Chuyện về nữ Doanh nhân Sao Đỏ

Xinh đẹp, quý phái, nụ cười luôn rạng rỡ trên gương mặt phúc hậu là cảm nhận của nhiều người khi gặp chị Cao Hồng Vân (SN 1976) - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Newstar (phường Hồng Hà, TP Hạ Long). Ít ai biết rằng, để trở thành nữ Doanh nhân Sao Đỏ, xây dựng thành công nhiều thương hiệu sản phẩm trong đó có nước mắm sá sùng Cái Rồng, chị Vân đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách.

TỪ CÔ BÉ MÒ CUA, BẮT ỐC…

Nữ doanh nhân Cao Hồng Vân đã đưa hương vị nước mắm sá sùng Cái Rồng - đặc sản của Quảng Ninh bày bán trong hệ thống Vinmart toàn quốc.

Nữ doanh nhân Cao Hồng Vân đã đưa hương vị nước mắm sá sùng Cái Rồng - đặc sản của Quảng Ninh bày bán trong hệ thống Vinmart toàn quốc.

Trên đường từ trung tâm TP Hạ Long đi Vân Đồn, nơi Nhà máy sản xuất mắm sá sùng Cái Rồng của chị mới đưa vào hoạt động gần một năm, chị đã kể cho tôi nghe câu chuyện về quãng đường lập thân, lập nghiệp của mình.

Xuất thân từ một gia đình nghèo ở Chí Linh, tỉnh Hải Dương, với khát khao cháy bỏng phải vươn lên thay đổi cuộc sống, chị đã bắt đầu có ý thức kiếm tiền từ năm 12 tuổi. Ngoài việc học, chị đã biết sắp xếp thời gian cho việc kiếm tiền phụ giúp gia đình. Chị nhớ lại: “Những ngày hè, khi nhiều bạn được đi chơi thì tôi phải làm việc một ngày đến 16 tiếng: Đi bắt cua, bắt ốc, chặt củi, trồng ớt, trồng rau bán lấy tiền, chăm lợn và gánh 15 gánh nước sạch để phục vụ ăn uống, sinh hoạt cho gia đình…”

Nhà máy sản xuất nước mắm sá sùng Cái Rồng Vanbest.

Chính cái nghèo, cái khổ cực ấy đã giúp chị quyết tâm vượt khó vươn lên. Chị bảo: “Để xóa bỏ cái nghèo không còn con đường nào tốt hơn là học tập”. Thế nên thành tích học tập của chị lúc nào cũng đáng nể, từ lớp một đến hết cấp III, năm nào chị cũng đạt học sinh giỏi xuất sắc mặc dù chị có rất ít thời gian dành cho việc học hành vì phải lo làm việc phụ giúp gia đình.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau khi tốt nghiệp THPT, chị Vân phải tạm gác lại mơ ước vào đại học để đi học nghề may với mong muốn nhanh kiếm tiền đỡ đần gia đình. Sau khi học nghề, chị được nhận vào làm việc tại 1 cơ sở sản xuất may của người tàn tật thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hải Dương với vài đồng lương ít ỏi để trang trải cuộc sống và tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ.

...ĐẾN GIÁM ĐỐC DOANH NGHIỆP

Doanh nhân Cao Hồng Vân trao đổi với công nhân về quy trình sản xuất nước mắm.

Chúng tôi đến gần thôn Khe Ngái, xã Đoàn kết, nơi Nhà máy nước mắm của chị đóng tại đó cũng là lúc câu chuyện kể về cuộc đời chị bước sang một trang mới. Chị nhớ lại:"Bước ngoặt và cơ duyên kinh doanh đến với tôi khi năm 2002, cơ sở sản xuất may nơi tôi làm việc giải thể. Thương mình và các anh chị em đồng nghiệp, trong đó chủ yếu là con em gia đình chính sách và một số người tàn tật lâm vào cảnh thất nghiệp, từ đó tôi đã mạnh dạn thành lập HTX May Hoàng Vân”.

Ban đầu, HTX của chị kết nối và duy trì được một số khách hàng cũ để duy trì việc làm cho xã viên. Sau đó, với số vốn khởi nghiệp là 3 triệu đồng và vay anh em họ hàng thêm 7 triệu đồng, chị đã mua được chiếc xe máy Trung Quốc để đi giao dịch và vài cái máy khâu để sản xuất quần áo đồng phục, bảo hộ lao động cho một số doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn.

Khởi nghiệp bằng số vốn ít ỏi, kinh nghiệm chưa có, nhưng bằng sự nỗ lực, ý chí quyết tâm vươn lên thoát nghèo, cùng với sự ủng hộ của gia đình, đồng nghiệp, HTX của chị dần hoàn thiện và đứng vững, từng bước phát triển. Năm 2002 chị mở rộng địa bàn sang TP Hạ Long và gắn bó lâu dài với mảnh đất này khi quyết định lập nghiệp, lập gia đình ở đây. Năm 2006 chị chuyển đổi HTX thành Công ty TNHH Một Thành viên Newstar, trụ sở phố Núi Hạm, phường Hồng Hà. Cũng vào lúc này, chị mới có điều kiện thực hiện giấc mơ còn dang dở là học đại học. Ngoài học tập ở trường, chị cũng tích cực giao lưu và học hỏi bạn bè, tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức do các tổ chức, hiệp hội trong nước đào tạo và hỗ trợ doanh nghiệp để nâng cao kinh nghiệm, hiểu biết trong thương trường.

Nước mắm được ủ trong bình Inox 361, đánh đảo và phơi nắng.

Chịu khó tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, khả năng đối ngoại tốt, được các đối tác tin tưởng, sản phẩm đạt tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu khách hàng nên những khó khăn bước đầu ở thị trường mới của chị Vân dần được đẩy lùi. Quần áo đồng phục, bảo hộ lao động của Công ty chị đã vào được các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, đơn vị ngành Than trên địa bàn Quảng Ninh và các tỉnh lân cận. Cho đến nay chị đã ký kết hợp tác với 100 đối tác và mở rộng thêm xưởng may ở Quang Hanh, TP Cẩm Phả. Hiện chị có 3 xưởng may đã đi vào hoạt động ổn định ở Hải Dương, TP Hạ Long, Cẩm Phả (Quảng Ninh) với doanh thu gần 100 tỷ đồng/năm. Ngoài ra Công ty còn sản xuất nước uống đóng chai và cung cấp các thiết bị máy móc ngành thực phẩm…

VÀ HÀNH TRÌNH XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU MẮM SÁ SÙNG CÁI RỒNG

Mắm được đưa vào hệ thống lọc.

Ổn định trong lĩnh vực may mặc, năm 2018 chị Vân lấn sân sang lĩnh vực sản xuất nước mắm sá sùng Cái Rồng - đặc sản của Quảng Ninh và đầu tư xây dựng một nhà máy chế biến mắm sá sùng Vân Đồn với kinh phí trên 30 tỷ đồng tại thôn Khe Ngái, xã Vân Đồn với mục đích sản xuất đặc sản mang hương vị của vùng biển, phát huy tiềm năng thế mạnh của Quảng Ninh. Đây là lĩnh vực hoàn toàn mới lạ đối với chị. Thế nhưng, để xây dựng được nhà máy này, chị đã ấp ủ dự định nhiều năm nay. Chị tự mày mò đưa ra công thức làm mắm sá sùng riêng của mình, rồi đi khắp nơi học hỏi kinh nghiệm của các công ty sản xuất mắm truyền thống trong nước, Viện Paster TP Hồ Chí Minh để học hỏi công nghệ hóa thực phẩm, phòng tránh các rủi ro trong sản xuất thực phẩm. Càng tìm hiểu, bắt tay vào làm, chị càng thấy nhiều khó khăn…

Nhưng do niềm đam mê quá lớn, nhiệt huyết sản xuất mắm của chị truyền sang tất cả các thành viên trong gia đình. Chồng chị, một đại tá quân đội đã hết lòng ủng hộ, hỗ trợ chị từ việc sản xuất kinh doanh đến việc gia đình nên thương hiệu mắm Cái Rồng Vanbest đã được xây dựng thành công. Chị nhớ lại kỷ niệm: Thời kỳ đầu, tôi ở trong phòng thí nghiệm từ sáng sớm đến đêm, nhiều ngày như thế, mùi mắm ngấm vào đầu tóc, quần áo, da thịt, dù tắm giặt, thay đồ mới vẫn không hết. Mùi mắn bám vào chăn gối, lan ra khắp tủ quần áo, khắp nhà. Tôi đi dự hội nghị người ta còn phàn nàn có mùi mắm đâu đây. Nhưng chồng con tôi không ai kêu ca mà còn động viên, tiên phong thử nghiệm chất lượng sản phẩm và cho tôi nhận xét…”

Tiếp tục lọc tinh thêm lần nữa và đóng chai luôn.

Dẫn tôi đi thăm nhà máy, chị giới thiệu: "Nước mắm sá sùng Cái Rồng mang thương hiệu Vanbest được sản xuất theo phương pháp truyền thống là đánh đảo, phơi nắng, lên hương tự nhiên, nguyên liệu chủ yếu từ cá cơm tươi, cá thu, tép moi và sá sùng… trộn với muối biển, ủ lên men hoàn toàn tự nhiên từ 12 tháng trở lên. Đặc biệt, mắm không sử dụng hóa chất, không có tạp chất, có mùi thơm đặc trưng của mắm truyền thống, có vị mặn nhưng không gắt, hậu vị ngọt của đạm cá và sá sùng".

Chỉ những bình Inox 316 ủ mắm nằm phơi trên sườn đồi và hệ thống lọc, chị bảo: “Mục tiêu đầu tiên là sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng. Vì thế mắm sá sùng Cái Rồng Vanbest được sản xuất với sự kết hợp giữa công thức truyền thống với công nghệ hiện đại”. Mắm sá sùng Cái Rồng của Công ty chị đã được đăng ký và kiểm định của cơ quan quản lý ATVSTP và các tiêu chuẩn ISO Quốc tế như: ISO 22000; ISO 14000; SA 8000; HACCP định hướng tốt nhất cho chất lượng sản phẩm dựa trên cơ sở phân tích mối nguy hại và các điểm kiểm soát trọng yếu. Sản phẩm đã rất thành công trong việc xử lý dẫn chất Histamin (tác nhân gây dị ứng từ hải sản) xuống dưới ngưỡng cho phép của tiêu chuẩn Codex Quốc tế, làm cho sản phẩm rất an toàn khi sử dụng cho người già, trẻ nhỏ, đủ điều kiện khắt khe nhất để xuất khẩu chính ngạch sản phẩm đi các quốc gia phát triển.

Dán nhãn sản phẩm mắm sá sùng Cái Rồng.

Chị phấn khởi khoe với tôi: "Dù mới ra đời, nhưng ở Quảng Ninh sản phẩm mắm sá sùng Cái Rồng đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của người dân và được bán tại các siêu thị Vinmart trên toàn quốc. Mỗi tháng Công ty sản xuất khoảng 6.000 lít. Hiện tôi đã đăng ký nhãn hiệu thành công tại 16 quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Úc, EU… Vừa qua sản phẩm đã vinh dự được bình chọn là sản phẩm, dịch vụ uy tín chất lượng nhất năm 2019, tốp 10 thương hiệu nổi tiếng đất Việt năm 2019 do Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam trao tặng".

17 năm kinh doanh, nữ doanh nhân tài sắc vẹn toàn ấy đã luôn nỗ lực để sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng tốt nhất, được khách hàng tin tưởng, giúp các chỉ tiêu tăng trưởng của doanh nghiệp đều đặn hàng năm tăng 20% so với năm trước... Đồng thời tạo việc làm cho gần 100 lao động, trong đó có nhiều người có hoàn cảnh khó khăn.

... và đóng thùng để xuất ra thị trường.

Những nỗ lực không mệt mỏi trong quản lý và điều hành doanh nghiệp đã góp phần lớn đưa Newstar nhận được những giải thưởng cao quý như: Huy chương vàng hàng Việt Nam chất lượng cao, phù hợp tiêu chuẩn; Siêu cúp thương hiệu nổi tiếng vì sự nghiệp bảo vệ sức khỏe và phát triển cộng đồng; Cúp vàng thương hiệu an toàn vì sức khỏe cộng đồng. Các thành tích cá nhân mà chị đã nhận được tiêu biểu là: Bảng vàng Doanh nhân đại Việt năm 2010, 2011; Danh hiệu Bông Hồng Vàng - Nữ doanh nhân Việt Nam xuất sắc năm 2013; Bảng vàng lưu danh vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh; Doanh nhân văn hóa - Nữ tướng thời bình và Doanh nhân Sao đỏ năm 2014…

Thanh Hằng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201910/chuyen-ve-nu-doanh-nhan-sao-do-2456687/