Chuyện về 'ông tiên' gần trăm tuổi dưới chân núi Tản Viên

Mặc dù đã gần trăm tuổi nhưng ông Tầng vẫn miệt mài khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo bất kể thời tiết giá lạnh hay nắng nóng.

Thầy thuốc Phạm Thọ Tầng. Ảnh: Dân Trí

Thầy thuốc Phạm Thọ Tầng. Ảnh: Dân Trí

Trong 30 năm qua, ông Phạm Thọ Tầng (SN 1922) phường Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) vẫn miệt mài đi khắp núi rừng tìm về các phương thuốc quý, nghiên cứu ra hàng trăm bài thuốc chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.

Phòng khám của ông Phạm Thọ Tầng nằm sát trên trục đường chính chạy qua phường Xuân Khanh (đoạn qua thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Tấm biển "Chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, chất độc da cam, trẻ em dưới 8 tuổi, mẹ liệt sĩ" không chỉ giúp chỉ dẫn vào phòng khám mà còn là tiêu chí hoạt động phòng khám đông y của cụ Phạm Thọ Tầng trong suốt 30 năm qua.

Danh tiếng cụ Tầng được mọi người biết đến từ khi cụ còn là cán bộ ngành y của bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sau ngày nghỉ hưu, về địa phương, thấy những người nghèo bị bệnh tật dày vò đau đớn cứ ám ảnh ông mãi. Có sẵn tay nghề, ông Tầng liền bắt tay vào công việc chữa bệnh cứu người. Bất kể thời tiết lạnh giá hay nắng nóng, phòng khám của ông Tầng vẫn mở cửa đón tiếp.

Trong hành trình 30 cứu người, ông Tầng cho biết, con số người bệnh được ông chữa trị đến giờ không thể nào đếm xuể. Chưa bao giờ cụ cho phép mình nghỉ ngơi, luôn là những ngày thầm lặng nghiên cứu và sáng chế thêm những bài thuốc cứu người. Những bài thuốc bào chế từ những cây dược liệu thiên nhiên được ông Tầng tự tay trồng trong vườn nhà. Có những loại khan hiếm đắt đỏ, ông phải lặn lội ròng rã hàng tháng trời tìm kiếm rồi tận dụng những tờ báo không sử dụng, gói ghém cẩn thận, chuyển về cho những bệnh nhân ở xa.

Cứ như vậy, suốt mấy chục năm qua, vị “tiên ông” râu tóc bạc phơ vẫn đi lấy thuốc hay đón bệnh nhân ở các tỉnh xa về. Với ông, đó là tâm huyết và niềm đam mê. Ngoài phòng khám nhỏ, ông còn dành khu đất rộng 5.000m2 của gia đình để trồng các loại cây thuốc Nam và xây dựng khu nhà trọ miễn phí cho bệnh nhân.

Không chỉ dừng lại ở việc chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, ông Tầng còn đi đầu làm việc thiện và có nhiều đóng góp cho hoạt động khuyến học của địa phương. Chính ông là người đầu tiên đặt nền móng cho Hội Khuyến học của phường.

Thời điểm lập hội, quỹ khuyến học hàng năm của phường và tổ dân phố chủ yếu do một tay ông gây dựng. Thuở ấy, mặc dù cuộc sống kinh tế eo hẹp, song ông Tầng vẫn cố gắng dành dụm tiền từ lương hưu và tiền bán hàng tạp hóa để mua gạo trợ cấp thường xuyên cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn.

Những ngày đầu lập quỹ khuyến học còn khó khăn nhưng đại gia đình ông luôn đi đầu trong phong trào khuyến học của địa phương. Mỗi khi phường tổ chức trao thưởng cho học sinh nghèo vượt khó, ông lại tặng quà riêng cho các cháu. Hằng năm, đến dịp 27/7 và Tết Nguyên đán, ông Tầng đều hỗ trợ và có các phần quà đến các gia đình chính sách. Cảm phục cái tâm của ông Tầng dành cho những người kém may mắn, người dân đã không ngại ngần khi gọi cụ với cái tên “ông tiên".

Đằng sau sự “đam mê” như ông Tầng nói thì điều mà cụ cảm thấy hạnh phúc nhất chính là tình cảm trân quý mà người dân nhiều năm qua dành cho mình. Những bức thư xin thuốc, thư cảm ơn của bệnh nhân từ khắp cả nước gửi về đều được ông trân trọng để trong ngăn kéo của bàn làm việc. Chính tình cảm mộc mạc mà chân thành ấy chính lại là động lực để vị lương y này tin tưởng, cố gắng hơn cho công việc mình đang làm.

Gần 30 năm mở phòng khám tại nhà, chữa bệnh cho vô số bệnh nhân nghèo khắp cả nước, đối với ông Phạm Thọ Tầng, giờ đây thầy thuốc không đơn giản là cái nghề, đó còn là công việc cứu người, giảm nỗi đau cho người bệnh và gánh nặng của toàn xã hội.

Bạch Hiền (t/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/viec-tot-quanh-ta/chuyen-ve-ong-tien-gan-tram-tuoi-duoi-chan-nui-tan-vien-a306707.html