Chuyện về một họa sĩ vẽ tranh nude: Đôi bàn tay lạc nẻo thiên đàng…

Trong một thoáng chốc kỳ lạ, Phương Bình vẽ liền mấy bức 'Đàn bà' trước mặt tôi.

Chị vẽ trong sự hỗn độn ở ngay nhà mình. Những người thợ đang sửa tầng gác trên cho con trai chị vừa lấy vợ. Những bản vẽ người đàn bà, tất cả dường như bung xóa, bay bổng và có cả chút gãy đổ trước làn sóng xô đẩy của người đời....

"Đàn bà" của Phương Bình

Cách đây không lâu, tôi đã có dịp xem triển lãm "Đàn bà" của Phương Bình ở Sài Gòn. Mơ mộng và sương khói. Bí ẩn và nhọc nhằn. Những điều đó toát lên từ những người đàn bà mà chị miêu tả. Chị đã khóc cùng họ trên toan. Chị mỉm cười cùng những người đàn bà của mình một cách cảm thông chia sẻ.

Bởi lẽ như Phương Bình từng chiêm nghiệm từ bản thân mình rằng: "Đàn bà sinh ra đã khổ. Sinh vào mùa hạ quá nhọc nhằn".

Họa sĩ Phương Bình.

Phương Bình cất tiếng khóc chào đời đón một mùa hè như thế. Quả nhiên, 19 tuổi vừa tốt nghiệp Trường Văn hóa Nghệ thuật Vinh, Phương Bình đã sinh con với một hạnh phúc không trọn vẹn. Hai mẹ con ôm nhau rời quê hương, từ Vinh ra Hà Nội bắt đầu một cuộc sống lận đận, mệt mỏi.

Phương Bình sớm trở thành đàn bà và trầm luân từ đó. Bắt đầu những ngày phải ru con cùng nước mắt. Cô đơn. Khốc liệt. Và, những câu chuyện về một người đàn bà được hiện lên mặt toan, với sắc màu khắc khoải nhất. Góc khuất của người đàn bà cô đơn ấy trào dâng cảm xúc qua hình tượng làm lay động người xem.

Vài năm gần đây, Phương Bình nổi lên như một hiện tượng vẽ tranh Nude trên giấy dó, với những vẻ đẹp khác nhau của người đàn bà. Đúng là những người đàn bà khỏa thân với nghĩa chân thực nhất. Phương Bình còn vẽ Nude trên gốm.

Trên sơn mài. Điêu khắc và sơn dầu. Nhưng khối lượng tranh ở dạng ký họa trên giấy dó thì phải hàng ngàn bức. Không bức nào giống bức nào. Đường nét gợi cảm làm sửng sốt bạn bè và người xem. Hỏi lấy cảm xúc từ đâu mà vẽ nhiều thế?

Phương Bình tâm sự, phải chăng định mệnh trời ban. Những góc nhìn thẩm mỹ phát hiện rằng, không có cái gì đẹp hơn sự hồn nhiên, và sự quyến rũ của cơ thể đàn bà. Mà phải đàn bà chính hiệu với những trải nghiệm trắc trở và yêu thương cuộc sống. Những vẻ đẹp của sự cam chịu, nhẫn nhịn, hoặc sự bùng nổ dữ dội.

Trên đường đời của mình, những người đàn bà đó đã đến với Phương Bình, tặng cho chị những vẻ đẹp bất ngờ đó. Phương Bình ngưỡng mộ vẻ đẹp của đàn bà và say đắm với sự hấp dẫn của nó. Dưới bàn tay của Phương Bình, hiện lên những đường cong huyền diệu nhất mà ông trời ban cho người đàn bà.

Tôi được nghe nói, mới đây Phương Bình đã vẽ chân dung người đẹp Nguyễn Kim Thúy, liên tục tới 30 bức trên giấy dó. Khỏa thân với nhịp thở khác nhau của đường nét chuyển động. Hẳn là một đêm vẽ tại ngay tại nhà sáng tác của họa sĩ Lê Thiết Cương.

Phương Bình cho biết, chị đã vẽ chân dung các bạn thân, đều là những người đàn bà với sức hấp dẫn khác nhau. Mỗi lần gặp họ là một lần hàm ơn. Bởi họ cho chị những nét sáng tạo bất ngờ, khi trăn trở, khi tràn ngập niềm vui, và có khi là trầm ngâm bí ẩn.

Phương Bình đưa cho tôi xem hàng chục chân dung những người đàn bà, đều là những người đẹp được chị phát hiện, ở những góc độ chuẩn nhất, thể hiện được cái hồn cốt của nhân vật. Đó là chân dung nhà thơ Bình Nguyên Trang, họa sĩ Nguyễn Hồng Phương, nhà thơ Phạm Thiên Ý, họa sĩ Nguyễn Ngọc Châm, hoặc như nhà báo Tuyết Lan, nữ sĩ Minh Phán, Hoài Dung…

Từ những nhan sắc ấy, Phương Bình có những sáng tạo không ngừng. Những tác phẩm của Phương Bình về đàn bà mỗi ngày một chuyển động đổi mới.

Có chiều sâu hơn. Thân phận lắng đọng. Những nét vẽ tối giản trên giấy dó có hồn cốt hơn chứ không chỉ gây ấn tượng vẻ bề ngoài. Mê đắm và nặng trĩu tấm lòng. Đó chính là những chân dung "Đàn bà" của Phương Bình.

Mơ mộng và bứt thoát

Gần đây, Phương Bình triển khai những dự án nghệ thuật mới, sau khi đánh đổi 25 năm nuôi con khôn lớn và trưởng thành. Chị đã về hưu sớm và thôi dạy học. Người đàn ở tuổi 45 còn ẩn chứa nhiều điều phía trước.

Đôi khi Phương Bình tự hỏi: Ta là ai? Và sẽ làm gì trong tương lai. Tất nhiên là Vẽ. Nhưng vẽ thế nào sau này. Những người đàn bà của mình sẽ ra sao? Một hành trình đầy cam go trên con đường sáng tạo hiện ra trước mắt.

Chị kể có một lần con trai hỏi: Họ khen mẹ và ngưỡng mộ mẹ về cái gì? Phương Bình giật mình và loay hoay với câu trả lời cho con. Mà đó chính là câu trả lời cho chính mình. Trong đêm câu hỏi: Ta là ai? Cứ đay đi đay lại.

Có lúc Phương Bình thốt lên: "Là tôi! Tôi của một thời không biết mình là ai. Tôi của những lời khen hào nhoáng, biết thế nhưng nhiều khi không vượt thoát được sự quyến rũ của miệng lưỡi. Vậy ta là ai! Và, Phương Bình đã tìm ra câu trả lời. Ta là người mơ mộng. Đôi lúc phải sống với "ảo tưởng". Vì đó là điều cần có cho những bức tranh chưa vẽ. Thế thôi!

Đã có lúc, Phương Bình nhìn lại mình trong một quãng đường mơ mộng ấy, và đó chính là niềm vui tràn ngập. Những chuyến đi đến các bản xa xôi trên vùng Tây Bắc để làm từ thiện và sáng tác đã có tác động tích cực.

Khi ấy người đàn bà của Phương Bình đã có nhịp hối hả và bồi hồi với đôi mắt trẻ thơ và ánh mắt sương khói của bà mẹ miền quê. Và, đó còn là những cuộc bán đấu giá tranh của Phương Bình dành tiền cho các chiến sĩ Trường Sa.

Hay cũng trong năm vừa qua, bức chân dung họa sĩ Văn Cao của chị cũng được bán đấu giá, dành tiền cho đồng bào vũng bão lũ. Sự gắn bó với đời sống đã làm tươi mới cảm xúc của người nghệ sĩ phiêu lãng như Phương Bình.

Người đàn bà của chị đã cất tiếng ru (bức Ngày của mẹ) và đã có giai điệu riêng trong bản giao hưởng sắc màu Phương Bình. Chị đã đi sáng tác và tham gia các cuộc triển lãm toàn quốc ở Hà Nội và bày tranh trong các cuộc triển lãm ở đất biển Hải Phòng.

Những tác phẩm "Đàn bà" của chị đã được giải thưởng. Không những thế Phương Bình còn đi bày tranh ở Luân Đôn, gây dấu ấn đặc sắc bằng chính những "Đàn bà" của mình. Đó là niềm hạnh phúc và sự mơ mộng mà Phương Bình luôn gửi gắm ở tác phẩm.

Sống trong những cơn mộng du sáng tạo, Phương Bình có lúc chợt nghĩ, mình như lên cơn rồ dại (Cả một đời rồ dại vì cố nhân). Nhưng lúc này, những người đàn bà của Phương Bình hiện lên những vẻ đẹp bất ngờ.

Khi là kiêu sa (Tôi với tôi cạn ly), khi lại dịu dàng (Em với sen). Hẳn có lúc lại quằn quại với phận đời trầm luân (Kiếp luân hồi). Hoặc lại có lúc bùng nổ (Hai nửa đau)…

Đặc biệt với chùm tranh Sen, đàn bà của Phương Bình chuyển động với nhiều góc độ và gam màu kỳ thú nhất, và có thể nói "rồ dại" nhất. Nude của Phương Bình là một câu chuyện đời lắng đọng với chiều sâu của bố cục hình tượng và sắc màu.

Chúng có sự ám ảnh qua những nét vẽ độc đáo, ở những góc độ chỉ có người đàn bà như Phương Bình mới ngộ ra, từ những lăn lộn trường đời. Bởi thế, tranh Nude của chị đã vượt lên cái phàm tục và đi vào cõi đời, cõi thánh thiện, trở về với tự nhiên. Đó là sự bứt thoát trong tâm hồn.

Ngón ngón nhịp nhàng

Bài thơ "Những người đàn bà trở về" của Bình Nguyên Trang, viết tặng cho Phương Bình, có những câu thơ rất hay, đúng với nữ họa sĩ này.

Tình cờ khi quan sát Phương Bình vẽ tôi đã chụp hai bàn tay của chị. Như một sự tự nhiên, tôi nghĩ hãy chỉ chụp đôi bàn tay ngay trong lúc sáng tạo, sẽ thấy chân dung của người họa sĩ.

Đôi bàn tay ấy, quả như đang lạc tới thiên đàng, mà câu thơ Bình Nguyên Trang đã mô tả trạng thái lên đồng của nữ họa sĩ: "Phương Bình vẽ. Đôi bàn tay lạc tới thiên đàng. Mực tàu giấy dó. Tượng hình thủy triều cơn khát. Duềnh lên. Tràn ngập bãi bờ… Ngón ngón nhịp nhàng. Xóa sạch u sầu mất mát".

Trước mắt tôi là đôi bàn tay ấy. Trong âm thanh va đập chung quanh, Phương Bình phóng bút, như không có sự phiền lòng. Chị đã quen không gian chật chội và khuấy động của phố xá.

Phố Nguyễn Khuyến, nơi chị đang sống trong một căn nhà nhỏ gác hai, nhưng lại tràn đầy ánh sáng và hoa lá. Bàn tay ấy như bay lên thiên đường lãng mạn của người "Đàn bà". Một. Hai. Ba… người "Đàn bà".

Đến bức cuối cùng bất ngờ Phương Bình cũng lặng người và hạ bút với cái tên: "Mùa hạ". Đó chính là bức Nude mơ mộng nhất mà tôi được chiêm ngưỡng dưới bàn tay của nữ họa sĩ này.

Vương Tâm

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-vat/26githang__-chuyen-ve-mot-hoa-si-ve-tranh-nude-doi-ban-tay-lac-neo-thien-dang-496321/