Chuyện từ hiệu sách lâu đời nhất nước Anh

Trên con phố Piccadilly sầm uất có một ngôi nhà 5 tầng mặt tiền rộng rãi. Đó là Hatchards, hiệu sách lâu đời nhất nước Anh, một địa chỉ văn hóa có thứ hạng của thủ đô London. Sức hấp dẫn của hiệu sách cổ với 228 năm tuổi đối với công chúng khiến người viết những dòng này liên tưởng đến sự bảo tồn và phát huy những giá trị cổ kính của Vương quốc Anh.

Ông chủ John Hatchards mở cửa hàng sách này vào năm 1797. Ông và những người nối nghiệp đã duy trì hoạt động của hiệu sách từ khi mở cửa đến nay hơn 2 thế kỷ.

Hiệu sách 228 năm tuổi trên con phố Piccadilly sầm uất. (Ảnh: NVCC)

Gìn giữ nguyên vẹn

Ngay dáng vẻ bên ngoài Hatchards đã khiến người yêu văn hóa đọc yêu thích. Mấy tủ kính lớn trông ra đường phố luôn được xếp đặt đẹp mắt những cuốn sách đang được các diễn đàn văn hóa lưu tâm và khen ngợi. Toàn bộ khung cửa tầng đất (tầng trệt), nghe nhân viên bán sách kể, từ xưa đến nay vẫn giữ trường kỳ màu xanh rêu đậm như làm tăng thêm sự cổ kính. Nhưng nếu đứng bên kia đường Piccadily nhìn sang lại thấy các tầng trên cố ý bố trí màu sắc nhẹ nhàng hơn, với lớp sơn xanh nhạt. Điều đó khiến khung cảnh tòa nhà có độ tương phản màu sắc, xem ra “bắt mắt” hơn đối với người đi dạo phố thời nay.

Các khuôn cửa sổ phơi ra mặt đường trông hài hòa, vững chãi. Phần trên khung cửa sổ đều uốn vòm, nét kiến trúc được miêu tả trong các tiểu thuyết của thời Dickens (1). Bên lối vào, sau quầy đón khách, gia huy Hoàng gia Anh được gắn trên tường. Người trực quầy sách nói với tôi vẻ tự hào, rằng cửa hàng của họ từng được Nữ hoàng Anh tới chọn mua những cuốn sách ưa thích. Ở ngoài cửa vào, tôi còn để ý một tấm biển khắc dòng chữ khá dài, ghi rằng Hội làm vườn Hoàng gia Anh đã họp tại hiệu sách này ngày 7/3/1804 để thành lập hội nghề nghiệp của họ. Đó quả là những niềm hãnh diện mà không phải cơ sở văn hóa nào cũng có được. Và đương nhiên đấy là tấm giấy bảo hành rất có giá trị cho vị thế hiệu sách này trước công chúng.

Do thích thú về cách bài trí và sự phong phú của các đầu sách được đánh giá là hay nhất xuất bản ở Anh, tôi đã đến nơi đây không chỉ một lần. Nhờ đó mà biết được rõ hơn những cuốn sách đang hot với người thích đọc sách tại Anh quốc. Khó thua cuộc nếu dám đánh cược, rằng bất cứ một ai yêu sách khi đặt chân tới Hatchards mà lại không mê mẩn bần thần, và rồi sẽ không muốn rời những kệ sách xếp cao ngất lên tới trần nhà nhưng luôn ngay ngắn. Sách ở đây không những nhiều mà còn được chọn lọc chất lượng.

Một nét đẹp nổi bật trong kiến trúc ngôi nhà, theo tôi, là những cầu thang gỗ. Chúng giữ nguyên dáng cổ, màu gụ thẫm uốn lượn suốt 5 tầng cầu thang. Nằm dọc ngay bên cầu thang là những cuốn sách bày khéo, vừa tầm mắt rất thu hút những dân mê sách. Hàng chục căn phòng trong ngôi nhà được bày biện hằng hà sa số sách là sách (trong số đó có 1 tầng hầm cũng bày sách, bù cho tầng 5 cầu thang dẫn lên được chắn lại, có thể là dành cho gia đình người chủ, hoặc là văn phòng điều hành hiệu sách này).

Đúng là danh bất hư truyền, Hatchards luôn là nơi tập trung những sách hay, sách quý. Những đầu sách thời thượng, sách bán chạy nhất (best-seller) đều luôn có tại cửa hàng, khách hỏi đến là được đáp ứng. Hôm tôi đến, 2 cuốn sách đang chạy hàng tại nước Anh lúc đó là tập hồi ký “Becoming” (Trở thành) của nguyên Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama và cuốn “Private Eye Annual 2018” (Dưới góc nhìn từng cá nhân cho năm 2018) đang được đông đảo người đọc chọn mua.

Điều đặc biệt của Hatchards là kho sách cũ (xuất bản nhiều thập kỷ trước) đều được sưu tập đưa về cửa hàng. Bữa tôi đến thấy những hộp đựng sách mà khách đặt mua được đóng gói rất đẹp mắt, y như một tặng phẩm, được xếp sẵn trong kệ tủ chờ khách đến lấy. Phía trên hai tủ ghi dòng chữ sơn trắng to nổi bật: “Hatchards recommends”; và “Hatchards selection”.

Điểm xuyết chỗ này chỗ khác, người ta khéo bày biện những kỷ vật, như chiếc xe thùng 3 bánh một người đạp mà hồi xưa Hatchards từng bán sách lưu động; vài tấm hóa đơn bán sách lồng khung kính được giữ lại từ năm 1815; rồi những tấm ảnh cũ ghi dấu khách hàng tới mua sách cùng chân dung khá lớn ông chủ John Hatchards. Tất cả hiện lên như một bảo tàng thu nhỏ về hiệu sách cổ này.

Cách bảo tồn và bố trí bài bản làm toát lên nét cổ kính của một hiệu sách nằm giữa London hiện đại khiến tôi liên tưởng đến hàng chục hàng trăm nơi chốn khác mà tôi có dịp ghé thăm đều thấy người Anh họ làm giống y, nhất quán. Nghĩa là những giá trị cổ xưa được tuyệt đối giữ gìn, không tiếc đầu tư tiền của, nhân lực để phát huy nó hết cỡ trong hiện tại.

Bên trong hiệu sách lâu đời nhất nước Anh. (Ảnh: NVCC)

Bảo tồn hiệu quả di sản

Nói thế nghĩa là các di sản văn hóa nghệ thuật của nước Anh đã được gìn giữ theo một cách đặc biệt. Khách nước ngoài tới Anh có thể lựa chọn rất nhiều chương trình thăm thú văn hóa, lịch sử rất phong phú và hấp dẫn. Có hàng trăm công trình, địa điểm văn hóa được bảo tồn chi li, tỉ mỉ. Công sức, vốn liếng bỏ ra để gìn giữ lâu dài là không nhỏ. Bù lại, nhiều công trình có giá trị được phép thu vé. Vé vào cửa không rẻ nhưng vẫn luôn đông khách, do chúng đều rất đáng xem. Khách thăm không có cảm giác phí tiền, hoặc như là bị móc túi.

Thủ đô London đương nhiên có nhiều công trình cổ kính đẹp như mơ. Bảo tàng cấp quốc gia rất có giá trị lại thường miễn phí khi vào cửa. Còn các địa phương cũng không kém cạnh, đều tạo nên sức thu hút lớn lao của các công trình cổ xưa ở đó. Tôi đã đến xứ Wales, xứ Scotland, đến thành phố đại học Oxford, hay thành phố biển Brighton & Hove, đến đâu du khách cũng đều được ghé thăm những công trình, những di tích văn hóa cổ kính được bảo tồn gìn giữ không thể chê vào đâu được.

Trong công việc gìn giữ “kho của quý hiếm” này, người Anh có một triết lý đặc biệt. Là hãy biết trân quý vốn cổ. Có thể chi cho chúng thật nhiều tiền để bảo tồn, phục chế. Nếu có tầm nhìn thì không bao giờ sợ lỗ vốn, phá sản với những giá trị văn hóa thật sự cổ xưa. Con người càng văn minh hiện đại càng biết quý trọng những giá trị cổ xưa, chứng tích một thời đã qua. Cái của để dành là vô giá, bởi vốn liếng, giá trị đó không bao giờ người đời sau tạo ra được nữa. Cho nên ở Vương quốc Anh không có hiện tượng một công trình một hai trăm tuổi (hoặc hơn nữa), bỗng một “ngày đẹp trời” trở thành công trình “1 năm tuổi” như ở một số nước ham hố dự án, phá tung hết, làm mới cho to tát hoành tráng!

Du khách thăm Anh có cảm giác công việc bảo tồn bảo tàng ở xứ sở này không phải dựa vào một ý chí và mục đích to tát viển vông mà có nghiên cứu và khảo nghiệm. Họ không chạy theo “phong trào”, rượt đuổi thành tích thói thời thượng… mà đều dựa trên những tính toán khoa học trong một chiến lược dài hơi cùng lớp lang sách lược ngắn hạn bài bản cụ thể. Khôn ngoan hơn nữa là nhà nước của họ không ôm lấy tất cả, suy tôn độc quyền với những dự án kiểu “xin-cho”, mà dành để khu vực tư nhân cùng đầu tư rồi tự quản điều hành, kể cả đối với những dự án tầm quốc gia.

Ai đã đến Edinburg, Scotland không thể không thăm Lâu đài cổ (Edinburgh Castle). Vé vào cửa năm 2018 là 17,5 Bảng (chừng 540.000 VND). Tại đây du khách như được đắm mình trong không gian thành quách cổ xưa. Đó là một quần thể pháo đài, tháp canh nghiêm ngặt, cung điện đền đài nguy nga… tọa lạc trên một ngọn núi đá nằm ngay trung tâm của thủ phủ. Với lượng khách nhiều nghìn người mỗi ngày, số tiền thu được là rất lớn. Xứ Wales và hai thành phố Brighton và Oxford cũng vậy. Nơi nào cũng có những điểm thăm vô cùng hấp dẫn và độc đáo, luôn thu hút đông đảo người tham quan. Các công trình có tuổi trăm năm đều được tu bổ với vẻ vẹn nguyên nhất có thể. Đây là một công việc mà người Anh đã làm thực sự xuất sắc. Chính điều đó khiến Vương quốc Anh luôn là điểm đến ưa thích của hàng triệu du khách khắp nơi trên thế giới...

(1) Charles Dickens (1812 – 1870) là nhà văn nổi tiếng của nước Anh.

Nguyễn Vĩnh

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/chuyen-tu-hieu-sach-lau-doi-nhat-nuoc-anh-86660.html