Chuyện về những người lính Đồn Biên phòng...'4 không'

Từ TP. Hà Tĩnh, chúng tôi vượt hàng trăm km để đến với đồn Biên Phòng Hương Quang (xã Hương Quang, Vũ Quang, Hà Tĩnh) trong một ngày đầu xuân năm mới 2019. Được mệnh danh là đồn Biên Phòng '4 không': Không dân, không điện, không sóng điện thoại, không đường bộ, nhưng mọi thứ khó khăn, thiếu thốn đó không thể đánh gục được ý chí, quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ nơi đây.

Gian nan… đường vào!

Sau hơn 50km di chuyển đường bộ từ TP. Hà Tĩnh lên được bến phà đầu tiên, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình bằng đường thủy để đi vào đồn Biên Phòng Hương Quang.

Giữa thời tiết mưa phùn, giá rét, khi chiếc cano bắt đầu rẽ sóng lướt trên mặt nước, đưa chúng tôi vào sâu trong khu vực lòng hồ thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang (công trình thủy điện lớn thứ ba cả nước, chỉ sau Dầu Tiếng và Cửa Đạt) cũng chính là lúc cảm giác bị cô lập bởi sự yên ắng, tỉnh lặng của không gian xung quanh dần hiện ra.

Quãng đường thủy để vào được Đồn Biên phòng Hương Quang phải đi gần 30km, nếu đi bằng thuyền gỗ sẽ mất khoảng gần 2 tiếng đồng hồ và điều đặc biệt là xung quanh không hề có bóng dáng bất kỳ một ngôi nhà dân nào và thuyền của dân qua khu vực này cũng rất hiếm.

Là người trực tiếp lái chiếc cano chở chúng tôi vào Đồn, Đại úy Trần Văn Hải, cán bộ Đồn Biên phòng Hương Quang chia sẻ: “Để phục vụ cho dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, từ tháng 7/2011, hơn 1.000 hộ dân thuộc xã Hương Quang và Hương Điền, huyện Vũ Quang đã di dời lên Khu tái định cư Khe Ná - Khe Gỗ và Hói Trung, cách đơn vị 48km. Ngay cả Đồn Biên phòng Hương Quang cũng phải dời vào sát biên giới, cách đồn cũ 18km”.

 Những người lính mang quân hàm xanh ở Đồn BP Hương Quang luôn giữ vững niềm tin, bền ý chí vững chủ quyền biên giới quốc gia

Những người lính mang quân hàm xanh ở Đồn BP Hương Quang luôn giữ vững niềm tin, bền ý chí vững chủ quyền biên giới quốc gia

Khi xuồng bắt đầu ra đến giữa dòng, cả đoàn đang trò chuyện vui vẻ thì một sự cố ở phần động cơ của máy xảy ra khiến khói bốc lên nghi ngút. Trong khi mọi người ngồi trên cano đều lo lắng thì ngược lại, bình tĩnh và rất nhanh, Đại úy Trần Văn Hải đã tắt máy, chui xuống hầm máy để kiểm tra ống hút nước, đồng thời với sự hỗ trợ của các chiến sĩ khác làm mát động cơ của máy. Do sự cố khá nặng nên cả đoàn phải mất hơn 1 tiếng lênh đênh trên hồ. Cảm giác lo lắng của mọi người dần hiện lên khuôn mặt, nhưng nhờ vào sự giúp đỡ, chúng tôi đã có sự “tiếp viện” cano từ BQL vườn quốc gia Vũ Quang để tiếp tục cuộc hành trình.

Nỗi buồn hiện rõ trên khuôn mặt vì không thể tiếp tục cuộc hành trình với chúng tôi, Đại úy Hải nói: “Cũng may cho các em là ở chỗ này có chút sóng rơi (sóng điện thoại) để có thể liên lạc nhờ đơn vị ra ứng cứu, chứ đi thêm đoạn nữa mà chết máy thì không thì không biết phải đợi đến khi nào mới có thuyền dân đi qua mà nhờ họ liên lạc được với đơn vị. Bọn anh thì quen rồi nên có lênh đênh cả ngày không sao chỉ sợ các cô muộn giờ rồi không ra được sớm thì khổ... ”.

“Đồn là nhà, biên giới là quê hương”…

Sau khoảng gần 1 giờ đồng hồ tiếp tục lướt giữa lòng hồ Ngàn Trươi- Cẩm Trang mênh mông sóng nước, chiếc cano chở chúng tôi cập bến cuối. Thiếu tá Đoàn Đức Long (Đồn trưởng, đồn biên phòng Hương Quang) cùng các chiến sĩ biên phòng đồn Hương Quang dẫn chúng tôi tiếp tục đoạn đường rừng 12km để vào tới điểm Đồn đóng quân, dọc hai bên đường đi không có một mái nhà dân nào.

Trò chuyện với chúng tôi Thiếu tá Đoàn Đức Long nói: “Bây giờ còn một đoạn đường tầm hơn 10km này, nhưng sắp tới khi dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang đóng nước cuối cùng là cốt 54.775 triệu m3 nước thì sẽ nhấn chìm toàn bộ hệ thống giao thông đường bộ, việc đi lại thời gian tới sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào chiếc xuồng máy và chiếc thuyền máy gỗ.

Mặc dù đóng quân trên địa bàn không có dân cư (người dân đã di chuyển đến khu tái định cư cách đơn vị hơn 50 km), không có điện lưới, sóng điện thoại di động, thời tiết khắc nghiệt, giao thông chia cắt, phải di chuyển bằng thuyền, ca nô, thậm chí mùa mưa lũ, đơn vị bị cô lập hoàn toàn nhưng cán bộ, chiến sĩ của Đồn đã nỗ lực, đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao....

Thượng tá Đinh Văn Minh, Chính trị viên đồn Biên Phòng Hương Quang cho biết: Đồn Biên phòng Hương Quang được giao quản lý, bảo vệ 43 km đường biên giới với 14 cột mốc. Để đến được cột mốc quốc gia, cán bộ, chiến sĩ phải mất 6 ngày trèo đèo lội suối, ăn ở trong rừng sâu, núi thẳm. Với quan điểm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương”, mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn và khắc nghiệt nhưng các cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Hương Quang vẫn luôn nêu cao tinh thần vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ biên cương bình yên, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia...

Cán bộ chiến sĩ tập trung tăng gia sản xuất, bảo đảm hậu cần tại chỗ cho đơn vị

Việc tập trung tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống cho cán bộ chiến sĩ được Đồn chú trọng và quan tâm. Thượng tá Minh cho hay, vì không có điện lưới, nên việc mua thực phẩm về dự trữ để ăn dần không thể thực hiện được. Vùng đóng quân lại không có dân, không có chợ nên cán bộ chiến sĩ đã tập trung tăng gia sản xuất để chủ động đảm bảo cuộc sống tốt nhất cho anh em chiến sĩ.

Bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ đường biên, cột mốc, Đồn Biên phòng Hương Quang còn chủ động phối hợp với Vườn Quốc gia Vũ Quang và các phòng, ngành, lực lượng chức năng của huyện Vũ Quang để kiểm soát người, phương tiện ra vào khu vực biên giới và nắm bắt thông tin, ngăn chặn, xử lý các vụ vi phạm luật, khai thác vàng trái phép, đánh bắt cá tận diệt cũng như các hoạt động phi pháp khác ở khu vực do Đồn quản lý...

Không giấu khỏi niềm vui, Thượng tá Đinh Văn Minh chia sẻ: Lâu nay mọi thông tin liên lạc chỉ dùng qua vệ tinh Vinasat để truyền tín hiệu về cho Bộ chỉ huy còn việc cá nhân, gia đình thì các anh em phải chịu. Mới đây, Tập đoàn Vietel đã đầu tư cho Đồn một cột sóng điện thoại để các chiến sĩ có thể thông tin liên lạc với gia đình, nhưng khi đi tuần tra, công tác ra khỏi khu vực Đồn thì điện thoại cũng bị vô hiệu. Sang giữa năm sau, hệ thống đường điện sẽ được hoàn thành đi vào hoạt động chắc chắn rằng sẽ không còn là đồn “bốn không" nữa…

Chuyện về anh “giao liên” ở đồn “4 không”

“Giao liên” không phải nhiệm vụ chính, nhưng khi đơn vị đóng quân trên một địa bàn “4 không” không dân, không điện, không đường, không sóng điện thoại thì việc để mang thông tin đi và đến một cách nhanh chóng nhất không phải là việc đơn giản và dễ dàng. Thế nhưng, suốt 5 năm, nhiệm vụ ấy đã được chiến sĩ Lê Tuấn Anh- cán bộ đồn Biên Phòng Hương Quang (Vũ Quang, Hà Tĩnh) đảm nhận và hoàn thành rất trọn vẹn.

Câu chuyện về Đại úy Lê Tuấn Anh, Đội phòng chống tội phạm và ma túy thuộc Đồn Biên phòng Hương Quang chuyên đánh án ma túy kiêm luôn nhiệm vụ “giao liên” (giữ liên lạc giữa đồn Biên Phòng với các đơn vị bên ngoài) trong những năm tháng khó khăn nhất của Đồn vẫn luôn được nhiều người nhắc nhở.

Chúng tôi gặp anh đúng dịp về thăm đồn Biên phòng Hương Quang. Người đàn ông dáng nhỏ con, khuôn mặt luôn hiện lên sự nghiêm nghị nhưng trong mọi hành động đều toát lên vẻ tháo vát, nhanh nhẹn và cẩn trọng trong từng cử chỉ.

Được biết, Đại úy Lê Tuấn Anh về công tác tại đồn Biên phòng Hương Quang vào năm 2013, do đặc thù về địa hình nên được đơn vị phân công vào tổ công tác ngoài địa bàn với nhiệm vụ chính là hoạt động phòng chống tội phạm và ma túy. Đến năm 2014, thực hiện di dân ra khu tái định cư để phục vụ dự án Ngàn Trươi - Cẩm Trang, Đồn được chuyển lên địa điểm mới cách vị trí cũ 18km. Ở địa hình “4 không” và phương tiện chưa đầy đủ nên anh được cấp trên tin tưởng giao luôn nhiệm vụ là người trung chuyển thông tin liên lạc như công văn, họp hành, lái xe… Đó cũng là lý do mà mọi người thường gọi anh với cái tên anh “giao liên” ở đồn “ 4 không”.

Trò chuyện với chúng tôi, anh kể: Những ngày đó, khi không có sóng điện thoại thì việc liên lạc giữa bên ngoài với Đồn Biên phòng thường qua số điện thoại của cá nhân tôi. Nó được xem như là số điện thoại của “tổng đài” để mọi đơn vị có thông tin cần trung chuyển có thể gọi tới. Khi được giao nhiệm vụ tôi cũng rất lo lắng vì chặng đường đi lại giữa Đồn và bên ngoài là hết sức gian nan, cả đường sông và đường bộ, lại là địa bàn hẻo lánh nhưng làm lâu rồi cũng thành quen và càng làm tôi lại càng thấy công việc này như một cái duyên với mình.

Trong quá trình làm việc thì có rất nhiều kỷ niệm, tuy nhiên một kỷ niệm không thể quên được đối với tôi trong nhiệm vụ “giao liên” đó là vào khoảng đầu năm 2016. Hôm đó, trời chập tối rồi thì tôi nhận được thông tin từ bên văn phòng huyện là chiều hôm sau Chỉ huy đơn vị có cuộc họp ở Ủy ban tỉnh. Vì không có cách nào khác để liên hệ với cán bộ trong Đồn, tôi phải mượn thuyền của dân và một mình đi vào đồn chuyển thông tin cho chỉ huy. Khi ra về, do chưa quen đường sông trời lại tối mịt nên tôi bị lạc giữa lòng hồ hơn 1 giờ đồng hồ mà vẫn không xác định được đường ra. Tôi đang nghĩ chắc phải lênh đênh giữa hồ cho đến sáng thì đúng lúc đó lại may mắn gặp được một người dân đi thả lưới dẫn về. Lần đó, mặc dù có chút khó khăn và nguy hiểm khi một mình giữa lòng hồ, đói và mệt nhưng tôi vẫn rất vui vì nhiệm vụ trước đó đã hoàn thành trọn vẹn.”

Nói về nhiệm vụ “giao liên” mà chiến sĩ Lê Tuấn Anh đảm nhiệm, thượng tá Đinh Văn Minh, Chính trị viên Đồn Biên Phòng Hương Quang cho biết, do đặc thù về địa hình nên đơn vị phải phân công thêm một tổ công tác ngoài địa bàn (đóng ở đầu bến), ngoài nhiệm vụ chuyên môn đã được giao phó thì đồng chí Lê Tuấn Anh còn phải đảm nhận thêm nhiệm vụ truyền tải thông tin từ bên ngoài vào cho ban Chỉ huy đồn. Trong suốt nhiều năm liền, mặc dù phải đảm nhận thêm nhiệm vụ giao liên vô cùng gian nan và vất vả, nhưng mọi thông tin đến và đi ở Đồn Biên Phòng Hương Quang được đồng chí thực hiện rất nhanh chóng và không nề hà dưới bất kỳ hoàn cảnh nào để hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ “giao liên”.

Những năm gần đây, mọi thông tin đều cập nhật qua mạng do Đồn mới có sóng điện thoại để nghe gọi nhưng cũng nhờ đó mà nhiệm vụ “giao liên” của anh Anh cũng đỡ vất vả hơn. Các công văn, giấy tờ, điện báo, họp hành từ các đơn vị phía ngoài đều được gọi điện thông báo trước rồi giấy tờ đến thì anh lại đưa vào sau.

Không chỉ hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ của người chiến sỹ “giao liên” bất đắc dĩ mà trong nhiệm vụ chuyên môn của mình anh luôn nêu cao tinh thần, quyết tâm và không ngần ngại trong nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy. Đã có rất nhiều chuyên án anh trực tiếp tham gia và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Anh đã từng được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên Phòng tặng Bằng khen của do có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn. Mới đây, trong năm 2018 anh đã được Bộ Chỉ huy biên phòng tỉnh tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua.

Chia tay anh, chia tay những chiến sĩ đồn Biên phòng Hương Quang, chúng tôi lại càng thấm thía hơn về những khó khăn và vất vả mà các anh hằng ngày phải vượt qua. Những công việc tưởng chừng như rất dễ dàng ở những nơi đầy đủ thì đối với các anh lại là cả một chặng đường chông gai và nếu không có quyết tâm, không bền ý chí thì chắc sẽ không thể bám trụ dài lâu được như thế…

Bất chợt đâu đó những câu thơ về những người lính nơi đây lại vọng về…

Bên kia dòng Ngàn Trươi
Chẳng có dân, có điện
Sóng điện thoại chẳng đến
Chỉ bộ đội với rừng ...

Các anh vẫn ung dung
Ngày đêm luôn bám trụ
Dẫu xa xôi cách trở
Để biên giới vẹn nguyên.

Đặng Thùy- Châu Anh

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/goc-van-hoa/chuyen-ve-nhung-nguoi-linh-don-bien-phong-4-khong-66061.html