Chuyện về những người thầy thắp lửa

y là tên tác phẩm do nhóm phóng viên Ban Văn hóa xã hội (VOV2) thực hiện vừa đoạt giải đặc biệt tại Giải Báo chí toàn quốc'Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam' năm 2019.

Một tác phẩm được đầu tư công phu và đặc sắc về nội dung

Tác phẩm này được đầu tư công phu cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện, ghi dấu ấn rõ nét về sự dấn thân của nhóm tác giả trong quá trình tác nghiệp.

“Chuyện về những người thầy thắp lửa” được các tác giả Lê Thị Hằng, Kiều Thanh Phương, Trần Bá Duy, Nguyễn Trần Anh Thu, Cao Phương Lan kể về câu chuyện của những nhà giáo cắm bản, bám làng nơi rẻo cao mây mờ vô cùng xúc động. Đó là hình ảnh của thầy cô giáo đã nguyện hy sinh nhiều điều trong cuộc sống để cống hiến cho nghề. Nhắc đến ý tưởng thực hiện chủ đề này, nhà báo Lê Thị Hằng chia sẻ: “Khi được giao làm một chương trình đặc biệt về đề tài này chúng tôi cũng có nhiều băn khoăn, trăn trở. Đã có rất nhiều các tác phẩm báo chí viết về giáo dục và không hề ít những chân dung điển hình, những câu chuyện xúc động, việc lựa chọn đề tài, lựa chọn nhân vật thực sự là một thách thức lớn với chúng tôi”.

Nhưng chính thách thức ấy giúp ê-kíp thực hiện phải dày công tìm kiếm thông tin, nhân vật bởi trong biển thông tin, lựa chọn được những điển hình cần thời gian và thậm chí cả may mắn và chữ duyên nữa. “Các nhân vật phải thực sự hấp dẫn, lôi cuốn cho một tác phẩm báo chí nhưng cũng phải là tấm gương tiêu biểu cho nhà giáo, đảm bảo xứng đáng được vinh danh, tri ân. Để thực hiện điều đó, ê-kíp sản xuất chương trình đã nghiên cứu, nghiền ngẫm, huy động các mối quan hệ, tận dụng hết các kênh thông tin để làm sao có được những nhân vật ấn tượng nhất. May mắn là ê-kíp cũng đã tìm gặp những nhà giáo vô cùng đặc biệt đó để kể lên được những câu chuyện vô cùng xúc động” - phóng viên trẻ Cao Phương Lan - thành viên của ê-kíp sản xuất chương trình cho biết thêm.

Và rồi, những người làm báo đã lặn lội lên những rẻo cao để gặp gỡ, trò chuyện với những người chở đò tận tụy và đặc biệt ấy. Đó là cô giáo Kim Thị Minh, từ tiếng gọi của tình yêu và lòng thôi thúc nghề nghiệp, cô đã lên với các em học sinh Mông, Khơ Mú ở bản Thăm Thẳm - một bản vô cùng khó khăn ở xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương - một huyện nghèo vùng biên giới của tỉnh Nghệ An. Bản chỉ có vài chục hộ sinh sống với hơn chục em học sinh, không có đường, không có điện, đi lại đường rừng, tự cung tự cấp. 12 năm âm thầm gieo chữ chưa một lần cô Minh nản lòng dù thẳm sâu trong trái tim là những đau đáu khôn nguôi. Gửi con cho ông bà để lên với các em học sinh dân tộc thiểu số, cô thương con thiệt thòi đủ điều, thương cả những giấc mơ “gọi mẹ”... nên mỗi lần nhắc đến con là không cầm được nước mắt.

Ê-kíp cùng các em nhỏ ở vùng cao Hà Giang.

Với kiến thức và ước mơ còn dang dở, câu chuyện của cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Tâm, ở xã Yên Quang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, mang trong mình căn bệnh xương thủy tinh, nặng có 15kg, nhưng sẵn sàng mở lớp học miễn phí cho các em nghèo... Nhắc đến cô giáo Ngọc Tâm, nhà báo Lê Hằng không khỏi xúc động xen lẫn đó là sự cảm phục cho ý chí và nghị lực phi thường: “Đối với những người mắc căn bệnh này 30 tuổi đã là thượng thọ, khi chúng tôi thực hiện phóng sự cô đã 28 tuổi nhưng với cô Ngọc Tâm hạnh phúc mỗi ngày rất đơn giản đó là mỗi sáng kèm cho các em học sinh với tâm niệm không quan trọng là bạn sống bao lâu mà quan trọng là bạn sống như thế nào!”

Gương mặt không giấu được cảm xúc, phóng viên trẻ Cao Phương Lan xúc động mạnh với hình ảnh cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng, tay chi chít vết bầm tím vì kim tiêm do xạ trị vẫn hằng ngày có mặt tại lớp học Hy vọng mở ra ngay tại Viện huyết học và truyền máu Trung ương, lớp học đặc biệt có thể hôm trước còn đông nhưng hôm sau đã vắng bóng vĩnh viễn một trò nào đó... Dù bản thân cũng là bệnh nhân ung thư nhưng cô Hằng vẫn nguyên một tâm nguyện “được dạy trong bất cứ lúc nào cũng vẫn là hạnh phúc và mong muốn được trọn vẹn lái một chuyến đò qua sông”.

“Có thể nói rằng, việc lựa chọn được những nhân vật đặc biệt - những con người đầy ý chí, nghị lực vượt qua những khó khăn, thiếu thốn, vượt lên trên cả những nghịch cảnh để hoàn thành trọng trách với các em học sinh thân yêu đã đem đến những ấn tượng mạnh, chạm vào trái tim, lay động lòng người. Những câu chuyện mà được nghe thấy, được chứng kiến nhiều lúc chúng tôi như trực trào nước mắt nhưng vẫn cố gắng giữ được tâm lý, sự bình tĩnh của người làm báo để hoàn thành tốt chương trình”, nhà báo Lê Hằng xúc động chia sẻ thêm.

Nhóm phóng viên tặng quà cho các em học sinh tại điểm trường nơi cô giáo Kim Thị Minh giảng dạy.

Tác phẩm thể hiện sự sáng tạo và dấn thân của người làm báo

Trong số 4 giải A được trao tại Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam”, Ban tổ chức đã chọn ra một tác phẩm xuất sắc nhất để trao Giải đặc biệt. Tác phẩm đó không chỉ xuất sắc về nội dung, mà còn phong phú, sáng tạo về hình thức thể hiện. “Chuyện về những người thầy thắp lửa” được đánh giá rất cao cũng vì điều đó.

Những câu chuyện về các thầy cô giáo được mở đầu bằng những bản nhạc xen lẫn những chia sẻ tâm sự từ học sinh của chính những thầy cô giáo, đó là những thanh âm đầy ấn tượng. Phần 1 của chương trình kể ra câu chuyện về những thầy cô giáo đang hằng ngày cần mẫn thắp lửa cho các em học sinh thân yêu. Chương trình được xen kẽ bởi các phóng sự được nhóm phóng viên quay tại hiện trường cùng với sự trò chuyện, gặp gỡ khách mời tại trường quay. Phần 2 là phần tri ân, đưa đến những món quà bất ngờ cho các thầy cô giáo khi chương trình đã thiết lập các cầu truyền hình đến các địa điểm trong và ngoài nước, nơi những học sinh dưới sự giảng dạy tận tình của các cô thầy đã gặt hái được những thành công nhất định trong cuộc sống…

Có thể thấy rằng, đây là tác phẩm có hình thức thể hiện đa phương tiện, đồng thời tường thuật trực tiếp trên sóng phát thanh VOV, trên trang web VOV2 và livestream trên mạng xã hội, trên Fanpage của chương trình. Chính sự thân thiện, tương thích với các thiết bị nghe nhìn phổ biến hiện nay, sự sáng tạo trong cách thể hiện và sự nhanh nhạy trong môi trường báo chí hiện đại ngày nay, tác phẩm đã là cầu nối đưa chương trình đến gần hơn với khán thính giả.

Ê-kíp thực hiện chương trình đặc biệt Chuyện về những người thầy thắp lửa tại Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam năm 2019.

Bên cạnh nội dung và cách thể hiện chương trình còn ghi nhận sự nhiệt huyết, lòng yêu nghề cùng tinh thần trách nhiệm cao của những phóng viên trong ê-kíp, luôn cháy hết mình với nghề. Họ đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ thông tin tuyên truyền về những tấm gương điển hình tiên tiến trong ngành giáo dục. Nhớ lại quãng thời gian thực hiện chương trình, nhà báo Trần Bá Duy trầm ngâm: “Chặng đường đến với các thầy cô cũng không dễ dàng với những người làm báo. Điểm trường tiểu học Nhôn Mai là một xã vùng sâu, vùng xa ở biên giới Nghệ An, để ghi hình, phỏng vấn, làm các clip phóng sự, nhóm phóng viên phải vượt qua chặng đường hàng trăm km, đi đường mòn, phải đi bộ 4,5 tiếng đồng hồ, cũng trèo đèo lội suối để đến được các điểm trường - nơi cô giáo Kim Thị Minh đã 12 năm kiên trì và bền bỉ đồng hành của con em Mông, Khơ Mú, hay các thầy cô giáo tại điểm trường Huổi Cọ, một trong những điểm trường được đánh giá là khó khăn nhất của tỉnh. Nhóm chúng tôi đã vượt qua những chặng đường đó, tìm đến những nơi không đường, không điện, không chợ như vậy nên thực sự cảm thông đặc biệt với những người gieo chữ nơi đây”. Những khó khăn trên hành trình tác nghiệp đã mang lại nguồn động lực quan trọng thôi thúc những phóng viên trong ê-kíp đến nhiều hơn với những bản, làng xa xôi cách trở, sau mỗi chuyến đi bản thân họ cảm thấy mình trưởng thành hơn, sâu sắc hơn trong từng tác phẩm.

Mỗi một câu chuyện trong tác phẩm của ê-kíp sản xuất chương trình có khác nhau nhưng đều mang tới một hình ảnh, đó là rất nhiều thầy giáo, cô giáo, ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, vượt qua mọi khó khăn, vươn lên trên số phận, vượt lên trên chính mình, tất cả vì học sinh thân yêu. Mà “Với những phóng viên như chúng tôi, đó cũng là những tấm gương sáng. Mong rằng, dù trong hoàn cảnh nào, các cô giáo, thầy giáo cũng luôn giữ trọn tâm huyết, đam mê với nghề, là tấm gương về trí tuệ, đạo đức cho các thế hệ học trò noi theo, xứng đáng với sự tôn vinh mà xã hội dành cho nghề giáo”, phóng viên Cao Phương Lan tâm sự.

Nền giáo dục nước ta đang đổi mới và sẽ có nhiều thay đổi, đời sống giáo dục luôn nhận được sự quan tâm của phóng viên, nhà báo, của cả xã hội… Chính vì thế, những phóng viên làm mảng giáo dục cũng phải đầu tư nhiều thời gian, công sức hơn để làm tốt công tác phản biện và có được những sản phẩm thực sự chất lượng đưa đến công chúng và khán thính giả nghe đài. Đây cũng là trách nhiệm của những nhà báo, phóng viên đi tìm những hình ảnh đẹp, những câu chuyện xúc động để mang lại niềm hy vọng, sự lạc quan tin tưởng của học sinh, phụ huynh học sinh và cả xã hội vào nền giáo dục.

Minh Khuê

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chuyen-ve-nhung-nguoi-thay-thap-lua-post70416.html