Chuyện về người phụ nữ 30 năm “bén duyên” với nghề cơ khí

(PL&XH) -Lấy chồng muộn, chồng lại mất sớm, nhưng bà đã vượt qua tất cả nuôi con khôn lớn. Ai cũng khen bà là người đầy bản lĩnh, từ đường cưa cho đến từng mũi hàn bà làm rất cẩn thận, khách đều tấm tắc khen ngợi".

Tiếng gò, hàn, … là âm thanh quen thuộc mà hơn 30 năm người phụ nữ này gắn bó với nó. Đó cũng là nghề xoa dịu đi nỗi đau, tiếp thêm sức mạnh để bà vượt qua giông tố cuộc đời. Bà là Nguyễn Thị Hạnh, SN 1957, trú tại khối 2, phường Đội Cung, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An…

Nhà nghèo, bố mất sớm, một mình mẹ nuôi 8 người con, là con cả trong gia đình nên bà cùng mẹ ngược xuôi kiếm cái ăn cái mặc nuôi các em khôn lớn. Vất vả sớm, lại được mẹ tận tình dạy bảo khi còn nhỏ nên bà được nhận vào làm kế toán tại HTX tiểu thủ Công nghiệp Hưng Bình. Mải làm ăn, đến khi ngoảnh lại thì đã 29 mùa xuân trôi qua. Bao nhiêu lần qua HTX làm ăn, anh Nguyễn Trần Việt công tác tại Xí nghiệp xây lắp 3 thuộc Tỵ lương thực - thực phẩm tỉnh Nghệ An đã "phải lòng" cô gái mà nhiều chàng trai từng mơ ước.

Hai người đến với nhau trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, ra ở riêng chỉ vẻn vẹn 20kg thóc, 20.000 đồng và một đôi gà bố mẹ chồng cho làm vốn. Rồi những đứa con lần lượt ra đời, là niềm vui động viên vợ chồng bà vượt qua khó khăn. Rồi đột nhiên, chồng bà đổ bệnh hiểm nghèo, nằm một chỗ, bao dự định, ước mơ của đôi vợ chồng trẻ đành tan vỡ. Bộn bề của cuộc sống đều đặt lên vai người vợ trẻ.

Năm 1992, bà xin nghỉ sớm ở HTX, đây cũng là lúc bà chịu nhiều đắng cay nhất của cuộc đời. Từ đây bà không nề hà bất cứ việc gì, nào buôn bán đồng nát, phụ hồ, bốc gạch, đá thuê, cho đến đạp xích lô,… miễn là có tiền. Bà chia sẻ: "Số kiếp tôi đã thế, không than trách ai mà làm gì, may ông trời cho tôi sức khỏe để chống chọi với khó khăn. Việc đàn ông tôi cũng nhận làm. Không làm thì lấy gì nuôi chồng con, tôi mà nghỉ bữa nào là chồng con đói bữa đó". Ngoài chi tiêu hàng ngày, bà còn dành dụm chắt chiu góp mỗi tháng đưa chồng đi viện điều trị. Rồi công sức, tiền của mà bà đổ ra cũng không được đền đáp. Người chồng đã bỏ bà và con giữa đường đời, trước mắt bà là một mảng màu đen tối, bà ngã gục rồi thốt lên "sao cuộc đời tôi lại khổ thế này". Thời gian cũng nguôi ngoai, bà gượng dậy, không để các con mất bố mà đói khổ, thất học được. Ai thuê gì làm nấy, có những hôm làm phụ hồ chân tay bầm dập máu bắn vì đá rơi, giấc ngủ không ngon vì cơ thể đau nhức, sáng dậy không nổi.

Bà gạt đi dòng nước lăn dài trên đôi gò mà xám xịt: "Cho dù chồng ốm đau ngồi một chỗ không làm được gì, nhưng còn có chỗ dựa tinh thần.

"Đứt gánh giữa đường", mất thời gian rất lâu tôi mấy định tâm lại, công việc, con cái chăm ngoan học giỏi đã cho tôi niềm tin vượt qua tất cả".

Bà nghĩ cảnh làm thuê như "sớm nắng chiều mưa", bữa thì có việc bữa thì không. Là phận nữ "chân yếu tay mềm" không thể bôn ba mãi. Xuất phát từ ý nghĩ đó, bà đã quyết định học nghề cơ khí,… khi đến xưởng xin học, họ không nhận bởi nghề này chỉ dành cho nam giới. Khuyên bà nên chọn một việc gì nhẹ nhàng lại phù hợp với sức khỏe. Sau một thời gian theo học, kinh nghiệm đã có cộng với số tiền ít ỏi bà mở một ki-ốt gò, hàn,… ngay tại nhà mình. Thời gian đầu khách không dám đến đặt hàng. Mấy tháng trời, không có khách, bà vẫn nhẫn nại và chờ đợi, dần dần một khách, hai khách. Tiếng lành đồn xa về khả năng "lạ mà thật". Lượng hàng đặt ngày càng tăng, khiến bà làm không xuể,… Bà Hạnh, miệng nói, tay làm, tai lắng nghe: "Mới bước vào nghề "đàn ông" này ai cũng cho tôi là có vấn đề thần kinh. Ai nói mặc họ, tại sao nam giới làm được mà phụ nữ không làm được. Khi mở ki-ốt, họ thấy lạ đến xem, không chỉ làm được mà còn đẹp nữa. Tôi thấy mệt nhưng vui, vì họ đã tín nhiệm mình". Ông Nguyễn Viết Hùng, hàng xóm cho biết: "Bà Hạnh là người có hoàn cảnh đặc biệt nhất khối.

Lấy chồng muộn, chồng lại mất sớm, nhưng bà đã vượt qua tất cả nuôi con khôn lớn. Ai cũng khen bà là người đầy bản lĩnh, từ đường cưa cho đến từng mũi hàn bà làm rất cẩn thận, khách đều tấm tắc khen ngợi". Bà Hạnh tâm sự: Thời gian mới làm quen với nghề cũng thấy ái ngại, bởi nghề chỉ phù hợp với nam giới. Tiếp xúc với máy hàn đêm về không ngủ được, mắt đau nhức sưng phù, chân tay trầy xước, người đau nhức,… Giờ đây thương hiệu "Hạnh gò, hàn" đã vang khắp miền, các sản phẩm như: Hàng rào thép gai, cổng, cửa, giàn máy, xe đẩy, bàn, ghế,… của tiệm bà Hạnh đã có mặt ở nhiều nơi trong TP Vinh.

Hơn 30 năm gắn bó với nghề cơ khí, tay nghề của bà Hạnh đã được nâng cao, khiến cánh nam giới cũng nể phục. Bà còn tạo công ăn việc làm cho 2 lao động, thu nhập 3 - 4 triệu đồng/tháng. Bà Hạnh chia sẻ: "Tôi tin chắc ở tỉnh Nghệ An này người phụ nữ theo nghề cơ khí lâu năm nhất chính là tôi. Tay nghề của tôi bây giờ đạt bậc 7/7 rồi. Chính nghề cơ khí đã làm cho tôi có tất cả…".

Nỗ lực của bà đã được đền đáp xứng đáng, bà vui sướng hơn khi hai đứa con học rất giỏi. Đứa đầu đã tốt nghiệp Đại học Hà Nội hiện đang công tác tại Cty Tư vấn thủy lợi; đứa thứ hai học năm thứ 2 trường Đại học Vinh. Bà Hạnh bảo: "Ngày bố nó mất tôi tưởng rằng chúng nó sẽ thất học, nhưng con cái hôm nay thành đạt thế này tôi hạnh phúc lắm. Bây giờ sức khỏe đã yếu, làm được bao nhiêu thì làm, chủ yếu là chỉ bảo cho các con các cháu. Mình còn sống thêm được ngày nào là chỗ dựa tinh thần cho con".

Dù bận rộn, bà vẫn tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể của phường. Bà được tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ dân phố khối 2 phường Đội Cung. Hàng năm, trong các buổi họp của hội phụ nữ phường bà cũng được tuyên dương là phụ nữ làm kinh tế giỏi. Với những thành tích đó, bà đã nhận được nhiều giấy khen của hội phụ nữ phường Đội Cung.

Lê Tập

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20120311092321881p1043c1045/chuyen-ve-nguoi-phu-nu-30-nam-ben-duyen-voi-nghe-co-khi.htm