Chuyện về cựu binh 'vực dậy' nghề truyền thống, đưa hàng mây tre đan xuất khẩu sang nhiều nước

Nghỉ hưu, cựu binh Huỳnh tìm cách vực dậy nghề truyền thống mây tre đan. Nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ, HTX đã làm ra hàng trăm mặt hàng có giá trị kinh tế xuất khẩu sang nhiều nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,… và một số nước ở châu Âu.

Sau hơn 20 năm công tác trong quân đội, ông Tăng Tiến Hùng, SN 1955, trú tại xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An nghỉ hưu.

Năm 1966, cựu binh giữ chức vụ bí thư thôn Lạc Thổ. Thời điểm này, tỉnh Nghệ An đang có nghị quyết về phát triển tiểu thủ công nghiệp và xây dựng làng nghề.

Xác định, nghề mây tre ở làng phù hợp, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương nên ông Huỳnh muốn thành lập Hợp tác xã (HTX), phát triển làng nghề.

Lúc đầu, người cựu binh này tự bỏ chi phí thuê giáo viên về dạy nghề cho bản thân mình và các thành viên khác. Đến năm 2003, HTX Thắng Lợi được chính thức thành lập.

Theo ông Huỳnh, thời điểm đó HTX mới có 12 thành viên với số vốn điều lệ chưa đến 50 triệu đồng. "Khi mới làm ra sản phẩm, HTX cũng tiêu thụ được nhiều. Nhưng sau đó, đơn vị tiêu thụ sản phẩm ở Tp.Vinh không thu mua nữa vì thị trường ở nước ngoài suy giảm. Không bán được sản phẩm tồn đọng, HTX không có đủ tiền để chi trả cho lao động và chi trả một số chi phí duy trì khác. Một số lao động đành bỏ nghề này", ông Huỳnh chia sẻ những khó khăn ban đầu.

Không từ bỏ ước mơ của mình, người cựu binh này quyết định buôn ba khắp từ Nam ra Bắc để vực dậy HTX. Nhờ sự nỗ lực của mình, năm 2008 HTX Thắng Lợi được vực dậy. Để duy trì sản xuất ông cùng các thành viên trong HTX quyết định góp vốn, rồi vay ngân hàng hàng trăm triệu đồng để mở rộng quy mô, đầu tư máy móc,…

"HTX Thắng Lợi đã thuê hơn 1.500m2 đất để mở rộng quy mô xưởng. Đồng thời, đầu tư thêm 10 bộ máy chế biến nguyên liệu, máy móc để hoàn thiện sản phẩm. Ngoài ra, HTX cũng phối hợp với trung tâm khuyến nông và dạy nghề để đào tạo nghề cho các lao động", ông Huỳnh cho biết thêm.

Hiện tại, HTX Thắng Lợi có 12 thành viên chính thức, 19 thành viên liên kết các xã trong tỉnh tham gia đóng cổ phần để tổ chức hàng xuất khẩu.

Có 15 – 20 lao động làm việc trong xưởng và thu hút từ 500 – 600 lao động sản xuất theo thời vụ từ các làng nghề địa phương lân cận. Doanh thu bình quân của HTX từ 4 – 4,5 tỷ đồng/năm.

"Tranh thủ những lúc nông nhàn chúng tôi làm kiếm thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Với thu nhập từ 4 -6 triệu đồng/tháng nên lao động như chúng tôi rất phấn khởi. Nhờ có máy móc hiện đại khâu xử lý nguyên liệu không vất vả mấy.

Tuy nhiên, khi đan lát người thợ phải cẩn thận, tỉ mỉ,… để tạo ra nhiều sản phẩm mang tính thẩm mỹ. HTX cũng thường xuyên nâng cao tay nghề cho người lao động", chị Nguyễn Thị Hường, một công nhân lao động HTX cho biết.

HTX Thắng Lợi có 3 sản phẩm đã được UBND tỉnh Nghệ An công nhận sản phẩm nông thôn tiêu biểu, 1 sản phẩm đạt OCOP 3 sao.

Hiện, HTX có hàng trăm mặt hàng từ mây, tre, lá cói... với nhiều mẫu mã mang tính thẩm mỹ cao, có giá trị kinh tế. Nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ra các thị trường quốc tế như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... và một số nước ở châu Âu.

"Ông Huỳnh hiện đang là Hội trưởng Hội Doanh nhân cựu chiến binh huyện Yên Thành. Ông luôn giúp đỡ, động viên các hội viên tích cực sản xuất, kinh doanh. HTX Thắng Lợi thành công như hôm nay phải kể đến công sức của ông Huỳnh.

Hàng năm, HTX còn trích một phần lợi nhuận để ủng hộ người nghèo và gia đình chính sách ở địa phương. Mấy năm qua, ông Huỳnh luôn đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua cựu chiến binh làm kinh tế giỏi", ông Nguyễn Duy Thiều, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Yên Thành cho biết.

Minh Tâm - Hà Hằng

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chuyen-ve-cuu-binh-vuc-day-nghe-truyen-thong-dua-hang-may-tre-dan-xuat-khau-sang-nhieu-nuoc-204240831162016172.htm