Chuyện về những sinh viên viết báo

Song hành với những người làm báo chuyên nghiệp thì từ lâu luôn có không ít sinh viên (SV) hiện đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng cũng luôn hăng say và mải miết tập viết và… làm báo.

Cách đây mấy thập kỷ, thông thường chỉ có những SV học chuyên ngành văn học và báo chí mới thường xuyên viết báo. Thế nhưng, thời nay SV của bất kỳ chuyên ngành hay khối học nào, thậm chí cả là các chuyên ngành tự nhiên vốn được mệnh danh là “khô khan” họ cũng viết báo thông qua những tâm tư, suy nghĩ và chính kiến nhiều sự kiện, muôn mặt đời sống của xã hội.

Với nhiều SV, công việc viết báo là một sự đam mê, nhất là với những SV học chuyên ngành báo chí thì họ còn có nghị lực phấn đấu để trau dồi kiến thức cho tương lai nghề nghiệp của mình.

Thu Thủy (SV báo chí năm thứ 2, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn- ĐHQG Hà Nội) tâm sự rằng, do thấy bạn bè cùng lớp viết và đăng bài trên các báo nhiều quá đã thôi thúc Thủy phải viết, mặc dù em không biết bắt đầu từ đâu và viết như thế nào?! Nghĩ công việc của mình ra trường là làm báo mà lại không viết và tập viết thì nay mai có tòa soạn nào chịu nhận một người “mù nghề”, chính vì vậy mà em đã lao vào tìm tòi, nghiên cứu, đi thực tế xã hội và viết. Thủy bảo: “Em mua báo thật nhiều về đọc để học xem họ viết như thế nào? vấn đề phản ảnh ra sao? Câu cú, ngôn từ như thế nào?… để mà học! Ngay cả việc đọc bài của các bạn cùng lớp viết cũng được chú trọng bởi người ta bảo “Học thầy không tày học bạn” mà!”. Và chỉ sau có 5 tháng chịu khó miệt mài học hỏi, Thủy đã có những bài báo đầu tiên được in, mà lại được in trên mấy tờ báo trung ương hẳn hoi. Và đó chính là động lực để em viết tiếp và định hình mình trên văn đàn báo chí trước khi ra trường…

Phong trào viết báo của các bạn SV học chuyên ngành văn học và báo chí tại các trường như: Đại học khoa học xã hội và nhân văn, Đại học sư phạm, Học viện Báo chí và Tuyên truyền…lúc này đã trở thành phong trào.

Bạn Tâm (chuyên ngành báo in, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Tại các lớp báo in, báo viết trường em phong trào các bạn SV viết báo nhiều lắm. Có người có thể được xem là làm báo khá… vững khi được đăng những bài phóng sự với đề tài xã hội, kinh tế… hóc búa. Nhiều bạn tháng được đăng vài chục bài báo lớn, nhỏ là chuyện thường. Các bạn viết ít cũng được đăng vài ba bài trở lên…”. Chúng em viết vừa chứng minh và rèn luyện cho nghề nghiệp tương lai của mình và cái được trước mắt rất thực tế đó là có tiền nhuận bút để chi tiêu, Tâm cho biết.

Vâng, khi bài báo được đăng nhiều thì việc SV có nhiều tiền là lẽ đương nhiên. Chế độ nhuận bút của một số báo đãi ngộ so với thực trạng chung bây giờ tuy không cao, nhưng cũng là rất đáng kể với mỗi bài báo được đăng. Vì thế, không ít SV chăm chỉ viết báo mỗi tháng có thu nhập 2-5 triệu đồng không phải là hiếm.

Tôi biết Nguyễn Thủy Hương, SV khoa báo chí năm 3 Đại học khoa học xã hội và nhân văn từ cái hồi em còn học năm nhất, khi ấy em đã có thu nhập mỗi tháng khoảng 2 triệu đồng từ nhuận bút. Mới đây, gặp Hương đi lấy nhuận bút tại một tòa soạn, Hương kể: “Giờ em viết ít bài hơn, nhưng chú trọng về đề tài, chất lượng nội dung bài báo. Mỗi tháng tiền nhuận bút của em cũng được khoảng trên dưới 3 triệu đồng – số tiền đủ để cho em đầu tư vào sinh hoạt, học tập!”.

Không những vậy, tôi còn nghe kể về một SV của Học viện Báo chí và Tuyên truyền mỗi tháng thu nhập tới gần 10 triệu đồng từ tiền nhuận bút, ban đầu tôi thấy hơi… choáng! Thế nhưng khi tiếp cận với SV này tôi mới thấy là lời đồn thổi không hề ngoa chút nào.

Trần Tâm – cậu SV năm 4 chuyên ngành báo viết mà trên một số báo em thường lấy thêm vài ba bút danh khác như: Anh Tuấn; Việt Tuấn và T.Tâm. Qua trò chuyện tôi được biết các đề tài mà Tâm viết khá rộng từ xã hội, kinh tế, du lịch, văn hóa, đời sống sinh viên, thậm chí cả nông nghiệp nông thôn… Là một người sinh ra ở nông thôn, có sức khỏe, thông minh nên Tâm… “cày” khá khỏe! Tâm cộng tác với không dưới 20 đầu báo, trong đó có rất nhiều tờ báo trung ương và địa phương danh tiếng như: Nhân dân, Hà Nội Mới, Phụ nữ, Tiền phong, Sài Gòn Giải Phóng, Quân Đội Nhân dân…

Tâm cho hay: “Bài viết của em được đánh giá là tốt nên mức nhuận bút ở một số tờ, nhất là các báo trong Nam họ trả khá cao. Có bài phóng sự mức nhuận bút lên tới hơn 1 triệu đồng. Vì viết nhiều, viết cho các báo có mức nhuận bút cao nên một tháng em được gần 10 triệu đồng là có thực. Dành một phần để đầu tư ăn học, số còn lại mỗi tháng em cũng gửi về giúp bố mẹ một ít để bố mẹ vui…”.

SV các chuyên ngành báo chí, văn học viết báo kiếm tiền bằng nhuận bút là một lẽ đương nhiên, thế nhưng bây giờ có khá nhiều bạn học các chuyên ngành khác họ cũng viết báo khá giỏi, mặc dù ý tưởng đến từ sự đam mê không lớn bằng mục đích kiếm tiền.

Lê thu Hoài, Đại học Bách khoa cho hay: “Em tới với công việc viết lách chỉ tình cờ do thấy các bạn viết báo có tiền và em bắt chước theo thôi. Mới đầu chỉ là viết quanh quẩn các đề tài SV, sau đó tới mấy đề tài ngoài xã hội lượm lặt được… Về sau thì viết nhiều đề tài mà mình trông thấy nhìn được thấy bức xúc, muốn bày tỏ chính kiến … đều được đưa vào bài viết…”. Từ lúc muốn đi làm thêm để lấy hơn triệu bạc phụ cho chi tiêu ăn học, tới lúc viết báo và được đăng bài nhiều Hoài đã có thu nhập hơn thế và cái được lớn hơn nữa đó là nhiều người, nhiều bạn bè biết tiếng và bỗng nhiên em cũng trở nên… nổi tiếng!

Thi thoảng tôi vẫn bắt gặp nhiều SV Kiến Trúc, Ngoại Ngữ, Kinh Tế…tới các tòa soạn nhận nhuận bút. Có nhiều bạn nhận được nhiều tiền nữa là đằng khác. Thế mới biết họ rất chịu khó, chịu viết.

Nguyễn văn Đạt, Đại học Ngoại ngữ, tâm sự: “Ngày trước em đâu có nghĩ mình viết được báo?! Tình cờ khi thấy bạn em học báo chí viết nhiều, được nhiều tiền nên em bắt chước làm theo. Mới đầu chỉ là viết chuyện cười, bài ngắn, bạn đọc viết, diễn đàn sv… Dần dà em viết bài lớn hơn, bài dịch từ các báo chí nước ngoài cũng được em vận dụng, vì dẫu sao em cũng đang học chuyên ngành Anh ngữ mà! Giờ đây, khi cô bạn học báo chí mỗi tháng kiếm 5 triệu nhuận bút thì em cũng có được khoảng 3 triệu đồng…”.

Khi tôi hỏi những bạn SV coi viết báo như một phương tiện kiếm tiền nhuận bút, để mưu sinh trước mắt về ý định tương lai có làm báo hay không? Thì đại đa số nói không rõ, nhưng cho dù làm chuyên ngành gì thì họ cũng thi thoảng vẫn viết báo.

Hồng Thảo, SV Đại học kiến trúc nói: “Chắc chắn khi ra trường em sẽ vẫn làm… kiến trúc, đó là một nghề em định hướng và yêu thích từ nhỏ, thế nhưng việc viết báo có lẽ em vẫn duy trì bởi lẽ công việc “thêm” này nó không chỉ có tiền nhuận bút, mà cái được lớn hơn rất nhiều đó là nó giúp mình hiểu biết và nhìn nhận các vấn đề xã hội một cách sâu sắc hơn, tinh tế hơn…”.

Cho dù với một lý do, mục đích nào đi chăng nữa thì đối với các bạn trẻ khi bước vào công việc viết lách và viết lách được đã là cả một ý chí và nghị lực đáng quý và trân trọng, bởi như chúng ta đã biết nghề làm báo là rất vinh quang nhưng vô cùng khó khăn, gian nan, vất vả thậm chí là còn nguy hiểm tới tính mạng…

Trịnh Viết Hiệp

Nguồn MT&CS: https://moitruong.net.vn/chuyen-ve-nhung-sinh-vien-viet-bao/