Chuyện về người làm truyền thông cơ sở

Truyền thông y tế cơ sở có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân ngay tại địa phương.

Truyền thông đúng và kịp thời là phương pháp hữu hiệu giúp người dân nhận được thông tin, có kiến thức để bảo vệ và nâng cao sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Để dân hiểu, dân tin

Nhiều năm qua, các trạm y tế tại TP. Quy Nhơn, Bình Định có nhiều hình thức truyền thông và mang lại tác dụng rất lớn. Trong đó, hình thức truyền thông trực tiếp như nói chuyện chuyên đề do các trạm y tế triển khai, đã đem lại hiệu quả tốt.

Truyền thông y tế tại cơ sở giúp người dân hiểu biết cách phòng, chữa bệnh. (Ảnh minh họa)

Chủ đề truyền thông là các vấn đề liên quan sát sườn đến sức khỏe cộng đồng, như: phòng bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, lợi ích của tiêm chủng, phòng chống bệnh sốt xuất huyết, chăm sóc răng miệng cho lứa tuổi học đường, tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm... và chủ đề thường được thay đổi phù hợp với tình hình thực tế. Đối tượng tham dự chủ yếu là bà mẹ có con nhỏ, phụ nữ mang thai, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, hộ gia đình, học sinh, người cao tuổi...

Trong năm 2016, các Trạm Y tế như: Lê Lợi, Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Văn Cừ, Ghềnh Ráng, Lê Hồng Phong, Hải Cảng, Trần Phú, Thị Nại... đã thực hiện 12 buổi nói chuyện chuyên đề được tổ chức cho khoảng 300 người dân. Các buổi truyền thông thường được tổ chức ngắn gọn, nội dung súc tích, dễ nhớ và tư vấn đầy đủ, kịp thời và hiệu quả.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt Nga, phường Lê Hồng Phong, Quy Nhơn, Bình Định cho biết: Những buổi tuyên truyền của trạm y tế phường về lợi ích của tiêm chủng mở rộng rất có ích. Chúng tôi mong rằng trạm sẽ tổ chức thêm nhiều buổi phổ biến kiến thức trực tiếp như vậy.

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được quan tâm hơn. Vì vậy, cán bộ làm công tác truyền thông từ huyện đến thôn, tổ dân phố đều được tập huấn các kỹ năng cơ bản về truyền thông; 100% trạm y tế cơ sở có cán bộ phụ trách công tác truyền thông giáo dục sức khỏe.

Những cánh tay nối dài

Chị Nguyễn Thị Lệ Chuyên, đã có mười năm liền là nhân viên y tế ở phường Lê Hồng Phong cho biết, công việc của nhân y tế cơ sở cũng khá nhiều, từ giao ban chuyên môn đến tham gia cân trẻ định kỳ, tuyên truyền y tế dự phòng vào ngày họp dân phố; hằng tuần, bố trí hai, ba ngày đi đo huyết áp; vận động nhân dân ăn uống hợp vệ sinh, giữ gìn vệ sinh môi trường, tiêm phòng định kỳ cho trẻ em trong độ tuổi, khám thai định kỳ cho phụ nữ; thăm khám cho bà con, nhất là người cao tuổi, trẻ em... Nhiều hôm đang dọn cơm thì người trong bản gọi báo có ông cụ bị ngất hay có người tai nạn lao động, bỏng... chị lại bỏ dở bữa cơm, vội đến để sơ cứu ban đầu, cùng với người thân đưa người bệnh lên trạm y tế xã, hoặc gọi bác sĩ ở trạm đến xử lý, cấp cứu. Có hôm đã 12 giờ đêm, một hộ dân ở gần nhà gọi thông báo cậu con trai bị nôn, sốt cao. Không quản đêm tối, đường xa, chị Chuyên có mặt khám cho cháu bé, và hướng dẫn chăm sóc bé.

Công việc của nhân viên y tế cơ sở không phải là ít, nhưng mức trợ cấp lại không cao, cho nên chị Chuyên phải làm thêm nhiều công việc khác như đi chợ, buôn bán lặt vặt... để có thêm thu nhập, chi cho hai cô con gái đang học THPT, phải thuê nhà trọ ngoài trung tâm. Chị Chuyên tâm sự: Nhiều khi chỉ muốn nghỉ để dành thời gian đi làm thuê lấy tiền nuôi hai con ăn học. Nhưng nghĩ mình là đảng viên, được chi bộ giao nhiệm vụ chăm lo sức khỏe ban đầu cho nhân dân cho nên dù rất vất vả mình vẫn cố gắng.

Bằng sự nhiệt tình, lòng yêu nghề mà đến nay phường Lê Hồng Phong cũng có nhân viên y tế như chị Chuyên, được đào tạo kiến thức về y tế và làm tốt công việc được giao. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được quan tâm hơn. Vì vậy, cán bộ làm công tác truyền thông từ huyện đến thôn, tổ dân phố đều được tập huấn các kỹ năng cơ bản về truyền thông; 100% trạm y tế cơ sở có cán bộ phụ trách công tác truyền thông giáo dục sức khỏe.

Tạo nền tảng vững chắc

Trạm Y tế xã Mỹ Chánh Tây, huyện Phù Mỹ, Bình Định được đầu tư khang trang, có vườn thuốc Nam xanh tốt, trang thiết bị y tế cũng được đầu tư khá đồng bộ, đạt chuẩn quốc gia về y tế cơ sở. Tuy còn neo người, toàn bộ 22 chương trình, nội dung hoạt động của trạm y tế xã được thực hiện tốt, 100% số dân trong xã có thẻ bảo hiểm y tế. Toàn bộ trẻ em trong độ tuổi, phụ nữ mang thai được tiêm vắc-xin đầy đủ; không còn tình trạng tự sinh nở tại nhà, không để xảy ra chết mẹ và trẻ sơ sinh, không có dịch bệnh lớn. Trạm luôn kết hợp với y tế thôn, bản truyền thông dinh dưỡng, thực hiện các chương trình phòng, chống HIV/AIDS, phòng chống lao, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống mù lòa, khám cho học sinh tại từng thôn, bản định kỳ hai lần/năm.

Cụ Triệu Văn Ngô, năm nay đã 70 tuổi, vui mừng cho biết: Trước đây bị ốm, đi khám bệnh vất vả lắm, phải lên tận huyện. Bây giờ, trạm y tế xã có bác sĩ, cơ sở vật chất tốt cho nên mỗi khi ốm đau chỉ cần đến trạm khám là được, vừa điều trị ngay tại xã vừa gần nhà, tiện cho con cháu chăm sóc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay nhiều trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh Bình Định khá linh hoạt trong việc áp dụng những mô hình, phương thức hoạt động nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Trạm y tế đã bố trí đồ dùng, đồ chơi dành cho thiếu nhi, tủ đựng đồ, hình vẽ sinh động trên tường tạo không gian gần gũi, thoải mái cho người bệnh và có góc truyền thông với nhiều sách, tài liệu về dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho trẻ, sách thơ, truyện... Các y, bác sĩ kết hợp khám, chữa bệnh với trò chuyện, động viên, giúp cho việc triển khai các hoạt động can thiệp như tiêm chủng, sơ cứu ban đầu rất thuận lợi. Kết quả khám, chữa bệnh và thực hiện các chương trình mục tiêu y tế quốc gia của Trạm Y tế xã Mỹ Chánh Tây luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Lãnh đạo Sở Y tế Bình Định, cho biết: Sở đang xây dựng kế hoạch phát triển mạng lưới y tế cơ sở, nghiên cứu mô hình phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Vấn đề ở đây không chỉ là xây dựng trụ sở làm việc, mà quan trọng là đầu tư về con người, trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân địa phương, giảm tải cho tuyến trên. Một khi được trang bị những máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ việc chẩn đoán, xét nghiệm... cần phải có cán bộ đủ trình độ vận hành, nhằm sử dụng đạt hiệu quả cao nhất.

Chuyện về những người làm truyền thông y tế tuyến cơ sở còn rất dài. Công việc nhiều, áp lực lớn, phải làm đủ nghề để trang trải cuộc sống. Họ chính là những cán bộ truyền thông “tay ngang” luôn đồng hành cùng sự phát triển của y tế cơ sở.

Hoàng Hà

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/chuyen-ve-nguoi-lam-truyen-thong-co-so-n145483.html