Chuyện về một Thầy thuốc Anh hùng

Đầu năm 2021, Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS Trần Ngọc Lương vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đây không chỉ là niềm vinh dự, hạnh phúc của cá nhân ông mà còn là niềm vinh dự của y tế Việt Nam.

Những ngày đầu xuân, bệnh nhân đã chen chân đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương khám bệnh. Chúng tôi gặp PGS.TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương khi ông vừa giao ban bệnh viện xong. Ông bảo: “Tôi chỉ có 5 phút rảnh, sau đó phải vào phòng mổ, hôm nay tôi mổ “khai trương” đầu năm mới, hay các em vào phòng mổ xem tôi mổ vì bệnh nhân đông lắm, sợ không có thời gian trả lời nhà báo”.

Chúng tôi nhận lời vào phòng mổ với ông, vì đây là cơ hội hiếm hoi để được tận mắt xem ông thực hiện mổ nội soi tuyến giáp - hay còn gọi là kỹ thuật “Dr Luong” đã vang danh khắp châu Á...

 PGS.TS Trần Ngọc Lương vừa thực hiện ca phẫu thuật nội soi ung thư tuyến giáp, vừa giảng giải cho các học trò.

PGS.TS Trần Ngọc Lương vừa thực hiện ca phẫu thuật nội soi ung thư tuyến giáp, vừa giảng giải cho các học trò.

1. Ca mổ đầu tiên được ông thực hiện với một bệnh nhân nam, 23 tuổi, bị K tuyến giáp nhưng bệnh nhân chỉ phải cắt thùy phải. Lần đầu tiên tôi được vào phòng mổ tác nghiệp, mùi thuốc men và hiệu ứng áo blouse làm tôi khá căng thẳng. Nhưng bác sĩ Lương hóm hỉnh, động viên tôi không việc gì phải sợ. Đôi tay thon dài, khéo léo của ông thoăn thoắt cầm dụng cụ để thực hiện nội soi tuyến giáp cho bệnh nhân. Giờ tôi mới hiểu vì sao người ta dành cho ông danh hiệu “bác sĩ có đôi bàn tay vàng”. Qua màn hình nội soi, tại vị trí tuyến giáp, ông đã nhẹ nhàng tách được dây thần kinh quặt ngược, tách được tuyến cận giáp và chỉ cho các bác sĩ trẻ và chúng tôi xem những “tạng” rất nhỏ, lại nằm ở vị trí khá hiểm.

Ông bảo, tìm dây thần kinh quặt ngược qua dụng cụ nội soi cực khó vì xung quanh nó được bao bọc bởi rất nhiều mạch máu, nếu không khéo léo mà để rách mạch thì sẽ gây chảy máu, không thể tìm được tổn thương.

“Khi phẫu thuật tuyến giáp, đôi khi tưởng bình thường mà lại bất thường vì cấu tạo cổ họng của từng người là khác nhau, đòi hỏi bác sĩ phải có kiến thức sâu sắc về giải phẫu bệnh, có nhạy cảm lâm sàng. Chẳng hạn nếu không tách và không tìm được tuyến cận giáp thì đấy là một thảm họa. Nếu cắt toàn bộ tuyến giáp mà phải cắt cả tuyến cận giáp cũng là một thảm họa vì tuyến cận giáp tiết hóc môn điều chỉnh lượng canxi trong cơ thể, nếu không còn hóc môn này thì cơ thể sẽ rối loạn canxi rất nguy hiểm. Nên khi làm kỹ thuật này, bác sĩ phải hiểu được vị trí giải phẫu, phải có kiến thức, có tay nghề và an toàn của người bệnh phải được đặt lên hàng đầu”.

Bác sĩ Trần Ngọc Lương giảng giải xong cho các học trò của mình thì ca mổ cũng kết thúc. U nhân ở thùy phải của bệnh nhân đã được cắt an toàn, gần như không chảy máu, không xâm lấn. Đặc biệt, ca mổ diễn ra chỉ chừng 30 phút. Sau đó, bác sĩ Lương thực hiện một ca nạo vét hạch đối với một bé gái mới 14 tuổi. Ca phẫu thuật này cũng chỉ diễn ra chừng 40 phút, bệnh nhân sau mổ an toàn...

Chúng tôi hỏi bác sĩ Trần Ngọc Lương đã mổ được bao nhiêu ca tuyến giáp bằng kỹ thuật “Dr Luong”, ông cười bảo ngày nào cũng vài ca, có ngày cao điểm lên đến hơn chục ca. Như vậy, số lượng bệnh nhân tuyến giáp được ông mổ thành công bằng nội soi đã lên đến con số hàng ngàn.

Có lần bác sĩ Lương nói rằng, thời gian ông ở trong phòng mổ có khi nhiều hơn thời gian ở nhà. Đó là chưa kể những lúc phải cân não trước ca bệnh nặng, quyết tâm giành lại sự sống cho người bệnh. Đó còn là những ngày tháng ông trăn trở suy nghĩ trước tình trạng bệnh nhân mắc bệnh lý tuyến giáp ngày càng nhiều, phải làm sao cải tiến kỹ thuật phẫu thuật ít xâm lấn nhất, để người bệnh không còn mặc cảm tự ti vì vết sẹo sau mổ. Người bệnh đa phần là bệnh nhân nghèo, để có một ca mổ ít tốn kém, đỡ gánh nặng chi phí cũng là điều bác sĩ Lương đau đáu. Ý nghĩ đó đã không ngừng thôi thúc ông tìm phương pháp mới trong phẫu thuật tuyến giáp.

PGS.TS Trần Ngọc Lương trao chứng chỉ đào tạo cho học viên nước ngoài.

Phương pháp phẫu thuật nội soi tuyến giáp - một phương pháp ưu việt hoàn toàn mới mẻ của y tế Việt Nam đã ra đời, được giới phẫu thuật truyền tụng với tên gọi “Dr Luong”. Phương pháp này đã khắc phục được hoàn toàn những khiếm khuyến của phương pháp mổ mở vì thời gian phẫu thuật ngắn, không để lại sẹo với chi phí rẻ hơn (do người bệnh không phải nằm lâu điều trị...). Cái hay của phương pháp này là không cần dụng cụ phẫu thuật chuyên biệt, có thể dùng những dụng cụ phẫu thuật thông thường mà các bệnh viện đa khoa tỉnh, thậm chí cả bệnh viện tuyến huyện cũng có.

Có thể nói, kỹ thuật mổ nội soi “Dr Luong” đã mở ra một hướng mới trong việc điều trị các bệnh lý về tuyến giáp, không chỉ đạt hiệu quả chữa bệnh mà còn đạt hiệu quả kinh tế. Hiện ở Hàn Quốc hoặc Singapore, phẫu thuật tuyến giáp nội soi tốn nhiều thời gian và rất đắt. Họ cắt 1 thùy tuyến giáp mất 2 giờ thì tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, nếu thực hiện theo phương pháp “Dr Luong” chỉ mất 30 phút. Đặc biệt, chi phí ở các nước này khoảng 8.000-10.000 USD cho 1 ca cắt thùy tuyến giáp, trong khi đó, một ca như thế ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương chỉ mất 300-400 USD.

Hiện kỹ thuật “Dr Luong” đã chuyển giao đến nhiều nước Đông Nam Á (trừ Lào, Campuchia và Myanmar). Ngoài ra còn có Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Úc, Ảrập Xêút, Thổ Nhĩ Kỳ, Bồ Đào Nha, Hong Kong cũng áp dụng phương pháp này. Nói về việc xin cấp bản quyền bằng sáng chế cho kỹ thuật “Dr Lương”, bác sĩ Trần Ngọc Lương hóm hỉnh: “Nếu là doanh nghiệp, chắc họ làm lâu rồi nhưng mình là thầy thuốc, ai học được kỹ thuật của mình mà tốt cho bệnh nhân thì càng tốt chứ”.

2. Đầu năm 2021, Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS Trần Ngọc Lương vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đây không chỉ là niềm vinh dự, hạnh phúc của cá nhân ông mà còn là niềm vinh dự của y tế Việt Nam.

Chẳng có con đường nào trải toàn hoa hồng. Những ai biết bác sĩ Lương từ thuở “hàn vi” thì đều dành cho ông một sự khâm phục và tình cảm yêu mến đặc biệt. Bởi cuộc đời ông cũng đã có những ngày tháng “phong ba”, cũng đã có những khó khăn tưởng không thể vượt qua được. Nhưng, người thầy thuốc luôn đầy ắp khát vọng và đam mê đó đã vượt qua tất cả mọi trở ngại, luôn biết tìm cách biến khó khăn thành cơ hội để hiện thực hóa đam mê của mình.

Vị PGS đầu ngành trong một chương trình khám bệnh miễn phí ở tuyến dưới.

Ngày mới được phân công từ Khoa Ngoại Bệnh viện Bạch Mai về công tác tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương (tháng 12-2001), bác sĩ Trần Ngọc Lương là người đầu tiên thành lập và xây dựng thành công Khoa Ngoại tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Ngày đó cơ sở vật chất của bệnh viện xuống cấp, nghèo nàn vô cùng. Bác sĩ Lương phải đưa dụng cụ y tế của riêng mình mà tôi đã tích lũy được khi làm chuyên gia y tế tại Yemen, khi học nội trú tại Pháp và của thầy giáo, bạn bè tặng đến bệnh viện để làm việc. Ông sang Bệnh viện Bạch Mai để xin lại những dụng cụ cũ không còn dùng nữa trong kho phế thải về làm sạch để dùng lại. Khi đó, một số cán bộ của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, kể cả cán bộ lãnh đạo đã về hưu cũng không ủng hộ ông thành lập, xây dựng Khoa Ngoại và cho rằng, tôi không thể tiến hành điều trị bằng phẫu thuật được cho các bệnh nhân có bệnh nội tiết. Nhưng vẫn quyết tâm làm và số lượng bệnh nhân đến mổ tại Khoa ngày càng đông. Chỉ riêng năm 2019, Khoa đã mổ cho hơn 10.000 bệnh nhân. Từ một Khoa Ngoại, hiện Khoa đã phân chia và mở ra 4 khoa thuộc khối ngoại để phát triển chuyên sâu bao gồm: Khoa Phẫu thuật tuyến giáp, Khoa Ngoại chung, Khoa Điều trị kỹ thuật cao, Khoa Gây mê hồi sức, tạo ra được thương hiệu không những ở trong nước mà còn ở khu vực và thế giới.

Từ năm 2015 đến nay, với cương vị là Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, PGS.TS Trần Ngọc Lương đã làm được những phần việc khổng lồ, trong đó ông đã chuyển gần hết các khoa lâm sàng xuống cơ sở Tứ Hiệp (Thanh Trì) để nâng cao chất lượng điều trị và tránh nằm ghép. Ông cho đặt thêm các bàn khám, đặt thêm các máy xét nghiệm đảm bảo việc lấy kết quả xét nghiệm chỉ sau 2 giờ, bệnh nhân khám đi về trong ngày, không còn cảnh phải chờ đợi. Bệnh viện đã được trang bị gần như đầy đủ các trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác khám chữa bệnh, mở thêm các khoa phòng mới, trong đó có Khoa Y học hạt nhân điều trị sau phẫu thuật ung thư...

Ông chia sẻ: “Làm chuyên môn thì áp lực là tính mạng bệnh nhân, còn làm quản lý thì áp lực là cuộc sống của hàng ngàn cán bộ, viên chức, làm sao giữ yên được bệnh viện, đoàn kết phát triển bệnh viện là điều quan trọng nhất”.

PGS.TS Trần Ngọc Lương còn chỉ đạo và điều hành có hiệu quả 2 chương trình phòng bệnh là Dự án Phòng chống đái tháo đường thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia và Hoạt động phòng chống các rối loạn thiếu I ốt thuộc hoạt động thường xuyên của Bộ Y tế trong điều kiện kinh phí của các chương trình thiếu và bị cắt giảm. Ông cùng đồng nghiệp củng cố, xây dựng và hoàn thiện hệ thống các đơn vị thực hiện hoạt động dự phòng và điều trị các bệnh nội tiết và chuyển hóa trên toàn quốc. Bệnh viện Nội tiết Trung ương dưới sự chỉ huy của PGS.TS Trần Ngọc Lương đã trở thành bệnh viện hạt nhân của 6 bệnh viện vệ tinh, góp phần quan trọng giảm tải cho tuyến dưới. Đến nay, ở trong nước, đã có 30 bệnh viện thực hiện được kỹ thuật mổ mở và nội soi tuyến giáp theo kỹ thuật của “Dr Luong”...

Khi chuyển giao công nghệ “Dr Luong” cho các học trò, ngoài kỹ thuật và kiến thức giải phẫu bệnh ra, bác sĩ Trần Ngọc Lương còn dạy học trò của mình rằng, với nghề y là phải say mê, không có say mê không thể làm được những điều lớn lao. Những người bình bình thì cả đời cứ vậy thôi. Và phải có cái tâm của người thầy thuốc đối với bệnh nhân, như thế mới chăm sóc người bệnh tốt nhất.

Thu Phương - Trần Hằng

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/chuyen-ve-mot-thay-thuoc-anh-hung-632439/