Chuyện về người lính ném bộc phá mở màn trận đánh bên 'Ụ thằng người'

Trận đánh đêm 6, rạng sáng 7/5/1954, đơn vị tôi có nhiệm vụ chi viện hỏa lực cho các đơn vị xung kích. Anh Trần Quý là tiểu đội trưởng bộc phá đại đội 671, trung đoàn 174, có nhiệm vụ 'mở cửa' cho xung kích ta xông lên...

Anh Trần Quý với tôi đều là hội viên Hội Cựu chiến binh quận Cầu Giấy, Hà Nội. Chúng tôi đã có lần cùng về thăm Điện Biên, cùng dừng chân bên "Ụ thằng người", nghe anh kể về trận đánh lúc 1 giờ 30 sáng ngày 7/5/1954.

Hôm nay, nhân kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi có dịp về thăm lại Điện Biên, nhưng anh Trần Quý không còn nữa. Vẫn đứng bên "Ụ thằng người" dưới chân đồi A1, tôi càng nhớ tới anh, tôi vẫn như đang nghe anh kể về trận đánh năm xưa...

Ảnh ông Trần Quý (chụp đầu năm 2009)

Ảnh ông Trần Quý (chụp đầu năm 2009)

..."Tiểu đội tôi, mỗi người mang một quả bộc phá cối nặng từ 10 đến 15 kg. Khi bò đến chân" Ụ thằng người ", anh em mang bộc phá đi trước, đã phá hết hàng rào thép gai rồi. Tôi nghĩ mình là tiểu đội trưởng, phải lên đánh trước.. Tôi khẽ bảo Chí: "Cậu đưa tôi quả bộc phá 15 kg".

Tôi lệnh cho toàn tiểu đội nằm theo hàng dọc, cách "Ụ thằng người" chùng 20 m. Đây là ổ đề kháng cực mạnh của địch, chặn cửa ngõ lên đồi A1. Tôi bê quả bộc phá cối lên, bò tới miệng hầm của nó. Địch bắn một loạt đạn tiểu liên. Tôi bị một mảnh đạn chui vào mũi làm gãy răng, gãy xương má phải. Tôi thấy tối tăm mặt mũi, nhưng vẫn tỉnh. Tôi chạy thẳng lên chứ không bò, tay giật "nụ xòe", ném quả bộc phá vào miệng hầm. Ném xong, tôi gục luôn.

Bộc phá cối chỉ cắt dây cháy chậm ngắn, từ lúc giật "nụ xòe" đến lúc nổ chỉ có 6 giây. Quả bộc phá nổ, tôi thấy người tôi tung lên. Tôi ôm chặt lấy mặt mình, thấy máu ra nhiều.

Trong đánh cứ điểm địch, chỉ cần lô cốt đầu cầu tắt súng 3 giây là đủ kịp cho xung kích ta xông lên và phải thật khẩn trương, không cho nó phục hồi. Sau khi quả bộc phá nổ trong "Ụ thằng người", không còn thấy tiếng súng địch. Tôi chỉ thấy lơ mơ vì mất sức và mất máu nhiều. Anh em toàn tiểu đoàn 251 đều xông lên, cùng các tiểu đoàn bạn tràn lên khắp đồi A1.

Khi trận đánh kết thúc, anh em tưởng tôi đã chết rồi, đã bỏ quên tôi dưới chân đồi. Khi bộ phận cáng thương đi qua, phát hiện tôi còn sống vội băng bó và khiêng tôi về. Tôi thấy chính trị viên Phạm Điệng ở giữa đường mà không gọi được vì miệng băng kín mít. Lúc tôi tỉnh dậy, đã nằm ở trạm Quân y Trung đoàn 174 rồi. Bây giờ vết sẹo trên má tôi trông giống như "má lúm đồng tiền"!...

Hỏi cung tên phi công Pháp trên chiến hào

10 giờ sáng 26/4/1954, đại đội pháo cao xạ 816 bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay Bia cắt trên trận địa phía Nam Him Lam. Lần đầu tiên ta bắt sống phi công Pháp nhảy dù. Tên hắn là Rô-be Đa-ni-en, cấp bậc trung úy. Được phép của Bộ chỉ huy chiến dịch, các cán bộ Đoàn 367 gồm các đồng chí Nguyễn Mạnh Đàn, Trần Liên, kịp thời hỏi cung viên phi công Pháp ngay trên chiến hào Điện Biên còn đang rực lửa chiến đấu...

- Hỏi: Máy bay của anh bị bắn trúng thế nào?

- Đáp: Thưa ông, tôi chưa kịp ném bom, thì bị đạn cao xạ bắn trúng thân sau máy bay. Máy bay đứt đuôi, tôi vội vã phải nhảy dù!

- Hỏi: Anh đã bay lên Điện Biên bao nhiêu lần?

- Đáp: Dạ, đây là lần thứ hai. Lần trước cũng bị các ông bắn, nhưng khi thấy chiếc máy bay trước trúng đạn, tôi vội trút bom bừa bãi, rồi quay đầu tháo chạy. May có Chúa phù hộ mới thoát chết!

- Hỏi: Anh thấy hỏa lực pháo cao xạ chúng tôi thế nào?

- Đáp: Thật đáng sợ! Như một lưới lửa bao quanh máy bay. Chúng tôi chỉ còn cách vứt bom bừa bãi rồi quay đầu tháo chạy!

- Hỏi: Đã sợ thế, sao các anh vẫn cứ bay lên Điện Biên ném bom?

- Đáp: Thưa ông, nhiều phi công chúng tôi bay lên Điện Biên mà không thấy về. Chúng tôi rất khiếp sợ, song vẫn buộc phải bay. Vì đó là mệnh lệnh.

Trung úy phi công Rô-be Đa-ni-en bị bắt sống ngày 26 /4/1954 tại Điện Biên Phủ.

Tổ hỏi cung còn hỏi thêm một số câu hỏi có liên quan đến chiến thuật chiến đấu và kéo dài hơn một giờ đồng hồ...

Cùng ngày 26/4, pháo cao xạ Điện Biên còn bắn rơi tại chỗ thêm 3 máy bay và bắt sống thêm 2 phi công Pháp nữa.

Sau chiến tranh, tác giả Rô-giơ Bơ-rút đã viết trong cuốn sách "Những con người của Điện Biên Phủ" (Les homme de Dien Bien Phu), xuất bản ở Paris năm 1999 và đánh giá: Ngày 26/4/1954 là ngày đen tối nhất đối với không quân Pháp hoạt động ở giới hạn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ"....

Theo Dân trí

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/chuyen-ve-nguoi-linh-nem-boc-pha-mo-man-tran-danh-ben-u-thang-nguoi-535662.html