Chuyện về những bác sĩ cấp cứu 115 rất hiếm khi được đón Giao thừa với gia đình

30 Tết hay đêm giao thừa, các nhân viên, bác sĩ, y tá, điều dưỡng trực cấp cứu tại Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội luôn phải túc trực. Hễ ở đâu báo có người cần được sơ cấp cứu, họ lại vội vã lên đường. Cũng vì công việc, đa phần họ không có được ăn Tết trọn vẹn.

Chưa năm nào được ăn Tết trọn vẹn

Để đảm bảo cho công tác cấp cứu trong những ngày Tết Canh Tý, Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội (thuộc Sở Y tế Hà Nội) đã phải lên kế hoạch trước 2 tuần về nhân sự, nguồn trang thiết bị để phục vụ chu đáo trong dịp Tết tới. Các bác sĩ, nhân viên ở đây phải trực 24/24. Cũng vì tính chất công việc mà gần như họ thường không có cái Tết trọn vẹn.

Với tính chất công việc, nhiều bác sĩ, nhân viên cấp cứu 115 không có cái Tết trọn vẹn. Ảnh Phương Thuận

Với tính chất công việc, nhiều bác sĩ, nhân viên cấp cứu 115 không có cái Tết trọn vẹn. Ảnh Phương Thuận

6 năm gắn bó với công việc trực cấp cứu tại Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, chị Phạm Hải Yến (SN 1974) không nhớ nổi mình đã cùng ca trực tư vấn cũng như sơ cứu và vận chuyển bao nhiêu bệnh nhân. Hầu như, Tết năm nào chị cũng phải trực. Quê ở tận Ninh Bình, nhiều năm chị không được đón Tết trọn vẹn cùng gia đình.

Chị chia sẻ: "Ngày Tết ai chả muốn ở cạnh gia đình trong thời khắc chuyển giao năm cũ nhưng vì đặc thù công việc nên tôi vẫn đi làm. Muốn về ăn Tết, tôi phải đổi trực cho các đồng nghiệp, sau lại phải trực 2 – 3 tua. Tết này cũng vậy, tôi vẫn phải trực. Năm nay, không đổi được thì ngày mùng 1 phải lên trực. Các con, gia đình cũng hiểu cho công việc của tôi nên mọi người đều ủng hộ".

Theo chia sẻ của chị Yến, với những nữ nhân viên, bác sĩ cấp cứu 115 khi đi làm nhiệm vụ thường gặp nhiều khó khăn hơn. Nhất là khi đi ban đêm vào ngõ ngách sâu hoặc gặp phải những người bị ngáo đá.

"Mới đây, tôi cùng một đồng nghiệp nữ nữa đi cấp cứu cho một trường hợp ở Quán Thánh. Đường vào nhà của bệnh nhân ngõ nhỏ, sâu hun hút. Khi vào nhà lại chỉ có mỗi người vợ, bệnh nhân nam to cao nằm ở mãi trên tầng cao. Không thể khiêng được bệnh nhân xuống, chúng tôi phải chạy sang nhờ hàng xóm. Mọi người đi vắng cả, mãi mới nhờ được 1 người để khiêng được bệnh nhân đi cấp cứu" – chị chia sẻ.

Công việc vất vả, thường xuyên vắng nhà những ngày Tết là vậy nhưng bản thân chị Yến chưa khi nào nghĩ đến chuyển công việc khác nhàn hạ hơn. Chị bảo, mỗi lần kịp thời cứu được bệnh nhân qua cơn nguy kịch là niềm vui, động lực để chị thêm yêu nghề. Khi đã chọn nghề này là phải chấp nhận.

Chị Bích Hạnh nhiều năm nay phải trực Tết. Ảnh Phương Thuận

Giống như chị Yến, bác sĩ Ngô Thị Bích Hạnh cũng thường xuyên phải trực Tết. Có những năm ăn Tết ở trên đường, ngắm pháo hoa qua ô cửa kính xe cấp cứu. Mỗi ca trực của những bác sĩ trực cấp cứu 115 như chị kéo dài 24 giờ. Dù sau hôm trực được nghỉ một ngày nhưng hôm nào có ca cấp cứu từ 8 giờ kém mà kéo dài vài tiếng là lại mất thêm cả buổi sáng.

Mỗi ngày, chị Hạnh tiếp nhận khoảng 10 – 12 ca cấp cứu với đủ các bệnh như nhồi máu cơ tim, xuất huyết não, tăng huyết áp… hay những ca cấp cứu tai nạn giao thông, ngộ độc rượu, tai biến phải nhập viện gấp.

Theo bác sĩ Hạnh, điều chị và các đồng nghiệp mong muốn những ngày Tết là những kíp trực "bình yên". Bởi mỗi khi điện thoại tổng đài 115 réo vang là có thêm một gia đình phải vất vả trong bệnh viện mùa Tết.

"Những người dũng cảm"

Cũng như nhiều cán bộ khác ở Trung tâm 115 Hà Nội, kể từ khi nhận nhiệm vụ công tác đến nay, 16 năm qua BS Trần Anh Thắng – Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội cũng thường xuyên phải xa gia đình, người thân trong đêm giao thừa hay những ngày đầu xuân năm mới.

Với anh Thắng, ngày Tết cũng giống như ngày thường. Các bác bác sĩ, nhân viên ở đây vẫn trực 2/1, tức là trực 2 ngày và nghỉ 1 ngày. Gặp khi đồng nghiệp ốm đau hay có việc gia đình phải trực hộ thì có khi trực cả tuần. Việc ở nhà ngày 30 Tết với BS Thắng là rất hiếm. Đón giao thừa cùng gia đình cũng chỉ tính trên đầu ngón tay.

BS Thắng cho rằng những cặp vợ chồng cùng làm cấp cứu 115 là những người "dũng cảm" hơn cả. Ảnh Phương Thuận

Theo bác sĩ Thắng, với những cặp vợ chồng cùng làm cấp cứu 115 càng "dũng cảm" hơn, không phải ai cũng làm được. Việc vợ chồng một chốn đôi quê, vất vả càng gấp bội. Hiện trung tâm vẫn còn khoảng 4 cặp vợ chồng đang làm việc cùng nhau.

"Trước vợ tôi còn làm ở đây cũng vất vả hơn nhiều. Khi con nghỉ học là hai vợ chồng đưa về ông bà trước. Ngày thường hai vợ chồng được sắp lịch không làm cùng một ngày để có người chăm con. Còn Tết đổi lịch hai vợ chồng làm cùng để trực xong cùng về quê. Nhà xa, về nhà chẳng được bao lâu, cả hai lại đưa nhau lên trực. Giờ có đỡ hơn chút nhưng vợ tôi làm ở bệnh viện khác cũng thường phải trực" – BS Thắng chia sẻ.

Với những người "lính" 115, không chỉ chuyện gia đình, sự nguy hiểm trong công việc cũng rình rập khắp nơi. Đó là nguy cơ phơi nhiễm các bệnh như HIV, bệnh lây truyền, hay có thể nguy hiểm đến tính mạng khi tiếp cận những đối tượng sốc thuốc, ngáo đá... Họ cũng từng gặp không ít chuyện dở khóc, dở cười.

"Cách đây khoảng 1 năm, vào đúng đêm giao thừa, hôm đó tôi trực cấp cứu. Một người vợ gọi cấp cứu 115 khi thấy chồng đi giao thừa về nằm vật ra. Khi chúng tôi đến, gia đình bắt phải chuyển ngay bệnh nhân đi bệnh viện, không cho ở lại. Chúng tôi phải giải thích việc bế bệnh nhân lên chuyển đi rất dễ nhưng nguy hiểm tính mạng. Thuyết phục mãi, họ mới cho sơ cứu. Trường hợp này bị hạ đường huyết, sơ cứu xong bệnh nhân tỉnh lại ngay. Khi đó người nhà bệnh nhân mới hiểu được việc của mình.

Một lần khác bệnh nhân bị biến chứng đúng thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới. Biết bệnh nguy hiểm nhưng kiêng cữ, gia đình không gọi cấp cứu 115 ngay. Họ gọi đủ các loại xe dịch vụ, cả người nhà đều không được mới gọi 115. Khi chúng tôi đến nơi, họ còn chưa muốn cho xe cấp cứu vào vì nghĩ đầu năm gọi 115 là đen hay ốm đau. Nghĩ cũng tủi lắm nhưng khi thấy bệnh nhân qua cơn nguy kịch, cứu được họ là cũng vui" - BS Thắng kể.

Phương Thuận

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/y-te/chuyen-ve-nhung-bac-si-cap-cuu-115-rat-hiem-khi-duoc-don-giao-thua-voi-gia-dinh-2020012416280397.htm