Chuyện về Anh hùng lực lượng vũ trang bắn rơi 7 máy bay Mỹ

Đại tá Nguyễn Văn Bảy, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, ở ấp Hậu Thành, xã Hòa Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, là một trong 70 cá nhân trên toàn quốc sẽ được vinh danh tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra 'Lời kêu gọi thi đua ái quốc' (11/6/1948 - 11/6/2018) tổ chức tại Hà Nội vào tháng 6 tới.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy kể về trận đánh “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Ảnh: baodongthap.com.vn

Ông Nguyễn Văn Bảy (83 tuổi), tên thật là Nguyễn Văn Hoa, tham gia cách mạng khi mới 17 tuổi. Đến tháng 10/1954, ông qua Bắc Cao Lãnh (thuộc thị xã Cao Lãnh) ngày nay, xuống tàu tập kết ra Bắc. Ra miền Bắc, đơn vị của ông di chuyển từ Thanh Hóa đến Thái Bình, Nam Định, rồi đóng quân ở Xuân Mai, Hà Tây (cũ). Sau đó, đoàn bác sĩ của Bộ Quốc phòng đến khám sức khỏe, tuyển phi công; đơn vị Đồng Tháp chọn được 2 người, trong đó có ông Bảy. Sau khi được tuyển chọn, ông theo học tại Trường bổ túc văn hóa Lạng Sơn, được phổ cập nhanh từ lớp 4 lên lớp 10 để sang Liên Xô học lái máy bay.

Ông kể, ban đầu ông học lái máy bay thể thao, tiếp theo là máy bay YaK-52, Mig 15, Mig 17. Sau 3 năm học lái thành thạo máy bay chiến đấu, ngày 5/4/1965 ông trở về Việt Nam.

Trong thời gian lái máy bay chiến đấu từ năm 1965-1968, ông Bảy tham chiến trên mặt trận không đối không, bắn hạ 7 máy bay Mỹ (2 chiếc F-105 và 5 chiếc F-4, được xếp hạng ACES).

Ông Bảy nhớ trong 4 lần đầu bắn rơi máy bay địch, ông đều được Bác Hồ gửi quà tặng. Sau đó, ông bắn rơi thêm 3 máy bay địch, Bác chỉ đạo ông huấn luyện lớp phi công trẻ. Ngày 1/1/1967, khi đang là Đại đội phó, Đại đội 1 Không quân, thuộc Trung đoàn 923, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Sau đó, ông được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam.

Đại tá Nguyễn Văn Bảy từng giữ chức vụ quan trọng trong Quân đội như: Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 937, Phó Tư lệnh Sư đoàn 372, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân Việt Nam. Ông tham gia Quốc hội khóa IV, V. Đến ngày giải phóng miền Nam 1975, ông được giao tiếp quản sân bay Cần Thơ, tham gia điều hành các sân bay Tân Sơn Nhất, Biên Hòa và chỉ huy làm nhiệm vụ tại Campuchia.

Ông cũng vinh dự được đứng gác linh cữu Chủ tịch Hồ Chí Minh (15 phút), sau đó được trực tiếp bay và chỉ huy 12 máy bay bay qua Quảng trường Ba Đình đưa tiễn Bác.

Năm 1990, ông nghỉ hưu và trở về sinh sống tại ấp Hậu Thành, xã Hòa Thành, huyện Lai Vung. Ở địa phương ông chia sẻ nhiều kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, ông tìm hiểu trên sách báo cho bà con địa phương.

Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Bảy còn rất minh mẫn. Ông thường kể cho con cháu, thế hệ trẻ ở địa phương về sự khốc liệt của chiến tranh, tinh thần quả cảm của bộ đội ta. Tiền lương hằng tháng, ông đều dành một phần cho công tác từ thiện ở địa phương như làm đường nông thôn, góp gạo từ thiện cho Trường Khuyết tật tỉnh Đồng Tháp, góp phần vào công trình thắp sáng đường quê…

Nguyễn Văn Trí (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/nguoi-tot-viec-tot/chuyen-ve-anh-hung-luc-luong-vu-trang-ban-roi-7-may-bay-my-20180525070540503.htm