Chuyện về cô giáo mắc bệnh xương thủy tinh dành cả cuộc đời bên lớp học miễn phí

Hơn 10 năm nay, lớp học đặc biệt của chị Nguyễn Thị Ngọc Tâm vẫn luôn đầy ắp tiếng cười. Dù mưa gió, ốm đau nhưng Tâm vẫn luôn cố gắng dạy kèm các em học sinh học cấp 1, cấp 2 quanh vùng để giúp các em có kết quả học tập tốt nhất.

Nghị lực vươn lên đã chiến thắng bệnh tật của cô giáo trẻ Nguyễn Thị Ngọc Tâm

Chị Nguyễn Thị Ngọc Tâm luôn nở nụ cười đầy nghị lực.

Sinh ra trên mảnh đất có truyền thống hiếu học tại thôn Trại 4, xã Yên Quang (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) nhưng chị Nguyễn Thị Ngọc Tâm (sinh năm 1990) không được như bao người khác.

Chị mắc căn bệnh xương thủy tinh bẩm sinh, một chân của cô bị quặt lên bụng không thể duỗi thẳng. Năm 2 tuổi, sau lần phẩu thuật thành công, chân chị đã thẳng nhưng không thể đi lại được. Đến nay chị Tâm vẫn chịu nhiều đau đớn do căn bệnh này gây ra.

Lớn lên chị lại bị thêm nhiều bệnh khác liên quan đến tim, phổi, phế quản, dạ dày cộng với nhiều lần bị gãy xương khiến sức khỏe của chị Tâm rất yếu và không thể đi lại được. Với cơ thể nhỏ bé chưa đầy 15kg mọi sinh hoạt cá nhân phải nhờ người thân trong gia đình giúp sức.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Tâm kể rằng: “Số lần bị gãy xương nhiều đến nỗi chị không nhớ hết được, chỉ cần ngồi lệch tư thế hay hoạt động mạnh một chút là xương cũng bị gãy, nhưng chủ yếu là vào lúc nhỏ chưa biết cách tự chăm sóc cho bẳn thân". Không những thế, hàng ngày cô đều phải uống nhiều loại thuốc để hỗ trợ việc điều trị bệnh.

Tuy chẳng thể "thoải mái" với cơ thể bệnh tật nhưng với nghị lực và khao khát trở thành một cô giáo khiến chị phải cố gắng vượt qua nỗi đau.

Khi đến tuổi đi học thấy bạn bè cùng trang lứa cắp sách tới trường, chị Tâm rất muốn được như họ. Hiểu được điều đó nên gia đình đã cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để chị Tâm được tới trường.

Chị kể lại "Lúc bắt đầu đi học, tôi vào thẳng lớp 1 và không cần học mẫu giáo vì chỉ sau 2 ngày tôi đã đọc thuộc bảng chữ cái dưới sự hướng dẫn của bố".

Và không phụ sự kỳ vọng của gia đình, thầy cô, chị Tâm đã chăm chỉ học tập cộng thêm sự thông minh vốn có, 9 năm đi học chị luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Đến năm 16 tuổi, con đường học của chị bị gián đoạn bởi khoảng cách từ nhà chị tới trường dài 15km, quãng đường xa nên chị phải nghỉ học để đảm bảo sức khỏe.

Nhưng với khao khát trở thành một cô giáo, chị Tâm đã quyết định mở lớp học miễn phí tại nhà để kèm các em nhỏ từ lớp 1 đến lớp 9 và lớp học " Ngọc Tâm Thủy Tinh" cũng ra đời từ đó.

Lớp học đặc biệt mang tên “Ngọc Tâm Thủy Tinh”

"Thời gian đầu thì chỉ có một vài bạn quanh vùng được bố mẹ cho đến học, nhưng sau một thời gian lớp học ngày càng đông, thậm chí có cả một số bạn ở tỉnh Ninh Bình được bố mẹ đưa sang để cô dạy" - chị Tâm chia sẻ.

Lớp học không phấn, không bảng, không bục giảng, không giáo án tại nhà "cô giáo" Nguyễn Thị Ngọc Tâm.

Đến nay, đã hơn 10 năm chị Tâm thực hiện được công việc thắp sáng tri thức cho các em nhỏ trong vùng dù bất kể mưa gió hay lúc ốm đau cô đều nhiệt tình hướng dẫn giúp các em có phương pháp học tập hiệu quả nhất.

Lớp học của chị Tâm vẫn diễn ra đều đặn, học sinh đi học ở trường buổi chiều nếu được nghỉ tự đến nhà chị học. Ngoài ra lớp đông hơn vào thứ 7, chủ nhật . Học sinh đến học chủ yếu là các bạn cấp 1, cấp 2 trong vùng. Cao điểm nhất là vào mùa hè, số học sinh cũng đông hơn nên chị Tâm phải dạy thêm một ca vào buổi tối.

Vì học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 nên kiến thức chị dạy cũng đa môn, các bạn thắc mắc môn nào chị Tâm sẽ giải đáp, nếu không biết chị sẽ tìm hiểu qua internet để hướng dẫn các em.

Kiến thức của cô giáo trẻ mắc bệnh xương thủy tinh được đền đáp bởi chính sự thành công của các em học sinh theo học tại lớp của chị Tâm, nhiều em đã có nhiều học sinh được vào đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh và sau này đã đỗ các trường đại học, cao đẳng danh tiếng trong nước. Đây chính là nguồn động lực, giúp chị Tâm phấn đấu hơn nữa trong việc dạy học, tiếp thêm sức mạnh, niềm tin giúp chị vượt qua nỗi đau về thể xác để thực hiện ước mơ là "cô giáo" của mình.

“Không phấn, không bảng, không bục giảng

Giáo án không, chỉ có một tấm lòng

Tri thức mang theo, hành trang ta tích lũy

Bước ngoặt đầu đời nhớ công sức thầy cô.

Em bé tật nguyền mơ làm cô giáo,

Gian khó cũng nhiều, nhưng rồi cũng vượt qua

Mỗi buổi học, mang theo bao hạnh phúc

Cô với trò tíu tít bên nhau…”.

Đó là bài thơ “Lớp học của tôi” do chị Tâm sáng tác, bài thơ đã được nhạc sĩ Trần Công Thủy và nhạc sĩ Trần Viết Bính phổ nhạc.

Không chỉ cố gắng dạy kèm cho các em học sinh, chị Tâm còn làm thơ, mỗi vần thơ đều nói lên cảm xúc của một cô giáo tự viết về cuộc đời mình. Giống như bài lớp học của tôi, một số bài thơ chị sáng tác cũng được nhạc sĩ phổ nhạc thành bài hát.

Bài "tuổi thơ" được cô sáng tác năm lên lớp 7 được phổ nhạc thành bài hát.

Số tiền nhuận bút và giải thưởng nhận được chị Tâm đều dành để mua dụng cụ học tập, sách vở để làm phần thưởng dành tặng các em học sinh của mình, một phần cũng phụ giúp cho bố mẹ chị thêm ít tiền mua thuốc.

Mới đây, chị Tâm đã xây dựng nên Quỹ học bổng "Ngọc Tâm Thủy Tinh" nhằm động viên, khích lệ những học sinh trong lớp học của mình và cả những em học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tuy chỉ bằng những phần quả bé nhỏ như sách vở, đồ dùng học tập... nhưng phần nào sẽ giúp các em có thêm niềm tin, thêm động lực để phấn đấu, cố gắng học tập.

Ngoài ra, chị còn xây dựng nên một một tủ sách được gọi là "Không gian đọc Ngọc Tâm thủy tinh" do chị và bạn bè, anh em cùng đóng góp nên gồm rất nhiều loại sách về kiến thức, kỹ năng sống.... Chị Tâm cho biết, "trong sách có rất nhiều kiến thức, ngoài giờ học các em học sinh có thể mượn sách đọc hoặc mang về nhà đọc thêm".

Không gian đọc này chị mong muốn sẽ giúp cho học sinh có thể tìm hiểu thêm nhiều kiến thức trong sách vở hơn. Và kể cả những người thích đọc đều có thể đến mượn, vì sách là một kho tàng tri thức vô tận.

Đến nay, ước mơ trở thành "cô giáo" của chị Tâm đã thành hiện thực, tuy không được đứng trên bục giảng như bao người giáo viên khác. Nhưng hằng ngày, chị Tâm vẫn đang truyền cảm hứng cho những người có hoàn cảnh như mình có thêm niềm tin vào cuộc sống, giúp một thế hệ học sinh cố gắng học tập để giúp ích cho xã hội.

Khi được hỏi về niềm vui và kế hoạch trong tương lai chị Tâm cười và nói rằng "Niềm vui, món quà lớn nhất lớn nhất của chị chính là nhìn các em học sinh học tập thật giỏi, đạt nhiều thành tích, ngoan ngoãn. Tương lai chị muốn có thêm sức khỏe để giúp đỡ cho những chủ nhân tương lai của đất nước học tập thật giỏi, có thêm niềm tin yêu vào cuộc sống".

Bệnh xương thủy tinh là bệnh có tính chất di truyền nên cho đến nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu mà chỉ dừng lại ở các biện pháp điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng.

Xương thủy tinh là bệnh di truyền về xương, người bi bệnh xương thủy tinh có xương bị loãng, giòn, dễ gẫy. Người mắc bệnh này có thể bị gẫy tay, chân bất cứ lúc nào, đặc trưng của bệnh là sự tổn thương thành phần collagen typ I của mô liên kết gây ảnh hưởng không những ở xương mà còn ở da, dây chằng, củng mạc mắt và răng như: gãy xương tự phát, biến dạng xương, lùn, bất thường của răng (tạo răng bất toàn), giảm thính lực.

Căn bệnh này chủ yếu là do di truyền bởi gen trội hoặc lặn từ phía bố hoặc mẹ.

Hoàng Giang - Nguyên Quang

Nguồn SHTT: http://www.sohuutritue.net.vn/chuyen-ve-co-giao-mac-benh-xuong-thuy-tinh-danh-ca-cuoc-doi-ben-lop-hoc-mien-phi-d17274.html