Chuyện về bà bác sĩ say mê làm từ thiện

Về Quảng Ninh, rất nhiều người biết bác sĩ Bàn Thị Cảnh (xã Đồng Lâm, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). Bà Cảnh 'nổi tiếng' không chỉ bởi trình độ, y đức mà còn bởi những công việc từ thiện bà làm mấy chục năm qua. Nhờ công việc từ thiện và tấm lòng từ mẫu mà bà đã cưu mang và có thêm hai người con gái nuôi là chị Triệu Thị Lan năm nay 34 tuổi và Đặng Thị Ngà (21 tuổi)...

Bác sĩ Bàn Thị Cảnh (thứ 3 từ trái sang) và con gái Đặng Thị Ngà (bìa phải) nhận hoa chúc mừng ngày thầy thuốc VN của đoàn cán bộ địa phương

Bác sĩ Bàn Thị Cảnh (thứ 3 từ trái sang) và con gái Đặng Thị Ngà (bìa phải) nhận hoa chúc mừng ngày thầy thuốc VN của đoàn cán bộ địa phương

Dành trọn thanh xuân gắn bó với vùng biên cương, hải đảo

30 năm công tác ở vùng cao, hải đảo của tỉnh Quảng Ninh, giờ đây đã nghỉ hưu nhưng bác sĩ Bàn Thị Cảnh vẫn được nhiều người nhắc đến. Là bác sĩ chuyên ngành gây mê, hồi sức cấp cứu công tác trong quãng thời gian đất nước còn khó khăn, khỏi phải nói công việc của bác sĩ Cảnh vất vả, áp lực như thế nào.

Bà Cảnh có dáng vẻ hiền từ, chất phác như một nông dân. Quãng thời gian bà công tác trong ngành là quãng thời gian đất nước còn nhiều khó khăn. Gắn bó 30 năm cùng người dân xứ đảo và vùng cao Quảng Ninh, bà đã kinh qua công tác ở những địa bàn vùng sâu vùng xa biên giới hải đảo như bệnh viện huyện Ba Chẽ, Hoành Bồ, Vân Đồn, Cô Tô... Cũng chính thời gian này, bà chứng kiến nhiều đứa trẻ bất hạnh, mồ côi, cơ nhỡ nên rất xót xa. Nên trong tâm, bà mong muốn chung tay góp sức để giúp đỡ những đứa trẻ này.

Vào những năm thập kỷ 90, bác sĩ Cảnh đã cùng nhiều tấm lòng hảo tâm khác, phối hợp cùng chính quyền địa phương nhận nuôi dạy trẻ mồ côi sơ sinh cùng Trại trẻ mồ côi của tỉnh Quảng Ninh. Thấy bà kinh tế không dư dả nhưng lại say mê làm từ thiện nên không ít người cho đó là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Nhưng bà quan niệm, “một miếng khi đói bằng gói khi no”, nếu mình phải đợi giàu có mới làm từ thiện thì biết bao mảnh đời cơ nhỡ sẽ mất cơ hội được chia sẻ, được cứu vớt…

Năm 1997, sau khi nghỉ hưu, gia đình bà đã chuyển về quê chồng sinh sống tại thôn Đồng Quặng, xã Đồng Lâm, huyện Hoành Bồ. Được biết đây là vùng núi với nhiều dân tộc sinh sống. Riêng thôn Đồng Quặng, có nhiều người dân tộc Dao định cư, đời sống còn nhiều khó khăn, vất vả. Hồi đó, đường sá đi lại còn khó khăn, điện lưới thì chưa có, trong khi văn hóa dân trí còn hạn chế, những hủ tục lạc hậu vẫn còn đó. Sức khỏe người dân kém, hay ốm đau bệnh tật. Nhưng bà không thấy đó mà buồn chán, ngược lại, vị bác sĩ muốn làm gì đó cho người dân địa phương, nên ngay lập tức, bác sĩ Cảnh đã quyết định mở tủ thuốc và khám chữa bệnh tại nhà.

Từ đó, căn nhà bác sĩ Cảnh trở thành địa chỉ uy tín, thân thiện của người dân mỗi khi bị bệnh. Việc ở một vùng núi cao, đi lại khó khăn mà xuất hiện một vị bác sĩ thì thật đáng mừng cho những người dân nơi đây. Từ đó, bác sĩ Cảnh lại tiếp tục mở phòng khám tại nhà để mong chữa bệnh cứu người. Tuy nhiên do nhân dân địa phương phần lớn còn nghèo nên hầu như bác sĩ Cảnh đều chữa trị và phát thuốc miễn phí. Một số ít trường hợp bà thu tiền nhưng chỉ lấy tiền để mua thuốc và dụng cụ y tế, nhằm duy trì tủ thuốc và hoạt động khám chữa bệnh.

Cứu bé gái hơn một ngày tuổi

Khi còn làm việc tại bệnh viện, chuyên khoa của bác sĩ Cảnh là sản và gây mê hồi sức cấp cứu. Năm 1999, hay tin bé gái hơn một ngày tuổi bị bỏ rơi ở bìa rừng, bác sĩ Cảnh đã trực tiếp lặn lội đi vào rừng tìm. May mắn thay, bé gái cũng được tìm trong tình trạng dằm gai đâm, da thì tái thâm, đất bám vào, nhau thai có hiện tượng vừa bị con vật ăn còn để lại dấu vết. Do hơn một ngày không có thứ gì lót bụng nên đứa trẻ khóc không thành tiếng.

Bằng kiến thức và kinh nghiệm của mình, bà Cảnh đã tiến hành sơ cứu tại chỗ, hà hơi tiếp sức, làm ấm đứa trẻ. Nhận thấy đứa trẻ có dấu hiệu của sự sống, dù nhỏ nhoi, bà quyết định đưa về nhà chăm sóc, nuôi nấng, dạy dỗ như con đẻ. Bé gái đó là Đặng Thị Ngà, năm nay đã 21 tuổi. Được biết, đứa trẻ là con một sản phụ nghèo vùng sâu, do ở xa cơ sở y tế nên sản phụ sinh nở tại nhà. Đứa trẻ ra ngược, bà đỡ bất cẩn khiến người mẹ bị băng huyết và tử vong sau đó. Do hủ tục lạc hậu, khi đứa trẻ sinh ra khiến mẹ mình chết thì bị vứt bỏ lại bìa rừng.

Hôm chúng tôi đến thăm bà Cảnh, Ngà cũng có ở nhà. Cô gái đảm đang, trông phúc hậu, cô pha trà rót nước mời khách và rất xúc động khi kể lại câu chuyện của mình. Cũng hôm đó, do gần ngày thầy thuốc Việt Nam, chúng tôi bắt gặp cán bộ địa phương cùng hai nhà hảo tâm: ông Phạm Kỳ Anh (TGĐ - Công ty Unilife Air Fresh Việt Nam) và bà Phùng Giang Quỳnh (Giám đốc thương hiệu Quynh PG & Academy), đã đến thăm hỏi, tặng quà bác sĩ Cảnh. Họ là những người nghe tiếng lành của bác sĩ Cảnh mà đến đây.

Đặng Thị Ngà tâm sự, mẹ Cảnh là tất cả đối với cô, mẹ không những có ơn cứu mạng mà còn có ơn nuôi dưỡng Ngà nên người. Tình cảm bác sĩ Cảnh dành cho cô con gái dù không phải mang nặng đẻ đau là vô bờ bến, chính thế mà cô luôn cảm động khi kể về mẹ.

Bà Cảnh còn có một người con gái nuôi nữa là chị Triệu Thị Lan, 34 tuổi. Hai chục năm trước, Lan cũng là một bé gái lang thang cơ nhỡ ở vùng cao. Năm 2001, khi đó Lan mới hơn 10 tuổi, do bị bỏ rơi nên đi qua hết xóm này làng nọ để ở đợ kiếm cái ăn. Tuy nhiên, Lan thường bị bỏ đói và đánh đập nhiều lần thành bệnh, không chịu được nên đã tìm đến bác sĩ Cảnh. Gặp Lan, bác sĩ Cảnh xúc động xót lòng, rồi nhanh chóng chữa lành bệnh và nhận nuôi. Giờ đây, chị Lan đã lập gia đình riêng và có hai con. Dù không ở gần mẹ nuôi, nhưng chị Lan vẫn hay về thăm mẹ với lòng biết ơn...

Vũ Đoàn

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/song-moi/chuyen-ve-ba-bac-si-say-me-lam-tu-thien-499117.html