Chuyện về hai nhạc công nhí

Khi mặt trời vừa lặn xuống chân núi, tiếng trống, điệu nhạc lại cất lên từ căn nhà đơn sơ nằm hút sâu cuối thôn Ninh Ích (xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa). Những điệu nhạc ấy như góp phần xóa đi những nhọc nhằn của cả xóm nghèo do hai 'nhạc công' tuổi thiếu niên Huỳnh Phong Bảo, Huỳnh Đại Phong thực hiện.

Anh em Bảo và Phong cần mẫn tự luyện nhạc

Anh em Bảo và Phong cần mẫn tự luyện nhạc

Tự học 1000 bài hòa tấu

Từ ngày bắt đầu biết cảm nhận được những âu lo, vất vả của cha mẹ cũng là lúc Huỳnh Phong Bảo và Huỳnh Đại Phong đắm mình trong niềm đam mê đọc sách và tự mày mò học hòa tấu âm nhạc. Lạ thay, tự học đến đâu, anh em Bảo nhớ như in đến đó, bản nhạc khó đến mấy cũng chỉ cần tập đến hai lần. Âm nhạc cũng chính là liều thuốc tinh thần mà Phong và Bảo dùng để giúp cha mình có thêm nghị lực vượt qua những đớn đau về thể xác.

Tuổi 14 với nước da sạm đen vì nắng gió, Bảo cho biết hết năm 2018 này em mới tròn 14 tuổi. Trước đây, cha em vừa làm thợ hồ vừa làm nhạc công cho các đám cưới, đám sinh nhật trên địa bàn để lo cho gia đình nên em đam mê âm nhạc lúc nào không hay.

Chưa kịp sắm sửa cho anh em Bảo chiếc đàn piano và guitar mới như đã hứa, cũng chưa kịp truyền cho con được kỹ năng nào thì cha Bảo là anh Huỳnh Văn Vũ phải nằm liệt giường, sống đời thực vật sau vụ tai nạn chấn thương sọ não. Bệnh suy tim của chị Phan Thị Ngọc Châu, mẹ Bảo trở nặng, chị chỉ có thể quét nhà, nấu cơm và chăn bò thuê chứ không làm được việc nặng. Đó là năm 2013, Bảo lên 9 tuổi.

“Bình minh luôn ở phía ngày mai” là câu châm ngôn hằng đêm Bảo luôn thủ thỉ vào tai cha mẹ và em trai mình. Bảo bộc bạch rằng: “Em cũng không rõ sức mạnh đến từ đâu, nhưng mới 9 tuổi, em đã luôn nghĩ không thể gục ngã được. Em thấy mình rất khác những bạn cùng trang lứa. Có đêm suốt nhiều tiếng đồng hồ nghe cha trở mình trong đau đớn nặng nhọc, mẹ thì ôm ngực khóc thầm ý chí quyết tâm trong em càng dâng lên mạnh mẽ”.

Biểu diễn nhạc nhưng không quên nhiệm vụ học tập

Như đã lập trình sẵn, ngày cuối tuần thì anh em Bảo đi lùa bò, cắt cỏ thuê, đêm đến thì luyện nhạc. Luyện trong nhà, ngoài ngõ, thậm chí gõ cả nhịp tay lên nền đất, lên xoong nhôm hư để cảm nhận âm thanh trong những buổi chiều nắng cháy đi chăn bò thuê.

Để tiết kiệm tối đa, Bảo thuê những chiếc đĩa dạy hòa âm, phối khí về luyện theo, sau đó lại đổi cái mới. Chủ tiệm cho thuê đĩa thấy khả năng kì diệu của anh em Bảo nên không lấy tiền thuê. Khi dần thành thục thì chiếc đàn cũ đã nát.

Từng nghe anh em Bảo chơi hòa tấu đến quên ăn, một số nhà hảo tâm đã tặng cho hai anh em bộ trống, đàn guitar và piano mới.

Sức mạnh như được nhân lên, từ đó, anh em Bảo liên tục ăn ngủ bên đàn, trống. Đến nay, dù hoàn toàn tự học nhưng Bảo có thể độc tấu, hòa tấu được 1.000 bản nhạc.

Các dòng nhạc Pháp và một số nước châu Âu cũng được Bảo chơi thành thục. Kém anh mình gần 4 tuổi, Huỳnh Đại Phong cũng không chịu thua mà tự tin khoe: “Có những cái anh Bảo không cần chỉ mà do em tự học theo ti vi, theo đĩa hướng dẫn. Giờ thì em có thể chơi được 500 bản nhạc hòa tấu, đặc biệt là những bản nhạc nhẹ, nhạc trữ tình về tình yêu quê hương, đất nước. Dòng nhạc này cả hai anh em cùng chung đam mê”.

Trụ cột gia đình khi mới lên 10

Sau khi đủ tự tin về khả năng âm nhạc tự học của mình, anh em Bảo quyết định phải “cày” thêm buổi tối và ngày chủ nhật bằng chính niềm đam mê để phụ giúp gia đình. Những ngày đầu, Bảo mời chòm xóm từ nông dân đến tư thương và những ông chủ quán cà phê, chủ tiệm thuốc, thầy giáo đến nghe anh em Bảo hòa tấu, độc tấu, chơi đàn theo yêu cầu của họ.

Những tràng vỗ tay kéo dài mỗi khi bản nhạc kết thúc cùng với lời ngợi khen càng khiến Bảo và Phong tự tin hơn. Phong hồ hởi chia sẻ rằng: “Thích lắm. Có chủ tiệm thuốc Tây nghe nhạc hòa tấu xong còn mang thuốc bổ đến tặng cho cha em. Cha không ngồi dậy được nhưng cũng gật đầu cảm ơn, với ánh mắt tươi vui”.

Cũng từ đó, những lời mời đi phục vụ các hội diễn nghệ thuật quần chúng, đi hòa tấu cho phòng trà, đi phục vụ đám cưới…ngày càng nhiều hơn. Huỳnh Phong Bảo bật mí rằng: “Những đêm không có show diễn cứ học chữ mệt em và Phong lại ra hòa tấu mấy bản nhạc cổ điển. Hòa tấu xong lại thấy thư thái ra, học rất vào.

Cha mẹ và hàng xóm nghe cũng rất khoái. Có những hôm trái gió, trở trời, cha em đau khắp mình, mẹ xoa bóp còn chúng em hòa tấu nhạc, thấy cha gật gật đầu như dịu bớt cơn đau. Vừa nhận các show diễn kiếm tiền trang trải cho gia đình nhưng lực học của các em vẫn xếp tốp trên của trường.

Đã gần 4 năm, Bảo và Phong là người xoay xở tạo nguồn thu nhập chính cho gia đình, lo thuốc thang cho cha mẹ và chơi đàn như nhạc công chuyên nghiệp. Nhưng đến giờ, nhiều lúc chị Phan Thị Ngọc Châu vẫn cứ ngỡ như mình đang mơ vậy.

Vừa bón thuốc cho chồng, chị Châu vừa bộc bạch rằng: “Ban đầu tôi rất bất ngờ, không dám tin vào tai, vào mắt mình. Có đêm Phong và Bảo tự luyện thuộc lòng hàng chục bản nhạc mới. Giờ ai yêu cầu bài gì là chơi được bài đó. Mới từng ấy tuổi mà lúc nào các cháu cũng bảo học tập là sức mạnh, lao động là vinh quang. Có hôm về muộn, không kịp thay quần áo, Phong nhảy luôn lên giường ngủ, nửa đêm mơ còn lẩm bẩm: Cuộc đời vẫn đẹp sao, son-mi-la…”.

Những ngày hè, dịp lễ, có đợt anh em Bảo liên tục được mời đi biểu diễn. Bảo kể, có hôm nhận show ở phòng trà, đàn đến 24 giờ mà khách vẫn muốn nghe. Có khách còn hỏi, sao em chơi sâu lắng, da diết thế. Kết thúc nhiều buổi diễn, chủ quán và khách còn phụ giúp đưa hai anh em Bảo và nhạc cụ về tận nhà. Cảm kích, Bảo lại “biếu” cho khách nghe vài bản hòa tấu nhạc cổ điển rồi mới chịu nghỉ ngơi.

Chơi nhạc như những nhạc công thực thụ

Luôn thắp lên khát vọng

Là nhạc công lâu năm ở Ninh Hòa, anh Trần Văn Tích, trưởng Ban nhạc Mùa thu khi chứng kiến khả năng đặc biệt của anh em Bảo-Phong cũng thán phục, nhận định rằng: “Làm nghề âm nhạc 20 năm nhưng đây là trường hợp hiếm hoi tôi tận mắt được chứng kiến và thưởng thức những đứa bé cần trường lớp mà chơi điêu luyện và chuẩn xác như vậy.

Các em có khả năng nhạy bén cao với giai điệu và tiết tấu, nếu có người đỡ đầu sẽ tiến xa trên con đường nghệ thuật. Là người bình thường, để có được khả năng như anh em Bảo phải khổ luyện trường lớp đến hàng chục năm, thậm chí hơn thế nữa. Điều đặc biệt khiến nhiều người lớn tuổi cũng phải ấn tượng với Bảo-Phong là các em ít mặn mà với dòng nhạc thị trường, ồn ã, vui nhộn và nhanh quên.

Nhiều lần “say lòng” khi nghe những bản nhạc cổ điển mà người học trò đặc biệt của mình đánh, thầy Phạm Đình Lâm, Hiệu trưởng Trường THCS Phạm Ngũ Lão (nơi Bảo đang theo học) chia sẻ: “Chúng tôi rất khâm phục năng khiếu lẫn sự chăm ngoan của Bảo. Tôi từng tập hợp đồng nghiệp, bạn hữu lại để mời các em biểu diễn, ai cũng bất ngờ với tài năng kỳ lạ của các em. Rồi, người có nhiều ủng hộ nhiều, có ít ủng hộ ít cho cuộc sống các em vơi bớt đi những nhọc nhằn”.

Có những buổi sáng rực rỡ nắng mai, chạy quanh đồng làng, sau khi hát vang những bản nhạc đồng quê mình yêu thích, anh em Bảo thổ lộ với nhiều người hàng xóm lẫn cha mẹ mình rằng, mong lớn lên sẽ thành những nhạc sĩ thực thụ, chuyên về dòng nhạc truyền thống. Trong những cuộc giao lưu ở trường, Bảo vẫn tâm tình với bạn cùng trang lứa, chỉ có thắp lên khát vọng thì mới chiến thắng được khó khăn.

Không ngày nào ngừng niềm đam mê tự luyện đàn nên trong Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” toàn thị xã Ninh Hòa năm 2017, Bảo đã giành giải Nhất với tiết mục độc tấu piano ca khúc Về quêThương về miền Trung. Giờ đây, không chỉ trong tỉnh Khánh Hòa, mà nhiều chủ phòng trà ở các tỉnh lân cận như Đắk Lắk, Lâm Đồng… mến sự đặc biệt của anh em Bảo đã đến tận nơi mời các em đi diễn trong ngày cuối tuần.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/chuyen-ve-hai-nhac-cong-nhi-3966271-b.html