Chuyện về làng chiếu hơn 300 năm tuổi ở giữa ba sông

Được bao bọc bởi bốn bề là nước của những con sông lớn như sông Thu Bồn, Trường Giang, Ly Ly. Ở đây có một làng chiếu với tuổi đời hơn 300 năm.

Diện tích trồng cói đã giảm mạnh, chỉ còn 1/3 so với trước kia

Diện tích trồng cói đã giảm mạnh, chỉ còn 1/3 so với trước kia

Làng chiếu Bàn Thạch vốn dĩ là một làng cổ của thôn Đông Bình (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), nhưng làng chiếu lại nằm tách biệt với thế giới bên ngoài, trở thành một “ốc đảo” nằm chơi vơi giữa 3 dòng sông là sông Thu Bồn, sông Ly Ly và sông Trường Giang. Hơn 300 năm qua, làng nghề này đã trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử nhưng chưa bao giờ họ rời tay dệt chiếu.

Trong làng chiếu, chỉ còn lại ít người làm nghề

Nghề này cần ít vốn, có thể làm vào những lúc rảnh rỗi. Muốn làm ra những chiếc chiếu thì phải phân công lao động rõ ràng. Đàn ông thì lo việc chặt đay, lác, phơi phóng và tước sợi để làm nguyên liệu. Phụ nữ lo việc nhộm màu, dệt chiếu. Sản phẩm làm ra có thể bỏ cho các đầu mối quen, hoặc mang đi bán quanh cho các vùng lân cận.

Nhuộm cói

Trước đây, cuộc sống của bà con nơi đây phụ thuộc vào nghề làm chiếu nhưng vài năm trở lại đây, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, giá thành thấp, không mấy ai mặn mà với nghề truyền thống này. Các cụ cao niên ở làng chiếu Bàn Thạch cho biết, thời hoàng kim, hơn 80% người dân trong làng làm nghề chiếu.

Nhuộm và phơi cói để làm chiếu

Nhưng nếu như trước đây, mỗi ngày, những hộ làm chiếu như gia đình chị Bé có thể làm từ 2 - 3 đôi chiếu một ngày, kiếm được trên 400.000 đồng. Nay giá bán chiếu thấp, khó tiêu thụ, 2 mẹ con chị chỉ dệt một đôi chiếu bán khoảng 120.000 đồng/đôi, kiếm lãi từ 50.000 - 60.000 đồng, chia ra 2 người cũng chỉ hơn 25.000đ cho mỗi người. Và điều lo ngại nữa là nguyên liệu làm chiếu cũng phải mua từ nơi khác. Vì diện tích trồng cói hiện đã giảm đáng kể.

Trong làng chiếu, số hộ dệt chiếu thủ công đã giảm mạnh, chỉ còn lại một số hộ làm thêm để giữ nghề

Nhiều đời qua đi, người dân nơi đây vẫn biết nỗi khó khăn, khổ cực từ nghề chiếu, nhưng vì “định mệnh” hay “duyên kiếp” với truyền thống quê hương và không còn nghề nào khác nên họ mới quyết tâm theo đuổi để không khỏi thất truyền.

Vợ chồng ông Võ Đức Cương vẫn giữ nghề làm chiếu

Ông Võ Đức Cương (57 tuổi, trưởng thôn Đông Bình) “Biết là khổ, là cực, nhưng đã có duyên với nó thì cố mà giữ lấy thà có còn hơn không.”

Tiêu thụ kém, nhiều hộ làm chiếu phải mang đi bán rong ở nơi khác

Tại làng nghề chiếu Bàn Thạch, chính quyền địa phương cũng đang xây dựng phương án hướng phát triển làng nghề gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Đưa người dân làng nghề vào phục vụ du lịch, có thể sẽ là giải pháp phù hợp để khôi phục, phát triển lại làng nghề.

Minh Ngọc - Trương Sơn

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/chuyen-ve-lang-chieu-hon-300-nam-tuoi-o-giua-ba-song-109422.html