Chuyện về một người rất đỗi bình thường

Bây giờ, tất cả đã an bài. Mộ của nó gối đầu phía núi, thò chân về phía biển.

Mới tuần trước thôi, mình đã phải ghi mấy lời lên mạng xã hội để thông báo với bạn bè của mình và của nó: "Chia tay nhé Nhân gù. Đã cố gắng hết sức nhưng tụi mình không giữ được bạn! Mong bạn kịp về được đến quê nhà nắng gió. Mình bay về sau. Vợ con bạn sẽ có nhà cửa đàng hoàng. Con bạn sẽ được học hành. Bạn đừng lo! Thưa mọi người. Nhân đã nguy kịch và không phục hồi, thời gian chỉ tính bằng giờ. Sáng mai sẽ đưa Nhân về quê nhà!".

1. Nó bị gù bẩm sinh. Từ nhỏ tới giờ bạn bè vẫn gọi là Nhân gù. Gọi riết rồi cả thằng gọi lẫn thằng bị gọi thấy bình thường. Lâu lâu, mình dù cố tránh vẫn quen mồm: "Khỏe hông Nhân gù ơi!". Nó cười ha ha: "Có dám bịnh đâu mà hông khỏe, còn mày khỏe hông?".

Mẹ nó có bầu nó thì ba nó bỏ. Sinh xong ít lâu thì mẹ nó có chồng mới, nó sống với ông bà ngoại và cậu. Rồi cậu lấy vợ, căn nhà ở thị trấn thành chật, nó và ông bà ngoại ra chòi rẫy.

Mình với nó học chung từ lớp 6, đi hái rau cho heo, hay ngang rẫy ông bà nó xin nước uống. Ở Ninh Thuận, nhà ai cũng có lu nước bằng đất nung của người Chăm làng Bàu Trúc. Chỉ nung thành gạch chứ không thành sành, nước thấm ra ngoài, bốc hơi nên nước trong lu rất mát.

Rẫy có nhiều thứ để ăn, một trái bắp lẻ trên cây, trái ổi ẩn sau cành chìa bên bờ ao, trái chuối chín cây... Hai thằng cứ nhẩn nha vừa chơi vừa nói chuyện vừa kiếm đồ ăn. Riết thành thân thiết. Có bữa nó nói mày phụ tao tưới rẫy, chút tao phụ mày hái rau. Những buổi đi hái rau thành ra rất thú vị.

Nhân gù.

Nhân gù.

Nó vẽ đẹp, thích làm họa sĩ nhưng rồi chỉ thành thợ vẽ. Tết, nó tìm giấy vỏ bao xi măng vẽ mấy bộ bầu cua tôm cá cho người ta đánh bạc mấy ngày xuân, kiếm tiền mua sách vở. Học hết cấp ba, nó đi vẽ biển hiệu hoặc nhận lại mấy cái khẩu hiệu bờ tường từ xã tới huyện. Nhưng cũng chẳng mấy khi có việc. Mình đi học đại học, tết về hai thằng vẫn rủ nhau làm vài xị, say say nó lại về cái chòi rẫy với ông bà.

Ông bà qua đời, đám rẫy cằn dĩ nhiên của cậu. Nó vô gia cư thật. Lên nhà mẹ ở thì ngại dượng với mấy đứa em. Mình về, ra rẫy tìm không thấy. Nhìn đám rẫy cằn với giàn nho chết khô và mấy bụi cà, nghe lòng buồn thiu.

Mình ra trường, đi làm báo, chẳng mấy khi ghé về mà có ghé thì chút lại đi. Thỉnh thoảng cũng nhớ nó mà không biết tìm đâu. Vốn liếng không có, bằng cấp cũng không, với cái lưng gù mồm móm, chẳng biết đời đẩy nó dạt nơi nào. Bạn bè chỉ biết nó đi xa, xa cỡ nào thì không rõ. Hai mươi mấy năm trước, cả huyện chưa được vài người có di động, nó làm sao có mà liên lạc.

Thôi thì đâu cũng được, mong mày đỡ cực. Mình vẫn nghĩ như thế mỗi lần về nhà, ngó con đường sắt bên nhà chạy dài hút tầm mắt ở xóm rẫy xa, nơi có cái chòi rẫy và mấy bụi cà tuổi thơ của nó!

Mình lên Lâm Đồng viết bài, ngủ lại ở thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng, chiều, thả bộ lên gần sân bay Liên Khương tìm quán rượu. Chín giờ đêm phố huyện vắng tanh, gió lạnh thổi đau cả lỗ tai mới khật khừ thọc tay vào túi áo khoác đi về. Từ một cái lán hớt tóc ven đường nghe tiếng gọi: "Hiển, phải mày không Hiển?". Nó ào ra nắm tay lắc vai như kiểu mấy kiếp rồi mới gặp.

Cơn say ngắn nối thêm cơn say dài đến khuya. Nó, hỏi khắp bạn bè. Mình thì nói mấy năm rồi ở Hà Nội nên không rành bạn ở quê. Ký ức tự nhiên nó đứt một đoạn…

Hai tháng sau mình lại về Tùng Nghĩa thì nó đi đâu mất. Về quê cũng không thấy nó. Thằng nghèo và vô gia cư có sự tự do tuyệt đối của nó, tự do xuất hiện hoặc biến mất.

Nó về Sơn Hải, một làng chài heo hút bên Mũi Dinh (Thuận Nam, Ninh Thuận), nhờ mái hiên của nhà người ta làm chỗ hớt tóc. Bìa núi gần đó có một gia đình còn nghèo hơn nó, làm nghề chăn dê thuê, có đứa con gái lớn tuổi chưa chồng. Ở bìa núi, không có ai là hàng xóm nên cô gần như suốt ngày không nói, đi chăn dê thì cũng chỉ có cỏ cằn đá núi và những cơn gió như muốn ném cả người lẫn dê vào vách đá.

Chẳng biết sao nó quen rồi lấy làm vợ. Cũng chẳng cưới hỏi gì. Nó không có tiền mà người ta cũng không đòi. Hỏi mày tán kiểu gì, Nhân gù? Nó nói.. đè ra chớ nói năng gì, nó có thèm nghe tao nói đâu mà tao cũng biết nói gì đâu!

Có con, cái mái lều ven núi với đàn dê không thể chứa nổi gia đình nhỏ với đứa con nay sài mai ghẻ. Nó dặn vợ em ở đây mấy bữa anh về dưới đồng bằng tìm đất xây nhà. Nó về, bà dì nó thương tình cho một miếng đất ven bìa nghĩa địa, tứ bề cát và gió biển.

Chỗ đó ở làng Mỹ Hải, cuối đại lộ 16-4, đối diện là những resort trải dài, sau lưng là thành phố Phan Rang. Cái đám mả hoang nửa thế kỷ nay vẫn thế. Xưa, có mấy năm bố mẹ mình dạy học, nhà mình ở trong khu tập thể gần đấy.

Thi thoảng leo đồi cát bọn mình vẫn bất ngờ đá chân trúng những cái sọ người chết trong chiến tranh, không biết thường dân hay của phe nào, khi gió dời những đồi cát ven biển. Xương trắng thì khi nào chả bình đẳng. Giờ, đồi cát đã bị san bằng làm đô thị, nhưng khu gò mả thì vẫn y nguyên. Vợ chồng nó tính cất nhà lên đó với hàng xóm láng giềng là những ngôi mộ.

Nó về, nói với tụi bạn: "Tao làm nhà, vợ con cần chỗ ở, mà kẹt quá!". Bạn bè hỏi mày có bao nhiêu, nó nói có 500 ngàn! Cả bọn cười ngất. Rồi cả đám xúm vô. Con nhỏ bạn lấy máy tính bấm bấm rồi cầm điện thoại alo.

Tới tối thì cả lớp hứa hùn vào, gần 10 triệu, mấy chục mét tôn cũ và mấy cánh cửa. Hai tuần sau nó kiếm được ba con gà làm tân gia. Ngôi nhà 30m² xây bằng gạch táp lô, nền láng xi măng với những cánh cửa không giống nhau đã ra đời. Có bếp và chỗ để lu nước, riêng toilet thì không cần vì nhà ven gò mả và đồi cát!

2. Nó đi hớt tóc dạo và vẽ khẩu hiệu thuê, rồi xin được ai một cái màn hình máy tính cũ, một bàn phím cũ. Nó gọi: "Tao cần cái máy để cắt chữ vi tính, nhưng mới có hai phần ba máy tính, mày giúp tao phần còn lại nha".

Mình hỏi hai phần ba máy tính là sao, nó nói là "đã có màn hình và bàn phím, còn thiếu cái... CPU với con chuột". À hiểu rồi, mình kêu nó đi kiếm thằng nào rành vi tính kêu nó lắp đi. Đồ cũ chẳng đáng bao nhiêu, mua luôn cái máy tính cũ còn hai thứ phế thải kia thôi để con mày nó học thay đồ chơi!

Nó để dành được hơn triệu, mua chiếc Chaly cũ đi làm mướn. Không bao giờ chạy quá tốc độ nha, đi vẽ xong làm vài xị, đường về đồng hồ bi nhiêu mình chạy bi nhiêu. Xe mua được nửa tháng thì tai nạn, chuyển vào Chợ Rẫy, nhỏ bạn học đi nuôi và vận động bạn bè góp tiền bắt inox vô chân.

Tác giả và Nhân gù.

Nửa tháng sau thì nó ra viện và tự hào chân cứng nhứt tỉnh Ninh Thuận vì trong xương có inox. Mấy tháng sau con bạn lại gọi bạn bè hùn tiền cho nó mổ chân lấy inox ra. Nó nói chân tao giờ bình thường như mọi người.

Tết, hỏi nó ăn tết sao, nó nói ký lạp xưởng, chục bánh cốm với bó nhang thắp ông bà là xong tết chớ gì. Cho nó tiền biểu lo tết cho mấy đứa nhỏ. Chiều, nó ới xuống uống rượu.

Tới, hỏi mày trúng mánh vẽ bầu cua hay sao mà đãi nhậu, nó cười ha ha nói tiền mày cho hồi trưa đó, mình ăn tết thôi bạn ơi. Vợ nó chỉ cười, mười năm nay mình chưa nghe cô ấy nói bao giờ. Những tháng năm tuổi thơ và thời con gái ở giữa vùng bán hoang mạc với bầy dê đã làm mất khả năng giao tiếp của vợ nó.

Từ sau tết đó, mỗi năm mình với bạn bè chỉ sắm đồ tết cho vợ con nó, tiền thì cho vợ nó, vì hễ đưa nó thì nó lại làm bữa nhậu rủ bạn bè hết. Nó nghèo nhưng coi tiền chỉ là giấy, có bao nhiêu cũng như không.

Tết, ngăn giữa bãi tha ma cách chục mét với ngôi nhà của nó là những luống hoa vàng lung lay trong gió biển. Chỗ nhà nó sắp bị giải tỏa để nhường cho một khu du lịch. Đất mượn, dì dượng nó cũng nghèo và đất lấn bãi tha ma làm gì có sổ đỏ để được bồi thường. Giải tỏa đi là tay trắng. Nó buồn buồn, mình đi mua rượu rồi khề khà bá vai nhau mà hát đời lắm phong trần tay trắng tay/ chiều đông ngại gió lùa vai gầy. Gió biển thổi lồng lộng cuốn cát bay mù trời rồi mờ dần cuối bãi tha ma.

Hôm sau qua rủ nó đi cà phê, con nó nói ba vô trại dê trong núi. Chiều thì nó gọi: "Ê thằng nhà báo, ghé tao cho cái này hay lắm". Nó mang ra bình rượu, trong đó là hai bộ ngọc dương nướng vàng và mấy củ đinh lăng, bảo: "Biếu bạn hiền, tao vô tận mấy trại dê mới lựa được tặng mày". Quát: "Mày khùng hay sao, không có tiền mà còn ngâm rượu cho tao? Nó cười he he: "Quý mày tao mới kỳ công vậy chớ tao đâu có rảnh hay làm siêng dữ vậy".

Hỏi mai mốt bị giải tỏa thì ở đâu? Nó nhìn ra bãi cát đìu hiu gió chiều đông nói cũng đang lo. Tiền là giấy thiệt, mà không có cái giấy đó thì cũng khổ ha Hiển?

Nguyễn Đức Hiển

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/chuyen-ve-mot-nguoi-rat-doi-binh-thuong-549687/