Chuyện về người lính ở khu cách ly

Trong tiết trời mùa khô miền Đông Nam bộ nắng như đổ lửa, mặc cho mồ hôi đẫm ướt lưng áo, bước chân người lính vẫn thoăn thoắt lên xuống từng phòng, dãy nhà tại các khu cách ly tập trung của TPHCM, phục vụ 3 bữa/ngày đến vệ sinh, khử khuẩn… cho người dân về từ các nước đang có dịch Covid-19.

Bằng những việc làm, sự sẻ chia ấm áp nghĩa tình, các anh đã để lại tình cảm tốt đẹp trong lòng người dân, tỏa sáng hình ảnh người chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ.

Thiếu úy Nguyễn Hoài Nam (người đi đầu) cùng các chiến sĩ chuyển hàng hóa đến người dân trong khu cách ly tập trung. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Thiếu úy Nguyễn Hoài Nam (người đi đầu) cùng các chiến sĩ chuyển hàng hóa đến người dân trong khu cách ly tập trung. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Xuất phát ngay khi có thông báo khẩn

Là nhân viên lái xe thuộc Ban Chỉ huy quân sự huyện Hóc Môn, nhận lệnh điều động của cấp trên tham gia đội xe đưa đón người dân từ sân bay Tân Sơn Nhất về các khu cách ly, Thiếu úy Nguyễn Văn Kim Ngọc cùng đồng đội được chia 2 ca trực/ngày. Kết thúc ca trực thường vào 1, 2 giờ sáng, anh và đồng đội tranh thủ ăn vội phần cơm đã nguội, rồi thiếp đi trong mệt mỏi. Nhiều hôm đang ngủ, trực ban thông báo khẩn, điều động xe ra sân bay đón người, anh em trong đội cũng phải xuất phát ngay.

Để đảm bảo an toàn cho mình và mọi người, Thiếu úy Ngọc và đồng đội luôn thực hiện nghiêm hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồ bảo hộ, găng tay, khẩu trang, kính bảo vệ là những thứ không thể thiếu khi lái xe. Nhưng như anh chia sẻ, việc lái xe trong bộ đồ bảo hộ kín mít khiến tài xế cảm thấy khó chịu do nóng, mồ hôi chảy xuống mờ cả kính bảo vệ. Dầu vậy, Thiếu úy Ngọc và đồng đội không nề hà. Anh chia sẻ: “Biết bà con lo lắng, có người phát ngôn nóng nảy, nên chúng tôi chỉ càng cố gắng hết sức trong công việc để hoàn thành nhiệm vụ”.

Trước khi có quy định không tiếp nhận đồ gửi vào khu cách ly, tại Ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM từ ngày 18-3, hàng ngàn người rồng rắn đến đây để liên lạc và gửi đồ cho người thân đang được cách ly bên trong. Người đông, ngày càng nhiều lên, tiếng nói phát ra từ loa điện cầm tay để thông báo cho người nhà thời gian nhận hàng và ghi thông tin lên các thùng hàng của đồng chí Trần Hoàng Phi Long, Tiểu đội trưởng dân quân thường trực phường 17 quận Gò Vấp, như chìm vào hàng trăm lời cám ơn và cả la lối của người dân.

Gương mặt hốc hác, da sạm đen vì nắng gió, đồng chí Long lo lắng: “Thời gian nhận đồ có 2 cung giờ (sáng 8 giờ - 10 giờ, chiều 14 giờ - 16 giờ), nhưng với số lượng đồ được người dân gửi vào quá nhiều, chúng tôi thường xuyên phải đến 19 giờ mới chuyển hết. Hệ lụy là tăng gánh nặng cho những người phục vụ. Trong khi đó, công việc chính của chúng tôi đã được tập huấn phòng chống nhiễm khuẩn là đảm bảo cho phòng tránh lây nhiễm (như dọn dẹp vệ sinh, khử khuẩn…) không thực hiện được”.

Nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ

Cuối tháng 2, Thiếu úy Nguyễn Hoài Nam (28 tuổi; hiện là học viên lớp Chỉ huy trưởng xã phường, thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Trường Quân sự Quân khu 7) tình nguyện tăng cường làm nhiệm vụ tại khu cách ly ở trường - nơi được quán triệt “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Anh phụ trách tổ phục vụ có 26 cán bộ, chiến sĩ, hiện đang giúp đỡ 523 người dân tại khu A. Những ngày qua, người dân về liên tục trong đêm, Thiếu úy Nam và đồng đội phải trực chiến trắng đêm để giúp đỡ bà con vận chuyển đồ đạc, bố trí nơi ăn chốn nghỉ cho họ.

Cùng đảm nhận nhiệm vụ phục vụ, quản lý tòa nhà F48 (khu A) nơi đang tiếp nhận 202 công dân cách ly tập trung, ngày nào Thượng sĩ Trần Hoàng Nam cũng leo từ tầng 1 lên tầng 5 đưa cơm, vận chuyển đồ dùng, nhu yếu phẩm thiết yếu đến tận phòng cho người cách ly tập trung. Với chiến sĩ Phan Tấn Sỹ (lớp Cao đẳng Quân sự cơ sở, K.68), ngoài nhiệm vụ xử lý rác thải y tế, anh còn kiêm nhiệm khử trùng khu vực cách ly. Không kể giờ giấc, hễ có người hay xe cộ mới vào đơn vị, với chiếc máy khử trùng 20kg luôn đeo sau lưng nặng trịch, anh phải thực thi nhiệm vụ khử trùng ngay.

Hỏi về khó khăn, vất vả trong công việc, những người lính trẻ chỉ cười hiền rồi nói đó là nhiệm vụ, phải nỗ lực hoàn thành tốt. Đó cũng là cách người lính thực hiện lời Bác Hồ dạy trong buổi nói chuyện tại Hội nghị Quân sự lần thứ 5 (đầu tháng 8-1948): “Bộ đội được dân yêu, dân tin, dân phục thì nhất định thắng lợi”.

Thượng tá Nguyễn Tiến Sơn, Chủ nhiệm Chính trị Trường Quân sự Quân khu 7, cho biết thêm: “Tại khu cách ly, chúng tôi còn thiết lập đường dây nóng, phục vụ người dân 24/7. Từ việc họ thèm ăn một tô phở đến chuyện riêng tư thầm kín… đều được tổ tư vấn đáp ứng và giải đáp, để họ yên tâm thực hiện cách ly theo quy định”.

Chế độ cao dành cho người thực hiện cách ly

Thượng tá Nguyễn Tiến Sơn cho biết, tính đến ngày 25-3, Trường Quân sự Quân khu 7 đã tiếp nhận 843 công dân đến cách ly tập trung, trong đó có 50 người ngoại quốc và 2 thai phụ. Trong khu cách ly, ngoài đội ngũ y tế, các lực lượng phục vụ của nhà trường với quân số trên 200 cán bộ, chiến sĩ trực chiến từ trong ra ngoài.

Người thực hiện cách ly tập trung được đảm bảo chế độ ăn uống, chăm sóc y tế tốt nhất; có chế độ ăn 90.000 đồng/ngày/người, cao gần gấp đôi chế độ quân nhân (57.000 đồng/ngày); được trang bị dép, xà phòng, kem đánh răng, khẩu trang, nước uống…

QUANG HUY

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/chuyen-ve-nguoi-linh-o-khu-cach-ly-653781.html