Chuyện về nữ bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn ở đảo Trần

Trong chuyến đi cùng Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Vùng 1- Hải quân ra thăm, tặng quà, kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị đóng quân trên đảo Trần, Đoàn đã đến thăm, tặng quà bà con, thầy trò trường liên cấp đảo Trần và có cuộc trò chuyện với chị Nguyễn Thị Cảnh, SN 1977- người đầu tiên xung phong ra đảo và bám trụ ở đảo cho đến tận bây giờ. Hiện chị giữ chức bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn đảo Trần thuộc xã đảo Thanh Lân, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh; được cán bộ, nhân dân trên đảo rất mực kính trọng, yêu quý.

Nữ chủ nhân đầu tiên của đảo

Tại buổi làm việc, Đại tá Hồ Thanh Hoàn, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 1- Hải quân nói vui rằng, chị Cảnh chính là nữ chủ nhân đầu tiên của đảo, là cột mốc sống nơi đảo tiền tiêu vùng Đông bắc Tổ quốc.

Lí giải cho điều Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 1- Hải quân vừa đề cập, chị Cảnh cho hay, chị cùng chồng ra đảo năm 2006- khi đó, đứa con nhỏ của anh chị vừa được 4 tuổi. Trước đó, do cuộc sống khó khăn, công việc không ổn định nên lúc bố mẹ đưa ra ý kiến “hay chuyển ra đảo Trần sống”, vợ chồng chị Cảnh đồng thuận gật đầu. Ra đảo khi chưa một bóng người trong điều kiện rất khắc nghiệt; nhà cửa chưa có; điện, nước ngọt cũng không và chỉ vẻn vẹn có 2 bàn tay trắng. Để tạo lập, mưu sinh, vợ chồng chị quyết định gửi đứa con nhỏ nhờ ông bà ngoại chăm sóc. Với sự giúp đỡ tận tình của các đơn vị bộ đội đóng quân trên đảo, vợ chồng chị Cảnh cũng dựng được căn nhà cót ép lấy chỗ chui ra chui vào.

Công việc hàng ngày của chồng chị Cảnh là đi biển còn chị mua một số mặt hàng nhu yếu phẩm bán cho bộ đội trên đảo. Cuộc sống trên đảo thực sự rất khó khăn nhưng cả hai vợ chồng bảo nhau quyết tâm để mưu sinh, tồn tại. Thời gian trôi qua, ý thức của hộ dân đầu tiên ra đảo dần được nâng lên, anh chị quyết tâm, kiên trì bám đảo, gia cố nhà cửa, trồng cây xanh, chăn nuôi. Từ đó, cuộc sống cũng vững vàng hơn. Đứa con thứ 2 của anh chị ra đời, trên đảo có tiếng khóc, tiếng cười trẻ em dần trở nên ấm áp.

Năm 2014, tỉnh Quảng Ninh thực hiện dự án đưa dân ra đảo và có nhiều chính sách khuyến khích hỗ trợ các hộ dân tự nguyện ra đảo. Thôn đảo Trần được thành lập từ đó và đến nay, hòn đảo với diện tích 4,5km2 này đã có tổng cộng 12 hộ với 55 nhân khẩu. Vốn trước khi ra đảo đã tham gia công tác Đoàn thanh niên tại địa phương, có kiến thức và sự gắn bó với đảo nên chị Cảnh được chính quyền huyện Cô Tô, xã Thanh Lân động viên đi học bồi dưỡng sơ cấp rồi trung cấp chính trị và bồi dưỡng kết nạp Đảng; sau đó lại động viên chị giữ vị trí Trưởng thôn. Tháng 8-2017, chi bộ thôn đảo Trần được thành lập và tháng 9-2017, khi vừa trở thành đảng viên chính thức, chị Cảnh được tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ của thôn. Chi bộ thôn đảo Trần hiện có 5 đảng viên; trong đó có 1 cô giáo công tác tại trường liên cấp đảo Trần và 3 đồng chí công tác tại UBND xã Thanh Lân được cử sang sinh hoạt. Chi bộ duy trì cuộc họp vào ngày mùng 3 hàng tháng. Bình thường, 3 đảng viên công tác tại UBND xã Thanh Lân sẽ sang đảo Trần để sinh hoạt nhưng khi bận công việc đột xuất thì 2 đảng viên tại đảo sẽ mất 40 phút đi xuồng cao tốc sang xã Thanh Lân để tổ chức sinh hoạt chi bộ. Trong cuộc sinh hoạt tháng nào nữ bí thư chi bộ cũng thông qua tình hình an ninh trật tự, phát triển kinh tế của bà con trên đảo.

Chị Nguyễn Thị Cảnh- Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn đảo Trần (thứ 4 bên trái) nhận quà của Đoàn công tác BTL Vùng 1 Hải quân.

Chị Nguyễn Thị Cảnh- Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn đảo Trần (thứ 4 bên trái) nhận quà của Đoàn công tác BTL Vùng 1 Hải quân.

Niềm mong ước của bà con đảo Trần

Ngoài chăm lo phát triển kinh tế, ổn định tinh thần cho bà con trên đảo thì ở cương vị bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn, chị Cảnh đã cùng với các đơn vị bộ đội tích cực động viên bà con sống xanh - sạch, trồng cây xanh, bảo vệ môi trường biển. Năm 2019, chị đã vận động xin vật liệu của đơn vị thi công công trình trên đảo và nhờ bộ đội giúp công sức xây cho mỗi hộ dân một lò đốt rác trước nhà để giải quyết vấn đề rác sinh hoạt, không thải ra môi trường gây ô nhiễm. Bởi thế, đảo Trần vẫn là hòn đảo xanh, không bị rác thải và đồ nhựa xâm lấn như một số hòn đảo khác.

Chị Cảnh nói rằng, 70% số dân trên đảo không biết chữ nên khi ngôi trường liên cấp được xây dựng, bà con nơi đây rất phấn khởi. Về mưu sinh thì 80% người dân sinh sống bằng nghề đánh bắt cá và không có nghề phụ. Mùa biển lặng còn đánh bắt được cá tôm chứ mùa mưa, mùa biển động thì vô cùng khó khăn; tuy vậy, tất cả đều động viên nhau cố gắng, tự thân vận động.

Hiện tại, trong khi các đảo khác trong huyện đảo Cô Tô đã có điện thì đảo Trần chưa có. Đảo tuy không quá xa đất liền, chỉ chừng vài ba giờ chạy xuồng máy nhưng hầu như mọi lương thực - thực phẩm, nhu yếu phẩm sinh hoạt, rau xanh đều phải mang từ đất liền ra. Riêng nguồn điện để thắp sáng và chạy các thiết bị điện phải dùng máy nổ. Trung bình hộ nào cũng mất hơn 1 triệu đồng cho tiền điện. Riêng nhà chị Cảnh có 3 tủ lạnh để đựng đồ thì chi phí cho tiền điện lên tới 6 triệu đồng/tháng. “Tháng 11-2019 có cán bộ đoàn điện lực tỉnh ra khảo sát và nói trong năm 2020 sẽ kéo điện lưới ra đảo Trần. Bà con nghe tin rất phấn khởi mong sớm có điện để ổn định sản xuất, phát triển kinh tế…”- chị Cảnh nói.

Ngoài vấn đề về điện, một mong ước nữa được nữ bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn đảo Trần chia sẻ là về y tế. Trên đảo hiện chỉ có Trạm quân y của Tiểu đoàn 151. Do điều kiện khó khăn nên mới chỉ đáp ứng được công tác sơ cứu ban đầu. “Trường hợp có ca cấp cứu mà biển động không đưa bệnh nhân ra huyện Cô Tô hoặc đưa lên tuyến trên là rất nguy hiểm; nhất là khi dịch bệnh viêm phổi do chủng virus corona mới đang lan rộng như hiện nay là không thể chủ quan bởi sau kì nghỉ Tết nhiều người về đất liền, về quê ăn Tết vừa quay trở lại đảo công tác”. Mong muốn của bản thân chị Nguyễn Thị Cảnh cũng như nhân dân trên đảo Trần là sớm được Nhà nước quan tâm, đầu tư, phát triển y tế để sức khỏe của nhân dân trên đảo được đảm bảo; người dân cũng vì thế mà yên tâm bám đảo hơn…

Điệp Quyên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chuyen-ve-nu-bi-thu-chi-bo-kiem-truong-thon-o-dao-tran-178382.html