Chuyện về 'Ông già Biển Hồ' ở Tây Nguyên

Ngôi nhà nhỏ của ông Quách Trọng Hoan (SN 1941, ngụ xã Biển Hồ, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai) nằm ẩn mình bên bờ Biển Hồ thơ mộng. Trên cánh cổng nhỏ của ngôi nhà có ghi dòng chữ: 'Ai cần gọi tôi' và bên dưới là số điện thoại của ông. Người dân gọi ông là 'Ông già Biển Hồ', bởi ông chuyên vớt xác, cứu người bị nạn nơi đây.

"Ông già Biển Hồ” Quách Trọng Hoan. Ảnh: Sỹ Hòa.

“Ông già Biển Hồ”

Ông Hoan sinh ra ở làng Liêm Trung (xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình). Những năm tháng tham gia kháng chiến, ông khắp chiến trường 3 nước Đông Dương, rồi ở lại Tây Nguyên, gắn bó với đồng bào nơi đây như những người ruột thịt.

Ông Hoan kể, Tết Mậu Thân 1968, trên đường ngang qua, ông mê mẩn khi nhìn thấy Biển Hồ đẹp lung linh nên tự nhủ lòng mình, sẽ trở về nơi đây lập nghiệp. Đến năm 1974, ông về quê lấy vợ, sau đó đưa gia đình vào mảnh đất Gia Lai làm kinh tế mới.

Lúc này, ông Hoan được giao nhiệm vụ làm cán bộ định canh, định cư. Ông lên ngọn núi ở làng Bàng (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) trồng bắp, lúa rẫy như một người dân ở làng.

Biển Hồ, nơi ông Hoan lặng lẽ cứu người. Ảnh: Sỹ Hòa.

Biển Hồ đẹp, thơ mộng nhưng ẩn chứa dưới dòng nước trong xanh, mát rượi ấy là một lòng chảo có sức hút khủng khiếp. Dù người bơi giỏi cỡ nào cũng khó tránh khỏi dòng xoáy khi lỡ chân rơi xuống nước. Bởi thế mà Biển Hồ chứng kiến biết bao cái chết thương tâm của những học sinh nhỏ tuổi, hay những người đi làm qua vùng lòng chảo này. Thậm chí cả những chàng trai cô gái vì một lý do nào đó cũng tìm đến Biển Hồ để quyên sinh.

Ngày lại ngày, ông Hoan lặng lẽ thu gom rác và xác các động vật chết, trôi nổi trên mặt hồ để bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho người dân và cứu người gặp nạn. Dù Biển Hồ có diện tích mặt nước hơn 250ha, nhưng ông thuộc như trong lòng bàn tay nơi nào nước sâu, chỗ nào vực thẳm, đá nhọn.

Người dân quanh Biển Hồ hầu như ai cũng có số điện thoại của ông. Khi nhận được tin có người tìm cách quyên sinh hay tai nạn đuối nước ở Biển Hồ là ông tức tốc chạy bộ hoặc chèo thuyền đi cứu người. Đến nay, ông đã cứu sống 10 người khỏi bàn tay của thủy thần, vớt gần 100 thi thể người xấu số chết đuối. Ông được bà con nơi đây gọi theo tiếng Jrai là Ơi IaNuêng - “Ông già Biển Hồ”.

Cây mít ông Hoan trồng năm 2001 gắn với vụ đắm thuyền làm 7 học sinh chết đuối. Ảnh: Sỹ Hòa.

Năm 2011, vụ đắm thuyền trên Biển Hồ làm chết 7 em học sinh đang học lớp 11. Ông đau quặn lòng khi lặn tìm thi thể từng cháu nhỏ, đêm đó ông đã khóc suốt đêm và đổ bệnh. Sau đó, ông quyết định xây đền Vạn Linh ở góc vườn dưới bóng cây đa cổ thụ sát Biển Hồ để khuây khỏa nỗi đau cũng như làm nơi thờ cúng cho những người xấu số.

Ông Hoan xây đền Vạn Linh để thờ cúng những người xấu số. Ảnh: Sỹ Hòa.

Gian thờ bên trong đền Vạn Linh. Ảnh: Sỹ Hòa.

Ông bảo, mình cứu người vì cái tâm làm việc thiện chứ chẳng mong được đền đáp gì cả. Thật vậy, những người được ông cứu sống, có người quay lại cảm ơn, nhưng cũng có nhiều người chẳng bao giờ gặp lại. Ông xem đó là chuyện bình thường, chỉ mong cứu được người, giúp đời là vui. “Đời người chỉ như thoáng mây bay, phải tranh thủ làm những điều có ích cho xã hội. Ai cần gọi tôi”, ông Hoan chia sẻ.

Dòng chữ: “Ai cần gọi tôi” và số điện thoại của ông Hoan ghi ở trước cửa nhà. Ảnh: Sỹ Hòa.

Ông Hoan vinh dự được nhận giải thưởng Kova. Ảnh: Sỹ Hòa.

Năm 2011, ông Hoan vinh dự được nhận giải thưởng Kova do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình ký. Đây là một giải thưởng lớn tôn vinh những tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội có những việc làm nhân văn, cao thượng, qua đó nhằm nhân rộng hơn nữa các nghĩa cử này, góp phần làm cho cuộc sống ngày càng tươi đẹp. Tháng 12/2012, Tổ cứu nạn, cứu hộ thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Công an tỉnh Gia Lai được thành lập, ông Hoan trở thành người thầy đầu tiên của tổ. Ông đảm nhận nhiệm vụ truyền dạy kinh nghiệm cứu người bị nạn cho các thành viên trong tổ này.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/chuyen-ve-ong-gia-bien-ho-o-tay-nguyen-155881.html