Chuyện về nơi khởi nguồn của chữ Quốc ngữ
'Trong 500 năm trở lại đây, một trong những thành tựu văn hóa lớn nhất của dân tộc Việt Nam là sự ra đời của chữ Quốc ngữ', nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang chia sẻ.
Nước Mặn - nơi phôi thai chữ Quốc ngữ
Năm 1618, quan Khám lý phủ Quy Nhơn Trần Đức Hòa đón các giáo sĩ phương Tây: Francesco Buzomi, Christoforo Borri, Francisco de Pina từ Hội An (Quảng Nam) vào Quy Nhơn (Bình Định) rồi đưa về lưu trú tại Nước Mặn (thuộc thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định ngày nay). Đây chính là khởi đầu của quá trình phôi thai chữ Quốc ngữ trên vùng đất này.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang, thông qua tư liệu, các dẫn chứng về khoa học, năm 1618, quan Khám lý phủ Quy Nhơn Trần Đức Hòa sau khi đón các giáo sĩ Phương Tây từ Hội An vào Quy nhơn thì đưa về lưu trú tại Nước Mặn. Tại đây, Khám lý phủ Quy Nhơn Trần Đức Hòa cho dựng cư sở, tạo điều kiện cho các giáo sĩ truyền giáo, phiên âm, sáng tạo hình thành chữ Quốc ngữ.
Dẫn chứng cho "Nước Mặn – Bình Định" là nơi phôi thai chữ Quốc ngữ, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang đã chỉ ra, thời kỳ phôi thai của chữ Quốc ngữ đến nay biết được qua các "chứng từ" viết tay vắn tắt. Đó là các bản báo cáo thường niên viết ở Macao của Antonio di Sousa (1617), Francesco Eugenio (1618), João Rodrigues Giram (1619); và 2 báo cáo của João Roiz, Gaspar Luiz cùng năm 1621.
Trong các bản báo cáo thường niên tại Macao tổng hợp lại từ các nhà truyền giáo tại cư sở Nước Mặn (báo cáo thường niên từ các nhà truyền giáo Đàng Trong gửi về Tỉnh dòng ở Macao) xuất hiện một số chữ Quốc ngữ như: Ondelim "ông đề lĩnh", Unsai "ông sãi", Ungue "ông nghè", Cacham "Kẻ chàm", Nuocman "Nước Mặn lưu trữ tại Roma. Các tài liệu này được viết năm 1620 và 1621 bởi Rodrigues Giram và Roiz bằng tiếng Bồ Đào Nha và Luiz bằng tiếng Latin.
Tài liệu in đầu tiên có chữ Quốc ngữ hiện nay biết được là những ghi chép của Linh mục Cristoforo Borri trong cuốn sách "Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong" xuất bản bằng tiếng Ý lần đầu tiên năm 1631, tại Rôma. Dù chưa được chặt chẽ, song trong cuốn sách này có tới 94 chữ Quốc ngữ, nhiều nhất so với các tác giải khác cùng thời.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang, trong những năm gần đây, các học giả đã nhìn nhận lại, việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ là cả một quá trình, là công việc tập thể của nhiều giáo sĩ phương Tây, chia làm nhiều giai đoạn. Song, giai đoạn từ năm 1618 đến năm 1625, dưới sự bảo trợ của quan Khám lý phủ Trần Đức Hòa, cư sở Nước Mặn – Bình Định là trung tâm truyền giáo lớn của xứ Đàng Trong. Trong quá trình này, các thừa sai Dòng Tên tiếp xúc nhiều với người dân bản địa, học tiếng Việt và tự do truyền giáo. Cũng tại cư sở Nước Mặn, thông qua hoạt động truyền giáo và báo cáo tình hình hàng năm về Macao, các linh mục bắt đầu sử dụng chữ Quốc ngữ trong các bản viết tay.
"Chính các bản báo cáo viết tay của các linh mục này đã chứng minh rằng ngay từ những năm 1618-1620, đã có một khởi đầu hình thành chữ Quốc ngữ tại chính quê hương Nước Mặn. Như vậy, Cửa Hàn/Hội An là điểm xuất phát truyền giáo buổi đầu, năm 1618 lập giáo đoàn tại Nước Mặn và Nước Mặn là cư sở truyền giáo đầu tiên do các Linh mục Buzomi, Pina, Borri đảm nhiệm. Cha bề trên Buzomi và 2 linh mục của giáo đoàn ông là Pina và Borri là những giáo sĩ Dòng Tên quốc tịch Ý và Bồ Đào Nha đi tiên phong trong việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, thời gian đầu đến Đại Việt (Đàng Trong) sống, hoạt động, truyền giáo và học tập nghiên cứu, phiên âm chữ Quốc ngữ đều ở Nước Mặn (Quy Nhơn). Do đó, có thể coi Nước Mặn là nơi phôi thai, điểm khởi nguyên chữ Quốc ngữ", nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang chia sẻ.
Dấu tích sự hình thành chữ Quốc ngữ tại Bình Định
Khi cư sở Nước Mặn là nơi phôi thai chữ Quốc ngữ thì nhà in Làng Sông – Quy Nhơn là nơi phát triển, truyền bá chữ Quốc ngữ và văn học Quốc ngữ cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX.
Nước Mặn (thôn An Hòa, xã Phước Quang) và nhà in Làng Sông – Tiểu chủng viện Làng Sông (Phước Thuận) cùng huyện Tuy Phước, cách nhau chừng 10km. Đây là hai địa điểm gắn liền với sự ra đời, phát triển và truyền bá chữ Quốc ngữ.
Dấu tích để chứng minh cho cư sở Nước Mặn hiện nay nằm ở khu vực vườn nhà ông Võ Cự Anh (thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước). Năm 2011, Tòa giám mục Quy Nhơn xây dựng công trình ghi danh 3 linh mục Dòng Tên là Francesco Buzomi (người Ý), Christoforo Borri (Ý), Francisco de Pina (người Bồ Đào Nha) và tu huynh Anto'nio Dias (Bồ Đào Nha). Công trình biểu tượng này mượn dáng cây cổ thụ có nhiều nhánh, biểu trưng cho nguồn cội, sự phát triển của Công giáo và chữ Quốc ngữ bắt đầu phôi thai từ nơi này.
Trong khi đó, nhà in Làng Sông nay nằm trong khuôn viên Tiểu chủng viện Làng Sông là minh chứng cho sự phát triển của chữ Quốc ngữ tại Bình Định. Theo ghi chép của Linh mục Gioan Võ Đình Đệ về Tiểu chủng viện và cơ sở nhà chung tại Làng Sông, nhà in Làng Sông hỗ trợ cho chữ Quốc ngữ phát triển. Nhà in Làng Sông do Đức cha Eugèn Charbonnier Trí thành lập; đây là một trong 3 nhà in sách Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam (gồm nhà in Tân Định (Tp.HCM), nhà in Ninh Phú (Hà Nội) và nhà in tiểu chủng viện Làng Sông).
Thống kê, năm 1922, dưới sự điều hành của cha Paul Maheu, nhà in Làng Sông đã in 18.000 tờ báo định kỳ, 1.000 bản sách, 32.000 ấn phẩm khác, riêng tờ Lời Thăm (bán nguyệt san), được in 1.500 bản, phát hành toàn Đông Dương. Nhà in Làng Sông hoạt động đến khoảng năm 1936, trước khi được dời về Quy Nhơn.
Tiểu chủng viện Làng Sông hiện nay là điểm thăm quan nổi tiếng ở Bình Định. Tiểu chủng viện nằm giữa cánh đồng. Khi đến đây, du khách sẽ vừa được chiêm ngưỡng kiến trúc Gothic hơn 200 năm vừa khám phá nhà in Làng Sông.
Từ đây, du khách có thể di chuyển về xã Phước Hòa để tới thăm dấu tích của cư sở Nước Mặn – nơi phôi thai của chữ Quốc ngữ tại Bình Định. Đồng thời, du khách về Bình Định có thể tới Trung tâm lưu trữ lịch sử tỉnh (12 Mai Hắc Đế, Tp.Quy Nhơn) để khám phá thêm về chữ Quốc ngữ".