ngày bị Pháp bắt, cầm tù để tỏ rõ khí tiết của một Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Đồng Hới, nhạc sĩ Quách Mộng Lân đã sống, làm việc xứng đáng với niềm tin yêu của mọi người. Ông là nhạc sĩ, nghệ sĩ gạo cội của văn công Quảng Bình nói riêng, Bình Trị Thiên nói chung. Hơn 50 ca khúc mà ông đã sáng tác, nhạc sĩ Quách Mộng Lân đã để lại cho âm nhạc địa phương và nước nhà những giá trị đáng kể.

Một số ca khúc của ông đã được giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và đã được Đài TNVN thu âm sử dụng trong nhiều chương trình ca nhạc của mình. Năm 1981, Quách Mộng Lân được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Do yêu cầu của tổ chức, từ năm 1987, nhạc sĩ Quách Mộng Lân được điều sang công tác ở Đài Phát thanh tỉnh Bình Trị Thiên. Khi Quảng Bình trở lại tỉnh cũ (1989), anh về công tác ở Đài Phát thanh truyền hình Quảng Bình và sau đó tổ chức rút sang làm Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Bình cho đến khi nghỉ hưu (1999).

Con trai trưởng nhạc sĩ Quách Mộng Lân hiện nay theo nghiệp bố. Anh đang là Trưởng đoàn văn công truyền thống Quảng Bình. Nhạc sĩ Quách Mộng Lân thường lấy lời dặn của Bác Hồ ngày ấy để dạy con trai mình: "Đừng làm tác "giả" mà làm tác "thật" trong mọi sáng tạo của mình".

Tuy nghỉ hưu nhưng nhạc sĩ Quách Mộng Lân vẫn không ngừng sáng tác và được mời đi chỉ đạo biểu diễn các hội diễn nghệ thuật ở các cơ sở và được nhiều giải thưởng hàng năm.

Hồ Ngọc Diệp

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/chuyen-ve-tac-that-nhac-si-quach-mong-lan-594390/