Chuyện về một nhiệm vụ khoa học Tuyệt mật và Quyết thắng

Mới đây, tôi được gửi tặng bản sao cuốn “Tổ GK Đại học Bách Khoa - Nghiên cứu rà phá thủy lôi và bom từ trường (Nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng phục vụ chiến đấu chống phong tỏa Miền Bắc thời kỳ 1972 - 1973 góp phần đánh thắng đế quốc Mỹ)” do NXB Bách Khoa Hà Nội ấn hành, mà tác giả của nó chính là những người tham gia cuộc chiến ấy viết nên. Quãng thời gian này,“đội đặc nhiệm GK” gồm một số nhà giáo của ĐH Bách Khoa Hà Nội đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được giao là nghiên cứu cơ bản để rà phá có hiệu quả các loại thủy lôi và bom từ trường thông minh; do tính chất phục vụ chiến đấu trong thời chiến nên từ việc thành lập tổ nghiên cứu cho đến nội dung cũng như triển khai đều được giữ bí mật tuyệt đối. Thành tựu này đã có nhiều tiếng vang trong quá khứ và cho đến nay vẫn còn mang tính thời sự.

1. Theo tài liệu này, thủy lôi từ tính (TLTT) là loại phát nổ khi nhận được tín hiệu từ trường thích hợp của tàu thủy đi vào đúng vị trí. Bom từ trường (BTT) là loại khi thả xuống sông, biển nó hoạt động như thủy lôi; khi được thả bằng máy bay trên bộ, nó cắm chui xuống đất và phát nổ khi có tín hiệu từ trường thích hợp của các đối tượng đúng loại đi qua đúng vị trí, được Mỹ đặt tên là Kẻ hủy diệt (Destructor - DST) hoặc bom/ thủy lôi.

Bắt đầu từ khoảng 1967, Mỹ dùng máy bay chuyên dụng thả TLTT và DST xuống các bến cảng, đường bộ, đường sông của miền Bắc Việt Nam. Thông tin từ nhà báo Van Geirt viết trong cuốn “Đường mòn Hồ Chí Minh” cho thấy, riêng trên con đường huyền thoại này Mỹ đã thả khoảng 45.000 DTS. 9h 9phút ngày 9.5.1972, Nixon đọc tuyên bố phong tỏa ráo riết cả Miền Bắc.

Lần phong tỏa này được chuẩn bị kỹ lưỡng và các loại thủy lôi, kẻ hủy diệt được nâng cấp với số lượng lớn, với khoảng 108 quả MK-52 và trên 10.000 quả DST. Tuy nhiên, Nixon và các tướng lĩnh của ông ta đã thất bại thảm hại, cuộc phong tỏa quy mô lớn bị nhanh chóng phá tan và không tạo ra được bất cứ một đe dọa hay sức ép nào. Tổ GK1 là một đơn vị gồm những cán bộ chuyên môn ở trường ĐHBKHN được huy động một cách rất đặc biệt để tham gia cuộc phong tỏa năm 1972 này.

Do phải thắng và thắng nhanh, Ban Bí thư đồng ý cho Bộ GTVT thành lập Tiểu ban rà phá bom, mìn, thủy lôi trong Ban đảm bảo giao thông của Bộ. Tiểu ban này phải tập trung nghiên cứu, tổ chức thực hiện công tác rà phá thuộc phạm vi của Bộ GTVT được phân công và kết hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng trong công tác này. Bộ GTVT cần được bổ sung thêm lực lượng nghiên cứu và xây dựng phương án rà phá để có thể phản công nhanh, Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ đã đặt vấn đề nêu trên với lãnh đạo một số ngành, trong đó có GS Tạ Quang Bửu là Bộ trưởng Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Sự phối hợp giữa Bộ GTVT và Trường ĐHBKHN đã đặt tên chung là GK với tổ đầu tiên là GK1, tiếp theo là GK2, GK3…

Một điều hết sức may mắn là khi đó Liên Xô vừa giúp nước ta hoàn thành xây dựng Trường ĐHBKHN mới với nhiều trang thiết bị hiện đại, GK1 được sử dụng các trang thiết bị mới nhất đó tại phòng thí nghiệm đặt tại nhà A trong khuôn viên trường, luôn được bảo vệ đặc biệt và đón GS Tạ Quang Bửu xuống lắng nghe kết quả nghiên cứu, chỉ đạo thậm chí là tranh luận thường xuyên. Tổ GK đầu tiên làm việc từ tháng 5.1972 gồm 6 người: Vũ Đình Cự (Vật lý Chất rắn, Tổ trưởng), Nguyễn Bính (Cơ khí điện, Điện tử), Bùi Minh Tiêu (Điện tử), Nguyễn Xuân Chánh (Vật lý Chất rắn), Nguyễn Nguyên Phong (Vật lý Hạt nhân), Nguyễn Trọng Quế (Kỹ thuật Điện và Đo lường).

Sang tháng 7.1972 bổ sung thêm 5 người do các thành viên đầu tiên giới thiệu: Đào Đức Thành (Vô tuyến Điện tử), Nguyễn Dũng (Vô tuyến Điện tử), Trịnh Đình Đề (Tự động hóa), Nguyễn Thanh Hân (Đo lường Điện), Lương Tất Tố (Kỹ sư Điện tử). Sau đó tổ GK2 được thành lập (chủ chốt là Kỹ sư Nguyễn Hữu Bảo, kỹ sư Đoàn Nhân Lộ). Sau năm 1973 thành lập thêm các tổ GK3, GK4… nhưng chủ yếu là làm các công việc giải tỏa hết các loại thủy lôi, bom mìn còn sót lại trong vùng cảng. Tổ GK được sự giúp đỡ rất lớn của đồng chí Đỗ Mười, trước hết là các phương tiện trang thiết bị thiếu được nhận ngay từ các kho đặc biệt để sử dụng trong chiến đấu; đồng chí cũng đã đề cập đến việc rà phá bằng trực thăng nếu cần.

2. Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ đã sử dụng các loại vũ khí đặc biệt dựa vào từ trường của trái đất để gây nổ. Do đó, nhóm đã hệ thống lại kiến thức về vật lý từ trường, đo lường từ trường ở gần mặt trái đất; Nhiễu điện từ, cảm biến từ; Từ kế, cuộn dây Helmholtz… Tiếp đó là xây dựng phòng thí nghiệm từ trong điều kiện đặc biệt tại khu nhà A, bao gồm cả tầng hầm kiên cố; bố trí các bộ thí nghiệm cơ động kiểm tra và huấn luyện sử dụng trang thiết bị rà phá; Tính toán từ trường phát ra từ các cuộn dây; Điều chỉnh phép đo trong thực tế. Sau đó là xem xét cấu tạo và nguyên lý hoạt động của thủy lôi MK-52, một trọng tâm nghiên cứu.

Ngày 12.5.1972, ông Nguyễn Văn Thưởng và một số xã viên HTX Tràng Cát huyện An Hải phát hiện có một quả thủy lôi ở phía tây bắc đèn Nơm trên luồng chính vào cảng Hải Phòng và đã dẫn đường cho các lực lượng chính quy đi tìm. Đây là một quả thủy lôi to khác thường, ký hiệu MK-52. Từ 16 đến 31.5.1972, ta tiếp tục mò thêm được 13 quả thủy lôi nữa, trong đó có quả MK-52 thứ hai.

Theo đề nghị của tổ GK1, Bộ GTVT đã đưa về Hà Nội một quả MK-52 đã tháo ngòi nổ và được khẩn trương nghiên cứu theo trình tự: Tìm hiểu cảm biến; Vẽ sơ đồ mạch điện và dự đoán chức năng của từng khối trong sơ đồ (Bộ phận đặt thời gian bắt đầu hoạt động; Bộ phận nguồn điện; Bộ phận tự hủy; Bộ phận thu tín hiệu và khuếch đại; Bộ phận tạo chu trình 120 giây; Bộ phận đặt lần). Để tìm biện pháp rà phá, nhóm đã nghiên cứu dùng cuộn Helmholtz tạo xung từ cho con tầu chuyển động gây ra; Nghiên cứu từ trường cuộn Helmholtz song song với chiều dài cuộn dây cảm biến; Nghiên cứu hoạt động của cuộn cảm biến ở các tư thế khác nhau so với từ trường ngoài; Nghiên cứu hoạt động của đầu thủy lôi dưới tác dụng của xung từ trường xoay chiều; Nghiên cứu hoạt động của đầu thủy lôi dưới tác dụng của từ trường xung do tụ điện phóng điện gây ra; Nghiên cứu hoạt động của đầu thủy lôi khi đầu nằm trong vỏ; Nghiên cứu hoạt động của đầu thủy lôi dưới tác dụng của điện áp một chiều đưa trực tiếp vào mạch khuếch đại. Ngoài 7 thí nghiệm này nhóm còn phối hợp với Cục Cơ khí Bộ GTVT thử hoạt động của đầu thủy lôi dưới tác dụng của âm thanh.

Nhóm đánh giá, trong điều kiện rất khẩn trương phục vụ chiến đấu, có những nghiên cứu khá bài bản, cũng có những nghiên cứu mang tính chất mò mẫm tìm hiểu, nhưng kết quả luôn được trao đổi, phổ biến trực tiếp với các cán bộ rà phá bom mìn của Bộ GTVT để ứng dụng kịp thời.

Tiếp đó là nghiên cứu Kẻ hủy diệt Destructor mà nhân dân ta vẫn gọi là bom từ trường, một vũ khí mà các “siêu tướng” của Mỹ sáng tạo ra nhằm ngăn chặn bằng được chi viện của Miền Bắc vào Miền Nam, ra tay hết sức để cắt đôi Việt Nam, biến Miền Nam trở thành một nước tay sai của Mỹ.

Thông tin của tác giả Diana Schroeder cho hay phía Mỹ đã sử dụng tới 330.000 DST các loại cho mục đích này. Chúng được chế tạo sau Thế chiến II, ứng dụng công nghệ điện tử logic (kỹ thuật số) cao cấp thời bấy giờ. Nhóm GK1 nhận thấy, phải càng nhanh càng tốt khám phá các số liệu cụ thể bộ máy nhận dạng của đầu gây nổ từ mod 0 đến mod 3 đều được đóng kín trong vỏ bằng nhôm mà theo Tiểu ban rà phá Bộ GTVT, trước đó chưa có ai mổ xẻ để có hiểu biết đầy đủ về mạch điện tử.

Nhóm quyết định phải lấy ra được toàn vẹn hệ mạch điện tử, gồm một số bo mạch và các linh kiện, giao việc này cho ba thành viên quen thuộc với việc tác động cơ khí lên vũ khí và quen thuộc với sự cẩn trọng trong phòng thí nghiệm tinh vi. Mỗi thao tác lấy bo mạch chỉ tiến hành khi được cả ba người đồng ý. Không được sai lầm các tình tiết rất phức tạp của những yếu tố lạ mà trước đây chưa từng thấy - hệ thống điều khiển ở đầu nổ.

Sau thành công của bước này, nhóm tiếp tục tiến hành nghiên cứu đầu gây nổ Kẻ hủy diệt, gồm: Nghiên cứu cảm biến từ nhận dạng; Nghiên cứu các bo mạch phức hợp, tức các bo mạch có cấu trúc phức tạp và chúng có mối quan hệ giữa các điểm cực kỳ khó phán đoán; Rà soát các bộ nhạy từ gắn liền với các bo mạch và bộ cảm biến từ để đánh giá được các tác động của chúng đối với quá trình nhận dạng. Tiếp đến: Lập phương án rà phá Kẻ hủy diệt (Nhận dạng của cảm biến từ; Kỹ thuật phóng từ; Máy phát từ; Máy nhiễu). Xây dựng phương án rà phá thử nghiệm: Tiến hành phương án rà phá thử nghiệm trên đường biển gần khu vực chùa Vẽ, Hải Phòng, trong 3 ngày với hàng chục tình huống phức tạp, gây “nổ” nhiều lần, tức là tín hiệu nổ trên dao động ký điện tử.

Kết quả nghiên cứu thành công và nhất là không gây thương vong được báo cáo lên cấp trên; các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phan Trọng Tuệ, Đinh Đức Thiện, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa… cùng nhiều cán bộ cấp cao đã cho nhiều ý kiến nhận xét và dành nhiều lời khen ngợi rất phấn khởi cho tất cả các anh em đã tham gia tự chế tạo các phương tiện tác chiến cơ bản đánh thắng kẻ địch.

3. Từ thành tựu này, những kết quả nghiên cứu đã được triển khai để phục vụ chiến đấu dưới dạng phổ biến, truyền miệng. Đồng thời làm ra thiết bị chuyên dụng, đưa ra các biện pháp rà phá có hiệu quả và ít thương vong, gồm: Chế tạo bộ rơle tự động, loại bỏ phương án đóng điện bằng cầu dao đơn giản và rất thủ công; Chế tạo bộ phóng từ để rà phá cơ động, có thể lắp trên xe ô tô điều khiển như xe chỉ huy quân sự Uaz hoặc kiểu cano loại vừa cho 1-2 người đi; Chế tạo bộ gây nhiễu phóng ra các xung từ trường kiểu như do sét đánh, vì thế khi máy liên tiếp phát ra cỡ dưới 1 giây một xung như vậy thì bom từ trường luôn ở trạng thái bị khóa, thường nói nôm na là bom bị câm hay bị liệt - một sáng tạo rất đặc sắc; Phát huy nhiều cách tạo từ trường để rà phá bom, thủy lôi tùy hoàn cảnh; Kiểm nghiệm huấn luyện và phối hợp triển khai tổ chức đảm bảo giao thông an toàn, tích cực phục vụ tổ quốc trong thời kỳ gay cấn.

Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHKT, bằng do Trung Quốc, Liên Xô cấp cho PGS Nguyễn Bính - một trong những nhân vật chủ chốt của “tổ đặc nhiệm GK”. Ông tạ thế ngày 26.4.2016 vừa qua. Ba tháng sau, nhân dịp 100 ngày ngày mất của ông, đồng nghiệp, bạn hữu, học trò đã tổ chức buổi tưởng niệm ông tại trường Bách Khoa và yêu mến gọi ông là “ông tổ của nghề tự động hóa”. Ảnh: Huy Minh

Một bộ phận của GK1 gồm các thành viên trẻ, có hiểu biết khá chắc chắn đã được phái đi cùng các đội rà phá của ngành đường bộ, đến các khu vực bị thả bom từ trường nhiều, tới tận giáp đường Trường Sơn, để thao tác phổ biến phương án rà phá. Các kết quả thu được rất tốt, đối phó với bom đạn, nhất là Kẻ hủy diệt mà hoàn toàn yên lành, kinh nghiệm được nhanh chóng truyền sâu trên đường Trường Sơn và nhận được đánh giá cao của các đơn vị trong vùng đặc biệt gian khổ.

Vào thời điểm cuối xuân sang đầu hạ năm 1973, GK1 nhận được một lệnh đặc biệt của lãnh đạo cấp trên thông qua các Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ và Tạ Quang Bửu với nội dung: “Mặc dù Mỹ đã rút quân, nhưng bom từ trường DST còn nhiều, bây giờ cần đoàn xe đặc biệt đưa khách theo đường Trường Sơn để tới Phnom Penh được hoàn toàn an toàn”. Lệnh về, GK1 tổ chức thảo luận sôi nổi với yêu cầu: Dùng xe ô tô loại nhẹ và đủ mạnh trên đường Trường Sơn; Có dây cáp điện vừa phải để phát từ cùng với số acquy loại 36V có thể chịu dòng cao; Có máy phát điện dự trữ để nạp điện; Có thời gian luyện tập khoảng 1 tuần ở SVĐ ĐHBK; Phương án cơ bản là “gây nổ từ xa và nhiễu ở gần”, nghĩa là một số xe đi đầu phải liên tục phát từ gây nổ ở phía trước và hai bên, với tốc độ phù hợp với địa hình, còn các xe quan trọng chủ yếu phát nhiễu. Vì các bom từ trường đều có cảm biến làm việc theo xác suất (ngẫu nhiên) nên các xe quan trọng phải được trang bị đầy đủ các máy nhiễu này.

GK1 đã tổ chức thực nghiệm bằng mỗi tốp 5 xe đi cách nhau khoảng 15-20m trên SVĐ ĐHBK để kiểm tra, tổng hợp tất cả các dữ liệu thu được và sử dụng mọi phương tiện lắp đặt trên 25 xe Uaz còn mới. Chưa hết 1 tuần đoàn xe đã lên đường, GK1 ở nhà luôn nhận được những thông tin hỏi về một số trục trặc xảy ra và sau đó nhận được trả lời là đã sửa chữa xong, đạt yêu cầu. Sau khoảng 1 tuần lễ, Bộ GTVT thông báo cho GK1 rằng tổ được khen thưởng vì đoàn xe đã tới đích an toàn. Ít lâu sau tổ được biết đó là chuyến đi của Quốc trưởng Sihanouk và Bà hoàng Monique Sihanouk cùng tùy tùng. Từ sân bay Đồng Hới cả đoàn đã đi bằng những chiếc xe Uaz này theo đường Trường Sơn để về thăm quê hương, sau khi quân Mỹ rút hết.

4. Phần cuối cuộc đời mình, các thành viên tổ GK đã nhớ lại và suy ngẫm về giai đoạn ác liệt này của chiến tranh. Cố PGS Nguyễn Bính viết: “Các thành viên của tổ nghiên cứu đều là những thầy giáo, lâu nay chỉ quen với phấn trắng bảng đen, chưa ai được học qua về vũ khí. Nhiệm vụ thật nặng nề và khó khăn”; “Điều quan trọng hơn tất cả là các vị ở đơn vị bảo đảm giao thông đường biển Hải Phòng đã cho chúng tôi nhìn thấy tận mắt một quả thủy lôi MK-52 còn sống nguyên (tuy nhiên người ta đã tháo ngòi nổ và moi hết thuốc nổ). Đối với chúng tôi, đây là thứ quý hơn tất cả trong lúc này. Chúng tôi được giao lưu với người đã vớt và đem lên bờ quả “thủy lôi sống MK-52”, ông tên là Thái Phong, một cán bộ của Ty Bảo đảm Hàng hải Hải Phòng”;

“Bộ GTVT cho biết đã bố trí khoảng 3.000 điểm quan trắc dọc duyên hải Miền Bắc, họ có nhiệm vụ đếm và ghi lại các điểm địch thả thủy lôi (thả MK-52 phải dùng dù nên cũng dễ nhận ra). Tổ nghiên cứu quyết định làm một cẩm nang tư liệu để chỉ cần hai thông số (khoảng cách từ nơi đặt thiết bị phóng từ trường đến quả thủy lôi và góc tạo bởi trục của cuộn dây cảm ứng từ và tâm quả thủy lôi) thì có thể tra được cường độ dòng điện và số vòng dây cần thiết để phóng các xung từ trường, đủ để phá nổ MK-52 mà tránh được thương vong.

Đây là một bài toán lớn, tôi được phân công giải bài toán trên máy tính điện tử Minsk 22. Bấy giờ ở Miền Bắc nước ta, hình như mới chỉ có một máy này, đặt ở UBKHKTNN, số 39 phố Trần Hưng Đạo. Nó rất đồ sộ, chiếm cả một căn phòng đến gần 100m2, có điều hòa nhiệt độ. Chương trình phải viết bằng băng đục lỗ, dùng hệ nhị phân, chỉ có số 0 và số 1.

Để được yên tĩnh làm việc, tôi lên khu sơ tán của nhà trường ở Hà Bắc, phải mất 7 ngày mới viết xong được chương trình tính, rồi lại lọc cọc trên chiếc xe đạp Liên Xô trở về 39 Trần Hưng Đạo để đục băng, đục lỗ. Theo quy định, chỉ có người của phòng máy mới được thao tác. Tôi nộp chương trình tính bằng băng đục lỗ cho tổ máy, nhờ các anh chạy máy cho.

Sáng hôm sau, ngày 21.7.1972, tôi lên lấy kết quả. Ông Thành, tổ trưởng tổ máy, người đã nhiệt tình giúp chúng tôi cho biết là máy tính đã chạy mất gần 7 giờ đồng hồ. Cứ 10 giây máy lại cho ra kết quả của một điểm tính. Tổng cộng máy đã tính 1.443 điểm. Kết quả tính đựng đầy một rổ to. Con số in ra mờ, không sắc nét. Phải lao động thủ công thêm nhiều mới ra thành quyển cẩm nang tra cứu. Ngày nay không ai còn dùng máy Minsk 22, vì vậy ít ai hình dung được nó to như thế nào và chức năng tính toán của nó hạn chế ra sao. Nhưng đó là máy tính tốt nhất ở Hà Nội năm 1972 đã giúp cho nhóm GK rất đắc lực và tôi vẫn còn giữ được đôi dòng của chương trình viết cho máy tính Minsk 22 thời đó”.

PGS Nguyễn Bính thời trẻ. Ảnh: Huy Minh

Cuốn tài liệu dày gần 300 trang khổ A4 này đăng tải nhiều ý kiến, tâm sự của các thành viên “Đội đặc nhiệm GK” năm ấy. Xin được trích ý kiến của nhà giáo Nguyễn Trọng Quế để thay lời kết: “Đối với tôi, những ngày hoạt động trong nhóm GK là những ngày có ý nghĩa nhất trong đời”; “Tôi cứ so sánh những điều kiện ngày đó và hiện nay. Giả sử cần nghiên cứu chế tạo bom từ, tôi và nhiều đồng chí khác có thể chế tạo các đầu bom với các tính năng hay hơn nhiều, thông minh hơn nhiều so với thời ấy nhờ ứng dụng các linh kiện hiện đại. Các thiết bị rà phá mìn cũng không phải điều khiển bằng cơ khí mà có thể sử dụng vi xử lý và phần điện tử công suất như IGBT, đạt hiệu quả cao hơn nhiều so với trước. Niềm vui bây giờ là con cháu thành đạt trong cuộc sống, xứng đáng với sự đóng góp của cha mẹ trong cuộc kháng chiến dành độc lập của dân tộc”.

Nguyễn Huy Minh

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/chuyen-ve-mot-nhiem-vu-khoa-hoc-tuyet-mat-va-quyet-thang-612577.bld