Chuyện về những người lính cứu hỏa đêm 30 Tết

Những ngày tháng cuối cùng của năm cũ, khi trên khắp các phố phường, mọi người đang bận rộn sắm Tết, đón Xuân thì những người lính cứu hỏa vẫn tất bật với công việc thường nhật, miệt mài kiểm tra các phương tiện cứu hộ, sẵn sàng tác chiến khi tiếng còi báo động vang lên.

Những đôi tay thoăn thoắt gói bánh chưng của những người lính cứu hỏa

Những đôi tay thoăn thoắt gói bánh chưng của những người lính cứu hỏa

Tết tại đơn vị vui như Tết nhà

10 năm công tác trong lực lượng Công an thì trọn vẹn cả 1 thập kỷ ấy Đại úy Nguyễn Đức Thắng, Phó trưởng CAQ Ba Đình (Hà Nội) đều đón Tết ở đơn vị. Anh xem việc trực Tết, đón Giao thừa tại “ngôi nhà thứ hai” này là chuyện hết đỗi bình thường.

Đại úy Nguyễn Đức Thắng tâm sự: “Mấy ngày gần Tết, thấy người người chuẩn bị đồ đạc về quê, rồi nhà nhà đi chơi, chúc Tết, còn cán bộ, chiến sĩ thì trực ở đơn vị, đôi khi cũng chạnh lòng, nhưng bản thân luôn xác định, đó là nhiệm vụ vinh quang và tự hào của người chiến sĩ Công an nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui, lẽ sống của mình. Do đó, ngay từ trước Tết, Ban chỉ huy CAQ đã xây dựng và triển khai các phương án bảo vệ sát thực với từng địa bàn, từng khu vực, đồng thời tập trung tuyên truyền, đôn đốc, nhắc nhở các cơ sở, doanh nghiệp, người dân bên cạnh việc sản xuất, kinh doanh, du xuân cũng phải chú ý đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy dịp Tết”.

Với những người lính cứu hỏa, Tết là thời điểm được đặt trong tình trạng báo động cao độ hơn so với ngày thường, đồng nghĩa với việc xa nhà vì phải trực với 100% quân số và luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Là địa bàn trọng điểm của Thủ đô, quận Ba Đình có nhiều địa điểm vui xuân và các điểm bắn pháo hoa nên công tác bảo vệ luôn đặt mục tiêu nhiệm vụ cao nhất. “Khó khăn, vất vả và cả sự căng thẳng là thế, nhưng để được phục vụ nhân dân đón Tết trong bình yên, chúng tôi thấy ấm lòng khi mỗi độ xuân về”, Đại úy Nguyễn Đức Thắng cho biết.

Cán bộ chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, CAQ Ba Đình nhiều người quê xa, nên chỉ huy đơn vị luôn động viên, chia sẻ, tạo không khí đầm ấm tình cảm như ở nhà. Nhất là với chiến sĩ trẻ, mới xa nhà lần đầu, giây phút đón Giao thừa đầu tiên không người thân sẽ là những giây phút đáng nhớ của cuộc đời. Một trong những chiến sĩ trẻ nhất của đội, Trung sĩ Nguyên Đức Huy (SN 1999) cho biết, anh đã có 2 Giao thừa xa nhà. Lần nào cũng thế, mẹ anh thường gọi điện cho con để hỏi tình hình rồi nhắn nhủ phải đón Giao thừa thật vui cùng đồng đội, nhưng không được lơ là nhiệm vụ.

Đón Tết trong tâm thế... sẵn sàng chiến đấu

Mỗi người, mỗi nghề có một cách mừng Xuân khác nhau. Với những người lính cứu hỏa, họ có một cách rất… độc đáo mà không phải ai cũng biết. Đó là trước thời điểm Giao thừa, bao giờ những chiếc xe cứu hỏa cũng được rửa thật sạch sẽ. Các dụng cụ ngoài việc làm sạch còn được kiểm tra độ sẵn sàng khi tác chiến. Tới thời khắc thiêng liêng của đất trời, toàn đội sẽ lên xe, nổ máy và kéo còi. Đây là “luật bất thành văn” của lính cứu hỏa.

Cũng không rõ bắt đầu từ bao giờ, cứ đến 26 Tết, ngoài việc tự tay lựa chọn từng cành đào, cây quất, những người lính cứu hỏa sẽ cùng nhau dọn dẹp từ tư trang tới bàn làm việc, vệ sinh sạch sẽ đơn vị, rồi trang trí đèn nháy, hoa văn… để đón Xuân. Ở đơn vị, gần 100% là nam giới nên sẽ không có ai để “nhờ vả” việc bếp núc, đặc biệt vào ngày Tết, nên anh em thường bảo nhau rằng “đã vào lính thì việc nhà phải biết hết”. Trong ngày Tết, do “chị nuôi” không có mặt, thế là, người đi trước truyền lại cho người đi sau, các cán bộ, chiến sĩ sẽ cùng nhau xuống bếp, tự phân công việc để cùng làm cơm.

Vẫn theo nếp xưa, truyền thống cũ, những chiếc bánh chưng xanh sẽ được họ tự tay gói. Trước đó, những tàu lá dong xanh mướt được chọn mua rồi rửa sạch, từng sợi lạt được chẻ, gạo và đỗ được vo. Sau khi thịt lợn được thái, ướp những bàn tay vốn quen với việc nặng lại bắt đầu trổ tài làm các món truyền thống, thậm chí cả… cuốn nem - việc mà không phải nam giới nào cũng làm thành thạo.

Không khí những ngày cuối năm ở đơn vị tràn ngập tiếng cười, tiếng của dao thớt, ấm cúng mà tình cảm như một đại gia đình. “Mỗi người một việc, người vo gạo, người ướp thịt, người rửa lá… rồi cùng nhau gói bánh chưng. Ai chưa biết gói như các đồng chí lính trẻ thì ngồi học cách gói”, Đại úy Nguyễn Đức Thắng, Phó trưởng CAQ Ba Đình, Hà Nội kể lại. Trong khi đó, những món đồ khô như miến, măng, bóng bì… đã được các chiến sĩ nhờ mua trước Tết. Một số chiến sĩ thì góp những đặc sản của quê mình để chung vui khiến mâm cơm Tết của họ lúc nào cũng đủ đầy và ngập tiếng cười. Nhưng, cho dù ngày Tết vui đến mấy thì người lính cứu hỏa lúc nào cũng tuân thủ nguyên tắc duy trì nghiêm trạng thái ứng trực, sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo an toàn cho người dân vui Xuân đón Tết.

Những đêm Giao thừa muộn… bên lăng, vòi

Là lính cứu hỏa, điều đó đồng nghĩa với việc đón Giao thừa muộn. Khi người dân cả nước đón Giao thừa trong an yên xong, thì đó mới là thời điểm các anh thở phào nhẹ nhõm vì nhiệm vụ của mình đã hoàn thành. Trở về đơn vị tại các chốt trực lúc 2h sáng mùng 1 Tết, khuôn mặt các anh ai cũng rạng rỡ niềm vui, quây quần bên mâm cỗ Tất niên, đón Giao thừa muộn bên lăng, vòi để khi trở về nhà cũng là người xông đất đầu tiên. Tuy nhiên, dù bản lĩnh, cứng rắn đến mấy song quả thực vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, tất cả các anh luôn nghĩ về cha mẹ, vợ con, về những người thân yêu đang đợi họ ở nhà và cầu mong một năm mới bình yên, trong đó sẽ không có sự cố về cháy, nổ. Những người lính chữa cháy dường như đã không chọn cho mình công việc nhẹ nhàng, các anh, các chị đã chọn đối đầu với hiểm nguy, chọn sự hy sinh thầm lặng để mang lại bình yên cho nhân dân.

Những đêm đón Tết về, trong không khí đầm ấm, sum họp của bao nhà, vọng gác trước trụ sở Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, CAQ Ba Đình vẫn sáng đèn. Nhìn những gương mặt của những người lính trẻ, cảm thấy ấm áp lạ thường. Có lẽ, cái Tết đoàn viên không chỉ là bên gia đình mà còn bên những người đồng đội đã sát cánh, cùng nhau xông pha trong những trận chiến với “giặc lửa” cứu người!

Mỗi người, mỗi nghề có một cách mừng Xuân khác nhau. Với những người lính cứu hỏa, họ có một cách rất… độc đáo mà không phải ai cũng biết - đó là trước thời điểm Giao thừa, bao giờ những chiếc xe cứu hỏa cũng được rửa thật sạch sẽ. Các dụng cụ ngoài việc làm sạch còn được kiểm tra độ sẵn sàng khi tác chiến. Tới thời khắc thiêng liêng của đất trời, toàn đội sẽ lên xe, nổ máy và kéo còi - đây là “luật bất thành văn” của lính cứu hỏa.

Chu Hương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chuyen-ve-nhung-nguoi-linh-cuu-hoa-dem-30-tet-post457491.antd