Chuyện về những người thầm lặng tìm thông tin cho các liệt sỹ

Trong suốt những năm qua, cùng với các đơn vị trong tỉnh, các cán bộ, chiến sỹ Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS) Công an tỉnh Quảng Trị - những người đang được giao trách nhiệm tìm kiếm hài cốt liệt sỹ giám định di vật và hài cốt phục vụ công tác tìm kiếm mộ liệt sỹ - vẫn ngày đêm miệt mài nỗ lực, để mong sớm đưa các anh trở về đoàn tụ với đất mẹ quê hương…

Lá thư và bức ảnh của liệt sỹ Dương Lê Đường được tìm thấy sau hàng chục năm nằm sâu trong lòng đất

Để các anh không còn là Liệt sỹ chưa biết tên”

Giữa tháng 7/2018 vừa qua, tại khu đất nhà ông Phan Ngọc Viên (khu phố Nghĩa Hy, thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị), Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ Sư đoàn 968 (Quân khu 4) đã tiến hành khảo sát, khai quật tìm kiếm hài cốt liệt sỹ xuất phát từ tin báo của một cán bộ hưu trí công tác ở Văn phòng Bộ Quốc phòng, nguyên là cựu chiến binh Bộ Tư lệnh Tăng Thiếp Giáp cùng người dân địa phương cung cấp. Kết quả, đơn vị đã tìm thấy 11 bộ hài cốt liệt sỹ, trong đó có 1 hài cốt chôn kèm theo di vật là một chiếc ví da.

Để làm rõ danh tính liệt sỹ và giúp gia đình liệt sỹ biết thông tin về liệt sỹ, Sư đoàn 968 cũng đề nghị Công an tỉnh Quảng Trị phối hợp giúp đỡ chỉ đạo bộ phận chuyên môn giám định lại di vật, kiểm tra và giải mã các thông tin từ chiếc ví.

Ngay khi nhận được lệnh công tác, Phòng KTHS Công an tỉnh Quảng Trị đã nhanh chóng cử cán bộ tiếp nhận và tiến hành khôi phục nội dung các di vật có trong chiếc ví. Sau một ngày làm việc khẩn trương, không ngừng nghỉ, đơn vị đã khôi phục lại được các nội dung di vật có trong chiếc ví gồm 1 giấy chuyển sinh hoạt Đoàn, 3 bức ảnh cùng 1 bức thư. Đồng thời đã xác minh được danh tính của liệt sỹ Dương Lê Đường, quê quán xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Từ những thông tin quý giá ấy, người nhà của liệt sỹ Dương Lê Đường đã tức tốc bắt xe từ Nghệ An vào Quảng Trị để được nhìn lại kỷ vật, hài cốt người thân mà suốt hơn 40 năm qua gia đình đã khắc khoải đi tìm. Thể theo nguyện vọng của gia đình, hài cốt liệt sỹ Dương Lê Đường sau đó đã được cất bốc và đưa về an táng tại nghĩa trang quê nhà.

Đối với những cán bộ, chiến sỹ trong Phòng KTHS thì sau giây phút ấy, bao mệt nhọc dường như tan biến, ai cũng mừng rớt nước mắt, bởi lại có thêm một liệt sỹ được trở về quê hương yên nghỉ và hơn hết “để các anh không còn là Liệt sỹ chưa biết tên”.

Thiếu tá Nguyễn Bảo Trà chia sẻ: “Khi nhận nhiệm vụ khôi phục nội dung trên các di vật, bản thân luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc. Đặc biệt hơn đối với những vụ mang tính chất tâm linh thì chúng tôi càng quyết tâm nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ để giúp tìm ra danh tính liệt sỹ. Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, khắc ghi công ơn của các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì hòa bình của Tổ quốc, chúng tôi quyết không ngại gian khó, mong muốn người thân tìm lại được đúng liệt sỹ để đưa anh về nhận mặt quê hương”.

…Không bao giờ đủ

Trước đó, vào năm 2013, Phòng KTHS Công an tỉnh Quảng Trị cũng từng hỗ trợ rất lớn cho Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị trong vụ án “cậu Thủy” thông qua việc giám định những bình tông chôn kèm với các hài cốt không cùng thời điểm với thời gian mà các dòng chữ khắc lên bình, giúp cơ quan chức năng lật tẩy thủ đoạn làm giả hài cốt liệt sỹ của nhóm này.

Cán bộ Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Quảng Trị đang giám định di vật

Ôn lại những câu chuyện về hành trình trả lại tên cho các anh, Đại tá Ngô Văn Quả - Trưởng phòng KTHS không giấu nổi xúc động. Đối với mọi người trong đơn vị của Đại tá Quả, đó vừa là trách nhiệm, vừa là sự tri ân đối với bậc tiền bối. Chứng kiến niềm vui, xúc động của nhiều gia đình khi tìm được hài cốt người thân đã hy sinh cách đây hàng chục năm như tiếp thêm sức mạnh để những người chiến sỹ công an vượt qua khó khăn, tiếp bước cuộc hành trình, sớm tìm ra danh tính liệt.

Chính vì lẽ đó, nhiều năm qua, đơn vị luôn nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân, nỗ lực làm việc để rút ngắn thời gian giải quyết các yêu cầu liên quan đến lĩnh vực giám định di vật và hài cốt phục vụ công tác tìm kiếm mộ liệt sỹ. Thế nhưng với mọi thành viên trong đơn vị thì những đóng góp vẫn không bao giờ đủ để ngợi ca.

Cuộc hành trình xoa dịu những nỗi đau của chiến tranh có lẽ sẽ không bao giờ ngừng nghỉ. Những giọt nước mắt, những nụ cười của thân nhân gia đình liệt sỹ đã, đang và sẽ là động lực cho đơn vị trong cuộc hành trình tìm “ngày về” cho các anh gần lại hơn.

Phạm Quyên

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/rubic-cuoc-song/chuyen-ve-nhung-nguoi-tham-lang-tim-thong-tin-cho-cac-liet-sy-404680.html