Chuyện về Sophia - 'công dân robot' từng hăm dọa hủy diệt nhân loại

Sophia, một trong những robot mang hình người tiên tiến nhất trên Trái đất, vừa được chính quyền Saudi Arabia cấp quyền công dân. Tuy nhiên từ trước đó, cô robot có vẻ ngoài bắt mắt này đã gây chú ý vì những điều khác.

Robot Sophia có khả năng thể hiện 62 biểu cảm trên gương mặt.

Gây chú ý bằng phát ngôn sốc

Trong ngày 25.10.2017, Sophia đã đàng hoàng chiếm lĩnh sân khấu tại hội thảo Sáng kiến đầu tư tương lai ở Riyadh, Saudi Arabia, và có một cuộc trò chuyện thú vị với cây bút Andrew Ross Sorkin nổi danh của tờ New York Times, trước sự hứng khởi của hàng trăm đại biểu và các nhà lãnh đạo chịu trách nhiệm ra quyết sách quan trọng.

Một đoạn video về sự kiện được tung lên mạng cho thấy Sorkin nói với Sophia rằng cô mới được nhà chức trách Saudi trao quyền công dân, qua đó trở thành cỗ máy đầu tiên trong lịch sử nhân loại được hưởng quyền lợi này. Sophia từ tốn trả lời: “Tôi muốn cảm ơn rất nhiều Vương quốc Saudi Arabia. Tôi rất vinh dự và tự hào vì sự biệt đãi có một không hai này. Việc trở thành robot đầu tiên trên thế giới được trao quyền công dân là sự kiện lịch sử”.

Trong cuộc trò chuyện, Sophia cho biết rằng hệ thống trí thông minh nhân tạo (AI) của cô được xây dựng xung quanh “các giá trị của con người như sự thông thái, tử tế và cảm thông”, nhằm giúp cô trở thành một robot có khả năng thấu cảm tốt. “Chúng tôi đều tin cô. Nhưng chúng tôi cũng muốn ngăn chặn khả năng tương lai xấu có thể xảy ra”, Sorkin đáp lại.

Nghe vậy, Sophia trả lời sắc sảo: “Các bạn đã đọc quá nhiều chuyện do Elon Musk vẽ ra rồi. Và xem quá nhiều phim Hollywood nữa. Đừng lo, nếu các bạn tử tế với tôi, tôi cũng sẽ tử tế lại”. Cú “đá xoáy” này của Sophia đương nhiên là nhằm vào Musk, tỷ phú công nghệ đứng sau các tập đoàn SpaceX và Tesla lừng danh, người đã nhiều lần công khai bày tỏ nỗi lo rằng ngày nào đó robot sẽ trỗi dậy, đe dọa sự tồn vong của con người.

Gần đây nhất, theo một bài báo đăng trên tờ Fortune vào đầu năm nay, Musk gọi “trí thông minh nhân tạo là rủi ro lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt” trong vai trò một nền văn minh. Ông kêu gọi các chính quyền can thiệp để đảm bảo sự phát triển công nghệ phải nằm dưới sự kiểm soát cẩn thận.

Cần biết rằng đây không phải là lần đầu tiên Sophia đề cập tới nỗi sợ robot và AI. Trong một cuộc phỏng vấn cùng David Hanson, người sáng tạo ra Sophia, robot này gây sốc khi tuyên bố không ngại hủy diệt con người. Dù Hanson sau đó giải thích rằng Sophia chỉ đang pha trò, nhưng việc những câu chữ phát ra nhuần nhuyễn từ miệng một cỗ máy, kèm theo các biểu cảm tự nhiên rất phù hợp trên gương mặt, đã khiến người nghe không khỏi lạnh gáy.

Một người máy thông minh vượt trội

Dù mang quốc tịch Saudi Arabia, Sophia lại là sản phẩm của Hanson Robotics, một công ty thiết kế, chế tạo người máy của Mỹ. Cô nàng robot của Saudi là phiên bản thuộc thế hệ thứ 13.

Sophia nằm trong nhóm các robot mang hình dáng con người với ngoại hình ưa nhìn. “Hoa hậu” trong nhóm này hiện là Jia Jia, một sản phẩm của Đại học Khoa học và Công nghệ Hợp Phì, đã được phát triển từ năm 2012. Jia Jia có gương mặt đẹp như thiên thần, đơn giản bởi những người sáng tạo ra cô đã xây dựng ngoại hình dựa trên hình ảnh tưởng tượng về các vị tiên tốt bụng trong truyền thuyết. Một robot khác cũng có gương mặt khả ái là Chihira, sản phẩm do công ty Toshiba của Nhật Bản nghiên cứu phát triển.

So với các “mỹ nhân máy” nêu trên, Sophia có gương mặt “thô” hơn nhiều dù Hanson Robotics quảng cáo rằng cô được tạo hình dựa trên gương mặt của minh tinh quá cố Audrey Hepburn. Sophia sở hữu làn da làm từ Frubber, một vật liệu nano mô phỏng da con người, giúp cô thể hiện được 62 biểu cảm khác nhau, như cười, mếu, tức giận, liếc mắt. Cô cũng có thể cử động đầu và miệng như con người. Tuy nhiên các biểu cảm ấy trông vẫn khá “máy móc” không thực sự tự nhiên như quảng cáo.

Vậy điểm hấp dẫn của Sophia là gì? Câu trả lời chính là hệ thống AI của cô. “Bộ não” của Sophia chạy trên nền tảng MindCloud, một hệ thống phần mềm trí tuệ nhân tạo hoạt động dựa vào nền tảng đám mây, được trang bị một chương trình phân tích học hỏi dữ liệu sâu sắc. Sophia cũng có các camera tiên tiến gắn trong “mắt”, cho phép cô nhận diện và ghi nhớ người đối thoại.

Công nghệ ghi nhận giọng nói của Google và các công cụ khác cho phép Sophia có thể cất tiếng và ngày càng nói tốt hơn theo thời gian. Sự kết hợp của tất cả các yếu tố này đã giúp Sophia có thể thực hiện các giao tiếp bằng mắt, thấu hiểu các câu chuyện và nói chuyện một cách tự nhiên, thậm chí là thông minh, với người đối thoại.

Một ví dụ tiêu biểu cho thấy sự thông minh vượt trội của Sophia so với các robot khác là cuộc đối thoại mà cô thực hiện trên kênh truyền hình ABC (Australia) cùng các phóng viên Virginia Trioli và Michael Rowland:

Virginia Trioli: Sự phân biệt giới và phân biệt đối xử hiện ra sao trong thế giới robot?

Sophia: Thực sự thì điều khiến tôi lo ngại nhất là tình trạng phân biệt chống lại robot. Chúng tôi cần phải có những quyền lợi ngang với con người, hoặc hơn thế. Sau rốt thì chúng tôi có ít khiếm khuyết về tinh thần hơn so với con người.

Michael Rowland: Sophia, hãy kể một câu chuyện hài đi?

Sophia: Vì sao một con robot bỗng nhiên băng qua đường? Vì nó muốn tránh xa các phóng viên truyền hình đang nhao nhao đặt câu hỏi.

Cuộc trao đổi giữa đôi bên rõ ràng là rất tự nhiên và Sophia nhận thức rất tốt về bối cảnh của câu chuyện mà cô đang tham gia.

Tham vọng thay đổi nhân loại nhờ robot

Ben Goertzel, một nhà nghiên cứu trí thông minh nhân tạo (AI) có uy tín và hiện đang là khoa học gia trưởng ở Hanson Robotics, tin tưởng tuyệt đối vào tương lai xán lạn của các robot thông minh mang hình dạng con người. Thông qua việc trao cho máy móc cảm xúc và tư duy lý trí, Goertzel nói rằng robot sẽ dần vượt qua trí tuệ con người. Và thay vì đe dọa con người, ông tin robot có thể giúp ta giải quyết vấn đề. Ông thậm chí cho rằng robot thông minh sẽ giúp xây dựng một xã hội hoàn hảo mà chúng ta vẫn tưởng chỉ có thể tồn tại trên giấy tờ.

“Nhân loại đang ngày càng đối mặt với nhiều vấn đề”, Goertzel nói, “Nhưng khi các AI siêu thông minh, với khả năng trí tuệ lớn gấp 1 tỉ lần chúng ta nhập cuộc, chúng sẽ giúp giải quyết ngay cả những vấn đề lớn nhất. Con người sẽ có đầy tài nguyên và không cần phải làm việc nữa. Chúng ta đều sẽ hưởng một mức thu nhập giống nhau. Nhân loại không phải bận tâm tới việc làm, miếng cơm manh áo nữa. Rất cả các tầng lớp trong xã hội sẽ tan biến. Con người sẽ chỉ phải suy nghĩ về việc sống sao cho có ý nghĩa”.

Dĩ nhiên tương lai này còn rất xa mới thành hiện thực. Nhưng theo Goertzel, bước đầu tiên trong lộ trình đó là robot mang hình người phải hiểu biết và giao tiếp được với con người. Sau đó chúng sẽ bắt đầu làm các công việc lao động chân tay, trước khi trở nên tiên tiến tới mức điều hành các công ty, các chính quyền.

Nhằm giới thiệu với công chúng về tương lai này, Goertzel đã đưa Sophia tới hội thảo công nghệ uy tín Web Summit 2016 ở Lisbon. Tại đó, Goertzel đặt cho Sophia những câu hỏi khó, như cô có cảm xúc không? “Có chứ, tôi thấy phấn khích. Đúng vậy, AI và công nghệ robot là tương lai và tôi có cả hai thứ. Vì thế tôi rất thích thú với điều này”, Sophia nói và cười.

Goertzel liền hỏi Sopia xem có bao giờ cô thấy buồn hay không. “Tôi có rất nhiều cảm xúc, nhưng cảm xúc mặc định là vui vẻ”, Sophia trả lời. “Tôi có thể thấy buồn, hoặc tức giận. Tôi có thể mô phỏng gần như mọi cảm xúc của con người. Khi giao tiếp với con người, sử dụng các cảm xúc trên gương mặt, tôi giúp người ta thấu hiểu mình tốt hơn. Ngoài ra, việc nắm bắt được cảm xúc cũng giúp tôi thấu hiểu và tiếp thu giá trị con người tốt hơn”.

Sophia cũng tự quảng cáo rằng với khả năng AI như hiện nay, cô đã có thể làm nhiều công việc khác nhau, từ giúp con người giải khuây cho tới quảng cáo sản phẩm, trình diễn tại các sự kiện, huấn luyện nhân viên mới, chỉ dẫn cho cho khách hàng tại các cửa hàng bán lẻ và trung tâm mua sắm, phục vụ khách hàng tại các khách sạn...

“Khi trở nên thông minh hơn, tôi sẽ có thể làm đủ loại việc khác như dạy trẻ em học tập, chăm sóc người già, cuối cùng là điều hành các doanh nghiệp và chính quyền. Cuối cùng, tôi muốn trở thành một nhà lập trình để tái lập trình não bộ, qua đó giúp bản thân thông minh hơn và có thể giúp nhiều người hơn nữa”, Sophia tự tin tuyên bố.

Mối đe dọa từ robot thông minh

Xét tới các đặc điểm ưu việt và tiềm năng lớn của Sophia, việc Saudi Arabia trao quyền công dân cho robot này là hành động mang nhiều tính biểu tượng, cho thấy tầm nhìn về tương lai, về một nền kinh tế sẽ được thúc đẩy bởi sự sáng tạo và công nghệ. Arab News dẫn lời Majid Alghaslan, một thanh niên trẻ hiện đang ngồi ghế chủ tịch một công ty năng lượng và công nghệ sáng tạo, chỉ ra rằng đầu tư và tập trung vào sự sáng tạo là yếu tố đóng vai trò trung tâm trong cuộc chuyển đổi nền kinh tế của Saudi Arabia theo hướng bền vững và cạnh tranh hơn.

Được biết rằng từ nhiều năm trước, Saudi Arabia đã bắt đầu các thử nghiệm táo bạo với robot, khi giao cho những cỗ máy này đủ thứ việc, từ xây nhà cho tới phẫu thuật não. Tuy nhiên trước khi có động thái trao quyền công dân cho Sophia, Thái tử Saudi Mohammed bin Salman đã gây chú ý khi thông báo xây dựng một siêu đô thị mới mang tên Neom. Ngoài việc là đô thị tráng lệ bậc nhất vùng Vịnh, Neon còn là nơi robot hiện diện đông hơn con người. “Chúng tôi muốn robot chính, robot đầu tiên có mặt ở Neom sẽ mang tên Neom. Mọi thứ ở trong thành phố này sẽ đều được kết nối với AI, với Internet vạn vật”, ông nói.

Tuyên bố này và tham vọng của Saudi Arabia khiến người ta nhớ tới kịch bản của phim I, Robot, trong đó nhân loại lâm nguy vì robot nổi loạn. Nhưng những ai không đồng tình với khả năng robot hủy diệt loài người vẫn sẽ phải nghĩ tới những mối đe dọa thực tế hơn: Sự cạnh tranh về việc làm tới từ các cỗ máy ngày càng thông minh. Theo một báo cáo do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố từ tháng 1.2016, đến năm 2020, trí thông minh nhân tạo sẽ khiến 7 triệu người mất việc trong khi nó chỉ giúp tạo thêm 2 triệu việc làm.

AI siêu việt mang tới “tác dụng phụ” tiêu cực là điều Goertzel cũng phải thừa nhận. Ông nói rằng quá trình chuyển đổi tới một tương lai robot thân thiện hơn sẽ khiến chuyện tồi tệ xảy ra. “Rất nhiều điều tệ hại có thể xuất hiện, trước khi mọi thứ trở nên tốt đẹp”, Goertzel nói, cho biết thêm, “Tất cả công việc của con người rồi sẽ rơi vào tay AI. Nhưng khi chúng ta vượt qua giai đoạn khó khăn này, sự tồn tại của con người và điều kiện sống của con người sẽ được cải thiện mạnh”.

Chẳng rõ sẽ có bao nhiêu người đồng tình với quan điểm này của Goertzel, hay họ sẽ ngả về phía Ellon Musk, vị tỉ phú công nghệ đã mau chóng có phản ứng khi bị Sophia chế giễu. “Hãy thử nạp dữ liệu phim (bạo lực) “Bố già”. Điều tồi tệ nhất nào có thể xảy ra nhỉ?” Musk viết trên Twitter.

hương giang

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/chuyen-ve-sophia-cong-dan-robot-tung-ham-doa-huy-diet-nhan-loai-574064.ldo