Chuyện về người cha 2 lần lóc da cứu con

Chứng kiến người cha vẫn còn đau đớn vì vết thương do lóc da lần một để cứu con, các bác sĩ không nỡ tiếp tục lấy đi một phần thân thể ông.

Tại Khoa phỏng - phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM), đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh của những bệnh nhân bỏng nặng, trên người quấn đầy những dải băng trắng toát. Nếu không có tờ giấy gắn đầu giường ghi tên của họ, chúng tôi khó lòng nhận diện được bệnh nhân nam hay nữ, tên gì để tìm.

Con chỉ có một mạng sống

Ở cuối dãy phòng là một người đàn ông trông đã lớn tuổi đang được vợ đỡ ngồi dậy khó khăn. Lại gần hơn, chúng tôi thấy vòng quanh phần đùi của ông màu đỏ hồng, còn bắp chân thì chuyển màu sạm đen. Nếu không nghe kể về câu chuyện lóc da cứu con của ông, có lẽ chúng tôi cũng nhầm tưởng ông chỉ là một bệnh nhân đang điều trị. Những dấu hiệu khác thường trên người ông là vết tích hai lần lóc da để đắp lên người cho con trai bị bỏng nặng đang nằm cùng phòng. Ông vừa lóc da lần hai được một ngày.

Ông là Quảng Trọng Công (67 tuổi, ngụ Bình Dương), cha của bệnh nhân QTT (41 tuổi). Cách đây hơn một tháng (chiều 10-9), anh T. chạy xe đi mua xăng để sửa chiếc xe tải chở hàng bị trục trặc thì bất ngờ bình xăng phụt cháy, biến anh thành ngọn đuốc sống. Sau gần một tháng điều trị tại BV Chợ Rẫy, tình trạng anh T. ngày càng xấu, phần da bị mất quá nhiều, cần có vật liệu che phủ và trong trường hợp này vật liệu tốt nhất là da người. Dù đã được giải thích cơ may cứu sống con mỏng manh nhưng ông Công đã không ngần ngại yêu cầu bác sĩ (BS) lóc da mình để cứu con.

“Lúc đó không có nghĩ gì nhiều, thấy con cháy hết da, phận làm cha thì mình cho con, cầu cho con được sống. Khi vào gây mê, BS làm gì mình đâu có biết, tỉnh rồi thì thấy hơi rát rát chứ không đau nhiều nhưng đến 2-3 ngày sau thì nó đau dữ lắm, đi hết nổi, hành nóng sốt” - ông Công nhớ lại lần đầu lóc da hai bắp chân. Những tưởng lần đầu lóc da đau đớn ông Công sẽ suy nghĩ lại nhưng hai tuần sau ông tiếp tục chấp nhận lóc phần da hai đùi, tiếp tục cùng con chiến đấu với tử thần. “BS nói tôi phải lóc bao nhiêu da tôi cũng chịu, da mất đi rồi cũng lành lại nhưng mạng sống của con chỉ có một thôi” - ông Công ngậm ngùi, nước mắt lăn dài.

Đồng hành với hai cha con ông Công ở BV là bà Nguyễn Thị Liên, vợ ông Công. Bà Liên xót xa nhớ lại: “Lúc nhập viện, BS nói có da mới cứu được con mà cũng chưa hẳn chắc chắn. Tôi mới nói cha nó, ông ấy đồng ý ngay và nói mình vì con, hy sinh cho con, giá nào cũng phải cứu con dù phải chịu đau đớn”. Công việc thường ngày của vợ chồng ông Công là thu gom rác. Những ngày ở BV, ông đành nhờ bạn và con gái phụ giúp, chấp nhận mất thu nhập để ưu tiên lo cho con. Bà Liên kể tiếp, sau một tuần cho da, ông Công vẫn không thể ngồi dậy được mà con thì cần thêm da. “Tôi với ông sợ con sẽ chết nên năn nỉ BS cho lấy tiếp nhưng BS nói nếu lấy lúc này có thể ông ấy sẽ nguy hiểm tính mạng nên dời thêm một tuần nữa mới lấy” - bà cho biết.

Nằm cùng phòng, cách hai giường bệnh, anh T. không sao ngoái đầu lại nhìn cha được do vết thương. Khi hỏi chuyện người cha lóc da cứu mình, chưa kịp nói gì nước mắt anh T. đã lăn. Anh nức nở: “Hồi lúc đầu vào BV, bệnh nặng quá tôi tính bỏ luôn nhưng cha thì kiên quyết cứu tôi. Cha già rồi mà vẫn phải lóc da để cứu tôi, tôi đau xót lắm, không biết nói gì hết, chỉ biết cảm ơn cha thôi”.

Ông Quảng Trọng Công với vết thương lóc da hai lần ở chân để cứu con. Ảnh: HL

Ông Quảng Trọng Công với vết thương lóc da hai lần ở chân để cứu con. Ảnh: HL

Anh QTT sau khi được người cha cho da đã qua nguy kịch và đang tiếp tục được điều trị tích cực. Ảnh: HL

“Chúng tôi rất cảm động!”

TS-BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng Khoa phỏng - tạo hình BV Chợ Rẫy, cho biết thời gian gần đây khoa tiếp nhận nhiều trường hợp bỏng nặng được cứu sống nhờ sự hy sinh một phần thân thể của người nhà. Theo BS Hiệp, ngoài hồi sức, nâng đỡ tổng trạng, cắt lọc hoại tử cho bệnh nhân thì vấn đề nan giải nhất là che phủ vùng da bị mất do bỏng.

“Vật liệu để che phủ vết thương của bệnh nhân bằng chính da của bệnh nhân là rất ít. Có một số vật liệu sinh học có thể che phủ được thì chất lượng không như ý, do vậy thời gian gần đây chúng tôi có động viên, ủng hộ người thân bệnh nhân hiến da để che phủ tổn thương cho bệnh nhân bị bỏng nặng 80%-90%. Nếu không có da người thân, khả năng sống của họ rất thấp” - BS Hiệp phân tích.

Theo BS Hiệp, người hiến da phải chịu nhiều đau đớn và rủi ro. “Rõ ràng đây là lấy đi một phần cơ thể cho nên họ cũng phải trải qua phẫu thuật, mà chúng ta cũng biết một cuộc phẫu thuật thì không ai nói trước được điều gì. Tuy nhiên, cho đến giờ này tất cả cuộc phẫu thuật đều diễn ra an toàn. Đặc biệt, sau mổ họ không thể nào tham gia lao động như những người bình thường mà phải chờ 1-2 tháng. Một điều nữa là dù đẹp hay xấu, lóc vùng da lớn hay nhỏ thì vẫn để lại vết sẹo trên da” - BS Hùng chia sẻ.

Thực hiện nhiều ca lóc da cứu người thân nhưng đối với BS Hiệp có lẽ trường hợp cha con ông Công là đặc biệt hơn cả vì người cha đã lớn tuổi nhưng vẫn hai lần quyết tâm lóc da cứu con. Theo BS Hiệp, anh T. bị bỏng xăng đến 87%, bỏng sâu 63%, với tổn thương như vậy không chỉ Việt Nam mà trên thế giới cũng rất khó cứu chữa. “Ở đây, chúng tôi đã có điều trị tích cực cho bệnh nhân ngay từ đầu nhưng vùng da mất quá lớn, kiếm vật liệu che phủ không hề dễ. Phần da ghép của cha cho bệnh nhân ít nhất đã giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Lần ghép thứ nhất, do bệnh nhân đã lớn tuổi nên chúng tôi rất nghi ngại khi lấy da, tuy nhiên chúng tôi vẫn đánh giá trong khả năng an toàn. Khi lấy da cho một bệnh nhân lớn tuổi, chúng tôi cũng đắn đo và hơi đau lòng nhưng không có cách nào khác. Một tuần sau, da của người con vẫn thiếu. Khi gặp người cha, mặc dù ông đồng ý cho da lần hai nhưng thấy ông vẫn còn đau, chúng tôi không nỡ và quyết định sử dụng vật liệu khác che phủ tạm, đợi đến tuần sau mới lấy. Kết quả ghép da lần hai cũng rất là tốt” - BS Hiệp kể lại.

Không phải ai cũng làm được

Dù đau đớn nhưng người cha rất lạc quan, hy vọng phần da ghép có thể giữ được mạng sống của con. Sau khi cho da lần hai, mặc dù đau đớn nhưng ông vẫn vui vẻ và nói: “Tôi khỏe rồi BS, tôi nghĩ con tôi khỏe thì tôi sẽ khỏe hơn nữa, tôi cảm ơn BS”. Điều đó làm chúng tôi rất cảm động. Nếu không có sự giúp sức của người thân dành cho bệnh nhân thì chúng tôi nghĩ có thể giờ này việc cứu chữa đã thất bại. Đây là một hành động hy sinh rất nhân văn cho người thân của mình mà không phải ai cũng làm được.

TS-BS NGÔ ĐỨC HIỆP, Trưởng Khoa phỏng - tạo hình BV Chợ Rẫy

HOÀNG LAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/suc-khoe/chuyen-ve-nguoi-cha-2-lan-loc-da-cuu-con-947972.html