Chuyện về lúa nếp hạt cau

Lúa nếp cái hạt cau là giống nếp cổ truyền quý giá được gieo trồng ở Thạch Bình, Thạch Đồng (Thạch Thành), Cẩm Bình (Cẩm Thủy) và một số vùng trong tỉnh. Giống lúa nếp đặc sản này rất được ưa chuộng bởi cho hạt gạo tròn, trắng, xôi được đồ lên từ loại gạo này rất dẻo, ăn không ngán mà lại có hương thơm đặc trưng, quyến rũ khó có loại nếp nào sánh được.

Lúa nếp hạt cau ở xã Thạch Bình cho năng suất, giá trị cao. Ảnh: Tô Dung

Giống lúa quý đã từng “hấp hối”...

Trong cái nắng hanh của những ngày đầu đông, anh Hoàng Anh Hùng, ở thôn Kim Sơn, xã Thạch Bình (Thạch Thành) cầm cào nhẹ nhàng đảo qua, đảo lại đám lúa màu nâu trên thửa sân trước nhà. Thấy có khách đến, anh dừng tay cào và nói: “Tranh thủ thời tiết nắng anh gặt lúa về để phơi khô, quạt sạch, đóng bao, khi nào được giá cao thì mới đem bán”.

- Vậy, thời điểm nào thì được giá ạ? – PV.

- Gần tết giá lúa sẽ cao hơn. Thời điểm đó nhiều người đến tìm mua lúa về gói bánh chưng, làm các loại bánh nếp hoặc rượu nếp cái hoa vàng. Khi đó giá thường dao động khoảng 18.000 đến 20.000 đồng/kg; cao gấp 2,5 lần so với lúa tẻ. Chính vì được giá nên bà con rất phấn khởi, nhà nào có ruộng trong vùng quy hoạch cũng trồng lúa này. Có nhà trồng tới một mẫu lúa nếp hạt cau, thu nhập một vụ hàng chục triệu đồng.

Có được giá trị thu nhập như hôm nay, tất cả đều nhờ vào dự án phục tráng giống lúa nếp hạt cau của Trường Đại học Hồng Đức đấy cô ạ. Bởi đã từng có một thời gian, giống lúa này gần như không còn xuất hiện trên đồng ruộng nữa - anh Hùng bộc bạch.

Để tìm hiểu thêm về giống lúa hạt cau nơi đây cũng như nguyên nhân thoái hóa nguồn gen quý hiếm, chúng tôi tìm đến các bậc cao niên trong xã. Qua trò chuyện, cũng không ai biết được giống nếp hạt cau ở đây “ra đời” từ bao giờ. Họ chỉ được nghe kể lại rằng, giống nếp này đã có từ rất lâu, từ đời ông, đời cha của họ. Ông Nguyễn Văn Luật, ở thôn Gò La cho biết: “Trước đây, giống lúa này rất kén đất. Nó chỉ thơm, ngon và có mùi vị đặc trưng khi được gieo cấy trên những thửa ruộng ở rìa làng. Sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên nên năng suất thường rất thấp. Trong vùng, nhà nào cũng trồng giống nếp này nhưng chủ yếu chỉ để dùng trong gia đình vào những dịp lễ, tết hoặc làm quà biếu cho khách quý. Giống nếp này khi chín vỏ hạt màu cau khô, khi xát ra hạt gạo tròn, trắng đục. Trong nhà mà nấu xôi bằng thứ gạo này thì mùi thơm đặc trưng bay ra đến tận đầu ngõ. Xôi để 2 đến 3 ngày vẫn dẻo thơm. Vì vậy, nó trở thành đặc sản của người dân nơi đây mà cho đến nay vẫn chưa có giống lúa nếp nào có thể vượt qua. Tuy nhiên, khoảng hơn 10 năm về trước, giống lúa này bị thoái hóa nghiêm trọng, năng suất rất thấp, một sào chỉ thu về được vài chục kg lúa thôi, thậm chí là vài cân”.

Thấy tôi ngạc nhiên, ông Nguyễn Đình Tiến ở thôn Long Phượng ngồi kế bên tiếp lời: “Trước kia, mỗi nhà trồng một đám ruộng lấy gạo nếp ăn, nhưng bị sâu bệnh rất nhiều, nhất là sâu đục thân. Từ khi cấy đến khi thu hoạch bà con phải phun từ 5 đến 7 lần thuốc trừ sâu nhưng cây lúa vẫn không chống chịu được với sâu bệnh. Bên cạnh đó, do cây lúa quá cao nên khi gặp thời tiết bất lợi là dễ đổ ngã, dẫn đến năng suất rất thấp. Có nhà trồng một sào lúa nhưng khi thu hoạch phải đi mót từng bông về. Vụ nọ nối tiếp vụ kia như vậy nên bà con không còn tha thiết với giống lúa này nữa mà chuyển sang trồng giống lúa khác cho năng suất cao hơn...”. Thế là giống quý rơi vào tình trạng “hấp hối”.

... được “hồi sinh” nhờ khoa học

Trước thực trạng nguồn giống lúa quý bị thoái hóa, có nguy cơ cao bị mất nguồn gen, năm 2007 Trường Đại học Hồng Đức đã được tỉnh giao thực hiện đề tài khoa học và công nghệ: “Phục tráng giống lúa nếp hạt cau gieo cấy tại xã Thạch Bình và Thạch Đồng, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa”. Để hiểu rõ hơn về quá trình phục tráng thành công giống lúa quý này, chúng tôi tìm gặp chủ nhiệm đề tài này, Tiến sĩ Trần Thị Ân. Hiện nay, tuy đã được nghỉ chế độ BHXH nhưng cái duyên, cái nghiệp của nhà khoa học Trần Thị Ân với cây lúa vẫn chưa ngừng nghỉ. Chị vẫn trên đồng ruộng, vẫn đang mê mải với một đề tài khoa học về cây lúa - lần này là đề tài phát triển lúa nếp cẩm xứ Thanh. Và như là cái duyên cái nghiệp với Thạch Bình, một phần đề tài lúa nếp cẩm cũng đang được chị Ân triển khai ở xã này. Rất tình cờ, khi chúng tôi đến Thạch Bình cũng là thời điểm chị Ân đang có mặt ở vùng đất này. Chị Ân nhớ lại: “Năm 2007, khi mới thực hiện đề tài, tôi cùng cán bộ xã xuống các hộ dân, tìm xin được vài nắm lúa nếp hạt cau bản địa để bắt đầu phục tráng. Vào thời điểm đó, bà con trồng lúa nếp hạt cau bị sâu đục thân gây hại rất nặng, đến khi lúa chín lại gặp lượng mưa lớn cho nên hầu hết diện tích cấy lúa nếp hạt cau bị ngập lụt, năng suất thấp, nông dân rất chán nản, không muốn gieo trồng nếp cái hạt cau. Đến năm 2009, nông dân trong xã đã định bỏ không gieo trồng giống lúa này nữa vì không cho thu hoạch. Rất may là đến đúng thời điểm đó, sau ba năm kiên trì thực hiện phục tráng, chúng tôi đã có được giống lúa hạt cau nguyên chủng. Chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương tập huấn quy trình kỹ thuật, in, phát tài liệu về quy trình kỹ thuật cấy, chăm sóc lúa hạt cau đến từng gia đình, cung cấp giống của đề tài làm ra cho nông dân, đồng thời chỉ đạo triệt để khâu thời vụ, chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh tổng hợp, đặc biệt chú trọng đến phòng trừ sâu đục thân. Tuy nhiên, lúc đó nông dân vẫn lo sợ, chưa tin tưởng vào các nhà khoa học nên chỉ gieo trồng trên 10 ha ở mỗi xã. Thế nhưng, vụ đó năng suất bình quân đạt trên 35 tạ/ha, trong đó có 35 sào đã đạt trên 40 tạ/ha. Chúng tôi và bà con vô cùng phấn khởi. Sau thành công của đề tài khoa học đó, các nhà khoa học tiếp tục thực hiện dự án khoa học về khảo nghiệm quốc gia giống lúa nếp cái hạt cau. Nhờ đó, mà giống lúa nếp cái hạt cau ở đây đã được khôi phục cả về năng suất và chất lượng” - Tiến sĩ Trần Thị Ân cho biết.

Tiếp lời Tiến sĩ Trần Thị Ân, ông Đoàn Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã Thạch Bình, cho biết: “Từ đó đến nay, bà con trong xã tiếp tục mở rộng diện tích trồng lúa nếp cái hạt cau, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của đề tài khoa học. Hiện toàn xã có 774 ha gieo trồng, trong đó diện tích gieo cấy lúa là 450 ha. Riêng vụ mùa năm nay, xã dự kiến trồng 60 ha lúa hạt cau trong vùng quy hoạch nhưng bà con nông dân đã mở rộng diện tích lúa hạt cau lên gấp đôi. Năng suất bình quân đạt 2,5 tạ/sào, giá bán từ 1,5 đến 1,8 triệu đồng/tạ lúa khô”.

Như để minh chứng những gì đã nói, ông Cảnh cho người dẫn chúng tôi xuống cánh đồng Mổ, thôn Kim Sơn - nơi được cho là có chất đất phù hợp nhất với loại lúa nếp hạt cau. Trồng lúa nếp hạt cau trên vùng đất này sẽ cho ra mùi vị thơm, ngon đặc trưng hơn vùng đất khác trong xã.

Cùng chúng tôi lội ra ruộng lúa hạt cau tại cánh đồng Mổ, chị Phạm Thị Thu, chủ tịch hội liên hiệp phụ nữ xã chỉ cho chúng tôi biết gần một mẫu đất trồng lúa nếp hạt cau của gia đình chị mới thu hoạch xong. Theo ước tính của chị, năng suất được 2,3 đến 2,5 tạ/sào; giá bán từ 1,8 đến 2 triệu đồng/tạ. Trừ chi phí cho thu nhập vài chục triệu đồng.

Bên đám ruộng lúa đang trĩu bông hạt mẩy, chị Bùi Thị Tích, thôn Kim Sơn nói rành rọt cho chúng tôi nghe từng quy trình trồng lúa hạt cau. Từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch: “Trước kia bà con cấy giống lúa này rất dày, mỗi một cây lúa cấy từ 4 đến 5 thẻ mạ, nhưng sâu bệnh nhiều nên thu hoạch không được là bao. Sau khi được Trường Đại học Hồng Đức về phục tráng giống, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh năng suất đạt cao hơn nhiều. Giờ đây, bà con hiểu rõ quy trình lắm rồi. Khoảng cách cấy lúa là 20 cm/cây, phải thẳng hàng; 1 cây lúa chỉ được cấy 1 đến 2 thẻ mạ thôi. Từ khi cấy đến khi thu hoạch chỉ phải phun có một lần thuốc trừ sâu vào đúng thời điểm sâu đục thân đẻ trứng mới có hiệu quả. Chi phí bỏ ra một sào lúa khoảng gần 1 triệu đồng, thu về được khoảng 5 triệu đồng. Năng suất cao, chi phí giảm, giá trị lúa bán cao nên bà con trong xã hào hứng trồng lắm. Điều đáng nói là người dân không có lúa bán cho các tư thương nữa cơ. Có thời điểm “khan” lúa, có gia đình bán giá 2 triệu đồng/tạ ấy”.

Chia tay những người nông dân chân chất với một vùng đất lúa hạt cau thơm ngon, trên đường về tôi nghĩ mãi một điều khi đặt chân đến vùng đất này là người dân rất phấn khởi và hồ hởi nói về cây lúa; họ xem hạt lúa như hạt “vàng” vì từ cây lúa đã giúp cho bao gia đình có thu nhập cao, vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Có được thành quả đó là nhờ sự tác động của những đề tài khoa học, của những con người luôn tâm huyết cống hiến sức mình cho sự phát triển của nền nông nghiệp tỉnh nhà.

Tô Dung

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/chuyen-ve-lua-nep-hat-cau/110180.htm