Chuyện về cụ bà 80 tuổi cắt tóc ở phố cổ

Một không gian giản dị với tiếng kéo lạch cạch, lướt điêu luyện trên đôi tay cụ bà đã in hằn dấu vết thời gian. Dường như, chỉ ở đây người ta mới thấy cách người thợ xưa mài dao cạo vào chiếc dây da loạt xoạt, rồi lấy phèn chua xát vào cằm, vào mặt khách cho sạch sẽ, mát mẻ.

Hàng chục năm nay, cửa hàng tóc của bà lão Phạm Xuân Thu vẫn là địa chỉ tin thân quen của nhiều người dân phố cổ và cả người nước ngoài. Gọi là "cửa hàng" cắt tóc cho sang nhưng thực chất chỗ làm việc của bà Thu chỉ là một khoảng không gian nhỏ trên vỉa hè phố Hàng Buồm, Hà Nội, với những đồ nghề đơn giản: Chiếc gương nhỏ treo trên thân cây, một chiếc ghế tựa, tông đơ, kéo...

Dù không có biển chỉ dẫn nhưng người phố cổ không ai không biết đến "cửa hàng" của bà. Còn với những người chưa quen chỗ, thì chỉ cần đến đầu phố hỏi thăm là ra ngay.

Ông Trần Văn Phúc (63 tuổi), phố Hàng Mã cho biết: "Khi tóc còn xanh tôi đã tin tưởng giao việc cắt tóc cho bà Thu, đến nay, tóc đã đổi màu, tôi vẫn chưa hề thử ở bất kỳ một của hàng nào khác, ngoài "cửa hàng" của bà Thu".

Bà Thu lúc nào cũng niềm nở với tất cả mọi người

Bà Thu lúc nào cũng niềm nở với tất cả mọi người

Xuất thân là thợ cắt tóc trong hiệu quốc doanh và là một trong những cây kéo nổi tiếng thời đó, bà Phạm Xuân Thu là người phụ nữ duy nhất làm nghề này mà lại cắt tóc rất đẹp và tinh tế. Đến đầu những năm 1990, bà Thu nghỉ hưu nhưng tình yêu với nghề chưa dứt nên bà lại cầm kéo để phục vụ bà con lối phố.

Chiếm một chỗ rất khiêm tốn trên vỉa hè, quán của bà Thu mở từ 7 giờ đến 10 giờ sáng mỗi ngày và cũng chỉ cắt cho 5 đến 6 người mỗi buổi. Bà bảo, muốn cắt đẹp phải có sự đầu tư, chăm chút, không vội vàng được. Bởi thế, với mỗi một vị khách, bà Thu đều lựa chọn, nghiên cứu kỹ kiểu tóc để phù hợp với dáng người. Giá cắt tóc ở đây cũng khá rẻ, chỉ dao động từ 30.000 đến 50.000 đồng/người.

Có lẽ vì thế mà tiếng lành đồn xa, “cửa hàng cắt tóc” của bà Thu không khi nào vắng khách. Không chỉ những người cùng phố mà còn có rất nhiều người ở nơi khác đến, từ ông già đến thanh niên, kể cả người nước ngoài. Họ tìm đến như một địa chỉ thân thuộc, giữa nơi phố thị ồn ào nhưng lại đậm nét Hà Nội thời bao cấp.

Một không gian giản dị với tiếng kéo lạch cạch, lướt điêu luyện trên đôi tay cụ bà đã in hằn dấu vết thời gian. Dường như, chỉ ở đây người ta mới thấy cách người thợ xưa mài dao cạo vào chiếc dây da loạt xoạt, rồi lấy phèn chua xát vào cằm, vào mặt khách cho sạch sẽ, mát mẻ.

"Không có thứ mình yêu thì hãy yêu những thứ mình có" là câu châm ngôn và cũng là quan điểm sống của bà lão U80. Bởi thế, bà Thu lúc nào cũng vui vẻ, niềm nở với khách. Nụ cười đôn hậu của bà cùng với những chuyện vui, những câu nói khôi hài là một trong những điều đặc biệt níu chân những vị khách dù khó tính nhất.

“Cửa hàng cắt tóc” của bà Thu không khi nào vắng khách

Nhiều người thắc mắc, bà già rồi sao không dành thời gian nghỉ ngơi, chơi với con, với cháu, bà cười nói: “À thì vui chơi có thưởng ấy mà. Làm cho vui, cho đỡ nhớ nghề…”. Ít ai biết rằng, đằng sau những tiếng cười đó là một con người sống đầy nội tâm, cuộc sống của bà cũng còn nhiều khó khăn, vất vả.

Trong ngôi nhà chưa đầy 15 mét vuông, bà Thu sống cùng vợ chồng anh Tuấn, người con lớn của bà và đứa cháu nội năm nay đang học cấp 3. Bà rơm rớm nước mắt khi kể về người con dâu năm nay đã gần 50 tuổi: “Nó bị bệnh thận nên yếu ớt lắm, vì ngày xưa không có điều kiện học hành nên không có nghề nghiệp, cuộc sống gia đình khó khăn, nó phải đi bán hàng rau củ ở chợ đầu mối Long Biên, toàn phải thức đêm bán hàng nên người lại càng gầy yếu”.

Anh Tuấn mặc dù là thợ điện nhưng vì thương vợ vất vả nên từ mấy năm nay đã phải bỏ nghề để phụ giúp chị việc chợ búa. Cũng vì sức khỏe của vợ không được tốt nên anh chị cưới nhau sau 11 năm mới có đứa con đầu lòng, "ngày nó mang thai, cả hai bên gia đình đều rất lo lắng cho nó, nhưng nó bảo có chết cũng phải đẻ một đứa con”- Bà Thu kể. Vì thế bà càng thấy thương con dâu hơn.

Cũng vì thương con, thương cháu nên bà muốn làm việc để có thêm chút tiền “tự lo cho bản thân và có thêm đồng quà tấm bánh cho cháu”. Vỉa hè nơi bà “mở tiệm” cũng là chỗ người ta cho ngồi nhờ, vì quán bar của họ bắt đầu mở từ 10 giờ sáng, nên bà cũng phải cố gắng dậy sớm đun nước pha trà cho mình, rồi dọn hàng trước 7 giờ để có thêm thời gian làm việc, khi cánh cửa của quán bar mở ra thì cũng là lúc bà thu dọn đồ nghề của mình.

“Khéo nằm co thì ấm”, chiếc giường bà nằm có thể duỗi ra cho rộng nhưng bà chưa duỗi nó ra bao giờ, bà bảo chỉ cần thế thôi cũng đủ nằm rồi, duỗi ra làm gì cho nó chật nhà. Không gian còn lại bên cạnh là chỗ kê bàn học của đứa cháu.

Trong góc giường nằm, bà cất một tệp ảnh rất dày, bà mang ra khoe từng bức mỗi khi có khách quý. Đó là những hình ảnh của người thân và của bà hồi còn trẻ, bà kể về lịch sử của từng bức ảnh rất rõ ràng, chi tiết, kể cả ngày tháng. Đó cũng là món ăn tinh thần để mỗi khi lần giở lại, bà cảm thấy vui vì đã sống hết mình trước đây, và cả đến bây giờ.

Cuộc sống khó khăn là thế, nhưng hàng xóm láng giềng và khách hàng của bà cũng chỉ biết đến một bà Thu lúc nào cũng vui vẻ, niềm nở, kể cả với những đứa trẻ không bao giờ chịu ngồi yên khi được cắt tóc, đối tượng thường được miễn phí khi đến với “tiệm tóc” của bà.

Những hình ảnh về cuộc sống của bà Thu cắt tóc:

Và có những người đã quen chờ đợi đến lượt mình

Bà chỉ mở "tiệm" khi cửa quán bar phía trong còn đang đóng

Bà Thu luôn ý thức sắp xếp "cửa hàng" gọn ghẽ, dành lối cho người đi bộ.

Và thu dọn đồ nghề lúc họ bắt đầu ngày làm việc mới

Lối vào nhà là một ngách nhỏ bên cạnh quán bar nơi bà cắt tóc

Bếp nấu của gia đình bà được đặt ở góc nhỏ lối cầu thang

Chia sẻ về những kỷ niệm của bà thời còn trẻ

Cao Mạnh Tiến

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/chuyen-ve-cu-ba-80-tuoi-cat-toc-o-pho-co-82198.html