Chuyện về người thầy giáo gần 40 năm 'cõng' chữ lên vùng cao

Sau gần 40 năm từ dưới xuôi lền vùng cao công tác, thầy Nguyễn Sỹ Hà được bà con bản làng xem như người nhà. Thầy như là một người con của núi rừng, là người cha, người thầy của học sinh vùng cao…

Năm 1979, thầy Nguyễn Sỹ Hà (SN 1959, quê ở xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) tốt nghiệp Trường Trung cấp sư phạm 10+2 Quảng Bình (nay là khoa sư phạm Trường Đại học Quảng Bình).

Mang theo hoài bão lớn lao của tuổi trẻ, thầy Hà là một trong những người tiên phong “cõng” con chữ lên vùng cao xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, nơi sinh sống của đồng bào người dân tộc Ma Coong. Hiện thầy đang phụ trách dạy lớp ở bản Troi, xã Thượng Trạch.

Nhớ lại cách đây gần 40 năm trước, đang là một giáo viên trẻ, việc lên xã vùng cao công tác đối với thầy Nguyễn Sỹ Hà là cả một thử thách đầy gian nan.

Có những lúc, cơm không có để ăn, nhớ nhà nhưng không thể về, thầy giáo trẻ Nguyễn Sỹ Hà đã cảm thấy tủi thân đến bật khóc.

Thầy Hà tâm sự: "Thời điểm chọn lên vùng cao, gia đình phản đối lắm. Thời đó ở đây xa xôi, hẻo lánh, phải đi bộ mấy ngày rừng mới lên đến nơi chứ không được như bây giờ.

Với gần 40 năm cắm bản nơi vùng cao, thầy Hà như là người cha, người thầy của học sinh vùng cao

Đã lội bộ đến mòn dép, lên đến vùng cao lại gặp phải bất đồng ngôn ngữ. Nói thật lúc đó cả bản thân mình cũng ngán ngẩm và nhiều lúc muốn bỏ cuộc”.

Theo thầy Hà, trên này, ngoài công tác chuyên môn, giáo viên còn phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác như vận động học sinh đến trường, chăm lo chuyện quần áo, sách vở cho các em.

Trường Phổ thông cơ sở Tân - Thượng Trạch là ngôi trường đầu tiên trong sự nghiệp “trồng người” của thầy Hà. Tại ngôi trường này, thầy được giao nhiệm vụ xây dựng điểm trường và dạy học cho học sinh tại bản Ban, (xã Thượng Trạch), một bản làng hẻo lánh của đồng bào dân tộc Ma Coong.

Để lên được đến bản, các thầy giáo khi ấy cùng nhau đi bộ băng rừng mấy ngày liền, lên đến nơi phải xin nhà dân để vừa làm lớp học vừa làm nơi ở. Sau khi ổn định nơi ăn chốn ở, thầy giáo còn đến từng nhà, thậm chí vào tận trong rừng để tìm và vận động học sinh đến lớp.

Theo thầy Hà, các giáo viên cắm bản ở đây chỉ có mong muốn lớn nhất là các em được học cái chữ. Từ cái gốc đó mới có thể học lên, học nhiều kiến thức để xây dựng quê hương thoát nghèo.

Bất đồng ngôn ngữ cũng chính là trở ngại rất lớn, thầy Hà phải mất gần 1 năm mới nghe được người dân nơi đây nói gì. Việc khó khăn trong giao tiếp cũng là rào cản trong việc truyền tải bài giảng đến học trò. Những lúc như vậy, thầy vừa là thầy giáo, vừa là người phiên dịch, học trò vừa là người học chữ, vừa là người dịch chữ.

Sau một thời gian, thầy Hà được luân chuyển về dạy tại Trường Tiểu học xã Lâm Trạch và Trường tiểu học xã Xuân Trạch, hai xã miền núi của huyện Bố Trạch.

Thế nhưng với thầy Hà, ngôi Trường Phổ thông cơ sở Tân - Thượng Trạch, sau này được tách ra thành Trường tiểu học số 2 Thượng Trạch chính là nơi gắn bó nhiều kỷ niệm nhất.

Đối với thầy Hà, được chứng kiến những học sinh của mình thành công trong cuộc sống chính là niềm vui to lớn nhất. Nhiều học sinh của thầy giờ đang là những người giữ vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền. Điều đó khiến thầy rất tự hào, tiêu biểu nhất là ông Đinh Hợp, giờ đang là Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch.

Sau bao nhiêu năm trời công tác nơi vùng biên ải, thầy Hà được bà con bản làng xem như người nhà. Thầy như là một người con của núi rừng, là người cha, người thầy của học sinh vùng cao.

Phương Thủy

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-tuc/chuyen-ve-nguoi-thay-giao-gan-40-nam-cong-chu-len-vung-cao-a209871.html