Chuyện về nữ 'Dũng sĩ diệt Mỹ' trên Đường 20 Quyết Thắng

Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm rồi, nhưng với bà -người 'Dũng sĩ diệt Mỹ' năm nào, những ký ức ấy vẫn mãi vẹn nguyên.

Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân sinh ra và lớn lên trên đất Thạch Long, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Năm 1965, bà vừa học xong lớp 7 phổ thông, mới 17 tuổi đã xung phong lên đường đi đánh Mỹ theo lời kêu gọi của Trung ương Đoàn về Tổng động viên thanh niên "ba sẵn sàng".

Bà lên đường hành quân trong không khí tưng bừng về sông Kà Roòng , Nậm Tà Lê (Quảng Bình) để thực hiện một sứ mệnh lớn: Mở đường Trường Sơn xuyên qua lòng núi với tên gọi tràn đầy niềm tin và hy vọng "Đường 20 Quyết Thắng". Thế rồi cô gái hương thơm đồng nội ấy đã được "tắm mình" trong gian khổ và hiểm nguy.

Hơn 5 năm cùng đồng đội thanh niên xung phong chốt giữ trọng điểm K52 ngầm Cà Roòng, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân đã hiểu thế nào là ngầm sâu, thác lũ và Trường Sơn "bên nắng đốt, bên mưa bay". Nơi ấy, bà cũng như nhiều người khác đã phải "nộp nhiều thuế máu" cho vắt, chịu đựng những cơn sốt rét đến run người, môi tím ngắt. Những ngày mưa Trường Sơn trắng trời, trắng đất, bà và đồng đội lại chia nhau một bát canh măng rừng hay rau tàu bay và vui vẻ động viên nhau "ăn để tiếp sức chiến đấu cho ngày mai".

Qua hồi ức của cựu nữ TNXP này, trọng điểm ngầm Cà Roòng là mục tiêu số một mà địch đã phát hiện được từ lâu và âm mưu của chúng bằng mọi giá chặt đứt được mạch huyết quản trên con đường Trường Sơn.

Vì đánh ngày không được, chúng lại cho máy bay OV10 tung pháo sáng để tìm mục tiêu rồi ném bom, bắn tên lửa xuống ngầm Cà Roòng tới tấp hết đợt này sang đợt khác. Có những lúc, từ 5 giờ sáng hôm nay đến 6 giờ sáng hôm sau, cả cánh rừng Trường Sơn không ngớt tiếng thét gầm của máy bay phản lực và khét lẹt khói bom.

Nhưng không! Địch càng phá bao nhiêu thì những bàn tay cầm ven, cầm cuốc vác đá lát đường qua ngầm càng có sức mạnh kỳ diệu bấy nhiêu. Tinh thần yêu nước, tinh thần giải phóng miền Nam cứ thôi thúc những chàng trai, cô gái luôn ý thức rằng: Mỗi chuyến xe ra tiền tuyến an toàn là thước đo phẩm chất và sự xả thân vì cách mạng.

Sống với đồng đội, bà cũng như bao người khác càng được tôi luyện thêm dòng máu anh dũng bất khuất con cháu Lạc Hồng, biết ngẩng cao đầu, biết hy sinh khi Tổ quốc cần. Vì thế, những ngày tham gia mở đường ở ngầm Cà Roòng, họ đã xem cái chết nhẹ như lông hồng.

Những ngày ấy, đại đội của bà có hôm bị máy bay VO10 sà xuống thấp và ném bom trúng trọng điểm làm đường. Bà và đồng đội đã để lại một phần xương máu trên Đường 20 quyết thắng. Bà là một trong những người TNXP ưu tú được phong tặng "Dũng sĩ diệt Mỹ" năm 1968.

Cựu nữ TNXP ở ngầm Cà Roòng, Trường Sơn ngày ấy giờ đã là bà, là mẹ sum vầy với con cháu trong tổ ấm hạnh phúc và đã ngoài tuổi 70. Tháng 12/1970, sau khi xuất ngũ, bà được chuyển ngành về công tác tại Công ty Thương Nghiệp, thuộc UBND tỉnh Hà Tĩnh. Đến tháng 6/1990, bà về hưu và trú tại Khối 4, phường Trần Phú, thành phố Hà Tĩnh.

Điều đáng quý nhất của người nữ cựu TNXP này từ những năm binh lửa ở Trường Sơn đến ngày trở về với cuộc sống đời thường là bao giờ bà cũng thể hiện được bản lĩnh, phẩm chất một người "lính".

Bà thường bảo với bạn bè và người thân hữu rằng: "So với nhiều người khác, tôi may mắn và hạnh phúc hơn nhiều. Đồng đội của tôi trước đây, sau khi trở về có nhiều người gặp cảnh ngộ éo le lắm. Người quá tuổi xuân, phải chịu cảnh một mình đơn chiếc, người mang bệnh đau yếu còm cõi do hậu quả vết thương chiến tranh, người sinh con bị chất độc màu gia cam...".

Mỗi số phận đều chứa một phần lịch sử đau thương không thể nói bằng lời, vẫn làm cho cựu TNXP trằn trọc day dứt nhiều đêm không ngủ. Giọt nước mắt của người đàn bà được phân định thành hai nửa, một nửa gửi về chiến trường xưa, một nửa gửi cho đồng đội cũ. Từ những giọt nước mắt ấy, người nữ cựu TNXP này đã thể hiện được những nghĩa cử tri ân đồng đội với những việc làm thiết thực.

Sau khi thành lập Ban liên lạc Thanh niên xung phong, Bà đã cùng với đồng chí thăm hỏi những thân nhân gia đình đồng đội đã hy sinh ở Trường Sơn năm xưa, thăm và động viên những cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn.

Chúng tôi - những người sinh sau cuộc chiến và chỉ nghe qua lời kể cũng như qua sách sử nhưng phần nào hiểu được, để có được độc lập hòa bình của ngày hôm nay, các thế hệ cha, ông phải đánh đổi bằng máu xương. Nhân dịp 30/4, chúng tôi xin gửi đến các anh hùng liệt sx, thương bệnh binh và những người cựu bính trở về sau cuộc chiến lời tri ân sâu sắc nhất.

VĂN HẢO- ANH THI

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/chuyen-ve-nu-dung-si-diet-my-tren-duong-20-quyet-thang-20210429164653582.htm