Chuyện về những thuật ngữ dễ gây hiểu lầm trong báo chí, truyền thông

Thế giới hội nhập, lĩnh vực báo chí đa phương tiện cũng phát triển hết sức sôi động. Trong quá trình này xuất hiện khá nhiều điều thú vị, trong đó có việc sử dụng những thuật ngữ 'quen mà lạ' đã gây ra không ít những hiểu lầm đáng tiếc.

Báo lá cải có phải là xấu?

Theo Bách khoa thư mở bản tiếng Anh của Mỹ En.wikipedia.org (EWO), một tờ báo lá cải là một tờ báo có kích thước trang nhỏ gọn. Không có kích thước tiêu chuẩn cho định dạng loại báo này. Thuật ngữ báo lá cải thường đề cập đến các chủ đề câu khách như chuyện tội phạm giật gân, chiêm tinh, tin đồn và những người nổi tiếng.

Trong tiếng Anh, tabloid có thể hiểu là “lá cải” hay “báo khổ nhỏ” xuất hiện từ cuối thập niên 80 thế kỷ 19. Ban đầu tabloid được Hãng Dược phẩm Burroughs Wellcome&Co. dùng đặt tên cho loại thuốc viên nén, chẳng liên quan gì đến báo chí. Trước đó, hầu hết các loại thuốc đều ở dạng bột nên khá khó uống, loại viên nén (tabloid) ra đời lập tức chiếm ưu thế do dễ nuốt khi dùng. Vào thập niên 1890 và 1900, một xu hướng báo chí mới ra đời, nó không đề cao những vấn đề to tát, vĩ mô mà chỉ tập trung vào các nội dung đơn giản, dễ đọc để thu hút sự hiếu kỳ của số đông... Vì thế, loại báo chí này trở nên “dễ nuốt” với độc giả như loại thuốc viên nén nói trên. Từ đây khái niệm báo lá cải (tabloid journalism) ra đời và lan rộng trên khắp thế giới.

Vì sao tabloid được dịch sang tiếng Việt là “lá cải” thì đến nay chưa có giải thích chính thống nào. Rất có thể là do cách người ta quen gọi, nó liên quan đến hai loại báo là báo hay và báo dở. Báo nào không phục vụ tốt độc giả đích sẽ phải tiêu vong và ngược lại nếu nhảm nhí, gây hại cho xã hội cuối cùng sẽ được chính độc giả phán xét.

Mặc dù bị cạnh tranh khốc liệt với mạng xã hội nhưng các nhà báo chân chính vẫn dấn thân với nghề.

Mặc dù bị cạnh tranh khốc liệt với mạng xã hội nhưng các nhà báo chân chính vẫn dấn thân với nghề.

“Giật tít câu view” đâu phải là tiêu cực?

Thuật ngữ “giật tít câu view” được sử dụng khá thông dụng trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong lĩnh vực báo chí và quảng cáo thương mại... Nó có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài, chủ yếu là tiếng Anh. Ví dụ “tít” hay “giật tít” để thu hút độc giả (Titles that Attract Viewers). Xuất hiện cả trên báo giấy, báo điện tử, trên các trang mạng xã hội, lẫn trên truyền hình, phim ảnh hoặc trên các biển hiệu quảng cáo...

Giật tít (title) ở đây có nghĩa nói về “tiêu đề” bài viết hay bài báo. Tuy nhiên khi đề cập tới “tít” cũng nên hiểu cặn kẽ để tránh gây hiểu nhầm, có cả cái tích cực lẫn tiêu cực. Nếu hay, hấp dẫn sẽ khơi dậy sự tò mò, thú vị, cuốn hút người đọc... Ngược lại, nếu lạm dụng, trục lợi hay phục vụ cho ý đồ xấu, tiêu cực thì nên lên án. Chính sự lạm dụng thái quá này mà cụm từ “giật tít câu view” khiến độc giả nghĩ đến tiêu cực, quay lưng lại với bài viết, nhất là những tiêu đề gây sốc, giật gân, thậm chí xuyên tạc sự thật, gây tranh cãi, thậm chí cả những hệ lụy khó lường, ...

Ngày nay báo chí online phát triển mạnh và cạnh tranh khốc liệt để đạt tới tiêu chí nhanh nhạy, chính xác và hấp dẫn nhằm thu hút khán giả hay câu lượt xem (câu view). Chính điều này, nhiều tờ báo lớn cũng có lúc sa đà như hãng tin CNN hay Washington Post của Mỹ chẳng hạn, dẫn đến hiểu nhầm và tranh cãi. Theo tờ New York Times số trung tuần tháng 5/2018, truyền thông Mỹ và Nhà Trắng từng có xung đột do nhiều tờ báo điện tử tách bình luận về một số người tị nạn bất hợp pháp là “động vật”, “không phải là con người” của Tổng thống D. Trump ra khỏi ngữ cảnh và giật lên tít hoặc chia sẻ link bài báo lên mạng xã hội Twitter cùng vài dòng thông tin gây chú ý mà không đưa thêm bối cảnh cụ thể...

Thực chất, bình luận của ông Trump về người nhập cư được đưa ra trong một cuộc họp tại Nhà Trắng về chủ đề nhập cư và cái gọi là “những thành phố vệ sinh”, tức mức độ thực thi pháp luật không đồng nhất... Sau khi sự kiện gây rúng động dư luận Mỹ nói trên, thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders đã nói rõ thêm, thực chất phát ngôn của ông Trump là đề cập tới băng nhóm MS-13 và yêu cầu một số tờ báo lên tiếng giải thích hoặc xóa những dòng tiêu đề, trạng thái đã đăng. Nhân sự kiện này, nhiều chuyên gia trong ngành đa phương tiện cho rằng, báo chí cần phải có trách nhiệm làm rõ và chính xác từng trích dẫn. Nếu cứ cố tình vi phạm sẽ bị kiện và phải bồi thường do “biết mà cố tình làm tổn hại” người khác.

Duy Khoa

((Theo Net/LV/EWO RC/NYT, 6/2020))

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-ve-nhung-thuat-ngu-de-gay-hieu-lam-trong-bao-chi-truyen-thong-n175900.html