Chuyện về người 10 năm đi tìm cách tiết kiệm xăng cho xe tay ga ở Việt Nam (P.1)

Cách đây 10 năm, tôi có bài viết trên Báo Tiền Phong về anh Nguyễn Trọng Hoàng (Hà Nội), có khả năng xử lý xe máy tay ga để chúng giảm tiêu hao nhiên liệu khi hoạt động. Thực chất câu chuyện đó là gì?

Xe tay ga tốn xăng một phần do lỗi của nhà sản xuất?

Thời đó các xe máy tay ga chạy rất tốn nhiên liệu. Xe nào cũng tầm 3,5 tới 5,5 lít xăng cho 100km (tương đương gần bằng ôtô thậm chí còn cao hơn nữa).

Nhiều người quan niệm, xe tay ga đương nhiên là tốn xăng

Nhiều người quan niệm, xe tay ga đương nhiên là tốn xăng

Người tiêu dùng ở ta rất "khoái" đi xe tay ga và quan niệm rằng, xe tay ga phải tốn xăng như thế mới chuẩn, nhất là xe nước ngoài thì miễn bàn. Nhà thiết kế chế tạo đã làm ra nó rất chuẩn và tối ưu rồi. Không cần phải lăn tăn gì.

Nhưng sự thực là các xe máy, nhất là các xe tay ga thời đó như thế nào? Nói ngay rằng: Chúng có khá nhiều lỗi, thậm chí là lỗi rất trầm trọng. Xe hao tốn quá nhiều nhiên liệu là vì những lỗi đó.

Xe Suzuki Avenis có mức tiêu thụ xăng như ô tô

Một xe bị lỗi điển hình là Suzuki Avenis, được mệnh danh là "Hoàng đế của các loại xe", có giá vài chục cây vàng thời đó. Nó hoạt động ngốn nhiên liệu khủng khiếp. Vận hành 100km nó có thể tiêu thụ tới 7-8 lít xăng. Về sau, giá của chiếc xe này bị rớt thê thảm và giờ đây có cho không, cũng chẳng ai muốn lấy. Rõ ràng không thể tin được rằng các xe nước ngoài đều tối ưu.

Hầu hết các xe tay ga khác cũng đều có lỗi. Ví dụ một lỗi để bạn đọc dễ hình dung là cái cổ hút (một chi tiết dẫn không khí cung cấp cho hệ thống máy) ở một đời xe nọ (có rất nhiều ở thị trường Việt Nam) có tiết diện rất nhỏ. Thông thường cổ hút phải to bằng cỡ nắm tay, hay cái chén ăn cơm cho xe máy trên 100cc. Đằng này cổ hút của chiếc xe đó chỉ bằng cái chén uống trà. Tiết diện nhỏ như thế thì làm sao cung cấp đủ khí cho máy hoạt động?! Vì sao cổ hút của xe đó nhỏ? Là vì để nhà sản xuất dễ bề lắp ráp và lắp ráp cho đẹp gọn mà thôi.

Hầu hết các xe tay ga đều có lỗi không tối ưu tiêu hao nhiên liệu

Người tiêu dùng mua xe thường khoái cái mã bên ngoài của chúng, chứ mấy ai quan tâm tới kỹ thuật bên trong của nó. Đó là một lỗi của con xe đó gây ra bệnh tốn xăng trong số nhiều bệnh khác nữa. Cổ hút của các loại xe khác thì to rộng hơn của cái xe đó, chứ không phải cứ cổ hút xe tay ga phải nhỏ như vậy. Mong bạn đọc hiểu đúng. Một kiểu sản xuất “cờ bí” và làm liều mà thôi.

Thợ Việt có thể giảm tiêu hao nhiên liệu cho xe tay ga

Anh Nguyễn Trọng Hoàng (số 105, ngõ 285, phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) - người đã phát hiện ra những lỗi xe nói trên và được nhiều người biết đến lúc đó.

Vốn là tay thợ cơ khí lành nghề, anh Hoàng đã có cách khắc phục cho từng lỗi của mỗi chiếc xe mang tính bí quyết riêng của mình. Và anh đã giành được thành công không nhỏ.

Xưởng sửa chữa xe máy của Hoàng và các cộng sự tại 126/189 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội. Nay anh em ở đây áp dụng những biện pháp xử lý còn “thông minh” hơn cách đây 10 năm

Trong 10 năm qua, anh và các cộng sự đã xử lý được gần 1.000 xe máy mắc các lỗi gây hao tốn nhiên liệu. Nhưng phải nói thực, trong số đó có khoảng 60% các xe chỉ xử lý lần đầu là đạt. Các xe còn lại phải xử lý nhiều công hơn, bởi sau một thời gian sử dụng, chúng đã được đem đi sửa chữa ở nhiều nơi khác nhau và mỗi nơi lại có cách xử lý của họ rất tùy tiện khiến cho những chiếc xe này không còn giữ được thiết kế nguyên bản ban đầu.

Đấy là chưa kể có những đời xe cùng hãng sản xuất đã có sự sai lệch, không đồng nhất khiến cho việc xử lý khó khăn hơn. Có một số ít xe thì không thể xử lý được, ví dụ như xe Avenis đã nói ở trên. Việc không tìm ra bệnh lý của một chiếc xe nào đó là việc cơm bữa của thợ sửa xe và chắc chắn người tiêu dùng nào cũng gặp rồi.

Anh Nguyễn Trọng Hoàng đã có hành trình 10 năm tìm giải pháp tiết kiệm cho xe tay ga

Có điều lạ là những nhà khoa học chuyên ngành về động cơ, xe máy ở các nhà trường, các cơ quan nghiên cứu, hoặc các cơ quan chức năng bảo vệ người tiêu dùng lại không có cảnh báo gì cho người dân được biết những lỗi đó của xe máy nước ngoài. Có lẽ họ không mở xe ra xem bao giờ. Tất cả tin tưởng tuyệt đối vào công nghệ nước ngoài. Và họ chỉ cảnh báo trên báo chí rằng “ai cố tình thay đổi các tính năng của xe máy tay ga thì chỉ làm cho xe đó mau hỏng” – ám chỉ anh Hoàng là người bịp bợm, hão huyền.

Một lần, có vị Giáo sư ở Trường đại học rất to nọ bắn tin trên báo chí rằng sẵn sàng hợp tác với Hoàng để nghiên cứu xe máy theo hướng có lợi cho người tiêu dùng. Hoàng thật thà tưởng vị GS có thiện chí thật mới lò dò mò tới.

Việt Nam luôn trong tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ", giải pháp mới thì thiếu tin tưởng

Tới nơi thấy ông ta (có đôi bàn tay sạch sẽ, dấu hiệu của một người không phải tiếp xúc với dầu mỡ máy móc bao giờ) ngồi cau có lạnh lùng cho một “đệ” ít tuổi hơn ra “phả nước lạnh” vào mặt Hoàng: “Chỉ cần làm giảm 1% chi phí nhiên liệu cho xe máy thôi, thì ông đã có tiền tỷ rồi nhé. Làm sao mà giảm được. Vô lý. Hão huyền!”. Họ chẳng mời Hoàng ngồi, chẳng mời ngụm nước, tỏ vẻ vô cùng khinh bỉ tay Hai lúa sửa xe. Hoàng lúp cúp ra về.

Tôi cho rằng các nhà khoa học Việt Nam có thể nắm chắc lý thuyết và giảng dạy ở các giảng đường, nhưng chắc chẳng ai trong số họ có nhiều thì giờ sửa xe như anh Hoàng, không ai mở cửa hàng hay garage sửa xe, thậm chí không một lần sửa xe cũng nên. Họ thiếu thực tế. Đấy là tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” rất ồn ào ở Việt Nam hiện nay.

(Còn tiếp)

Bởi Thế Đạt, 07:30, 31/08/2018

Nguồn Cartimes: http://cartimes.vn/bai-viet/chuyen-ve-nguoi-10-nam-di-tim-cach-tiet-kiem-xang-cho-xe-tay-ga-o-viet-nam-p1-1047.htm