Chuyện về mạch nguồn Ia Mơr

'Chào Trung úy!!!' - Chúng tôi bước lên căn nhà sàn phủ màu đen huyền đã trải qua nhiều thế hệ của nữ già làng Ksor H'Blâm và cất tiếng chào chủ nhà. Người đàn bà Jrai năm nay đã 70 tuổi cười vui vẻ đón khách vì đã quen với cách mà những người lính Đồn BP Ia Mơr vẫn gọi mình như vậy...

 Nữ già làng Ksor H'Blâm (giữa) trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ đội công tác địa bàn (Đồn BP Ia Mơr).

Nữ già làng Ksor H'Blâm (giữa) trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ đội công tác địa bàn (Đồn BP Ia Mơr).

Và, chính sự thân thiết như người trong một nhà giữa nữ già làng cao tuổi có uy tín vang danh cả một vùng với cán bộ, chiến sỹ BĐBP Gia Lai đã làm câu chuyện của chúng tôi kéo dài mãi, quên cả cái nắng đỉnh điểm của mùa khô đang hoành hành trên mảnh đất Ia Mơr, nằm dưới dãy núi Chư Pông. Nếu cả Tây Nguyên đang khô khát, thì Ia Mơr còn khô khát gấp bội phần. Bởi, huyện Chư Prông có địa hình núi cao, nắng cháy, đất bề mặt chỉ đào sâu xuống chừng một khuỷu tay là đụng phải tầng đất sét hoặc dải đá bàn, mạch ngầm hầu như khô kiệt.

Cả xã biên giới Ia Mơr có 4 vạn héc-ta toàn rừng nghèo kiệt và đất canh tác bạc màu, khô cằn. "Sống được đã tốt rồi, chứ nói gì đến chuyện làm giàu bằng nông nghiệp trên mảnh đất cằn khô này" - Già H'Blâm chậm rãi chuyện trò. Nhưng đất nghèo thì nuôi anh hùng. Nữ già làng mang họ Ksor (một họ lớn của người Jrai) từng trải qua cuộc đời binh nghiệp, tuy tuổi cao nhưng còn minh mẫn, sáng suốt. Bà là chỗ dựa của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sỹ BĐBP đóng quân trên mảnh đất này.

Bất kể mọi chuyện lớn nhỏ, từ chăm lo kinh tế địa phương, xây dựng cơ sở chính trị, tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa, thế trận biên phòng toàn dân... Đồn BP Ia Mơr cũng đều tìm tới cái "bóng lớn" của người nữ cựu chiến binh. Lâu dần thành quen, căn nhà nhỏ của bà là nơi gặp gỡ, hội họp, mọi ý kiến kiến nghị trên cơ sở những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, công tác vận động quần chúng của đồn BP cũng như những tập quán của buôn làng, dòng họ từ đây lan tỏa vào cuộc sống cộng đồng.

Nữ già làng Ksor H'Blâm vui vẻ cho chúng tôi biết, "tiểu dự án" lúa nước của Đồn BP Ia Mơr đã thành công ngoài sự mong đợi. Thật ra, đây chỉ là mảnh ruộng, diện tích khoảng nửa héc-ta, bé xíu nằm giữa vùng biên cương đầy nắng và gió. Ấy vậy mà qua một vụ mùa làm thí điểm, bằng sự cần mẫn và đôi bàn tay chai sạn của những người lính, giờ đã cho "quả ngọt". Vụ vừa qua "tiểu dự án" lúa nước của Đồn BP Ia Mơr đã thu hoạch được 3.500kg lúa. Thấy bộ đội làm ít đất mà thu được nhiều lúa, 39 gia đình trong buôn đã mang lúa rẫy đến đổi để về làm giống với quyết tâm vụ sau sẽ làm theo.

Nữ già làng H'Blâm bảo, việc thay đổi tập quán canh tác của đồng bào gian nan chẳng khác gì dời núi, chặn sông vậy. BĐBP và già làng vừa làm, vừa nghe ngóng thời tiết, vừa tính toán đến khả năng đầu tư sao cho thật "vừa sức" của bà con trong buôn. Nhà nào kinh tế còn khó khăn, sẽ được cấp lúa giống và hỗ trợ kỹ thuật miễn phí. Đất bỏ hoang hóa trơ cằn, vậy mà bộ đội vẫn trồng được cây lúa nước ngắn ngày tươi tốt và khi làm ra được hạt thóc lại hỗ trợ giúp đỡ cho bà con, nên ai cũng phấn khởi làm theo.

Để có một mảnh ruộng trăm dân nhìn vào làm theo, Đồn BP Ia Mơr đã phải đổ vào đó không biết bao nhiêu ngày công, từ công đoạn làm đất, gieo sạ cho đến chăm bón thu hoạch. Khó nhất là việc lấy nước để tưới tiêu, bởi đất Ia Mơr mưa xuống là ngập, nắng lên là nứt nẻ gan gà. Vậy mà, bằng sự cần mẫn, lòng quyết tâm của nữ già làng H'Blâm và những người lính Biên phòng, cây lúa nước đã bén rễ trên đất Ia Mơr…

Nói về những thành công bước đầu của cây lúa nước trên quê hương mình, nữ già làng Ksor H'Blâm không giấu được niềm vui. Bà xúc động nhìn những người lính trẻ tuổi, gần gũi, nhân từ như ánh nhìn của người mẹ. Thêm một lần nữa, cây lúa nước từ "tiểu dự án" của đồn BP có thể sẽ là khúc dạo đầu cho tương lai tươi sáng đang chờ đón Ia Mơr ở phía trước.

Ngồi dưới tán cây xoài già trong trụ sở Tổ công tác địa bàn, Đồn BP Ia Mơr, Chủ tịch xã Ia Mơr Rơ Lan Chim bỏ dở buổi làm rẫy để tiếp chuyện chúng tôi. Trời nóng như đổ lửa, câu chuyện của ông Chủ tịch xã vẫn xoay quanh việc BĐBP làm lúa nước cho bà con buôn làng làm theo. Xã Ia Mơr hiện có hơn 500 gia đình, giờ vẫn còn tới 97 hộ nghèo, 80 hộ cận nghèo, đặc biệt là còn 20 hộ dân thiếu lương thực vào thời điểm giáp hạt. Con đường xây dựng nông thôn mới của xã chỉ vừa đạt được 6 tiêu chí. Đất khô cằn, kinh tế khó khăn, vậy mà không có sự trợ giúp từ các đơn vị quân đội, các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn thì càng chênh vênh không biết đến bao giờ mới hết nghèo.

Xưa nay, ở Ia Mơr chưa từng có một héc-ta đất canh tác nào thu được hơn 30 triệu đồng/năm. "Tôi ủng hộ BĐBP làm lúa nước. Nói thật, từ trước đến nay, bà con có bao giờ chịu xắn quần lội ruộng đâu. Phải nói là lãnh đạo địa phương hồi hộp theo dõi anh em Biên phòng từng ngày, từ khi lúa xuống giống cho tới kỳ thu hoạch" - Chủ tịch Rơ Lan Chim hào hứng nói.

Theo ông, bộ đội làm mô hình lúa nước cũng là để góp phần giải quyết tình trạng thiếu lương thực cho bà con. Vạn sự khởi đầu nan, mô hình này thành công thì cả xã mới yên tâm đầu tư mở rộng diện tích, xóa đói nghèo. Lo xong cái ăn, bà con mới nghĩ tới chuyện nuôi bò theo đàn, thành lập nhóm gia đình chăn nuôi đại gia súc, trồng các loại cây công nghiệp đưa Ia Mơr trở thành vùng sản xuất hàng hóa. Cùng với đó là việc Nhà nước đầu tư xây dựng "Đại công trình" thủy lợi Ia Mơr có năng lực tưới tiêu cho một vùng đất rộng lớn, bao gồm cả huyện Ea Súp (Đắk Lắk). Đến lúc đó chắc chắn Ia Mơr sẽ chuyển mình vươn lên.

Niềm tin của nhân dân dành cho bộ đội chính là mạch nguồn tươi mát trên vùng đất Ia Mơr, giúp những vụ mùa bội thu cho cả hôm nay và mai sau.

Thúy Hằng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/chuyen-ve-mach-nguon-ia-mor/