Chuyện về người 'mắc nợ' với biên giới

Nở nụ cười trên gương mặt đầy phúc hậu, chị Nhung trải lòng: 'Tính đến nay, mình làm từ thiện được hơn 20 năm. Đã đi rất nhiều nơi trên mọi miền Tổ quốc, nhưng kể từ khi lên biên giới xứ Thanh, mình mới biết bản thân đang 'mắc nợ' rất lớn đối với những con người và mảnh đất này'. Chỉ trong gần 1 năm qua, chị Đỗ Thị Nhung, Hội từ thiện Phước Hạnh, thành phố Hồ Chí Minh đã đứng ra kêu gọi các mạnh thường quân quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ đồng bào các dân tộc trên biên giới Thanh Hóa, với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng.

Chị Nhung cùng cán bộ Đồn Biên phòng Pù Nhi tặng quà tại bản Cơm, xã Pù Nhi. Ảnh: Quang Huy

Chị Nhung cùng cán bộ Đồn Biên phòng Pù Nhi tặng quà tại bản Cơm, xã Pù Nhi. Ảnh: Quang Huy

Trên con đò nhỏ vượt dòng sông Mã vào bản Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, Trung úy Đào Nguyên Túc, Tổ trưởng Tổ công tác Biên phòng bản Đoàn Kết vui vẻ giới thiệu: “Đây là chị Đỗ Thị Nhung, Trưởng đoàn Hội từ thiện Phước Hạnh ở thành phố Hồ Chí Minh. Chị ấy đã “trót” nặng tình với BĐBP và đồng bào các dân tộc trên biên giới Thanh Hóa gần 1 năm nay rồi đấy”!

“Bén duyên” với lính Biên phòng

Sau chưa đầy 1 tháng tình cờ gặp và trò chuyện trên mạng xã hội Facebook với Trung úy Túc, thấu cảm nỗi khó khăn, vất vả của những người lính Biên phòng và đồng bào các dân tộc trên biên giới, tháng 8-2019, chị Đỗ Thị Nhung cùng hơn 10 người của Hội từ thiện Phước Hạnh đã quyết định bay từ thành phố Hồ Chí Minh ra Thanh Hóa, rồi tiếp tục thuê xe ô tô vượt gần 250km để lên biên giới Tén Tằn, huyện Mường Lát. Chuyến đi lần này, bản Đoàn Kết, người dân tộc Khơ Mú là điểm đến đầu tiên của chị và đoàn. Đã có 200 suất quà, với tổng trị giá 100 triệu đồng, cùng 30 triệu đồng tiền mặt đã được chị cùng đoàn từ thiện và tổ công tác Biên phòng trao tặng cho dân bản Đoàn Kết. Đây là món quà hết sức ý nghĩa sau cơn lũ lịch sử, cuốn trôi gần 10 ngôi nhà, cùng nhiều tài sản và ruộng nương của dân bản Đoàn Kết.

Sáng sớm hôm sau, phút giây tạm biệt bà con dân bản cũng là lúc cán bộ, chiến sĩ (CBCS) tổ công tác bản Đoàn Kết chuẩn bị lên đường tuần tra bảo vệ biên giới. Mặc cho mọi người trong đoàn vội vã rời bản ra bến đò, chị quyết định ở lại tiễn tổ tuần tra BĐBP đến tận bìa rừng. Trung úy Túc tâm sự: “Hôm ấy, nắm chặt tay tôi, chị rưng rưng nỗi niềm: Cố lên các em nhé! Chị sẽ quay lại một ngày gần nhất”.

Trở về thành phố Hồ Chí Minh mang theo tâm trạng đầy duyên nợ, gần 1 tháng sau, CBCS Đồn Biên phòng cửa khẩu Tén Tằn đã không khỏi bất ngờ khi được đón chị Nhung cùng với 1 chiếc xe tải chất đầy hàng hóa. Thiếu tá Lê Huy Nghĩa, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Tén Tằn nhớ lại: “Chị ấy không báo trước, một mình chị đi cùng người lái xe chở hơn 3 tấn hàng gồm gạo, thực phẩm khô, quần áo mới lên bàn giao cho đơn vị, nhờ chuyển giúp vào hỗ trợ dân bản Đoàn Kết. Tôi cùng anh em chỉ huy đơn vị bất ngờ hơn nữa là chị thông báo đã kêu gọi được mạnh thường quân hỗ trợ cho đơn vị 60 triệu đồng mua bàn ghế hội trường, 3 chiếc máy tính kèm theo máy in; hỗ trợ 550 triệu đồng tu sửa 6km đường và điểm trường tiểu học bản Đoàn Kết; 120 triệu đồng xây dựng hệ thống nước sạch cho Trường Mầm non Tén Tằn và 100 triệu đồng khoan giếng, xây dựng khu nhà vệ sinh, sân bóng chuyền cho Trạm kiểm soát cửa khẩu Tén Tằn”.

Tình người lan tỏa

Sau chuyến lên biên giới Mường Lát lần thứ hai cùng với những con số “biết nói” ấy, cứ ít nhất mỗi tháng một lần, chị Nhung khi một mình, khi thì cùng các mạnh thường quân lại bay từ thành phố Hồ Chí Minh ra Thanh Hóa lên với biên giới thăm, tặng quà CBCS các đồn biên phòng và đồng bào các dân tộc hai bên Biên giới Việt Nam - Lào. Những chuyến đi của chị, bên cạnh hàng chục tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm trao tặng cho đồng bào, nhiều công trình, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị vật tư y tế, giáo dục đã được chị kêu gọi các mạnh thường quân đầu tư, hỗ trợ cho các địa bàn biên giới Thanh Hóa. Thiếu tá Lê Huy Hòa, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pù Nhi cho biết: “Lần đầu tiên ghé thăm đơn vị, biết được CBCS đang rất khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, chị đã hỗ trợ toàn bộ kinh phí khoan giếng cho đơn vị. Đến thăm, tặng quà gia đình ông bà Hà Văn Kéo và Hà Thị Máy ở bản Na Tao, xã Pù Nhi, chị đã trao số tiền 68 triệu đồng nhờ BĐBP xây dựng nhà “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới” tặng ông bà. Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát, chị gửi tặng CBCS đơn vị và đồng bào các dân tộc 3.000 chiếc khẩu trang, 300 lọ nước rửa tay sát khuẩn, 4 máy đo thân nhiệt, 1 máy phun khử trùng, cùng nhiều vật chất trang thiết bị phòng chống dịch. Và trong đầu tháng 5 này, chị Nhung đã gửi 10 tấn gạo nhờ đơn vị cấp phát cho các hộ gia đình đặc biệt khó khăn trên địa bàn”.

Còn rất nhiều công trình, món quà có ý nghĩa thiết thực khác đã được chị Nhung kêu gọi hỗ trợ xây dựng, trao tặng cho các đồn, trạm Biên phòng, các điểm trường, trạm y tế và đồng bào các dân tộc trên biên giới xứ Thanh mà không thể kể hết ra đây. Chia sẻ về kỷ niệm sâu sắc nhất trong các lần lên biên giới Thanh Hóa, chị Nhung thổ lộ: “Tháng 10-2019, thông qua BĐBP, tôi biết được tại Bệnh viện huyện Mường Lát có 4 bệnh nhi người dân tộc Mông mắc bệnh đường hô hấp rất nguy kịch, khó qua khỏi. Sau khi vào thăm các cháu, tôi và Thiếu tá Lê Huy Nghĩa đã gặp Ban Giám đốc bệnh viện đề đạt nguyện vọng hỗ trợ toàn bộ chi phí chữa bệnh và thuê xe cấp cứu chở 4 cháu xuống Bệnh viện Nhi Thanh Hóa điều trị. Dọc đường đi, cả đoàn phải dừng lại 6 lần để cấp cứu cho các cháu, đến 3 giờ sáng, chúng tôi mới đến thành phố Thanh Hóa. Sau hơn 1 tháng chữa trị, có 3 cháu đã khỏi bệnh xuất viện, nhưng buồn thay, 1 cháu đã không thể qua khỏi”.

Chị Nhung chia sẻ: “Ước nguyện của tôi là làm sao kết nối, giúp đỡ được thật nhiều đồng bào trên biên giới và BĐBP. Bởi tôi nghĩ rất giản đơn rằng, giúp dân cũng chính là giúp BĐBP và giúp BĐBP cũng chính là đang chung tay cùng các anh bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc”.

Ngay sau kỷ niệm ấm áp, đầy tính nhân văn sâu sắc này, tháng 11-2019, chị Nhung đã cùng với Đồn Biên phòng cửa khẩu Tén Tằn và Bệnh viện Đa khoa Mường Lát sáng lập “Quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo”, với số tiền ban đầu 40 triệu đồng. Bác sĩ Nguyễn Huy Văn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Mường Lát cho biết: Đến nay, chị Nhung đã kêu gọi các mạnh thường quân đóng góp thêm số tiền lên tới gần 100 triệu đồng. Đã có 12 bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, phải chuyển lên tuyến trên điều trị được nhận từ 3 đến 10 triệu đồng từ nguồn quỹ này.

Ngoài Thanh Hóa, từ đầu năm 2020 đến nay, chị Nhung đã kết nối, kêu gọi các nhà hảo tâm trên mọi miền Tổ quốc quyên góp, giúp đỡ đồng bào các dân tộc và BĐBP các tỉnh: Lai Châu, Hà Giang, Quảng Trị và Tiền Giang.

Quang Huy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chuyen-ve-nguoi-mac-no-voi-bien-gioi-post429376.html