Chuyện về các ama

Một nhóm các cụ già trong bộ đồ lặn màu đen bước xuống từ chiếc thuyền vừa từ ngoài khơi trở về, tràn đầy năng lượng.

Lên bờ, họ là những phụ nữ trong độ tuổi khoảng 60-80, nhưng khi ở dưới nước họ có thể bị nhầm là những thanh niên trẻ tuổi, lướt đi một cách nhẹ nhàng và duyên dáng trong vùng biển tối tăm của Thái Bình Dương. Họ là những ama, một cộng đồng ngư dân lặn tự do ở Nhật Bản.

“Tôi cảm thấy mình như nàng tiên cá khi lặn giữa những chú cá khác. Đó là một cảm giác thật sự tuyệt vời” - bà Hideko Koguchi chia sẻ. Bà đã làm việc với tư cách một ama tại thị trấn ven biển Toba, tỉnh Mie suốt 3 thập niên qua, và bà đang mong vẫn còn đủ sức làm việc trong 20 năm tới. Trang thiết bị của bà để phục vụ công việc này chỉ là một chiếc mặt nạ lặn để che mắt, mũi, một cặp chân vịt và bộ đồ lặn bó màu đen.

Chúng sẽ giúp bà làm việc trong những mùa lặn kéo dài 10 tháng mỗi năm. Khi đó, hiệp hội đánh bắt cá của địa phương sẽ nghiên cứu kỹ thời tiết, cùng với thông tin về trữ lượng hải sản mỗi ngày rồi phát loa thông báo cho các ama. Lúc làm việc, các ama cũng không có gì hơn ngoài những dụng cụ thô sơ như chiếc vòng nổi nhỏ để đánh dấu vị trí của họ khi ở dưới nước và một chiếc lưới để chứa những gì họ thu được.

Một ama ở Toba sau buổi làm việc.

Theo Japan Times, hiện tại, chỉ còn khoảng 2.000 ama trên khắp Nhật Bản, một sự giảm mạnh so với con số 12.000 ama vào năm 1930, dựa vào những thống kê của một bảo tàng hàng hải tại Toba. Shuzo Kogure, một chuyên gia và nhà nghiên cứu của Đại học Khoa học và Công nghệ Hàng hải Tokyo cho biết các đồ tạo tác trong lịch sử cho thấy các truyền thống của Nhật Bản có thể đã bắt đầu từ ít nhất 3.000 năm trước.

Trong số đó, những ama đã nhận được nhiều sự chú ý nhất. Những tấm ảnh hay bưu thiếp cũ cho thấy hình ảnh những thợ lặn ngực trần đi đánh bắt, một việc mà đã gần như kết thúc từ thế kỷ 20 nhưng vẫn được gắn liền với hình ảnh ama đi kèm với những huyền thoại. Bỏ qua những lời kể hư ảo, thực tế, những người phụ nữ này phải làm công việc khó nhọc bấy lâu nay để có thể nuôi sống gia đình tại những vùng hẻo lánh, nơi những loại hình nghề nghiệp khác bị hạn chế.

Sakichi Okuda, Giám đốc hợp tác xã đánh cá địa phương cho biết thời xưa, phụ nữ trẻ sẽ trở thành một ama ngay khi họ rời trường cấp hai. Trường hợp bà Koguchi và chị gái Michiko Hashimoto trở thành ama cũng tự nhiên như bà và mẹ của họ, những người đã chỉ dạy nghề cho họ từ khi họ còn nhỏ. Tuy nhiên, công việc và những kỹ năng gia truyền này sẽ không được truyền cho thế hệ sau nữa vì con cái họ đã rời nhà lên thành phố tìm một công việc ổn định hơn.

Những người phụ nữ Toba này luôn biết rằng đây là một nghề trả lương thấp và cực kỳ nguy hiểm. Đó cũng là lý do các ama dù muốn lớp trẻ tiếp quản công việc, nhưng không khuyến khích điều đó. Chính Okuda cũng phải thừa nhận, ngày nay việc theo công việc này không còn là một lựa chọn tốt. Để bảo tồn văn hóa này, ông cho rằng phải tìm cách tăng doanh thu cho các thợ lặn còn làm nghề.

Chuyên gia Kogure cho rằng nếu muốn bảo tồn và truyền tải giá trị của ama, truyền tải về cách sống của họ thì phải mở cửa chào đón những người lạ và từ bỏ tư tưởng truyền thống là nghề này chỉ có thể được truyền cho các thế hệ trong gia đình. Đồng thời, ông cũng nói rằng chính phủ nên hỗ trợ tài chính cho những thợ lặn. “Nếu ta có thể chấp nhận những điều đó, tương lai họ có thể sẽ sáng lạn hơn”.

Nhưng, vẫn có người trẻ muốn theo bước ama. Tại ngôi làng nhỏ Osatu lân cận, Ayami Nagata, bà mẹ 39 tuổi cho biết cô đã bắt đầu tham gia một khóa đào tạo ama vào năm ngoái, nối nghiệp bà mình. Cô khẳng định không tham gia vào ngành này để kiếm tiền, bởi mỗi mẻ cá chỉ kiếm được khoảng 10.000 yen. Đối với Nagata, đó là sự giải thoát, là những khoảnh khắc tự do vươn xa mà gia đình chắp cánh cho cô.

Vũ Khoa

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/the-gioi/chuyen-ve-cac-ama-63921.html