Chuyện về các vận động viên Thanh Hóa từng tham dự các kỳ Thế vận hội Olympic

Sau 13 năm, tỉnh Thanh Hóa mới có thêm 1 vận động viên (VĐV) được tham gia tranh tài tại Thế vận hội - Olympic, đó là nữ VĐV Quách Thị Lan ở môn điền kinh tại Olympic Tokyo 2020. Cùng điểm lại những gương mặt xuất sắc nhất trong lịch sử thể thao Thanh Hóa đã từng góp mặt tại Olympic.

Quách Thị Lan trên đường chạy 400m rào nữ Olympic Tokyo. Ảnh: REUTERS

VĐV đầu tiên của Thanh Hóa được tham gia Olympic là Phạm Ngọc Thành. Vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước, Phạm Ngọc Thành là một trong những gương mặt xuất sắc của bơi lội Việt Nam. Ngoài những tấm Huy chương Vàng, ông còn từng nhiều lần phá kỷ lục quốc gia ở các nội dung bơi tự do. Thành tích ấn tượng đó đã giúp ông có suất tham dự Olympic năm 1980 tại Mát-xcơ-va.

Phạm Ngọc Thành tranh tài ở các nội dung 100m bơi ngửa, 100m bơi tự do và 1.500m bơi tự do. Việc được tham gia tranh tài tại Thế vận hội được xem là một vinh dự lớn đối với bất cứ VĐV nào của Việt Nam. Vì vậy, Phạm Ngọc Thành luôn tự nhủ, trước hết phải vượt lên chính mình, giành thành tích cá nhân cao hơn.

Với quyết tâm đó nên dù không giành được huy chương, nhưng VĐV Phạm Ngọc Thành đã đạt được thành tích cá nhân cao hơn. Đặc biệt, thành tích ở các nội dung 100m bơi ngửa và 1.500m bơi tự do của ông tại Mát-xcơ-va năm ấy đã phá kỷ lục quốc gia. Ông cũng được xem là một trong những VĐV bơi huyền thoại trong lịch sử của thể thao Thanh Hóa. Sau khi giải nghệ, ông tham gia công tác huấn luyện, rồi quản lý với cương vị Trưởng Phòng Thể thao thành tích cao (nay là Phòng Quản lý TDTT, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Sau khi về hưu, ông vẫn duy trì đam mê bơi lội bằng việc tham gia dạy bơi cho trẻ em tại các bể bơi trên địa bàn TP Thanh Hóa.

Phải đến 12 năm sau tại Barcelona, tỉnh Thanh Hóa lại mới có VĐV thứ 2 được tham dự Thế vận hội. Tại kỳ Olympic được tổ chức ở Tây Ban Nha năm 1992, Lưu Văn Hùng là VĐV duy nhất của Thanh Hóa vinh dự được tham gia tranh tài với các chân chạy marathon xuất sắc nhất thế giới. Trước khi được tham gia Olympic Barcelona 1992, ông là VĐV xuất sắc với kỷ lục 8 lần liên tiếp vô địch ở cự ly chạy marathon tại Giải Việt dã toàn quốc Báo Tiền Phong. Tại Olympic, Lưu Văn Hùng đã hoàn thành phần thi của mình với thành tích đúng với phong độ, khả năng cao nhất của mình. Ông trở thành trưởng bộ môn điền kinh của Thanh Hóa và đã phát hiện, đào tạo nhiều tài năng điền kinh cho tỉnh nhà. Điền kinh cũng là bộ môn có đóng góp lớn nhất về thành tích cho thể thao Thanh Hóa cả ở đấu trường quốc gia, quốc tế.

Nối tiếp truyền thống đó, đến Olympic Tokyo 2020, cô học trò xuất sắc nhất của HLV Lưu Văn Hùng là Quách Thị Lan lại vinh dự được tham gia một kỳ Thế vận hội. Những thành tích nổi bật của nữ VĐV quê Ngọc Lặc này tại đấu trường châu Á với tấm HCV ASIAD 2018, vô địch châu Á năm 2017 là cơ sở để bộ môn điền kinh Việt Nam “chọn mặt, gửi vàng”.

VĐV có vinh dự được tham gia nhiều kỳ thế vận hội nhất trong lịch sử thể thao Thanh Hóa là Nguyễn Văn Hùng ở bộ môn taekwondo, với 2 kỳ Olympic liên tiếp vào năm 2004 tại Athens, Hy Lạp và năm 2008 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ở vào giai đoạn nói trên, Nguyễn Văn Hùng với biệt danh “độc cô cầu bại” này được hy vọng “có cửa” tranh chấp huy chương. Bởi lẽ, võ sĩ từng 5 lần vô địch SEA Games này cũng đã có thành tích, trình độ ở cấp châu lục. Dù vậy, sân chơi Olympic rõ ràng là “biển lớn”, nhất là khi môn teakwondo có sự tham gia của số đông VĐV, lại đều là những “tinh hoa” đến từ khắp nơi trên thế giới. Dù rất cố gắng, Nguyễn Văn Hùng đã phải dừng bước ở vòng tứ kết tại Athens năm 2004 và vòng 1/8 tại Bắc Kinh 4 năm sau đó. Nguyễn Văn Hùng giờ đây gánh trên mình trọng trách HLV trưởng bộ môn taekwondo Thanh Hóa. Anh cũng là một trong những VĐV có nhiều đóng góp nhất cho thể thao Thanh Hóa cả về thành tích quốc gia và quốc tế. Những kinh nghiệm và chuyên môn có được trong sự nghiệp chính là “giáo án” quý để Nguyễn Văn Hùng tiếp tục phát triển bộ môn teakwondo, giữ vững vị trí thế mạnh của thể thao tỉnh nhà trong thời gian tới.

Ngoài những gương mặt đáng chú ý nói trên, Thanh Hóa còn có VĐV Nguyễn Thị Hương tham dự môn bơi tại Olympic Sydney (Australia) năm 2000 và Phạm Thị Hiền, môn đua thuyền (rowing) tại Olympic Athens năm 2004. Tuy vậy, thành tích của 2 VĐV nói trên chỉ dừng ở vòng loại.

Thể thao Thanh Hóa đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ cho giai đoạn phát triển mới, với mục tiêu tăng số bộ môn lên trên 35, số lượng VĐV tăng lên trên 1.000. Qua đó không chỉ giữ vững mục tiêu nằm trong top 4 toàn quốc, mà còn phấn đấu bứt phá trên đấu trường quốc tế, vươn tầm châu lục để giành được nhiều hơn những tấm vé quý giá và mở ra cơ hội tham gia các kỳ Thế vận hội tiếp theo.

Mạnh Cường

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/the-thao/chuyen-ve-cac-van-dong-vien-thanh-hoa-tung-tham-du-cac-ky-the-van-hoi-olympic/141282.htm