Chuyện về ông chủ làm nên thương hiệu kẹo cu đơ Phong Nga

Du khách đến Hà Tĩnh, khi đã thưởng thức kẹo cu đơ Phong Nga, sẽ nhớ mãi vị ngọt thơm của mật mía, cay cay của gừng tươi, cái giòn tan của lạc và bánh tráng vừng.

Và hơn hết, ở đó có một ông chủ luôn tâm huyết gìn giữ món kẹo cu đơ truyền thống, được coi là linh hồn của quê hương.

Ông chủ của những sáng kiến

Chủ cơ sở kẹo cu đơ Phong Nga, ông Nguyễn Văn Phong, sinh ra ở Thạch Đài (Thạch Hà - Hà Tĩnh). Dẫu không phải là ông tổ sinh ra kẹo cu đơ tại Hà Tĩnh nhưng ông có hơn 20 năm gắn bó, nỗ lực sáng tạo để xây dựng nên thương hiệu kẹo cu đơ Phong Nga.

Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, ông Phong bùi ngùi: “Gia đình tôi nghèo, cha mẹ nuôi anh chị em lớn khôn bằng ruộng vườn. Ngày đó, mỗi lần đạp xe lên thị xã, tôi vẫn để mắt đến những ngôi nhà bề thế, những tiệm cu đơ thơm đến nức lòng. Tôi hỏi vì sao người ta giàu, người ta nói: “Do họ biết cách làm ăn”. Câu trả lời cứ in hằn vào tâm trí và tôi cũng từng ao ước: “Sau này mình cũng sẽ biết cách làm ăn, cũng sẽ giàu và trở thành ông chủ”.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông trở về địa phương và lập gia đình. Đi khắp nơi tìm hướng lập nghiệp nhưng không thành công, năm 1995, vợ chồng ông quyết định chọn nghề nấu kẹo cu đơ, một đặc sản quê hương, làm nghề khởi nghiệp.

Thời gian đầu, khó khăn chồng chất khó khăn khi nguồn vốn hạn hẹp, mặt bằng kinh doanh không có, đây lại là nghề thủ công chưa sử dụng máy móc, công nghệ hiện đại, bởi vậy, hai vợ chồng quần quật suốt ngày từ khâu đổ kẹo, khuấy kẹo cho đến mua từng xấp báo cũ để gói kẹo, đi giao hàng, nhập hàng… Quá trình sản xuất, ông nhận thấy cu đơ nếu dùng giấy gói không giữ được lâu, không đảm bảo vệ sinh và nếu không cải tiến kỹ thuật thì sẽ rất khó tiến xa.

Ông Nguyễn Văn Phong đã cải tiến thành công hệ thống máy móc trong sản xuất kẹo cu đơ.

Ông Nguyễn Văn Phong đã cải tiến thành công hệ thống máy móc trong sản xuất kẹo cu đơ.

Trăn trở với hạn chế này, cộng với bản chất chịu khó, tìm tòi, sáng tạo của người lính, ông quyết định “khăn gói” vào TP. Hồ Chí Minh, ra Hà Nội, tìm đến những cơ sở sản xuất bánh kẹo để học hỏi kinh nghiệm sản xuất theo công nghệ hiện đại.

Trở về vừa làm, vừa mày mò tìm hiểu, ông mạnh dạn cải tiến các khâu sản xuất với mong muốn tạo ra sản phẩm cu đơ đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ được hương vị truyền thống đặc trưng, có mẫu mã thu hút được khách hàng và có giá trị thương mại cao.

Từ cách nấu thủ công, ông Phong dần dần đưa kỹ thuật, công nghệ vào quy trình chế biến, trong đó đa số các loại máy móc là do ông tự sáng chế, cải tiến nên từ các vật liệu đơn giản, ít tốn kém nhưng vẫn tạo nên một hệ thống sản xuất đồng bộ, cho ra đời những sản phẩm chất lượng như: máy cắt bánh đa, máy lọc mật, máy xay gừng, máy khuấy kẹo, bộ đóng gói sản phẩm… Những sản phẩm độc đáo này không chỉ giúp tiết kiệm công sức, thời gian sản xuất, chế biến mà hơn hết, còn minh chứng cho sự đam mê, sáng tạo không ngừng nghỉ của người lính hết lòng yêu nghề, giữ nghề.

Một trong các sáng kiến của ông đã được các tổ chức khoa học ghi nhận như giải ba dành cho máy khuấy lạc, giải khuyến khích máy rửa gừng… và ông chủ kẹo cu đơ Phong Nga cũng là đại diện duy nhất ở Hà Tĩnh tham gia buổi họp mặt “Những nhà sáng tạo không chuyên” diễn ra vào tháng 5/2015 tại Hà Nội.

Xây dựng thương hiệu bằng chữ Tín

Ở Hà Tĩnh, hiện có nhiều nhà, nhiều cơ sở làm cu đơ, nhưng để tạo nên một sản phẩm mang nét riêng cho mình thì không phải ai cũng làm được.

Tại Phong Nga, ngoài hệ thống dây chuyền đồng bộ, khép kín, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất thì nguyên liệu đầu vào cũng được chọn lựa, kí hợp đồng nguyên tắc cẩn thận, tỉ mỉ; cơ sở luôn tuân thủ nghiêm ngặt về thao tác và thời gian, giữ vệ sinh tuyệt đối.

Kẹo cu đơ Phong Nga là 1 trong 6 sản phẩm điểm đầu tiên tham gia OCOP của Hà Tĩnh.

Theo ông Phong, để tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm của mình, ông đã dành trọn hơn 20 năm nấu kẹo bằng “Uy tín”,”Tâm” và “Tình” của người lính. Thế nên, dù trải qua biết bao thăng trầm, thương hiệu kẹo cu đơ Phong Nga đã dần khẳng định vị thế trên thị trường, có mặt khắp các cửa hàng, hệ thống siêu thị lớn ở miền Trung và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước; hai năm liền được bình chọn là sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và khu vực, là “Thương hiệu vàng thực phẩm Việt Nam năm 2014”...

“Thành công là một quá trình dài, cái Tâm của người làm nghề và sự ghi nhận của khách hàng về chất lượng, đó là thước đo quan trọng nhất. Tôi chưa dám nói đã thành công nhưng trên hành trình ấy, tôi nghĩ chỉ có uy tín, niềm đam mê, nhiệt huyết và cái Tâm mới tạo nên được sự khác biệt cho sản phẩm của mình. Tôi cũng rất tự hào và biết ơn khi có vợ, một hậu phương vững chắc, đã cùng tôi kiên trì xây dựng thương hiệu cu đơ Phong Nga. Năm 2018, kẹo cu đơ Phong Nga được chọn là 1 trong 6 sản phẩm điểm tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Hà Tĩnh giai đoạn 2018 - 2020. Đây cũng là tiền đề quan trọng để cu đơ Phong Nga tiếp tục mở rộng thị trường, tiến xa hơn”, ông Phong chia sẻ.

Hơn 20 năm trước là hình ảnh chàng trai rong ruổi đi học hỏi kinh nghiệm khắp nơi. 20 năm sau, khi chúng tôi đến, nhìn cơ ngơi của ông Phong nườm nượp khách hàng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động với thu nhập ổn định; thấy nhiều bằng khen, giấy khen, huy chương, cúp vàng của bộ, ngành, UBND tỉnh Hà Tĩnh… mới thật sự thán phục hướng làm giàu, sự sáng tạo, yêu lao động của ông.

Trà Giang

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/chuyen-ve-ong-chu-lam-nen-thuong-hieu-keo-cu-do-phong-nga-post29657.html