Chuyện về người kéo cờ lễ Độc lập: Ký ức tự hào còn mãi

Hiếm ai ở tuổi 94 lại có trí nhớ minh mẫn đến từng chi tiết như giáo sư Lê Thi. Dường như mọi ký ức thuộc về quá khứ đều in dấu trong tâm trí bà. Trong căn phòng sạch sẽ và gọn gàng của mình, mọi thứ của bà được sắp xếp kỹ càng, tỉ mẩn và có trật tự của người làm khoa học.

Bà ngồi kể cho tôi nghe những ký ức dường như chưa bao giờ phai về giây phút bà được kéo lên lá quốc kỳ trong ngày trọng đại của đất nước: Ngày Quốc khánh 2-9-1945.

Phố Ngô Quyền luôn tấp nập người qua lại, trong một con ngõ quen thuộc là căn nhà giáo sư Lê Thi đang sống cùng người con trai. Tôi đến sớm hơn lời hẹn 30 phút và ngay khi bấm chuông, bà đã bảo, tôi hẹn giờ khác cơ mà? Nhưng rồi bà vẫn tiếp đón tôi nồng nhiệt, chân tình, gần gũi. Dường như không cần hỏi tôi đến gặp bà vì việc gì, bà đã mang theo nhiều tài liệu và ảnh để đỡ mất công đi lại.

Bây giờ bà đi lại khó khăn, phải có người giúp việc dìu dắt cùng với chiếc ba-toong vì chân không còn đủ khỏe nữa. Nhưng, với phong cách của một người từng giữ nhiều cương vị lớn, lại là một giáo sư triết học, nên bà dường như đã thấu hiểu những điều tôi muốn hỏi, muốn biết ở bà...

Nữ sinh Lê Thi (đứng giữa) những ngày đầu tham gia cách mạng.

Giáo sư Lê Thi tên thật là Dương Thị Thoa, bà là con gái thứ tư của liệt sĩ - nhà giáo Dương Quảng Hàm, nguyên Hiệu trưởng Trường Bưởi. Bà sinh ra và lớn lên tại 98 Hàng Bông (Hà Nội). Năm 1943 bà kết thúc khóa học ở trường Đồng Khánh (nay là trường Trưng Vương), sau đó tham gia cách mạng và làm công tác hội phụ nữ tại phố Hàng Bông (Hoàn Kiếm - Hà Nội) với bí danh là Lê Thi. Bà bảo rằng, bà thích chữ Lê vì yêu quý vua Lê Lợi, còn Thi là tên của người bạn tri kỷ và bí danh này đã gắn với bà suốt cuộc đời.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, cả nước nô nức hướng về quảng trường Ba Đình dự lễ Tuyên ngôn độc lập (2-9-1945), khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước CHXHCN Việt Nam). Giáo sư Lê Thi nhớ lại: Bà sinh năm 1926, ngày Quốc khánh, bà mới 19 tuổi. Tuy nhiên, trước đó khoảng một tuần, bà nhận được lệnh của cấp trên đi vận động tất cả phụ nữ tại phố Hàng Bông tập hát Quốc ca, đi đều bước, chọn quần áo, trang phục mặc chỉnh tề, nghiêm trang chuẩn bị cho buổi lễ trọng đại sắp diễn ra.

Sáng 2-9 bà dậy từ sớm đi vận động chị em phụ nữ trên phố Hàng Bông đóng cửa hàng để tới quảng trường Ba Đình. Hôm đó, bà đi trong Đoàn Phụ nữ cứu quốc Hà Nội. Bà dẫn đầu, đi ở ngoài hàng, vừa đi vừa hô khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm!”. Chị em hô theo: “Muôn năm! Muôn năm!”. Mọi người đều mặc áo dài, quần trắng. Bà Thi dẫn đầu, trên tay cầm một cây gậy bằng gỗ, vừa đi vừa hô đi đều bước... một, hai... một, hai...

Và đoàn phụ nữ Hàng Bông dẫn đầu đoàn phụ nữ của Thủ đô đầy khí thế và sức trẻ tiến vào quảng trường Ba Đình. Trong lúc tất cả đang đứng sắp hàng cùng nhau để chuẩn bị dự lễ Tuyên ngôn độc lập thì nghe thấy yêu cầu đoàn cử một người lên kéo lá cờ Tổ quốc. Lúc đó bà đứng im vì không biết kéo cờ như thế nào. Các chị em trong hàng phía sau nói vọng lên “Thi lên đi”. Dù vậy nhưng bà cũng chần chừ mãi vì lo sợ mình chưa biết cách làm thì sẽ không hoàn thành nhiệm vụ.

Khi nghe tất cả mọi người đồng thanh nhất trí, bà mới đi lên trong cảm giác lo âu tột cùng. Khi lên tới lễ đài, bà gặp người phụ nữ dân tộc Tày mà sau này bà mới biết rằng chị ấy là Đàm Thị Loan, vợ cố Đại tướng Hoàng Văn Thái. Khi cả hai cùng đi lên, Lê Thi bảo với chị Loan: “Chị nâng lá cờ, còn em kéo nhé”.

Ngay khi bà Thi vừa dứt lời, tiếng hát của bài Quốc ca vang lên, bà đếm theo tay mình "một, hai" rồi từ từ kéo lá cờ Tổ quốc lên cao. Khi bài Quốc ca vừa kết thúc cũng là lúc lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên lễ đài, trong tiếng vỗ tay của hàng vạn người dân có mặt tại quảng trường Ba Đình lúc đó.

Gia đình Nhà giáo Dương Quảng Hàm (bà Lê Thi đứng thứ ba từ trái qua).

Giáo sư Lê Thi cười rạng rỡ, gương mặt của người phụ nữ đã 94 tuổi như tươi hồng trở lại trong những hồi tưởng quá khứ. “Ôi trời, khi kéo cờ xong thì mình cảm tưởng một niềm hạnh phúc ngập tràn khó tả lắm. Như không tin vào mắt mình nữa”.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đứng trên lễ đài, bà được nhìn thấy Bác Hồ rất gần. Mọi hình dung về Bác, người lãnh tụ vĩ đại đã không như trong tưởng tượng của bà. Lúc đó, Bác mặc bộ kaki trắng giản dị, khác hẳn với bà tưởng tượng, vì trong trường học, những ngày lễ trọng đại người ta thường mặc những bộ đồ sang trọng và đi giày đen bóng.

Bà vẫn nhớ như in câu nói của Bác trong ngày 2-9-1945 khi đọc Tuyên ngôn độc lập: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Bà và tất cả mọi người đứng dưới đều hô to "Có" và dâng trào nỗi xúc động, hạnh phúc khôn nguôi... Hạnh phúc vì lần đầu được nhìn thấy Bác Hồ gần gũi, giản dị, như một người cha già yêu kính của tất cả mọi người, là nơi nương tựa, sẻ chia nỗi lòng sung sướng chờ ngày độc lập, tự do bấy nay mong mỏi.

Giáo sư Lê Thi xúc động rưng rưng nước mắt khi kể lại câu chuyện đã diễn ra. Sau khi kéo cờ, bà và người con gái áo chàm hôm ấy còn không biết cả tên nhau, không biết người ấy ở đâu, địa chỉ thế nào. Cho đến 44 năm sau, rất tình cờ, trong cuộc họp mặt truyền thống tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam 22-12-1989, họ mới được giới thiệu. Hai người con gái năm ấy nhận ra nhau, ôm chầm lấy nhau...

Với những gì còn nhớ được, giáo sư Lê Thi cho biết, bà Đàm Thị Loan sinh năm 1926, ở huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Học hết bậc tiểu học, bà tham gia Hội Việt Minh, gia nhập Đội tuyên truyền “Nước Nam mới”. Để chuẩn bị cho lễ mít-tinh tại quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945, riêng việc kéo cờ trên lễ đài, Bác Hồ gợi ý ban tổ chức nên chọn thành phần nữ tiêu biểu, như vậy sẽ càng thêm nhiều ý nghĩa của ngày Độc lập...

Lĩnh hội ý kiến của Bác, từ buổi chiều hôm trước (1-9), bà Đàm Thị Loan đã được phân công. Đến ngày 2-9, bà Đàm Thị Loan đại diện cho phụ nữ các dân tộc thiểu số - nữ chiến sĩ giải phóng, đầu đội ca-lô lệch, áo nâu thít ngang, quần thâm chẽn gấu, đi giày ba ta, đĩnh đạc từ hàng quân của nữ tự vệ đi thẳng tới phía trái lễ đài và cùng bà Lê Thi làm nhiệm vụ kéo lá quốc kỳ Việt Nam lên cao trong niềm hãnh diện vô bờ bến.

Sau ngày Độc lập, bà Lê Thi tham gia Đoàn Phụ nữ cứu quốc Hà Nội, sau đó được chính thức kết nạp vào Đoàn Phụ nữ cứu quốc, làm Bí thư Đoàn. Năm 1947, bà tham gia Trung đoàn Thủ đô, chiến đấu ở Liên khu I, làm trưởng ban chỉ đạo tuyên truyền của Trung đoàn. Sau đó, bà được cấp trên giao nhiệm vụ làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Vĩnh Yên.

Giáo sư Lê Thi thời trẻ.

Đến năm 1949, bà được giao làm Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Tuyên Quang. Sau đó, bà Thi được cấp trên điều về công tác bí mật tại Hà Nội, làm Phó phòng Tổ chức của trường Công an Trung ương (thuộc Bộ Công an). Bà tham gia học tập, nghiên cứu, giảng dạy và giữ chức Viện trưởng Viện Triết học kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Triết học thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).

Từ năm 1987 đến năm 1999, bà là Giám đốc Trung tâm Gia đình và Phụ nữ, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu khoa học về phụ nữ thuộc Trung tâm Nghiên cứu Gia đình và Phụ nữ, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Bà được phong giáo sư triết học năm 1992. Đến năm 2000 bà nghỉ hưu ở tuổi 73.

Giáo sư Lê Thi chia sẻ, những tháng ngày qua là những ngày hạnh phúc đối với bà, vì có ngày 2-9 thì mới có một Lê Thi của ngày hôm nay, mạnh mẽ và đầy hạnh phúc. Sinh thời, nhà giáo Dương Quảng Hàm luôn muốn con gái nối nghiệp cha, trở thành giáo viên.

Bà Thi cũng đã từng hứa với cha sẽ cố gắng học hành để thỏa tâm nguyện của đấng sinh thành. Nên sau khi hoàn thành những nhiệm vụ cách mạng giao phó, bà về học tập, nghiên cứu và trở thành một giáo sư nghiên cứu triết học, đi giảng dạy nhiều nơi. Bà cũng đã hạnh phúc khi lấy được một người chồng yêu thương và sinh được 2 người con, một gái, một trai Các con của bà đều thành đạt, hiếu nghĩa và tự hào về truyền thống gia đình.

3 năm trước, chồng bà mất, để lại cho bà một nỗi cô đơn và bù đắp lại nỗi cô đơn ấy, là sự sống lại trong ký ức từng khoảnh khắc cuộc đời. Bà chia sẻ rằng, dù đã 94 tuổi, song, bà vẫn hằng ngày đọc báo, đọc sách và ghi chép những thứ cần thiết. Sự minh mẫn của bà thật sự đáng nể trọng, bởi vì, dường như trong ký ức, bà không quên điều gì thuộc về quá khứ, hỏi đến đâu, bà nhớ đến đó. Bà nhớ đến thời thơ ấu ấy dưới mái nhà của gia đình bố mẹ đẻ, anh chị em. Bà nhớ khoảng thời gian đi làm cách mạng, được sống trọn vẹn trong niềm đam mê của mình.

Tôi hỏi giáo sư Lê Thi bí quyết để bà sống minh mẫn, khỏe mạnh, không bệnh tật là gì, bà cười bảo, bà vẫn lao động trí óc cho đến ngày hôm nay. Bà chia sẻ: "Hiện giờ tôi không ăn cơm, chỉ ăn súp mỗi ngày và rau xanh, mọi thứ xay nhuyễn và ăn đủ lượng, không ăn quá nhiều. Cuộc sống ngoài kia nhiều thay đổi nhưng tôi không đi ra ngoài được do chân tay đã yếu nhiều. Nhưng tôi xem ti vi, đọc sách báo cũng biết được nhiều thứ.

Nếu nhớ lại một thời tuổi trẻ, tôi cũng cảm thấy mãn nguyện vì mình làm được nhiều điều có ích cho đất nước. Tôi chẳng hối hận điều gì. Và bây giờ tôi cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống này, được sống để cho ngày hôm nay, cho bạn bè một thời, để kể lại cho các cháu nghe về những ngày lịch sử của dân tộc mà mình là người trong cuộc, không phải là một vinh hạnh của đời người đó sao!"...

Trần Hoàng Thiên Kim

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/chuyen-ve-nguoi-keo-co-le-doc-lap-ky-uc-tu-hao-con-mai-508881/