Chuyện về những CCB đọc sách bằng tay ở Quảng Yên

Họ là thương binh, bị thương vào mắt khi tham gia chiến đấu, nhưng có người chỉ là nạn nhân chất độc da cam bị hỏng mắt sau khi xuất ngũ trở về quê hương. Nhưng họ đều cống hiến tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ tổ quốc và cùng biết vượt khó vươn lên không chịu chấp nhận với số phận.

Những “nhà báo” viết chữ nổi

Ông Nguyễn Thuyết Bảo, 73 tuổi ở thôn 6, xã Hiệp Hòa, TX Quảng Yên. Ông Bảo tham gia quân ngũ từ năm 1969 đến năm 1972. Ông bị thương hỏng một bên mắt khi làm nhiệm vụ Quốc tế ở nước bạn Campuchia và là thương binh hạng 2/4.

Tôi đến thăm ông, biết tôi là nhà báo ông Bảo tự hào khoe tôi tấm chứng chỉ đã học xong khóa đào tạo cán bộ công tác tuyên giáo do Trung tâm Đào tạo phục hồi chức năng người mù (Hà Nội) cấp. Ông trân trọng treo tấm chứng chỉ cùng với những tấm ảnh của gia đình ở gian chính ngôi nhà mình. Được đào tạo, nên khi tham gia sinh hoạt ở Hội Người mù TX Quảng Yên, ông Bảo viết báo bằng chữ Braille (chữ nổi cho người mù), còn các độc giả của ông đọc các bài báo bằng tay thay mắt. Ông Bảo cho biết: “Hiện nay tất cả người mù ở TX Quảng Yên đều có bàn tay biết đọc”. Từ đó đã tạo cảm hứng cho ông viết bài thơ “Người mù nhìn người yêu bằng tay” trong đó có câu “Anh yêu em mà không nhìn em được, chỉ hình dung qua tiếng em cười, cho anh nắm bàn tay mềm mại nhé, đừng giật mình em gái của tôi ơi”.

Bài thơ của ông được người mù Quảng Yên truyền nhau đọc bằng tay qua chữ nổi. Ông Bảo còn viết các bài báo ca ngợi những người mù vượt khó, làm kinh tế chăn nuôi giỏi, để động viên các hội viên khác vươn lên. Mấy năm trước đây, ông Bảo cũng mở mang làm ăn phát triển kinh tế nuôi trồng thủy sản và buôn cá giống. Nay tuổi cao nên ông chỉ còn làm mỗi công việc quản trang ở nghĩa trang xã Hiệp Hòa (Quảng Yên).

Ông Nguyễn Thuyết Bảo tự hào về tấm chứng chỉ mà mình đã cố gắng học được dù là người khuyết tật.

Ông Nguyễn Thuyết Bảo tự hào về tấm chứng chỉ mà mình đã cố gắng học được dù là người khuyết tật.

Ở Hội Người mù TX Quảng Yên còn có ông Trần Đình Minh cũng đã tham gia viết báo. Ông Minh nguyên Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh nay đã về hưu sinh hoạt tại Hội quê nhà. Ông Minh đã từng phục vụ trong quân ngũ và là lính bộ binh, chiến đấu chủ yếu trên chiến trường Campuchia. Thời ấy, do chiến tranh tàn phá nên nhiều người không có điều kiện học hành, ông Minh được coi là người có trình độ văn hóa cao của Trung đoàn tuy mới chỉ tốt nghiệp THPT. Để cổ vũ tinh thần chiến sĩ thêm hăng say chiến đấu, ông Minh được giao nhiệm vụ chuyên viết tin bài biểu dương những người tốt, việc tốt của Quân khu gửi đăng báo. Ông Minh đã từng mong muốn khi đất nước hòa bình rồi, sẽ cố gắng đi học tiếp để phấn đấu thành nhà báo chuyên nghiệp. Thế nhưng mong ước đó của ông đã không thành, năm 1987, ông bị mù cả 2 mắt do bị ảnh hưởng chất độc da cam.

Năm 1992 ông Minh tham gia Hội người mù huyện Yên Hưng (nay là TX Quảng Yên), rồi được bầu vào Ban chấp hành Hội. Trong thời gian này, ông viết bài báo “Đi lên từ nỗi bất hạnh”, về tấm gương vượt khó của anh Nguyễn Khắc Thiệu, nay là Chủ tịch Hội người mù TX Quảng Yên, hưởng ứng cuộc thi viết báo do Hội người mù Việt Nam phát động, nội dung viết về hiệu quả việc nhà nước cho người mù vay vốn phát triển kinh tế. Bài báo của ông Minh được nhà thơ Võ Văn Trực, khi đó là Phó Tổng biên tập Báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Ban giám khảo cuộc thi đánh giá rất cao. Từ bài báo này, ông Minh được Hội người mù Việt Nam chọn đi học lớp nghiệp vụ báo chí do các giảng viên Đài tiếng nói Việt Nam về giảng dạy. Năm 1997, ông được cấp trên cử về làm Phó Chủ tịch Hội người mù tỉnh. Ở cương vị này ông vẫn tham gia viết tin bài cho Đài PTTH Quảng Ninh, Báo Quảng Ninh (nay là Trung tâm Truyền thông tỉnh). Bài báo mà ông tâm đắc nhất là bài “UBND tỉnh cần duyệt kinh phí đối ứng cho Dự án phục hồi chức năng cho Hội người mù”, được đăng vào năm 2000, có tác dụng rất lớn đem lại quyền lợi cho anh em các hội người mù trong tỉnh.

Ông Trần Đình Minh đã tốt nghiệp lớp sử dụng máy vi tính dành cho người mù năm 2011.

Để viết được các bài báo ông Minh mất rất nhiều công sức. Ông nhẩm đi nhẩm lại bài định viết của mình trong đầu đến thuộc lòng, rồi nhờ hội viên mắt sáng đánh máy lại rồi gửi hộ. Từ năm 2010, Hội Người mù tỉnh đã mở các lớp dạy cách sử dụng máy vi tính cho người mù từ chương trình Jaws (Chương trình dạy vi tính cho người mù do Trung tâm Tin học Sao Mai (TP Hồ Chí Minh) soạn thảo). Ông Minh đã tham gia khóa học vào năm 2011, do vậy việc soạn thảo các văn bản bằng máy vi tính của ông đã đỡ vất vả hơn.

Chàng “ca sĩ” mù biết làm giàu

Dù bị mù cả 2 mắt, nhưng suốt mấy chục năm qua ông Vũ Tống Tình, khu 7, phường Nam Hòa, TX Quảng Yên không bao giờ đầu hàng số phận. Gia đình ông luôn là hộ khá của địa phương và bản thân ông luôn lạc quan yêu đời. Ông đã nhiều lần giành giải toàn quốc về ca hát trong các chương trình do Trung ương Hội Người mù Việt Nam tổ chức tại TP Hà Nội.

Trung tuần tháng 7, khi tôi đến thăm ông, ông Tình khoe rằng ông mới đạt giải bạc trong Hội thi tiếng hát người khuyết tật lần thứ 2 năm 2019 với chủ đề “Những trái tim khát vọng” được tổ chức tại TP Hà Nội vào tháng 6 vừa qua. Ông Nguyễn Khắc Thiệu, Chủ tịch Hội Người mù TX Quảng Yên cho biết: “Đồng chí Vũ Tống Tình là hạt nhân phong trào ca hát của Hội Người mù TX Quảng Yên chúng tôi. Tiếng hát của anh không chỉ đem lại niềm vui, sự khích lệ để người mù thấy thêm yêu cuộc sống, vượt qua mọi khó khăn mà còn đóng góp vào phong trào văn hóa văn nghệ của toàn thị xã”.

Hạnh phúc lớn của ông Tình là có người vợ rất hợp với mình.

Ông Tình cũng đã từng tham gia quân ngũ, ông công tác tại Trung đoàn 15, tiểu đoàn 815, Cục Chế tạo Quân giới (nay là Cục Quân giới). Do một lần mở kíp mìn ông bị tai nạn mất 2 ngón tay và mù 2 mắt. Xuất ngũ trở về quê hương ban đầu ông Tình cũng hơi hoang mang, nhưng vốn có năng khiếu ca hát, ông giải sầu bằng cách mang cây đàn ghi ta ra gốc cây đầu làng ngồi hát một mình. Ông hát hay, tiếng hát của ông thu hút nhiều cô gái làng đến ngồi nghe. Và rồi có một cô gái rất yêu mến tiếng hát của ông rồi họ thành đôi, đó là bà Nguyễn Thị Miễn, vợ ông bây giờ.

Không biết có phải năng khiếu ca hát đã giúp ông Tình có mái ấm hạnh phúc hay không, nhưng điều mọi người dễ nhận thấy là họ rất hợp nhau, dựa vào nhau để vượt qua nhiều khó khăn để vươn lên trong cuộc sống. Thời điểm năm 1984 (khi ông Tình mới cưới vợ), may sao khi đó HTX Nông nghiệp Nam Hòa chiếu cố nhận vợ chồng ông vào làm xã viên và giao cho một chiếc đò hàng ngày chèo trên sông Chanh để lấy công điểm (thời đó chưa có cầu qua dòng sông Chanh). Ông Tình chèo đò, vợ ông sáng mắt ngồi cầm lái, hàng ngày chở khách từ bến Ngự sang bến Chanh và ngược lại. Thời thế thay đổi, đò chạy bằng máy xuất hiện, chẳng còn ai đi đò chèo bằng tay nữa. Ông Tình thấy mình không hợp với nghề chạy đò máy vì không nhìn thấy gì, nên vợ chồng ông lại về quanh quẩn với mấy sào ruộng. Ban ngày vợ chồng ông làm ruộng, buổi tối 2 vợ chồng lại đi chẻ tre để đan tấm lợp, bán cho những hộ đánh cá dùng để che thuyền khỏi nắng.

Người vợ ông Tình là đôi mắt sáng giúp ông vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Thế rồi các tấm lột bằng tôn ra đời chẳng ai còn mua các tấm lợp đan bằng tre của vợ chồng ông nữa. Ông Tình lại phải lận đận chuyển sang nghề làm keo gắn thuyền. Sản phẩm dùng để chít vào các mạch ghép của tàu, thuyền cho khỏi bị ngấm nước, nguyên liệu bao gồm vôi bột, dầu cộng với phoi tre được cho vào cối giã. Nghề này rất ít người làm vì sợ vôi bột bay vào mắt, rất dễ hỏng mắt dẫn đến mù lòa. Thế nhưng nghề này vợ chồng ông Tình cũng chỉ làm được một thời gian. Từ sự vào cuộc của Hội Người mù tỉnh, huyện giúp các người mù được tham gia các lớp học nghề trong đó có nghề xoa bóp tẩm quất là công việc truyền thống của người mù trong tỉnh. Vợ chồng ông Tình đã chuyển sang mở dịch vụ xoa bóp tẩm quất. Do làm ăn hiệu quả, nhiều người đến xoa bóp bấm huyệt thấy giảm đau lưng, đau thần kinh tọa, hội chứng đau cơ vận động... Từ đó, vợ chồng ông Tình có nguồn thu ổn định. Nay cuộc sống đã tốt hơn, vợ chồng ông xây dựng cơ ngơi khang trang khiến ngay cả nhiều người sáng mắt cũng phải mơ ước.

Ông Tình không chỉ là cây văn nghệ mà còn là hạt nhân thể thao bơi lội giỏi. Ông đã 2 lần đạt giải B (năm 2011, 2013), 1 lần giải C (năm 2009) các giải thể thao người tàn tật do Sở Lao động - Thương binh & Xã hội, Sở Văn hóa - Thể thao phối hợp tổ chức. Gia đình ông Tình còn nhiều năm được công nhận là gia đình gương mẫu của phường Nam Hòa.

Công Thành

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201907/chuyen-ve-nhung-ccb-doc-sach-bang-tay-o-quang-yen-2449389/