Chuyện về nhà giáo ưu tú từng xếp loại D

Từng bị hội đồng đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ, xếp loại D do tự ý nghỉ việc quá nhiều nhưng 25 năm nay, câu chuyện ấy lại là động lực để Nhà giáo ưu tú Phạm Văn Chiểu - giáo viên trường THPT Nguyễn Hữu Cầu TPHCM phấn đấu từng ngày.

Thầy Chiểu được nhiều học trò đánh giá là dạy hay và hiểu tâm lý học sinh. Ảnh: MP

3 lần muốn bỏ nghề để bán phở, nuôi heo

Sau khi tốt nghiệp ngành Địa lý, trường Đại học Sư phạm TPHCM, năm 1988, chàng trai cựu học sinh Phạm Văn Chiểu quyết tâm về trường cũ của mình - Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu TPHCM giảng dạy.

Một năm sau, người giáo viên trẻ này được bầu làm Bí thư Chi đoàn giáo viên, được ban giám hiệu nhà trường tin tưởng bởi sự nhiệt huyết, yêu nghề. Thế nhưng, do hoàn cảnh gia đình, thầy Chiểu đã từng 3 lần muốn bỏ nghề để ở nhà bán phở, nuôi heo.

Thầy chia sẻ: “Hồi lấy nhau, hai vợ chồng mình rất khó khăn. Đến năm 1993, ba mẹ vợ để lại cho tiệm hủ tiếu rồi vợ chồng mình đổi sang bán phở. Tiệm bán rất chạy, một ngày bán được tầm 40kg - 50kg bánh phở, trung bình thu nhập khoảng nửa chỉ vàng/ngày. Ngoài bán phở mình còn nuôi heo thịt, công việc từ 4 giờ sáng đến 11 giờ khuya nên mình không còn thời gian để làm thêm việc gì nữa”.

Tất bật cả ngày với tiệm phở, đàn heo nhưng người thầy ấy vẫn luôn đau đáu trong lòng chuyện trường lớp, chuyện học trò. Và rồi khi được thầy hiệu trưởng đến gõ cửa lúc 11 giờ đêm để hỏi thăm và động viên, sự yêu nghề trỗi dậy.

“Em ơi, anh thấy trong lòng mình vẫn thiếu thiếu gì đó về mặt tinh thần. Nghề giáo giống như cái “nghiệp” đối với anh, anh không thể bỏ được”, thầy Chiểu nói lại với vợ ngay sáng hôm sau và quay trở lại trường.

“Mình muốn bỏ nghề không phải vì hết lửa mà là vì lúc ấy kinh tế gia đình phải đặt lên hàng đầu", thầy Chiểu xúc động.

Trời cho sống để cống hiến

Một ngày dạy 12-13 tiết, dạy sáng - trưa - tối, khuya về phụ vợ dọn hàng, chấm bài cho học trò đến 1, 2 giờ sáng. Năm 2007, thầy bị đột quỵ 3 lần vì làm việc quá sức.

Thầy Chiểu bày tỏ: “Ba lần mình bị đột quỵ đều qua khỏi, nghĩa là mình còn có thể làm được nhiều điều có ích cho xã hội nên trời cho mình sống để cống hiến”.

Cô Nguyễn Thị Ánh Mai - Hiệu trưởng THPT Nguyễn Hữu Cầu - cho biết: “Thầy Chiểu có công tác chuyên môn rất tốt, bồi dưỡng học sinh giỏi Địa lý cho nhiều trường, thầy như đầu tàu trong các hoạt động của trường.

Thầy Chiểu chẳng bao giờ nổi nóng hay tức giận. Thầy sắp xếp rất khoa học đối với công việc để mọi người luôn cảm thấy thoải mái nhất. Trong tập thể sư phạm mà được làm việc với những người như thầy là cơ hội để các thầy, cô học hỏi và phấn đấu để xây dựng tập thể phát triển hơn”.

Không chỉ là người thầy, Nhà giáo ưu tú Phạm Văn Chiểu còn luôn đặt mình vào vị trí người bạn để hiểu và chia sẻ với học trò nhiều hơn. Thầy kể, cách đây hơn 10 năm, có một em học sinh bị đau dạ dày nặng cộng với gia đình không được hạnh phúc, em lơ là việc học, bị đưa ra hội đồng kỷ luật nhiều lần và có nguy cơ bị cấm thi tốt nghiệp. Không thể để công sức học ba năm của em bị uổng phí, thầy đã nhiều lần nói chuyện, chia sẻ và động viên; đồng thời bảo vệ em khỏi hội đồng kỷ luật. Kết quả năm ấy, em đỗ tốt nghiệp và đỗ luôn trường Sĩ quan Lục quân 2 trong khi thầy cô ai cũng nghĩ rằng em sẽ trượt tốt nghiệp.

“Giáo dục là quá trình lâu dài, mình phải làm sao để các em hiểu và phát triển đúng hướng. Thật ra người thầy, người cô muốn dạy dỗ các em thì trước hết phải tìm hiểu kỹ các em, vì nếu không kỹ đôi khi mình lại tước mất quyền hay cơ hội nào đó của các em”, thầy Chiểu nhấn mạnh.

Mai Phương

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/chuyen-ve-nha-giao-uu-tu-tung-xep-loai-d-642237.ldo