Chuyện về nữ bác sĩ sản khoa

ThS. BSCKII Nguyễn Thị Minh Thanh, Phó khoa Khám chuyên sâu sản phụ khoa và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội hiện nay đang là một trong những bác sĩ đỡ đẻ 'mát tay' cho nhiều sản phụ. Với kinh nghiệm hơn chục năm trong nghề, bác sĩ Thanh được rất nhiều sản phụ trao gửi niềm tin trong lần vượt cạn của mình và được các thai phụ không ngớt lời khen về sự tận tâm, tận tình hết mình. Thậm chí, có bà mẹ bỉm sữa 'một nách' 4 con nhỏ vẫn dành thời gian viết thư tay gửi lời cảm ơn bác sĩ nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2.

Vừa nịnh vừa “nắn gân” bệnh nhân

Trong suốt 14 năm gắn bó với chuyên khoa Phụ sản, bác sĩ Thanh đã tiếp xúc và điều trị thành công cho rất nhiều ca bệnh khó. Đặc biệt là các trường hợp hiếm muộn, bác sĩ Thanh luôn gần gũi, động viên và tìm phương án tốt nhất để điều trị cho người bệnh. Chia sẻ về những vất vả trong nghề bác sĩ Thanh cho biết: Mặc dù công việc vất vả, phần lớn thời gian hàng ngày gắn bó với bệnh viện nhưng mỗi lần được nghe thấy tiếng khóc của từng em bé do chính tay mình đỡ đẻ, nhìn thấy nụ cười hạnh phúc của sản phụ và gia đình, khi các con ra đời khỏe mạnh, tôi lại cảm thấy hạnh phúc và quên hết mọi mệt mỏi”.

Bác sĩ Thanh thăm, khám cho bệnh nhân.

Bác sĩ Thanh thăm, khám cho bệnh nhân.

Mặc dù, không nhớ nổi đã đỡ đẻ thành công cho bao nhiêu ca, nhưng với những ca bệnh đặc biệt thì bác sĩ Thanh lại không bao giờ quên. Ngay trong năm 2019, bác sĩ Thanh nhớ mãi khi đỡ đẻ thành công cho hai trường hợp đều là những bệnh nhân hiếm muộn kéo dài. Với hai ca bệnh này, ngoài việc “giữ thai” khỏe mạnh, bác sĩ còn phải theo tới khi thai phụ sinh “mẹ tròn con vuông” mới dám thở phào nhẹ nhõm.

Đơn cử như một trường hợp thai phụ tìm đến bác sĩ Thanh khi tiền sử đã trường kỳ 10 năm hiếm muộn và 5 lần xảy thai không rõ nguyên nhân. Hầu như các bệnh viện lớn tại Hà Nội bệnh nhân đều thử qua hết, cũng đã làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) nhưng đều không thành công… Và lựa chọn cuối cùng đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Theo bác sĩ Thanh, việc theo dõi và giữ thai cho thai phụ vô cùng khó khăn, vì trong quá trình mang thai, thai phụ hay ra máu, phải tiêm nhiều thuốc để giữ thai. Đến 33 tuần bị vỡ ối non, nhân xơ tử cung to. Đáng lo ngại, thai phụ này lại sử dụng một loại thuốc phải dừng trước mổ đẻ 24 tiếng, nếu không trong quá trình phẫu thuật sẽ không cầm được máu. “Ngay lập tức tôi phải cho bệnh nhân ngừng thuốc, tiêm trưởng thành phổi, sử dụng mọi biện pháp hỗ trợ… can thiệp mổ em bé được 1,8kg. Rất may, sau nằm viện 2 ngày, em bé dù nặng chưa tới 2kg nhưng khỏe mạnh và được về với mẹ và gia đình”, bác sĩ Thanh nhớ lại. Và ngay khi đón con, người đầu tiên chồng sản phụ gọi điện là bác sĩ Thanh để cảm ơn, vì sau 10 năm mòn mỏi chờ đợi, gia đình họ mới được đón “thiên thần” bé bỏng chào đời.

Cũng theo Phó Khoa Khám chuyên sâu sản phụ khoa và sơ sinh, thì trong nghề đỡ đẻ cũng gặp nhiều câu chuyện dở khóc dở cười. Bác sĩ Thanh đã từng gặp nhiều thai phụ mà vừa phải nịnh nọt, vừa phải “nắn gân” để họ phối hợp trong quá trình điều trị cũng như sinh nở. “Nhiều bệnh nhân ngoài 30 tuổi mà tôi vẫn phải nịnh như trẻ con. Thậm chí có thai phụ còn chỉ đạo chuyên môn cho bác sĩ, đòi mổ đẻ chỉ vì sợ đau… Do vậy, vấn đề lắng nghe thấu hiểu và giải thích giúp bệnh nhân tin tưởng và phối hợp tốt với mình là điều không hề đơn giản”, bác sĩ Thanh phân tích.

Như một trường hợp thai phụ bị vô sinh do u não. Khi bệnh nhân đến khám vì mất kinh và mong con tại Bệnh viện. Bác sĩ Thanh phát hiện bệnh nhân bị u tuyến yên to, chị phải kết hợp với Bệnh viện Việt Đức để điều trị can thiệp giúp bệnh nhân có kinh bình thường. Sau đó, bệnh nhân lén lút giấu bác sĩ đi bơm tinh trùng vào tử cung (IUI) nhưng cũng không thành công. Khi đó bệnh nhân mới quay lại nhờ bác sĩ Thanh điều trị tiếp. Trước hoàn cảnh của bệnh nhân, như là hy vọng cuối cùng và với sự giúp đỡ, tư vấn điều trị tận tình của bác sĩ người mẹ đã mang thai tự nhiên thành công như sự đền đáp cho chuỗi ngày cực nhọc mong ngóng.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Thanh với thai phụ này, việc đỡ đẻ áp lực hơn nhiều lần so với ca khác. Vì khi lên bàn đẻ mặc dù các chức năng sống, chỉ số tim mạch, huyết áp bình thường, nhưng bệnh nhân không rặn đẻ,… phó mặc cả cho bác sĩ. Bởi vậy, tới khi giúp bệnh nhân sinh con thành công, thì bác sĩ cũng “toát mồ hôi hột”.

Các cụ vẫn có câu “chửa đẻ cửa mả”, nên nhiều thai phụ sợ nguy hiểm… đòi sinh mổ. Tuy nhiên, theo bác sĩ Thanh căn cứ vào tình hình sức khỏe của thai phụ, các bác sĩ sẽ là người quyết cho họ đẻ thường hay can thiệp đẻ mổ. Vì đẻ thường sẽ tốt hơn cho cả hai mẹ con. Nhưng với những trường hợp đó, các bác sĩ sẽ phải tư vấn và giải thích cho sản phụ và gia đình hiểu. “Vì nếu sinh xong hai mẹ con khỏe mạnh gia đình sẽ rất cảm ơn. Nhưng nghề y không nói hay được, có những tai biến sản khoa mà bất kỳ bác sĩ nào cũng phải ngấn lệ bất lực, đau với nỗi đau và mất mát của sản phụ và gia đình. Bởi vậy, trong nhiều trường hợp, dù nắm chắc được chuyên môn, nhưng việc các bác sĩ cho bệnh nhân đẻ thường hay sinh mổ cũng là một quyết định “cân não”, bác sĩ Thanh chia sẻ.

“Gia tài” lớn nhất là những lời cảm ơn chân thành

Trải lòng về những năm tháng gắn bó với nghề, bác sĩ Thanh tự hào rằng “gia tài” lớn nhất của chị từ trước đến nay chính là những bức tâm thư với những lời chân tình, sự cảm ơn, những chia sẻ tự đáy lòng mà sản phụ, các gia đình sản phụ gửi đến. Mới đây, sản phụ Vũ Việt Ninh đã viết thư gửi đến Khoa nhân ngày 27/2 cảm ơn cá nhân bác sĩ Thanh vì đã luôn đồng hành trong suốt thai kỳ.

Bức tâm thư sản phụ cảm ơn bác sĩ Thanh nhân ngày 27/2.

Trong thư, chị Ninh viết ngày 21/2/2020, bằng những lời lẽ chân thành rằng: “Em là sản phụ may mắn được bác sĩ theo dõi thai kỳ và đỡ đẻ thành công cả ba lần mang thai và sinh nở… Gia đình em vô cùng cảm kích, biết ơn bác sĩ và càng thêm tin yêu bác sĩ cũng như những người thầy thuốc luôn đặt sự an toàn và lợi ích của bệnh nhân lên hàng đầu. Nhờ bác sĩ khuyên nhủ và đưa ra quyết định chuyên môn chính xác, mà em hai lần sinh thường và một lần mổ đẻ sinh đôi mẹ con đều khỏe mạnh, an toàn, vượt qua nỗi ám ảnh như các cụ vẫn nói “chửa đẻ cửa mả”…

Được biết, ngày 27/2 khi sản phụ Ninh gửi quà đến Bệnh viện, bác sĩ Thanh vẫn còn đang làm việc tối tăm mặt mũi. Quà sản phụ gửi tới là một lẵng hoa và bức thư viết tay. “Khoảnh khắc mở bức thư tay, tôi thực sự xúc động không nói lên lời. Bởi lẽ, bạn ấy mẹ bỉm sữa đang một nách 4 con nhỏ… vô cùng vất vả mà vẫn dành thời gian viết thư tay cảm ơn bác sĩ thì thực sự là điều đáng quý. Nên với tôi, đó chính là món quà tri ân ngày thầy thuốc quý giá hơn tất cả”, bác sĩ Thanh xúc động chia sẻ.

Nhiều năm theo nghề Y, trong lòng bác sĩ Thanh luôn khắc ghi những lời dạy của Bác về nghề y “Lương y phải như từ mẫu” và cố gắng vận dụng, đúc kết vào thực tiễn những lời dạy ấy xuyên suốt trong quá trình công tác chuyên môn của mình. Bác sĩ luôn cố gắng gần gũi, chia sẻ để thấu hiểu bệnh nhân. Hơn nữa, bác sĩ Thanh là một người phụ nữ, một người mẹ và cũng từng mang thai rất vất vả… nên chị luôn thấu hiểu và chia sẻ với những nỗi đau mà những sản phụ không may mắn gặp phải trong quá trình thai kỳ.

Không chỉ chú trọng trong công tác chuyên môn, bác sĩ Thanh còn tham gia các nghiên cứu khoa học tại Bệnh viện và tích cực trong các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng do Bệnh viện và ngành Y tế tổ chức… Bởi vậy, bác sĩ đã nhận được nhiều bằng khen từ Bệnh viện. Đặc biệt, năm 2019 bác sĩ Thanh còn là một trong những nhân vật tiêu biểu được vinh danh tấm gương điển hình người tốt việc tốt của Thành phố- vì những cống hiến không mệt mỏi cho sức khỏe của cộng đồng.

Minh Khuê

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/chuyen-ve-nu-bac-si-san-khoa-104151.html