Chuyện về cách đặt tên của Bác

Có lẽ lịch sử thế giới hiếm có ai như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đặt tên, đổi tên cho nhiều người, vật, phong cảnh, địa danh, sự kiện. Và quan trọng là tất cả đều như được Bác kính yêu tiếp thêm sức mạnh.

Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, năm 1941, Bác Hồ trở về Tổ quốc. Người ở trong hang núi Ðào thuộc tỉnh Cao Bằng. Chuyện kể rằng: Xưa có bảy nàng tiên đi chơi vườn đào, gặp con suối mát xanh, các tiên xuống tắm. Ðến giờ trở về trời, nàng tiên út bỏ quên một quả đào, sau thành núi mang tên núi Ðào. Bác Hồ bảo với mọi người: “Xưa ở đây có tiên cô, nay có thêm tiên cậu, tiên ông. Các Mác mong muốn mọi người thành tiên, thế thì Bác cháu ta đặt tên mới, hiện thực hơn để mà phấn đấu - núi Các Mác. Còn Lênin - người đầu tiên hiện thực hóa lý tưởng của cụ Các Mác thì gọi là suối Lênin”. Vậy là Bác chọn đá tạc tượng Các Mác, để rồi từ những điều giản dị đó chủ nghĩa Mác - Lênin được tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hiện thực hóa một cách sáng tạo, tài tình bắt đầu tỏa sáng từ địa danh lịch sử quen gọi là “hang Pác Bó” này.

Suối Lênin, núi Các Mác (thuộc Khu di tích lịch sử Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) là những địa danh đã đi vào lịch sử, gắn liền với quãng thời gian Bác Hồ hoạt động bí mật ở Cao Bằng thời kỳ tiền khởi nghĩa. Ảnh tư liệu

Suối Lênin, núi Các Mác (thuộc Khu di tích lịch sử Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) là những địa danh đã đi vào lịch sử, gắn liền với quãng thời gian Bác Hồ hoạt động bí mật ở Cao Bằng thời kỳ tiền khởi nghĩa. Ảnh tư liệu

Không chỉ địa danh, mà còn có cả trăm đồng bào, chiến sĩ ta, cả ở nước ngoài có hạnh phúc được Bác đặt tên, đổi tên. Khi mang tên mới, hầu như ai cũng sống tốt hơn, đẹp hơn và nhớ ơn Người. Từ tháng 11-1946, nắm bắt được âm mưu đánh úp Hà Nội để “cất vó” Chính phủ Hồ Chí Minh, Trung ương đã bố trí, ngụy trang thật khéo để Bác ra ngoại thành và rút dần lên chiến khu Việt Bắc theo ý định từ trước của Người. Ngày 6-3-1947, tại nhà ông Nguyên ở xóm Đồi, xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, Bác gọi anh em đi theo giúp việc văn phòng, hậu cần, bảo vệ, liên lạc... để hội ý. Bác nói: Tình hình chiến sự ngày càng mở rộng. Hôm nay Bác đặt lại tên cho các chú, vừa để giữ bí mật, vừa ngày ngày gọi tên các chú thành một khẩu hiệu sống nhắc nhở nhiệm vụ, nêu cao quyết tâm vượt khó khăn, đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

Bác chỉ tay từ người đầu phía bên phải, lần lượt: chú này là Võ Trường. Tên thật là Võ Chương quê ở Huế, đội viên Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu, được điều làm bảo vệ, mất bệnh năm 1949. Có nguyên tắc: ai đến thay công việc người đi khỏi, được mang tên tiếp. Còn hai anh “Trường” nữa là Phạm Văn Nền, người làng Tám, Hà Nội, mất năm 1996 và Hoàng Văn Phúc ở Cao Bằng. Anh Phúc cũng còn mang tên Nhất: Trường, Nhất. Rồi đến đồng chí Vũ Kỳ, tên thật Vũ Long Chuẩn, tức Nguyễn Cần, quê Hà Đông. Vượt ngục Hỏa Lò sau Nhật đảo chính Pháp 9-3-1945, thư ký giúp việc Bác từ cuối tháng 8-1945, đến năm 1945 - 1953 hoạt động nội thành, Đoàn trưởng Đoàn TNXP (1953 - 1956), đại biểu Quốc hội khóa VIII, GĐ Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, qua đời ngày 16-4-2005.

Đồng chí Hoàng Hữu Kháng, tên thật Nguyễn Văn Cao, tức Lý, quê Thái Bình. Đội trưởng Đội bảo vệ. Sau được phong Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh vệ Bộ Công an. Mất năm 1994. Đồng chí Tạ Quang Chiến, tên thật là Nguyễn Hữu Văn, quê Hải Dương, phục vụ Bác từ tháng 8-1945 đến năm 1957 chuyển công tác. Ông từng giữ nhiều trọng trách: Bí thư TW Đoàn, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, đại biểu Quốc hội khóa VII. Đồng chí Hồ Văn Nhất, tên thật Hoàng Văn Phúc, dân tộc Tày, Cao Bằng. Được bảo vệ Bác từ tháng 5-1945, còn mang tên Trường.

Sau này ông là cán bộ Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, mất năm 1994. Thay ông trên chiến khu là Long Văn Nhất, bí danh Tiên Phong, đang bảo vệ Đại tướng Võ Nguyên Giáp được điều sang Phủ Chủ tịch. Ông mất năm 1967. Đồng chí Võ Viết Định. Tên thật Chu Phương Vương tức Ngọc Hà, quê Cao Bằng. Năm 1950 chuyển công tác, có thời gian làm Bí thư Đảng ủy, Phó chủ nhiệm Cty xây lắp thuộc Khu liên hợp Gang thép Thái Nguyên. Đã mất. Đồng chí Thắng, tên thật Nguyễn Văn Chí, tức Nguyễn Văn Huy, 7 tháng sau ngày Bác đổi tên thì chuyển công tác. Người thay mang tên Triệu Hồng Thắng là Triệu Tiến Thọ, dân tộc Mán ở Thái Nguyên. Sau năm 1954 ông được cử làm Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Việt Bắc, mất năm 1972. Đồng chí Trần Lợi. Tên thật Trần Đình, dân tộc Nùng, quê Cao Bằng. Năm 1950 ông chuyển về quê, mất tại địa phương.

Vậy là 8 tên Bác đặt, trừ 4 người Kỳ, Lợi, Kháng, Chiến, còn lại, 3 người là Trường, 2 người là Thắng, 2 người là Nhất; riêng Hoàng Văn Phúc, bí danh Văn Lâm “đóng hai vai” cả Nhất và Trường. Cộng lại luôn đầy đủ một khẩu hiệu, một tư tưởng, một quyết tâm chiến lược: Trường Kỳ Kháng Chiến Nhất Định Thắng Lợi của Bác Hồ và Trung ương Đảng ta trong cuộc kháng chiến giành độc lập và thống nhất đất nước.

Cũng tại ATK Việt Bắc, Bác Hồ còn đặt tên Trung - Dũng - Đồng - Tâm - Kiên - Quyết - Cần - Kiệm cho 8 cán bộ, chiến sĩ khác phục vụ gần Người. Ông Nguyễn Văn Mộc là Nguyễn Quốc Trung. Ông Nguyễn Văn Dong là Nguyễn Văn Dũng cùng quê Hưng Yên, cán bộ Đội công tác xây dựng căn cứ địa được điều sang bảo vệ Bác. Khi ông Nguyễn Văn Đồng là Hoàng Văn Tý, tức Lộc theo Bác từ Thái Lan về nước, qua đời, ông Trung thay. Bác sĩ quân y Lê Văn Tâm là Lê Văn Chánh quê Sài Gòn, hoạt động tại Lào, được chọn về bảo vệ sức khỏe cho Bác. Ở Hà Nội làm Phó giám đốc BV Hữu nghị Việt Xô, Thầy thuốc Nhân dân, mất năm 1989.

Các ông Nguyễn Kiên là Nguyễn Văn Nga, Nguyễn Văn Quyết là Nguyễn Văn Phúc được làm chiến sĩ cận vệ của Bác từ năm 1947 đến 1951, sau sang Bộ Nội vụ, đều đã mất. Các ông Lê Văn Cần là Lê Văn Nhương, quê Nghệ An, Lê Kiệm tức Lê Nhạ quê Hà Tĩnh, đều giỏi nghề mộc, được cử chuyên làm nhà ở cho Bác. Khi Bác Hồ đặt tên, thường Người rất cân nhắc để mang tính động viên, giáo dục cao. Chẳng hạn, trong số các vị Việt kiều ở Pháp về nước, Bác chỉ đặt tên Trần Đại Nghĩa cho kỹ sư Lâm Quang Lễ, “cha đẻ” của nhiều loại vũ khí lợi hại cung cấp cho bộ đội ta từ những ngày đầu kháng chiến. Hoặc như việc đặt tên Tôn Thất Bách cho con trai đầu của GS Tôn Thất Tùng thể hiện sự quan tâm của Bác đối với một thầy thuốc tài năng.

Chuyện về việc Bác Hồ đặt tên, đổi tên cho mỗi con người, mỗi địa danh đều mang hồn thiêng sông núi, đều ngầm nhắc đến tư cách người cán bộ cách mạng phải suốt đời tận trung với nước, tận trung với Ðảng, tận hiếu với dân, liêm khiết và trong sạch, phải góp phần xây dựng Ðảng ta “là đạo đức, là văn minh”.

Thủy Liên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chuyen-ve-cach-dat-ten-cua-bac-192336.html