Chuyện về di sản ở Phúc Kiến (Trung Quốc)

Là thành viên trong đoàn cán bộ của tỉnh tham gia lớp bồi dưỡng về công tác quản lý văn hóa - nghệ thuật tại Phúc Kiến (Trung Quốc) từ ngày 3 đến 17/11 vừa qua, chúng tôi đã có cơ hội tới thăm các di sản của địa phương bạn tại các thành phố Phúc Châu, Vũ Di Sơn, Chương Châu, Tuyền Châu, Hạ Môn với những trải nghiệm khó quên... Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Đoàn cán bộ của tỉnh Quảng Ninh chụp ảnh kỷ niệm tại một Thổ Lâu của Phúc Kiến.

Giàu có về di sản văn hóa, tự nhiên

Vũ Di Sơn, Tam phường thất hạng, Thổ lâu Nam Tịnh chỉ là ba trong số những Di sản thế giới của tỉnh Phúc Kiến, nơi được giới chuyên gia đánh giá là một trong những cái nôi văn hóa của Trung Quốc.

Trong đó, Vũ Di Sơn được gọi là “Phúc Kiến đệ nhất sơn”, là dãy núi đẹp nhất vùng Đông Nam Trung Quốc. Có nhiều cách để bạn có thể thưởng ngoạn cảnh đẹp của dãy núi đá này, như leo bộ lên đỉnh núi hoặc đi thuyền trên dòng sông chảy vòng quanh dưới chân núi. Chúng tôi chọn đi thuyền trên sông, mà gọi là bè thì đúng hơn vì bè chỉ ghép bằng những cây tre đơn giản. Mùa đông, trời mưa nhưng dòng nước vẫn trong veo soi rõ những viên cuội đen dưới đáy và những đàn cá bơi lội... Sông có 9 khúc quanh co, bè chầm chậm trôi giữa thiên nhiên trong xanh, hùng vĩ đem lại cho chúng tôi những cảm nhận rất đặc biệt.

Bạn hướng dẫn viên của đoàn cho hay, khu vực này trước đây có người dân sinh sống, nhưng sau khi quy hoạch để phát triển du lịch thì Chính phủ đã di dời người dân ra khu vực khác, đồng thời có quy định về bảo vệ môi trường. Vì vậy, cá trên sông không bị đánh bắt, nước trong veo, sạch sẽ như thế. Ban ngày dạo thuyền trên sông, buổi tối xem biểu diễn thực cảnh Đại Hồng Bào quả là ấn tượng. Không gian mênh mông tự nhiên của núi Vũ Di, hiệu ứng âm thanh ánh sáng hiện đại, cực kỳ ấn tượng cùng với khán đài 1.999 chỗ ngồi tự động quay tròn tạo nên những khung cảnh ngoạn mục đã giúp vở diễn Đại Hồng Bào chinh phục người xem với cảm xúc choáng ngợp...

Khác với Vũ Di Sơn chinh phục du khách bằng vẻ đẹp của tự nhiên thì phố đi bộ Tam phường thất hạng (3 phường, 7 ngõ) và Thổ lâu Nam Tịnh (nhà trình tường) lại khiến chúng tôi bất ngờ bởi những kiến trúc đặc biệt được lưu giữ lâu đời của Phúc Kiến. Nằm giữa trung tâm TP Phúc Châu, Tam phường thất hạng là khu phố với những kiến trúc cổ tập trung tinh hoa văn hóa Phúc Kiến, được tôn vinh là “Bảo tàng kiến trúc đời Minh và đời Thanh của Trung Quốc”. Mặc dù là phố cổ nhưng đường lát đá rộng rãi, kể cả những ngõ nhỏ, hệ thống cây xanh phong phú, nhà cửa kiên cố xây dựng chủ yếu bằng đá, gỗ, vốn là nơi ở những quan viên xưa kia và được phân cấp cụ thể.

Ngược lại, Thổ lâu Nam Tịnh, một trong tập hợp 46 Thổ lâu ở Phúc Kiến, lại được xây dựng với nguyên liệu thô sơ là đất và tre nứa. Dù vậy nhưng các công trình này đã tồn tại từ thế kỷ 12 - thế kỷ 19 cho đến nay. Các tòa nhà quây thành hình vuông hoặc tròn cao từ 3-5 tầng, là nơi sinh sống, đồng thời là pháo đài phòng thủ của người Khách Gia chống lại nạn trộm cướp xưa kia. Các tuyến đường làng lát đá rất đẹp, suối chảy quanh năm với những cây cổ sum suê tỏa bóng rất đẹp mắt...

Coi trọng đầu tư cho di sản

Ở các di sản này, chúng tôi đều cảm nhận rõ ràng về quy mô hoành tráng, cho thấy chính quyền rất coi trọng đầu tư để phát triển các sản phẩm văn hóa du lịch dù di sản ở ngay “thủ phủ” Phúc Châu như Tam phường thất hạng hay những vùng núi cao, không quá phát triển như TP Vũ Di Sơn.

Cụ thể, với Tam phường thất hạng, trải qua thăng trầm lịch sử, một số công trình đã không còn. Bà Tiết Thanh, Viện trưởng Viện Xã hội và nhân văn, Học viện Mân Giang khi trao đổi với đoàn công tác chúng tôi đã chia sẻ: “Tam phường thất hạng thể hiện văn hóa đặc trưng của Phúc Châu nên chính quyền Phúc Kiến rất coi trọng công tác bảo tồn nơi đây. Chính quyền đã mời kiến trúc sư rất nổi tiếng của Thượng Hải là Nguyễn Di Tam tham gia bảo tồn; Bí thư TP Phúc Châu kiêm Trưởng Ban bảo vệ di sản này. Chính quyền bỏ kinh phí đầu tư, riêng lần khôi phục thứ nhất đã tốn 4 tỷ NDT, đến giờ đã lên tới 5-6 tỷ NDT, chưa kể mức thu lợi nhuận từ các hộ kinh doanh hằng năm để đầu tư trở lại. Đây cũng được quy hoạch là một trong 3 khu trung tâm của Phúc Châu...”.

Thiếu nữ bưng trà quảng bá cho trà Đại Hồng Bào ngay tại khu vực khán đài khi biểu diễn vở thực cảnh Đại Hồng Bào tại TP Vũ Di Sơn.

Trở lại với vở thực cảnh Đại Hồng Bào, thực chất là quảng bá cho loại trà Đại Hồng Bào của Phúc Kiến, TP Vũ Di Sơn - vùng nguyên liệu của loại trà này, Chính phủ đã đặt hàng đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu dàn dựng tác phẩm này. Các suất diễn vở Đại Hồng Bào được duy trì đều đặn, thu về hàng triệu NDT/đêm. Các di sản từ Thổ lâu Nam Tịnh, khu phố Tam phường thất hạng cũng đều thu hút rất đông du khách tới tham quan, với phố đi bộ khách nườm nượp cả ngày lẫn đêm. Qua đây cho thấy, khai thác tốt các lợi thế về văn hóa, lịch sử và danh lam thắng cảnh sẽ đem lại nguồn lợi kinh tế khổng lồ và bền vững. Đó là chưa nói đến cách thức quảng bá và nâng tầm thương hiệu sản phẩm trà Đại Hồng Bào thực sự rất đáng học hỏi...

Điều đáng nói là, qua tìm hiểu thực tế các di sản của Phúc Kiến cho thấy, công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản cũng gắn liền với phát triển kinh tế, du lịch địa phương. Tuy nhiên, yếu tố kinh tế thường đi sau, đến sau, vai trò bảo tồn các giá trị văn hóa luôn được đặt lên hàng đầu và xuyên suốt trong quá trình khai thác, phát triển. Người dân có ý thức thực hiện tốt các quy định về quản lý di sản và được nhà nước tạo điều kiện thuận lợi trong việc trực tiếp tham gia các hoạt động phục vụ khách du lịch, đem lại sinh kế cho gia đình và cộng đồng.

Như ở Thổ Lâu, cùng với bán hàng hóa địa phương trên đường làng, người dân được dành toàn bộ khu tầng 1 để bán hàng cho du khách. Ở Vũ Di Sơn, vào mùa cao điểm du lịch có từ 800 đến 900 bè chở khách trên sông, đẩy sào (2 người/bè) chở khách đều là người dân địa phương, chính quyền ra quy định chỉ được chở 3 lượt khách/ngày. Quan sát của chúng tôi cũng nhận thấy, với chặng đường dài xuôi theo dòng sông như thế, nhân công đẩy sào 3 lượt/ngày là phù hợp với sức khỏe và đảm bảo có mức lương khá...

Các khu di sản của Phúc Kiến thu hút lượng khách du lịch rất lớn hằng năm. Ảnh chụp tại khu di sản Vũ Di Sơn.

Cộng đồng trách nhiệm, quyền lợi giữa chính phủ và người dân, đó có thể là lý do quan trọng giúp các di sản với những kiến trúc đã trải qua hàng trăm năm, kể cả những công trình là sở hữu của người dân vẫn được bảo tồn khá nguyên trạng. Cùng với đó là ý thức gìn giữ cảnh quan nên dù đón lượng khách rất lớn nhưng môi trường, cảnh quan vẫn sạch đẹp, du khách hầu như không nhìn thấy rác.

... và những sai lầm

Có thành tựu rất khả quan trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản nhưng quá trình phát triển, không phải Phúc Kiến không có những sai lầm phải trả giá. Trao đổi với chúng tôi, bà Tiết Thanh chia sẻ: “Khu phố đi bộ hiện nay dành chủ yếu cho các hộ kinh doanh, chính quyền quản lý còn các hộ tự đầu tư để kinh doanh và nộp lại một phần cho nhà nước. Đây là một sự thất bại của Trung Quốc trong công tác bảo tồn di sản. Diện mạo Tam phường thất hạng được khôi phục lại nhưng đã bị thương mại hóa nặng nề, dù các hộ kinh doanh nhiều sản phẩm văn hóa đặc trưng của Phúc Châu tại đây (cá viên, quạt giấy...)”.

Bên cạnh đó, Phúc Kiến từng để doanh nghiệp xây dựng các công trình nhà cao tầng hiện đại trong khu phố cổ, rồi xây nhà che khuất tầm nhìn một ngôi tháp cổ tại Phúc Châu... Cuối cùng, có khu nhà cao tầng phải phá bỏ, có nhà thì cho người dân vào sinh sống. Dù hậu quả đã được giải quyết nhưng đây vẫn là bài học đau xót cho những ứng xử với di sản văn hóa của Phúc Kiến.

Qua thực tế chúng tôi cũng nhận thấy, môi trường là vấn đề rất quan trọng khi khai thác di sản cho phát triển du lịch. Khu Thổ Lâu Nam Tịnh mặc dù rất đẹp, đường lát đá sạch sẽ, không có rác nhưng khi đi trên những con đường quanh làng, chúng tôi vẫn bị ám ảnh bởi mùi nước thải, có thể do hệ thống xử lý nước thải chưa được đầu tư tương xứng... Thêm nữa, những Thổ Lâu đặc sắc kia vốn thuận lợi cho người Khách Gia chống lại nạn trộm cướp, nhưng lại rất bất tiện cho người dân hiện đang sinh sống tại đây bởi không có khu vệ sinh. Dù đã giãn dân đáng kể nhưng đây vẫn là vấn đề không nhỏ với một khu di sản văn hóa thế giới như Thổ Lâu...

Đoàn cán bộ tỉnh Quảng Ninh tham quan, khảo sát thực tế một kiến trúc cổ tại Tam phường thất hạng.

Quảng Ninh đã và đang hướng tới sự phát triển bền vững, trong đó có nhiều dự án phát triển du lịch từ nguồn lực giàu có về các di sản thiên nhiên cũng như văn hóa. Vì vậy, thiết nghĩ những cách làm hay cũng như những kinh nghiệm và cả những sai lầm của tỉnh Phúc Kiến - nơi có điều kiện tự nhiên cũng như văn hóa khá tương đồng với Quảng Ninh, trong bảo tồn, phát huy giá trị các di sản rất cần được lưu tâm, nghiên cứu để có những giải pháp, cách làm hiệu quả, phù hợp thực tế của Quảng Ninh...

Phan Hằng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201812/chuyen-ve-di-san-o-phuc-kien-trung-quoc-2410921/