Chuyện về 'Nữ cảnh sát Liên hợp quốc 2020'

Chánh thanh tra Doreen Mazuba Malambo đến từ Zambia đã giành được giải thưởng danh giá 'Nữ cảnh sát Liên hợp quốc 2020'.

Hiện bà đang làm việc với tư cách cố vấn về giới tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Nam Sudan (UNMISS). Doreen Mazuba Malambo cùng các đồng nghiệp tại Phái bộ đang làm nhiệm vụ cao cả là gìn giữ hòa bình cho vùng đất nóng bỏng ở châu Phi này.

Nghề chọn người

Trong một bài phát biểu vào năm 2017, Chánh thanh tra Malambo từng khẳng định: “Khi bạn giáo dục một phụ nữ, bạn sẽ giáo dục cả quốc gia”. Có lẽ bà không thể ngờ, chỉ 3 năm sau đó bà sẽ nhận được giải thưởng dành cho nữ cảnh sát có ảnh hưởng nhất của Liên hợp quốc.

Theo bà Malambo, hành trình của bà với Liên hợp quốc bắt đầu vào năm 2008 tại Liberia, khi bà 32 tuổi và đang tràn ngập quyết tâm chứng tỏ bản thân với tư cách là một cố vấn về giới. Khoảnh khắc nữ chánh thanh tra tỏa sáng trong mắt đồng nghiệp quốc tế đến khi một người phụ nữ bị câm đến đồn cảnh sát để trình báo việc mình vừa bị hành hung, nhưng không một cảnh sát nào hiểu cô gái đang nói gì.

Vốn thành thạo ngôn ngữ kí hiệu, và từng hoạt động với tư cách là cầu nối cho cảnh sát và người khuyết tật ở Zambia rất nhiều năm, bà Malambo đã dễ dàng “phiên dịch” được lời khai của nạn nhân. Chính khả năng kết nối, bảo vệ và hết lòng với tất cả mọi người đã trao cho bà cơ hội làm việc tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan vào tháng 4-2016.

Tuy nhiên chỉ 3 tháng sau đó, các cuộc bạo động nổ ra tại Nam Sudan và đất nước này nhanh chóng rơi vào hỗn loạn. Các cuộc bạo động diễn ra quá dữ dội, trong khi bà cùng các đồng nghiệp chưa hề nhận được bất kì chỉ dẫn cụ thể nào từ cấp trên. Ngay trong ngày công tác thứ 2 tại Nam Sudan, khi đang lắng nghe chỉ thị của cấp trên qua radio, toàn bộ Phái bộ Gìn giữ hòa bình nhận được lệnh bảo vệ những người dân Nam Sudan đang ùa đến trụ sở Phái bộ tại Juba để trốn chạy khỏi các cuộc bạo động đẫm máu. Bà Malambo là nữ cảnh sát đầu tiên lên đường trong khi còn chưa kịp mặc áo chống đạn.

“Chính tôi cũng rất sợ hãi, nhưng lúc đó tôi biết nếu họ nhìn thấy một cảnh sát sợ hãi thì họ sẽ mất hết hy vọng. Vì vậy, tôi liên tục động viên họ, nói rằng cuộc nội chiến ở Nam Sudan sẽ sớm kết thúc”, bà nhớ lại.

Với tư cách là một người mẹ đơn thân làm việc tại tiền tuyến của cuộc nội chiến tại quốc gia “trẻ” nhất thế giới, bà đồng cảm với những người mẹ trẻ bị tách khỏi gia đình và những cô gái bị lạm dụng: “Rất nhiều người phụ nữ đã tâm sự với tôi rằng trong khi chồng họ đang chiến đấu ngoài mặt trận thì họ bị biến thành những chiếc băng chuyền để mang đồ ăn và đạn dược cho chồng”.

Chính tại thời điểm này, kinh nghiệm của bà Malambo tại Liberia bắt đầu trở nên có ích: “Tôi kể cho họ về cách mà những người phụ nữ Liberia mang lại hòa bình cho đất nước. Chính phụ nữ chứ không phải đàn ông đã chiến đấu vì hòa bình ở Liberia”.

Nữ cảnh sát Doreen Mazuba Malambo, chủ nhân giải thưởng "Nữ cảnh sát Liên hợp quốc 2020".

Nữ cảnh sát Doreen Mazuba Malambo, chủ nhân giải thưởng "Nữ cảnh sát Liên hợp quốc 2020".

Sau một thời gian, những câu chuyện của bà Malambo dần có sức ảnh hưởng lên phụ nữ ở Nam Sudan, và những người phụ nữ đó bắt đầu thuyết phục chồng ngừng bắn. Một thời gian sau, nhiều binh lính Nam Sudan đã đến Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan giao nộp lại vũ khí và xin hàng. Những đóng góp của bà đã nhận được rất nhiều sự chú ý, và bà lại tiếp tục được quay lại làm việc ở Nam Sudan chỉ 3 tháng sau khi nhiệm kì đầu tiên của mình kết thúc.

Trong nhiệm kì thứ 2, bà Malambo đảm nhận chức vụ cố vấn về giới - một công việc yêu cầu người phụ nữ đa tài này phải nâng cao nhận thức về giới cho Sở Cảnh sát Quốc gia Nam Sudan lẫn Cục Quản lý Trại giam quốc gia. Ngoài ra, bà còn hỗ trợ về mặt kĩ thuật cũng như tư vấn về những vấn đề liên quan đến việc bảo vệ người dân trong cuộc nội chiến, hoặc về đảm bảo an toàn cho phụ nữ.

Tuy vất vả nhưng bà Malambo cảm thấy rất hạnh phúc với công việc của mình: “Tôi luôn tin rằng ý kiến của phụ nữ cần phải được lắng nghe, đặc biệt là về những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến họ. Với tư cách là một cố vấn về giới, tôi có thể tiếp sức mạnh cho phụ nữ và trẻ em gái ở Nam Sudan mỗi ngày. Thêm vào đó, tôi còn có thể giúp đỡ lực lượng cảnh sát địa phương”.

Ngoài ra, bà Malambo còn tham gia hỗ trợ lực lượng Cảnh sát Liên hợp quốc củng cố kĩ năng và kiến thức: “Kiến thức là thứ tài sản duy nhất không giảm đi khi được chia sẻ. Tôi rất vui mỗi khi được bàn luận với đồng nghiệp về những chủ đề mà tôi hiểu rõ, và đồng thời tôi cũng học được nhiều điều từ họ hàng ngày”.

Với bà Malambo, thành tựu lớn nhất của bản thân không chỉ là việc giành được giải thưởng “Nữ cảnh sát Liên hợp quốc 2020”, mà còn là vai trò của bà trong việc thành lập Mạng lưới Nữ cảnh sát Nam Sudan - một tổ chức giúp phụ nữ từ các cộng đồng địa phương nâng cao kiến thức để có thể tự nuôi sống bản thân cũng như hỗ trợ gia đình. Thành tựu lớn thứ 2 của bà Malambo là việc bà có thể trò chuyện với những người khiếm thính ở Nam Sudan bằng ngôn ngữ kí hiệu.

Cho dù phải chứng kiến nỗi đau và mất mát hàng ngày, bà Malambo vẫn giữ vững sự lạc quan về cuộc sống và công việc: “Tôi rất vinh dự khi được Liên hợp quốc vinh danh. Tuy nhiên, phần thưởng thực sự dành cho tôi, với tư cách là một người lính giữ gìn hòa bình, một cảnh sát và một người phụ nữ là cơ hội được cống hiến cho một mục đích tốt đẹp, vượt lên trên mọi biên giới: hòa bình bền vững dành cho tất cả, từ những người yếu thế, những người lưu lạc cho đến những người khuyết tật”.

Nếu không có Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan, quốc gia này sẽ lâm vào nguy cơ bị diệt chủng.

Những người mang khát vọng hòa bình đến vùng đất "nóng"

Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan thành lập vào ngày 8-7-2011 bởi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, hiện phái bộ đang được dẫn dắt bởi Đại diện Đặc biệt của Tổng thư kí David Shearer.

Tính tới tháng 5-2019, có tổng cộng 15.000 quân nhân, 1.800 cảnh sát và 2.800 nhân viên dân sự. Trụ sở chính của Phái bộ nằm ở thành phố thủ đô Juba của Nam Sudan. Các nhiệm vụ chính của Phái bộ Gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan bao gồm góp phần gìn giữ hòa bình và phát triển kinh tế đất nước; hỗ trợ chính phủ ngăn ngừa bạo loạn, bất đồng cũng như bảo vệ dân thường; cùng chính phủ thiết lập an ninh và luật pháp. Tính đến thời điểm hiện tại, Ấn Độ đã cử 2.237 quân nhân tham gia phái bộ. Ngoài Ấn Độ, có tới 57 quốc gia khác cũng cử sỹ quan, binh sĩ quân đội, nhân viên cảnh sát và nhân viên dân sự hỗ trợ công cuộc gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan như Úc, Canada, Trung Quốc, Việt Nam…

Cho dù nhận được sự ủng hộ từ Liên hợp quốc cũng như nhiều nước trên thế giới, hoạt động của phái bộ ở một đất nước có tình hình chính trị phức tạp như Nam Sudan vẫn đầy rẫy hiểm nguy. Vào ngày 9-4-2013, 5 binh lính người Ấn Độ và 7 nhân viên của Liên hợp quốc đã bị giết hại và 9 người đã bị thương tại thành phố Jonglei khi đang di chuyển từ thành phố Pibor đến Bor.

Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nam Sudan, thủ phạm của cuộc tấn công là quân nổi dậy của cựu tướng quân đội David Yau Yau. Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan khẳng định có 200 người được trang bị vũ trang - trong đó có những vũ khí hạng nặng như súng chống tăng - liên quan đến vụ tấn công, và đoàn Liên hợp quốc có tổng cộng 32 binh lính Ấn Độ. Bên cạnh đó, Liên hợp quốc cũng vinh danh những người lính đã ngã xuống, vì chính sự chống trả quyết liệt của họ đã khiến quân nổi dậy phải lùi bước, cứu được rất nhiều người dân.

Một cuộc tấn công nặng nề khác nhắm vào phái bộ xảy ra vào ngày 17-4-2014, giết chết 58 người và làm bị thương ít nhất 100 người. Một đoàn người đã ghé thăm trụ sở của phái bộ tại thành phố Bor với mục đích trình một đơn kiến nghị thông thường, tuy nhiên ngay khi đến nơi, họ đã xả súng vào 5.000 người tị nạn đang trú tại nơi này.

Trong số những người bị giết hại có 48 thường dân và 10 kẻ xả súng bị tiêu diệt. Cuộc tấn công bạo lực này phản ánh căng thẳng giữa 2 tộc người Dinka và Nuer tại Nam Sudan khi mà ngay trước đó, một nhóm người Dinka đã yêu cầu trại tị nạn dành cho hàng nghìn người Nuer phải chuyển đi nơi khác.

Bất chấp những khó khăn và thách thức, Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan đã mang đến những ảnh hưởng tích cực to lớn đến cuộc sống hàng ngày của hàng trăm nghìn người dân. Theo như nghiên cứu của tổ chức Global Observatory, chỉ trong 3 năm từ năm 2013 đến 2016, bằng hành động cung cấp nơi tị nạn cho những người dân đang cố gắng trốn thoát khỏi những cuộc bạo động lan rộng khắp đất nước, Phái bộ đã cứu sống hơn 200.000 người, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Ngoài ra, trong mắt nhiều chuyên gia và người dân, Phái bộ đã không chỉ cứu sống hàng trăm nghìn người, mà còn góp công tách rời những cộng đồng có mâu thuẫn để phòng ngừa bạo lực. Với những người dân Nam Sudan thì nếu không có Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan, quốc gia này sẽ lâm vào cảnh bị diệt chủng.

Thành tựu này cũng mang đến thách thức lớn nhất của lực lượng gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan. Phái bộ cử phần lớn binh lính đến bảo vệ những khu vực tập trung đông người dân, thế nhưng việc này lại khiến lực lượng không còn đủ quân số để tuần tra những khu vực khác, vốn cũng đang lâm vào tình trạng hỗn loạn.

Với hơn 2 triệu người bị tách khỏi gia đình và quê hương rải rác khắp đất nước, nhiều nhà nghiên cứu làm việc cho UN cho rằng có lẽ Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan nên cử thêm lực lượng đi khắp đất nước, thay vì chỉ tập trung tại một vài địa điểm đông dân nhất.

Huyền Thi

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/nhan-vat-hot/chuyen-ve-nu-canh-sat-lien-hop-quoc-2020-618327/