Chuyện về nước của những nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia

Sau gần 20 năm chờ đợi, vòng nguyệt quế cuối cùng cũng được 'chàng leo núi' Trần Thế Trung đưa về xứ Nghệ.

Ngoài niềm xúc động xen lẫn tự hào của người dân quê hương Trung, chắc chắn phần chia sẻ của chàng trai xứ Nghệ này cũng đã lấy đi rất nhiều nước mắt của khán giả truyền hình. Em nói về hành trình của mình với đỉnh Olympia, về người chị ruột đã truyền cảm hứng cho Trung bước từng bước lên đỉnh cao chiến thắng của một cuộc thi dành cho trí tuệ.

Ngoài niềm xúc động xen lẫn tự hào của người dân quê hương Trung, chắc chắn phần chia sẻ của chàng trai xứ Nghệ này cũng đã lấy đi rất nhiều nước mắt của khán giả truyền hình. Em nói về hành trình của mình với đỉnh Olympia, về người chị ruột đã truyền cảm hứng cho Trung bước từng bước lên đỉnh cao chiến thắng của một cuộc thi dành cho trí tuệ.

Chị của Trung đã không còn nữa sau một tai nạn giao thông. Chị không thể cùng Trung rước vòng nguyệt quế về quê hương xứ Nghệ nhưng câu chuyện của cậu đã lan tỏa rất nhiều điều, trong đó có việc đau thương không phải là từ bỏ, đau thương là nuôi dưỡng thêm sự quyết tâm và hoàn thành nó như một nén tâm hương dành cho người đã khuất.

Trần Thế Trung xúc động trong giây phút đăng quang quán quân 2019. Ảnh: AH

Sau những xúc cảm đầy nước mắt, người ta bắt đầu nghĩ sâu xa hơn về chặng đường tiếp theo của những người vô địch. Và rồi, một chặng đường phần đông là đúng được chỉ ra với công thức: “Vô địch Đường lên đỉnh Olympia Đi du học Ở lại phục vụ nước bạn”.

Công thức này được cụ thể hóa bằng con số: Chỉ có 3/18 người vô địch Olympia về nước.

Rất nhiều ý kiến đã bày tỏ sự xót xa khi Tổ quốc và đất mẹ không còn là nơi để người vô địch trở về phục vụ quê hương. Việc ở lại nước bạn hay trở về nước thực ra không phải là tiêu chí hàng đầu để đánh giá lòng yêu nước của mỗi cá nhân. Thực tế đã có nhân tài người Việt tuy không vô địch Olympia nhưng đã được quốc tế ghi nhận về nước phục vụ.

Tuy nhiên, sau một thời gian cống hiến, họ không thể dung hòa được cá tính cá nhân với môi trường làm việc ở Việt Nam hoặc cơ chế đãi ngộ không đủ làm chiếc neo giữ họ ở lại. Bên cạnh đó, dù được đầu tư nhiều vào cơ sở vật chất và nguồn lực phát triển, tuy nhiên sự thiếu thốn các phương tiện phục vụ cho việc nghiên cứu cũng là một trong những vấn đề khiến cho nhiều người tài nước Việt đành ra đi mà không trở về.

Ở góc nhìn ngược lại, cộng đồng những kiều bào Việt Nam ở nước ngoài trên thực tế cũng là một nguồn lực phát triển rất quan trọng của quốc gia. Trong thế giới phẳng cùng với tốc độ phát triển của công nghệ, không phải chỉ ngồi ở đâu mới giúp ích cho chỗ đó đi lên.

Vì vậy, vấn đề lớn nhất của những nhà vô địch Olympia là tình yêu Tổ quốc. Chỉ cần tình yêu đó chảy trong huyết quản của họ thì dù ở bất cứ đâu họ cũng sẽ giúp được đất nước. Tất nhiên việc xây dựng môi trường, cơ chế phù hợp hơn để thu hút người tài quay về cống hiến là điều rất cấp bách.

VIẾT THỊNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/chuyen-ve-nuoc-cua-nhung-nha-vo-dich-duong-len-dinh-olympia-858356.html